Với hệ thống di tích đậm đặc (đình, đền, chùa…), nhiều lễ hội nổi tiếng... chứa đựng giá trị văn hóa tâm linh độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, Bắc Ninh có nhiều tiềm năng để phát huy thế mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, để du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh phát triển tương xứng với tài nguyên và tiềm năng vốn có, thì vẫn còn những vấn đề đặt ra, cần có các giải pháp phát triển bền vững cho điểm đến.
Du khách tham quan Đền Đô - Ảnh: Minh Anh
1. Đặt vấn đề
Bắc Ninh có nguồn tài nguyên đa dạng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh thể hiện ở chiều sâu văn hóa, gắn liền với truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng. Từng là một trung tâm kinh tế, chính trị, tôn giáo của Việt Nam trong lịch sử, Bắc Ninh hội tụ nhiều giá trị văn hóa tâm linh, với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa gồm khoảng 1.259 điểm di tích. Trong đó, có 428 điểm di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng (gồm 191 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia và 237 di tích được công nhận di tích cấp địa phương).
Thời gian qua, du lịch văn hóa tâm linh đã khẳng định vị trí, động lực nền tảng và có ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện hóa tầm nhìn xây dựng một Bắc Ninh phát triển toàn diện và bền vững. Tỉnh Bắc Ninh đang phát triển hệ thống tuyến, điểm du lịch, trong đó có du lịch tâm linh gắn với các di tích, đình, đền, chùa, đầu tư cải tạo, xây dựng các thiết chế văn hóa.
Với tiềm năng, lợi thế lớn và được nhiều du khách quan tâm, Du lịch Bắc Ninh đã đạt được những kết quả tích cực như: lượng khách du lịch đến tỉnh Bắc Ninh tăng từ 788 nghìn lượt khách (2021) lên 1,2 triệu lượt khách (2022) và tăng 52,3%; doanh thu du lịch tỉnh Bắc Ninh tăng từ 530 tỷ đồng (2021) lên 830 tỷ đồng (2022), tăng 56,6%; Số lượng nhân lực du lịch tỉnh Bắc Ninh tăng từ 3.827 người (2020) lên 4.161 người (2021) và tăng 8,7; cơ sở lưu trú của tỉnh cũng tăng từ 390 cơ sở (2020) lên 448 cơ sở (2021) và tăng 14,9% (1).
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng đang khai thác rất tốt các điểm du lịch trọng điểm như: chùa Phật Tích (huyện Tiên Du); chùa Dâu (huyện Thuận Thành); chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành); đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh); đền Tam phủ (huyện Gia Bình); làng Viêm Xá (TP Bắc Ninh)… Và để các điểm du lịch đó có tính liên kết, giữ chân du khách lâu nhất thì tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và triển khai các tour, tuyến du lịch tiêu biểu như: Tuyến TP Bắc Ninh - TP Từ Sơn (gồm các điểm đến: đền bà Chúa Kho - làng Diềm - Đền Đô - làng nghề Đồng Kỵ); Tuyến TP Bắc Ninh - thị trấn Hồ (gồm các điểm đến: đền Bà Chúa Kho - làng Diềm - Làng tranh dân gian Đông Hồ - lăng và đền thờ Kinh Dương Vương - chùa Dâu - chùa Bút Tháp); Tuyến TP Bắc Ninh - huyện Quế Võ - huyện Gia Bình (gồm các điểm đến: Văn miếu Bắc Ninh - chùa Dạm - làng nghề gốm Phù Lãng - đền thờ Lê Văn Thịnh - đền thờ Cao Lỗ Vương - di tích Lệ Chi Viên - làng nghề đúc đồng Đại Bái).
Lượng khách đông đến di tích đền Bà Chúa kho mùa lễ hội luôn đặt ra những thách thức trong công tác quản lý - Ảnh tư liệu: Minh Quân
Một số tour trọng điểm như: Bên dòng Như Nguyệt (gồm các điểm đến: đền Bà Chúa Kho - làng cổ quan họ Viêm Xá - các di tích chiến tuyến sông Như Nguyệt - làng tiến sĩ Kim Đôi - trải nghiệm làng nghề gốm Phù Lãng); Tour Huyền thoại một dòng sông (gồm các điểm đến: lăng Kinh Dương Vương - chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ - chùa Phật Tích - núi Thiên Thai, đền thờ Lê Văn Thịnh - làng mây tre Xuân Lai - khu di tích Lệ Chi Viên - chùa Đại Bi - đền thờ Cao Lỗ Vương - bến Bình Than) (2).
Để nghiên cứu về phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh, tác giả bài viết sử dụng 2 phương pháp là phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu thứ cấp và phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu sơ cấp:
Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu thứ cấp: Dựa trên cơ sở khảo sát các tài liệu nghiên cứu liên quan trong nước và quốc tế về phát triển du lịch tâm linh… tác giả đã có sự tổng hợp, cập nhật và phát triển vào công trình nghiên cứu, từ đó xây dựng cơ sở lý luận về đề tài.
Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu sơ cấp: Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua bảng hỏi. Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert (3) 5 mức độ để đo lường sự đánh giá của du khách: 1 - Rất không hài lòng, 2 - Không hài lòng, 3 - Trung lập, 4 - Hài lòng, 5 - Rất hài lòng. Thu thập thông tin từ các phiếu khảo sát đã được đưa cho khách du lịch trước đó. Kết quả thu được xử lý bằng phần mềm SPSS 26.0.
2. Kết quả nghiên cứu
Về giới tính: mẫu nghiên cứu bao gồm 129 nam (chiếm 37,6%), 192 nữ (chiếm 56,0%) , 22 giới tính khác (chiếm 6,4%).
Về độ tuổi: mẫu nghiên cứu bao gồm 15 khách có độ tuổi từ 10-15 tuổi (chiếm 4,4%), 59 khách từ 16-23 tuổi (chiếm 17,2%), 107 khách từ 24-35 tuổi (chiếm 31,2%), 162 khách từ 36-50 tuổi (chiếm 47,2%).
Về trình độ học vấn: mẫu nghiên cứu gồm 49 khách có trình độ sau đại học (chiếm 14,3%), 175 khách có trình độ cử nhân (chiếm 51,0%), 119 khách là trình độ Trung học cơ sở - Trung học phổ thông (chiếm 34,7%).
Có thể thấy, phát triển du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh, cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, môi trường và xã hội, dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh, an ninh trật tự và an toàn du lịch tâm linh, giá cả dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến và quảng bá du lịch tâm linh. Các yếu tố này được tác giả nghiên cứu và đánh giá thông qua quá trình khảo sát khách du lịch, cho thấy hầu hết khách du lịch đều đánh giá cao các điều kiện này.
Tác giả sử dụng phần mềm SPSS 26.0, (là một trong các phần mềm chuyên dùng cho nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu xã hội, y tế, giáo dục… được sử dụng làm công cụ trong thống kê phân tích số liệu), để kiểm định nhân tố phát triển du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh, kết quả cho thấy các yếu tố trên đều có độ tin cậy trung bình là 0,8.
Bảng 1. Kiểm định nhân tố phát triển du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh
Dùng kiểm định KMO (5) và Bartlett (6) để kiểm tra mức độ thích hợp của dữ liệu trước khi chính thức tiến hành phân tích nhân tố khám phá. Theo Kaiser (1974, trích dẫn bởi Nguyễn Đình Thọ, 2011) trong cuốn Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh cho biết chỉ số KMO ≥ 0,9: rất tốt; KMO ≥ 0,8: tốt; KMO ≥ 0,7 được; KMO ≥ 0,6: tạm được; KMO ≥ 0,5: xấu; KMO < 0,5: không thể chấp nhận được. Nghiên cứu cho thấy được tác động của các nhân tố đối với sự phát triển văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh, trong đó tác động mạnh nhất của từng nhân tố là:
Đối với giá cả dịch vụ, thì giá cả mua sắm và giá cả tham quan có tác động mạnh nhất do có điểm số lớn nhất là 0,891 và 0,855. Đối với tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh: tài nguyên du lịch văn hóa đáp ứng được mục đích vãn cảnh, tâm linh của du khách (0,839); khả năng tiếp cận tốt (0,837) tác động mạnh nhất. Đối với môi trường xã hội: sự hiếu khách của người dân địa phương (0,873); nhà vệ sinh sạch sẽ (0,842) tác động mạnh nhất.
Đối với dịch vụ du lịch: các hoạt động du lịch tâm linh đa dạng (0,883); tour đáp ứng trải nghiệm du khách (0,875) tác động mạnh nhất. Đối với an ninh trật tự và an toàn du lịch tâm linh: tình trạng ăn xin (0,870); tình trạng bán hàng rong và chèo kéo (0,863) tác động mạnh nhất.
Đối với nguồn nhân lực du lịch: chất lượng nhân lực phục vụ du khách tốt (0,863); hướng dẫn viên (0,851) tác động mạnh nhất.
Đối với cơ sở hạ tầng: thiều trung tâm mua sắm (0,912); hệ thống giao thông thuận lợi giữa các điểm tham quan (0,907) tác động mạnh nhất.
Còn đối với xúc tiến quảng bá du lịch: quảng bá qua các kênh thông tin đại chúng (truyền hình, báo chí, mạng xã hội, trang web… là 0,909); truyền thông sự kiện (hội chợ, triển lãm, festival…: 0,891) tác động mạnh nhất.
Qua nghiên cứu, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực thời gian qua, thực tế các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh tại tỉnh Bắc Ninh vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Thứ nhất, người dân chưa nhận thức trọn vẹn trong việc phát triển du lịch tâm linh, chưa hiểu biết về sự quản lý và sở hữu sản phẩm du lịch tâm linh, chưa có sự đồng nhất và hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân trong phát triển du lịch văn hóa tâm linh; Thứ hai, các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô nhỏ lẻ, tự phát là chủ yếu, chất lượng chưa cao, chưa có tính hệ thống và kết nối, chưa được nâng cấp toàn diện, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch chưa cao; Thứ ba, nguồn lao động phục vụ du lịch văn hóa tâm linh còn thiếu, chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, lao động du lịch chuyên môn chưa cao; Thứ tư, lượng khách du lịch văn hóa tâm linh đến tỉnh Bắc Ninh không ổn định, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; Thứ năm, việc triển khai các Nghị quyết, Đề án về du lịch của tỉnh, huyện chưa thực sự quyết liệt, chưa cụ thể, công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch chưa đồng bộ, mức độ tham gia của người dân còn mang tính tự phát; Thứ sáu, môi trường tại một số điểm du lịch cộng đồng đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm. Do đó, để phát triển du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh bền vững hơn, cần có những giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa tâm linh trong kinh doanh du lịch
UBND tỉnh Bắc Ninh cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để giúp đỡ cộng đồng cư dân trong việc cung cấp những kiến thức đặc thù để làm du lịch tâm linh; tập huấn các kỹ năng, cách tiếp đón, phục vụ khách du lịch, giao tiếp ứng xử văn hóa với khách du lịch… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các đơn vị liên quan trong phát triển du lịch tâm linh.
Thứ hai, tăng cường đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh
Bắc Ninh là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa tâm linh thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, hoạt động du lịch văn hóa tâm linh còn chưa đạt được kết quả cao như mong muốn. Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung đầu tư đồng bộ giữa hoạt động trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, gìn giữ các di sản văn hóa với kết cấu hạ tầng, cảnh quan. Để phát triển du lịch văn hóa tâm linh hiệu quả và bền vững, tỉnh Bắc Ninh đã xác định phát triển du lịch là trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân. Phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung đầu tư vào các lĩnh vực lưu trú, giải trí, làng nghề, mua sắm.
Thứ ba, tăng cường công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối trung tâm, khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh, điểm di sản văn hóa
Trong mục tiêu phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở Bắc Ninh, việc triển khai quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch phù hợp với Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc làm cần thiết, trong đó có hệ thống giao thông. Bắc Ninh là tỉnh có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua địa bàn tỉnh như quốc lộ 1, quốc lộ 18, quốc lộ 38... Để kích cầu du lịch, tỉnh cũng có các chính sách đầu tư để phát triển tỉnh lộ 295B, quốc lộ 17, cầu Bình Than kết nối với quốc lộ 18 và nối với cầu Quế Tân sang huyện Yên Dũng, Bắc Giang để tạo sự thuận lợi kết nối liên vùng du lịch với thành phố Hà Nội và các địa phương, liên vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc… tạo môi trường thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, vận chuyển góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Công tác bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng các sản phẩm du lịch xanh trong du lịch tâm linh bền vững cũng cần được quan tâm, trong đó cần tập trung triển khai quy hoạch, phát triển “vành đai xanh - vùng đệm” dọc hành lang sông Cầu và sông Đuống, xung quanh các điểm du lịch tâm linh. Phát triển rừng đặc dụng, rừng cảnh quan các đồi, núi khu vực núi Phật Tích (huyện Tiên Du) để phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch khám phá ở các địa bàn di sản du lịch ở tỉnh Bắc Ninh.
Thứ tư, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh
Chú trọng công tác hướng nghiệp du lịch, gắn kết giữa ngành Giáo dục đào tạo với phát triển du lịch tâm linh, khơi dậy đam mê, sáng tạo, tình yêu quê hương đất nước, con người, đồng thời tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường cần được chú trọng quan tâm và đầu tư hữu hiệu hơn, đi vào các yếu tố đặc thù sâu của các nhân lực làm du lịch tâm linh cần có.
Thứ năm, quảng bá du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh
Cần xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch tâm linh tỉnh Bắc Ninh xứng tầm, bài bản, chuyên nghiệp, định vị truyền thông thương hiệu cụ thể. Các hình thức xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh tỉnh Bắc Ninh cần định hướng đúng đối tượng, xác định rõ nhu cầu của từng thị trường khách du lịch tâm linh và yêu cầu tái định vị thông tin để triển khai hiệu quả, tránh lãng phí. Điều hấp dẫn với khách du lịch tâm linh là các chương trình du lịch tâm linh cụ thể, được xây dựng hấp dẫn, dựa trên các tài nguyên di sản văn hóa tâm linh tỉnh Bắc Ninh. Do đó, công tác xây dựng và triển khai một số chương trình du lịch tâm linh ở Bắc Ninh cũng cần được quan tâm và phát triển như: Chương trình Mỗi người dân là một tuyên truyền viên di sản văn hóa, hướng dẫn viên du lịch; Chương trình Ngoại khóa văn hóa - du lịch…
3. Kết luận
Tiềm năng du lịch Bắc Ninh là chiều sâu giá trị văn hóa của ngàn năm lịch sử vun bồi, của những di tích lịch sử, đình, đền, chùa và các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ. Những pho tượng Phật A Di Đà, những tòa tháp bút nghiên, những đình, chùa rêu phong trầm mặc... đã trở thành chốn linh thiêng tìm về của du khách thập phương tới Bắc Ninh vào các dịp lễ, Tết. Sự độc đáo về văn hóa là yếu tố bền vững hấp dẫn du khách đến với Bắc Ninh. Đó là hệ thống hàng trăm di tích, di sản, hàng trăm lễ hội trải khắp từ bờ Bắc qua bờ Nam sông Đuống, từ đất Yên Phong qua miền Quế Võ đến Từ Sơn, Tiên Du sang Thuận Thành, Gia Bình... Từ lâu, những tài nguyên di sản văn hóa tâm linh vật thể và phi vật thể phong phú này đã có sức hấp dẫn đặc biệt khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa được phát huy tối đa thế mạnh; các chương trình du lịch chưa đa dạng; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn chưa cao, cơ chế, chính sách cần được tăng cường. Theo đó, cần có những chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy hơn nữa du lịch tâm linh của tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai.
________________
1. Theo Báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, 2022.
2. Nguyễn Thị Mai, Bắc Ninh phát huy thế mạnh du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề, Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh.
3. Thang đo Likert là một phương tiện đo lường phổ biến để thu thập dữ liệu về ý kiến, suy nghĩ, hoặc thái độ của người tham gia nghiên cứu thông qua một loạt câu hỏi hoặc tuyên bố.
4. Cronbach’s Alpha là một phép kiểm định thống kê được sử dụng để đo lường các biến rải rác nhằm đánh giá mức độ chặt chẽ của các biến. Dùng để đánh giá độ tin cậy liên quan đến tính chính xác, tính nhất quán của kết quả, tránh sai số ngẫu nhiên, đánh giá độ tin cậy của thang đo.
5. Hệ số KMO (Kaiser-Meyer-Olkin) là một chỉ số quan trọng trong phân tích nhân tố, giúp đánh giá sự phù hợp của các biến hoặc thuộc tính được sử dụng.
6. Kiểm định Bartlett (Bartlett’s test of sphericity) dùng để xem xét các biến quan sát trong nhân tố có tương quan với nhau hay không.
7. Niên giám thống kê tỉnh Bắc Ninh, 2021.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa - Thông tin, Ủy ban nhân dân huyện Xuân Trường, 2001.
2. Trần Ngọc Thêm, Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1999.
3. Quý Anh - Đình Hà, Bắc Ninh phát triển chùm đô thị hướng tâm, baoxaydung.com.vn.
4. Nguyễn Thị Mai, Bắc Ninh phát huy thế mạnh du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề, bacninh.dcs.vn.
5. Nguyễn Đình Thọ, Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Nxb Lao động xã hội, 2011, tr.414.
6. Nguyễn Hoàng Đông, Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc: Trường hợp điểm đến miền Trung Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học công nghệ, Đại học Huế, 2020.
7. Nguyễn Thị Thu Duyên, Nghiên cứu phát triển du lịch tâm linh tỉnh Nam Định, Luận văn Thạc sĩ du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2014.
8. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Nxb Hồng Đức, 2008.
9. Kom Pechinthorn, Naranya Polyia, Siritorn Kokkhuntod, Du lịch tôn giáo theo bước chân văn học địa phương và Naga Boon Bang Fai, huyện Rattanawapi, tỉnh Nong Khai, Thái Lan, Tạp chí Tốt nghiệp Periscope, số 2, 2021.
10. Yogesh Hole, EB Khedkar, Snehal Pawar, Sustainable Tourism and Pilgrimage: An Exploratory Study on the Role of Cultural and Spiritual Tourism in Sustainable Development (Du lịch bền vững và hành hương: Nghiên cứu khám phá về vai trò của du lịch văn hóa và tâm linh trong phát triển bền vững), Journal of Sustainable Tourism (Tạp chí Du lịch bền vững), 2015.
11. Farooq Haq, John Jackson, Spiritual Journey to Hajj: Australian and Pakistani Experience and Expectations (Hành trình tâm linh đến Hajj: Kinh nghiệm và kỳ vọng của Úc và Pakistan), Journal of Management, Spirituality and Religion (Tạp chí Quản lý, Tâm linh và Tôn giáo), Vol.6, No.2, 2009, tr.141-156.
12. Edward Burnett Tylor, Primitive Culture (Văn hóa nguyên thủy), New York: Holt, Rinehart and Winston, 1877, tr.1-6.
NGUYỄN THỊ HẰNG - TS ĐỖ HẢI YẾN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024