Phát triển du lịch làng nghề ngoại thành Hà Nội

Du lịch là một hoạt động kinh tế nhưng bản chất của hoạt động kinh tế này luôn gắn bó sâu sắc với những giá trị văn hóa. Trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch là một xu hướng đặc trưng. Làng nghề, nơi kết tinh những giá trị văn hóa của cha ông sẽ là một điểm đến thú vị đối với du khách trong và ngoài nước. Làng nghề ngoại thành Hà Nội có sự phát triển mạnh mẽ, tiếp biến những tinh hoa văn hóa của Thăng Long, luôn mang trong mình những giá trị độc đáo. Tuy nhiên, để phát triển du lịch làng nghề ngoại thành Hà Nội cần phải có giải pháp đồng bộ.

Làng nghề gốm Bát Tràng - Ảnh: Nguyên Trường

1. Khái quát chung các quận huyện ngoại thành Hà Nội

Hà Nội mảnh đất “ngàn năm văn hiến”, đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc, chứng kiến sự thịnh suy của các triều đại phong kiến Việt Nam từ Lý - Trần - Lê - Mạc - Nguyễn… Hà Nội xưa kia có tên gọi là Thăng Long, là nơi buôn bán, trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước với 36 phố phường vang danh khắp nơi. Hiện nay, diện tích của Hà Nội đã mở rộng. Thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6, khóa X và Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3, số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2008, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội sau hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô bao gồm: Thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Thủ đô Hà Nội sau khi được mở rộng có diện tích tự nhiên 334.470,02ha, lớn gấp 3 lần trước đây, gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường, thị trấn. Tính đến ngày 11-2-2020, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn. 55% dân số sống ở đô thị và 45% dân số sống ở nông thôn. Trong đó nội thành có 8 quận và ngoại thành có 4 quận và 17 huyện, 1 thị xã.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các quận nội thành, các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cũng đang phát triển mạnh mẽ tiêu biểu như: quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, huyện Gia Lâm, Thanh Trì, thị xã Sơn Tây, với hàng loạt các khu công nghiệp lớn, tập trung các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, các làng nghề dần dần mai một và không còn được như trước.

2. Hệ thống làng nghề và một số tồn tại trong khai thác làng nghề để phát triển du lịch tại các quận, huyện ngoại thành Hà Nội

Hà Nội được xem như mảnh đất tập trung nhiều các làng nghề thủ công truyền thống, bởi mảnh đất này được hình thành và phát triển từ rất lâu trong lịch sử cũng như nằm gần các con sông lớn, thuận tiện cho việc giao thương buôn bán. Theo số liệu thống kê: “Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó: 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, 207 làng có nghề đang phát triển, 287 làng có nghề có dấu hiệu mai một, 543 làng có nghề đã bị mai một” (1).

Sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống tại Hà Nội không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được rất nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng như: lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng… Mỗi làng nghề đều có một nét đặc trưng riêng làm tăng thêm vẻ đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Bên cạnh những làng nghề nổi tiếng được hình thành từ lâu đời trong nội thành Hà Nội, các làng nghề ngoại thành Hà Nội cũng được hình thành từ rất lâu cùng với sự phát triển của mảnh đất kinh kỳ. Những thần phả, thần tích, những câu chuyện về các ông tổ làng nghề đã trở thành những huyền tích trong đời sống tâm linh của người dân mỗi làng, thể hiện niềm tự hào, sự khát khao một cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ những sản phẩm của làng nghề mang lại. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm sản xuất của mỗi nghệ nhân trong làng được kế thừa và phát triển trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau là một kho tàng tri thức dân gian quý giá cần được lưu tồn và phát triển.

Khác với các làng nghề thuộc nội thành Hà Nội, các làng nghề ngoại thành Hà Nội còn mang dáng dấp của một làng nghề truyền thống, gắn với những khung cảnh làng quê với đồng ruộng, hồ ao, các công trình kiến trúc truyền thống như đình làng, chùa làng, những ngôi nhà mái ngói... Điều đó tạo nên một không gian vừa bình yên, vừa thân thương với mỗi người khi đến đây, mặc dù một số làng đã bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Hiện nay, ngoại thành Hà Nội còn rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng tiêu biểu cho mảnh đất Thủ đô Hà Nội như: làng Bát Tràng, làng Chuông, làng mây tre đan Phú Vinh, làng rối nước Đào Thục, làng quạt Chàng Sơn, làng Cự Đà… Tất cả các ngôi làng nghề thủ công truyền thống đó góp phần làm tăng thêm sự cuốn hút của mảnh đất thủ đô vừa cổ kính vừa hiện đại. Nó như mời gọi mọi người đến để trải nghiệm, để tìm hiểu, để cảm nhận những sản phẩm do chính đôi bàn tay của những nghệ nhân tạo ra.

Theo thông tin của Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư Thương mại và Du lịch của UBND Thành phố Hà Nội, hiện nay khu vực ngoại thành Hà Nội có những làng nghề sau thu hút được sự quan tâm của du khách: làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức; làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín; làng nghề thêu ren Thắng Lợi, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín; làng nghề nặn Tò He, Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên; làng nghề may Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa; làng nghề thêu Đại Đồng, xã Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên; làng nghề tiện Nhị Khê, huyện Thường Tín; làng nghề may Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ; làng nghề dệt Phùng Xá, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức; làng nghề dát vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm; làng nghề gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm; làng nghề điêu khắc Thiết Ứng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh; làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (2).

Với một hệ thống làng nghề phong phú, đa dạng, với giá trị lịch sử văn hóa lâu đời, đa dạng về loại hình sản phẩm, tuy nhiên việc khai thác làng nghề ngoại thành để phát triển du lịch vẫn còn một số bất cập như:

Làng nghề ngoại thành Hà Nội chưa trở thành điểm du lịch không thể thiếu khi du khách đến Thủ đô. Du khách đến thăm Thủ đô chủ yếu tập trung vào những điểm đến như: Lăng Bác, Văn Miếu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, phố cổ… Các điểm du lịch làng nghề mới chỉ là ưu tiên thứ hai khi du khách đã trải nghiệm những điểm du lịch kể trên. Có chăng, làng nghề Bát Tràng là một điểm đến được đưa vào chương trình city tour của du khách.

Chưa hấp dẫn được du khách inbound: do thời gian hạn chế nên du khách inbound thường không đi thăm được nhiều làng nghề thủ công. Bên cạnh đó, làng nghề thủ công cũng chưa đủ sức hấp dẫn du khách inbound đi thành những tour chuyên đề chuyên khám phá làng nghề thủ công ngoại thành Hà Nội.

Hoạt động trải nghiệm khi tham quan làng nghề còn hạn chế: khi đi tham quan làng nghề du khách không chỉ dừng lại ở việc mua sắm, tìm hiểu lịch sử văn hóa làng nghề mà con mong muốn được trải nghiệm sâu hơn về quy trình sản xuất, trải nghiệm một số công đoạn của quá trình sản xuất ra sản phẩm...

Cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa được chú trọng: các làng nghề mới chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho phát triển sản xuất, lưu thông sản phẩm của làng nghề, mà chưa chú trọng đến cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch. Những điều kiện cơ sở vật chất như bãi đỗ xe, hệ thống nhà vệ sinh công cộng, hệ thống trưng bày sản phẩm, chợ sản phẩm, không gian trải nghiệm chưa được đầu tư, nâng cấp và có định hướng phát triển trong tương lai.

Dịch vụ ăn uống tại làng nghề gần như chưa có: trong hoạt động du lịch, kinh doanh hoạt động ăn uống góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế địa phương, nhưng ở các làng nghề gần như chưa có các dịch vụ ăn uống để phục vụ du khách. Sau khi tham quan làng nghề xong, du khách thường di chuyển đến một địa điểm khác để ăn trưa hoặc ăn tối.

Chưa có hướng dẫn viên tại điểm am hiểu sâu sắc làng nghề để giới thiệu được những tinh hoa văn hóa làng nghề và những quy trình tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

3. Giải pháp phát triển du lịch làng nghề ngoại thành Hà Nội

Để làng nghề ngoại thành Hà Nội trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách, chúng ta cần phải áp dụng một hệ thống giải pháp đồng bộ như sau:

Định hướng thị trường

Du lịch làng nghề là một sản phẩm du lịch đặc sắc trong loại hình du lịch văn hóa, vì vậy đây là một loại hình du lịch tương đối kén khách do đó chúng ta cần phải xác định được chính xác thị trường cho loại hình du lịch này như: đối tượng học sinh các cấp, sinh viên khối khoa học xã hội và nhân văn, khách trung niên và người cao tuổi, khách đại sứ quán các nước và khách du lịch inbound.

Tăng cường trải nghiệm

Du lịch làng nghề không chỉ gắn với tham quan các di tích của làng nghề như đình, chùa, cây đa, bến nước, nhà cổ, các sản phẩm của làng nghề, mà du khách còn muốn được tận hưởng không khí làng nghề và trải nghiệm hoạt động làng nghề: nghe kể những câu chuyện về làng nghề do đội ngũ nghệ nhân trực tiếp kể, thông điệp về làng nghề, sự biến đổi về làng nghề từ trong quá khứ đến thời điểm hiện tại, mạch nguồn văn hóa của làng nghề, trải nghiệm làm sản phẩm, hiểu được quy trình tạo ra sản phẩm.

Đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ

Để làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, làng nghề cần chú ý đầu tư cơ sở vật chất với các hạng mục sau: đường vào làng nghề thuận lợi, hệ thống bãi đỗ xe cho các loại xe từ 4 chỗ đến 45 chỗ, hệ thống nhà hàng mang bản sắc địa phương phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách, hệ thống không gian trưng bày sản phẩm làng nghề.

Bảo vệ di sản văn hóa

Chỉ khi chúng ta bảo tồn được những giá trị văn hóa thì làng nghề mới phát triển bền vững và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Cách tốt nhất của việc bảo tồn là phát huy giá trị di sản, biến giá trị di sản đó thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cho người dân; không chỉ khai thác hàng hóa đó như những sản phẩm thủ công thông thường, mà phải nhìn nhận nó dưới góc độ sản phẩm du lịch, phục vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách. Chỉ khi nào người dân được hưởng lợi từ những giá trị di sản văn hóa mang lại, chính họ sẽ là những người bảo vệ những di sản đó một cách mạnh mẽ nhất.

Khơi dậy niềm tự hào, tình yêu đối với giá trị di sản. Hãy để người dân, chủ thể của những di sản đó hiểu - yêu - tự hào - bảo vệ di sản văn hóa. Coi đó như là những tài sản được thế hệ cha ông truyền lại và nó là niềm tự hào của cộng đồng và những người chủ sở hữu phải có trách nhiệm bảo tồn nó.

Kết nối với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch chuyên đề hay tổng hợp đến làng nghề

Kết nối các làng nghề để thành những tour “Tinh hoa làng nghề ngoại thành Hà Nội” qua những loại hình tour: tour xe đạp, tour xe máy, tour du lịch thực tế ảo, tour tổng hợp.

Xây dựng hệ thống trang web, fanpage về làng nghề ngoại thành Hà Nội

Có sự chung tay, liên kết giữa các làng nghề, Sở Du lịch, Sở VHTT Hà Nội, công ty lữ hành để tạo ra những nền tảng thông tin hữu ích đến với du khách. Xây dựng nội dung đặc sắc, có những quản trị viên chuyên nghiệp để thông tin đến với du khách thường xuyên, liên tục.

Xây dựng một quy trình hướng dẫn làng nghề bài bản

Để du khách có thể hiểu được tường tận làng nghề cần phải định vị được những nội dung hướng dẫn cơ bản khi du khách đến thăm làng nghề, như: đình làng, chùa làng, các công trình đặc trưng trong làng, xưởng sản xuất, quy trình sản xuất, không gian trải nghiệm, không gian trưng bày sản phẩm...

4. Kết luận

Di sản văn hóa đặc biệt là di sản làng nghề truyền thống luôn là một trong những đối tượng tham quan hấp dẫn đối với du khách, khi mà trình độ văn hóa và nhu cầu du lịch văn hóa của du khách ngày càng tăng cao. Du lịch làng nghề sẽ giúp du khách hiểu được những tinh hoa văn hóa của cha ông được in dấu trong các di tích của làng nghề, qua truyền thống của làng nghề và những câu chuyện văn hóa và đặc biệt hơn cả là sự hiện hữu trong các sản phẩm văn hóa của làng nghề. Hy vọng rằng, với một hệ thống giải pháp như trên, nếu được quan tâm, triển khai đúng mức, trong tương lai, du lịch làng nghề ngoại thành Hà Nội sẽ có vị thế xứng đáng với giá trị văn hóa du lịch ẩn chứa trong mỗi làng nghề.

_____________________

1. Đặng Hiếu, Hà Nội tăng cường phát triển làng nghề, dangcongsan.vn, 30-7-2021.

2. hpa.hanoi.gov.vn.

TS ĐỖ TRẦN PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;