Bến Tre vốn được cả nước biết đến với phong trào “ Đồng khởi” năm 1960; 2 di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia như: Khu lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định; Khu di tích (KDT) Đồng khởi; nhiều Khu di tích lịch sử cấp quốc gia khác như: Chùa Tuyên Linh, nhà cổ Huỳnh Phủ, Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam; Bến tàu không số Thạnh Phong; KDT Nguyễn Đình Chiểu… Năm 2021, Bến Tre có thêm 1 kỳ quan vô cùng độc đáo là 13 bộ đàn đá quý hiếm được đặt tại công viên Bến Tre, tạo thêm một dấu ấn đáng nhớ cho những ai có dịp đến đây.
Bộ đàn đặc biệt từ một nghệ nhân đặc biệt
Mốc lịch sử đáng ghi nhận là bộ đàn trên được nghệ nhân Trường Đình Chiếu ( hiện đang cư trú tại TP Hồ Chí Minh) trao tặng đúng vào dịp Bến Tre tổ chức kỷ niệm 61 năm ngày Đồng Khởi ( 17/1/1960 - 17/1/2021).
Ông Chiếu bày tỏ cảm xúc của mình trong buổi lễ: “Đây là tình cảm chân thành của tôi, nhiệt huyết của tôi dành cho quê hương Bến Tre. Tôi đã đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ cho bộ đàn này với mong muốn bảo tồn nền văn hóa dân tộc, tạo điều kiện tốt nhất để mọi người hiểu nhiều hơn, tiếp cận dễ dàng hơn và thụ hưởng nền văn hóa bản sắc quê hương rất giàu đẹp và phong phú”.
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu biểu diễn trên 13 bộ đàn đá của mình
Theo thiết kế của nghệ nhân, mỗi bộ đàn đá có hình dáng như một chiếc ghe, tượng cho hình ảnh đời sống người dân vùng sông nước Nam Bộ. Trên hai đầu ghe có biểu tượng hình trái dừa. Con số 13 mang ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; 13 bộ đàn hình thành như một đoàn ghe của quê hương xứ Dừa hướng đến sự phát triển không ngừng của Bến Tre. Đây cùng là thành phố đầu tiên của cả nước sở hữu bộ đàn đá đẹp, lớn, hoành tráng nhất trên phạm vi cả nước. Từ đó, UBND tỉnh Bến Tre đã bố trí điểm trưng bày rất thoáng mát, trang trọng trên gò đất khá cao có trồng nhiều hoa kiểng cảnh và một số tiểu cảnh đẹp để người dân tha hồ đến thưởng lãm, chụp ảnh lưu niệm.
Nghệ nhân, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu được giới nghệ thuật và công chúng biết đến là một người có biệt tài chơi được 100 loại nhạc cụ khác nhau, có khả năng phối khí cùng lúc 10 loại nhạc cụ. Ông Chiếu đã chế tác trên 300 bộ đàn đá và trao tặng cho nhiều địa phương khác nhau với mong muốn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa hiếm hoi của vùng đất miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, của dân tộc nói chung.
Trân trọng, phát huy tác dụng của bộ đàn
Chúng tôi đã đến đây để chứng kiến tận mắt nét đồ sộ, hoành tráng của 13 bộ đàn đá độc đáo với sự khâm phục và ngưỡng mộ sự kỳ công cùng nét tài hoa của một nghệ nhân nặng lòng với hàng trăm bộ đàn đá.
Ông Trần Hoàng Tiến, ngụ phường Phú Khương, TP Bến Tre nhận xét: “Đây quả là tài sản cực kỳ quý hiếm với người dân Bến Tre. Tôi rất khâm phục tài năng của ông Trường Đình Chiếu vừa chế tác khéo léo, lại vừa biểu diễn rất tuyệt vời trên 13 bộ đàn. Tôi và lớp con cháu rất mong chính quyền phát huy tốt giá trị toàn bộ bộ đàn, trong đó chú trọng đến việc tiếp thu, truyền dạy cách sử dụng để không lãng phí, mai một kỳ quan hiếm hoi này”.
Có đến Bến Tre, có trực tiếp lắng nghe âm thanh vang dội từ 13 bộ đàn đá, du khách mới thực sự bị cuấn hút bởi những thanh đá núi lửa được sưu tầm công phu, mỗi thanh đá là một nốt nhạc riêng. Điều rất kỳ lạ là bộ đàn có thể chơi được tất cả các bài nhạc từ cổ điển đến hiện đại. Vì vậy, mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, trình độ… nếu yêu thích đều có thể học sử dụng.
Để tạo điều kiện cho nhiều người làm quen với cách chơi đàn, trong thời gian qua, ông Chiếu đã tổ chức dạy cho nhiều giáo viên âm nhạc, nhạc công tại các trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố, huyện… để họ trở thành những nhạc công sử dụng và truyền đạt cho lớp người kế tục.
Tri ân tấm lòng của nghệ nhân, trong buổi tiếp nhận, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre khẳng định sẽ bảo quản, giữ gìn, khai thác tốt nhất tiềm năng của bộ đàn quý hiếm và sẽ biến công viên điểm dừng chân lý thú, hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến quê hương “Đồng khởi” Bến Tre.
Một số bộ đàn đá được trưng bày tại công viên Bến Tre
Tác giả: Phan Thị Anh Thư
Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021