Mô hình tập đoàn xuất bản ở Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Mô hình tập đoàn xuất bản - mũi nhọn đưa ngành Xuất bản Trung Quốc tăng tốc

Những năm 90 của TK XX, do sự chậm phát triển của các nhà xuất bản (Nxb) Trung Quốc, thị trường xuất bản Trung Quốc vẫn là cánh đồng vàng cho các Nxb nước ngoài gặt hái lợi nhuận. Làm thế nào để phát triển thị trường sách Trung Quốc? là một câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo ngành Xuất bản Trung Quốc sau khi đã bỏ lỡ mất hơn 20 năm cơ hội phát triển. Với ý tưởng Go abroad, ngành Xuất bản Trung Quốc đã khởi động chính sách hướng tới toàn cầu. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, tạo mọi điều kiện để các Nxb Trung Quốc giao dịch với bên ngoài, thiết lập quan hệ với các lãnh sự quán của nước ngoài, làm cầu nối cho tác giả gặp gỡ đối tác, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống phát hành và kênh bán lẻ ở trong nước, tổ chức các hội chợ sách quốc tế… Bên cạnh đó, lời giải quan trọng cho bài toán được Trung Quốc thực hiện triển khai đó là phát triển ngành Xuất bản cả chiều rộng và chiều sâu; trong đó, chiều rộng, phát triển đa dạng các Nxb, đồng thời cho phép hình thành hệ thống doanh nghiệp làm sách liên kết. Hiện, Trung Quốc có 568 Nxb, trên 2.000 doanh nghiệp tư nhân tham gia xuất bản; và chiều sâu là phát triển các tổ hợp báo chí, xuất bản và các tập đoàn xuất bản, làm động lực dẫn dắt thị trường. Đến nay, Trung Quốc có 50 nhóm xuất bản với 13 tập đoàn xuất bản lớn, tham gia thị trường quốc tế. Chính từ mũi nhọn là các tập đoàn xuất bản và các tổ hợp xuất bản, ngành Xuất bản Trung Quốc có tăng tốc trong phát triển, sau 30 năm trở thành ngành Xuất bản quy mô lớn hàng đầu thế giới với mỗi năm xuất bản 500.000 đầu sách, trên 10 tỷ bản sách, là quốc gia có quy mô xuất bản lớn nhất thế giới, đưa tỷ lệ bình quân số sách sản xuất khoảng 7,4 bản sách/ người/ năm. Trong các tập đoàn này có 5 tập đoàn nhóm đầu.

Tập đoàn xuất bản Trung Quốc - China Publishing Group (CPG), được thành lập năm 2002 nhằm đáp ứng nhu cầu cải cách và phát triển của ngành Xuất bản và được sự chấp thuận của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước. Với sứ mệnh cốt lõi là xuất bản, Tập đoàn này chủ yếu tham gia vào việc sản xuất và bán các ấn phẩm, tích hợp xuất bản giấy, xuất bản kỹ thuật số, thương mại bản quyền, thương mại xuất nhập khẩu ấn phẩm, in ấn, sao chép, lưu lượng xuất bản và phân phối, quản lý tác phẩm nghệ thuật, dịch vụ dịch thuật và dữ liệu lớn, dịch vụ thông tin. Đây cũng là tập đoàn xuất bản có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc tích hợp phát triển công nghệ và đầu tư tài chính.

Hiện nay, ngoài công ty mẹ, Tập đoàn có 198 doanh nghiệp pháp nhân như công ty con và công ty cháu các cấp, có 40 Nxb trực thuộc, xuất bản hơn 20.000 loại sách, ấn phẩm nghe nhìn, điện tử và internet, hằng năm xuất bản 58 tạp chí và báo. CPG bao gồm các Nxb được thành lập lâu nhất và uy tín nhất ở Trung Quốc, đồng thời chiếm thị phần lớn nhất về các chương trình xuất bản quốc gia, giải thưởng xuất bản quốc gia, thị trường bán lẻ sách, doanh thu bán sách thương mại, xuất nhập khẩu xuất bản phẩm, giao dịch bản quyền và số doanh nghiệp văn hóa trọng điểm quốc gia. Tập đoàn cũng tự hào có tác giả và độc giả lớn nhất cũng như các nguồn tài nguyên và tài nguyên di sản văn hóa phong phú nhất để xuất bản. Cho đến nay, tổng tài sản của Tập đoàn là khoảng 26 tỷ nhân dân tệ, tài sản ròng khoảng 16 tỷ nhân dân tệ và tổng thu nhập hoạt động là khoảng 13 tỷ nhân dân tệ, được xếp vào nhóm “10 tỷ”. Tập đoàn đã được bình chọn là một trong “30 doanh nghiệp văn hóa hàng đầu quốc gia” trong 13 năm liên tiếp. Trên bình diện quốc tế, nó được xếp hạng 14 trong Top 50 nhóm Xuất bản Toàn cầu năm 2014, và là Nxb Trung Quốc duy nhất được xếp hạng trong Top 500 Thương hiệu châu Á. Trong Hội chợ Sách London 2015, CPG đã được trao Giải thưởng của Chủ tịch Simon Master.

Tập đoàn truyền thông và xuất bản Phượng Hoàng - Phoenix Publishing & Media Group (PPMG) là một tập đoàn công nghiệp văn hóa với hoạt động kinh doanh chính là xuất bản ở Trung Quốc đại lục, đồng thời cũng là một trong những tập đoàn công nghiệp văn hóa lớn và mạnh nhất Trung Quốc được thành lập vào năm 2001 và ban đầu được gọi là Nxb Giang Tô, sau đổi là Tập đoàn truyền thông và xuất bản Phượng Hoàng. Với sứ mệnh cốt lõi được xác định là “tạo ra một nhà lãnh đạo văn hóa sáng tạo và xây dựng một công ty truyền thông và xuất bản nổi tiếng thế giới”, sau nhiều năm phát triển, lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn đã mở rộng bao gồm: xuất bản, phát hành, in ấn, phim và truyền hình, khách sạn văn hóa, bất động sản văn hóa, thương mại văn hóa, đầu tư tài chính, quản lý tác phẩm nghệ thuật và các lĩnh vực khác.

Hiện nay, Tập đoàn có 9 Nxb và một tờ báo thành phố hằng ngày. Tập đoàn có 2 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Phượng Hoàng Giang Tô và Công ty TNHH Xuất bản và Truyền thông Phonenix (Phonenix Media Ltd), trong đó Phonenix Media được chọn là công ty truyền thông văn hóa duy nhất làm cổ phiếu mẫu của cả chỉ số chứng khoán Thượng Hải 180 và chỉ số 300 Thượng Hải - Thâm Quyến. Công ty có 85 công ty con sở hữu 100%, 26 công ty con và 11 công ty cổ phần, trong đó có 6 Nxb là Nxb cấp 1 quốc gia. Vào năm 2011, Phoenix Media được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải và các cổ đông chính của nó là Ngân hàng Giang Tô và Chứng khoán Nam Kinh. Bất động sản Phoenix là một công ty phát triển bất động sản với mục đích tạo ra bất động sản văn hóa.

Tập đoàn xuất bản Thế kỷ Thượng Hải được thành lập năm 1999 bởi Nxb Nhân dân Thượng Hải, Nxb Giáo dục Thượng Hải, Nxb Dịch thuật Thượng Hải, Nxb Hiệu sách Thượng Hải, Công ty Sách Thượng Hải và Nxb Từ điển Trung Quốc. Đây là tập đoàn xuất bản đầu tiên của Trung Quốc được thành lập do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Báo chí và Xuất bản ở Trung Quốc đồng ý với tổng tài sản là 420 triệu nhân dân tệ. Vào năm 2017, Tập đoàn In Thượng Hải được hợp nhất vào Tập đoàn để trở thành Tập đoàn xuất bản Thế kỷ Thượng Hải. Đến nay, Tập đoàn xuất bản Thế kỷ Thượng Hải có tổng cộng 50 đơn vị thành viên thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc được kiểm soát, bao gồm 26 tổ chức biên tập và xuất bản sách (bao gồm 3 văn phòng biên soạn), 1 công ty phân phối sách, 3 công ty bán lẻ sách, 1 công ty hậu cần, 1 đơn vị xuất bản trực tuyến, 1 tổ chức toàn diện ngành nghệ thuật, 2 doanh nghiệp sản xuất phim hoạt hình, 1 công ty công nghệ in và 6 công ty ở nước ngoài. Ngoài ra, còn có 75 tạp chí và 8 tờ báo (2 trong số đó đã ngừng xuất bản).

Tập đoàn xuất bản Liêu Ninh được thành lập năm 2000, gồm 9 Nxb trực thuộc. Đây là tập đoàn xuất bản quy mô lớn đầu tiên trong ngành Xuất bản của Trung Quốc thực hiện chuyển đổi từ hệ thống xuất bản truyền thống của nhà nước sang hệ thống xuất bản, học hỏi từ hệ thống doanh nghiệp hiện đại và vận hành phù hợp với các thuộc tính của sản phẩm tinh thần và quy luật thị trường. Quá trình chuyển đổi của Tập đoàn xuất bản Liêu Ninh qua 3 bước gồm: Tách chính phủ và xí nghiệp; Cấu trúc công nghiệp, hoạt động tiêu chuẩn hóa; Chuẩn hóa, biến hóa, biến sắc. Sau khi Tập đoàn xuất bản Liêu Ninh tham gia thí điểm chuyển đổi, Tập đoàn luôn xác định “đi ra ngoài” là một trong những mục tiêu chiến lược của cải cách, phát triển doanh nghiệp, và đã tích cực thực hiện vì mục tiêu này. Để bắt nhịp xu thế phát triển, Tập đoàn mở rộng kinh doanh theo hướng kết hợp sách, tạp chí định kỳ, tạp chí điện tử với các sản phẩm nghe nhìn, xuất bản trực tuyến, điện ảnh và truyền hình. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực in ấn các sản phẩm giấy, sản xuất đĩa CD và các sản phẩm nghe nhìn, cung cấp và phân phối tài liệu, Tập đoàn xuất bản Liêu Ninh đã sở hữu sức mạnh kỹ thuật số, được nối mạng, hiện đại hóa và lợi thế hoạt động chuyên sâu, chuyên biệt, quy mô lớn. Tập đoàn có một hệ thống thị trường hoàn chỉnh, mở và tương tác với chuỗi bán buôn, phân phối và bán lẻ xuất bản phẩm bao phủ thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Tập đoàn xuất bản quốc tế Trung Quốc (China International Publishing Group - CIPG) được gọi là Cục Xuất bản Ngoại ngữ Trung Quốc, là một tổ chức xuất bản ngoại ngữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được thành lập vào tháng 10-1949, dần phát triển thành một tập đoàn truyền thông toàn cầu, cung cấp thông tin cập nhật về Trung Quốc cho độc giả trên toàn thế giới thông qua sách, tạp chí và internet. CIPG hoàn toàn do Đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát và kiểm soát, có sứ mệnh giới thiệu Trung Quốc ra nước ngoài thông qua sách, tạp chí và trang web.

CIPG sở hữu 7 Nxb trực thuộc; xuất bản hơn 3.000 đầu sách và khoảng 50 tạp chí bằng hơn 10 ngôn ngữ. Tập đoàn cũng điều hành 22 chi nhánh ở nước ngoài tại các quốc gia và khu vực với khoảng 3.000 nhân viên, trong đó có khoảng 100 công nhân nước ngoài. Ngoài việc xuất bản, CIPG còn điều hành một số trang web phát hành tin tức bằng 9 thứ tiếng. Hiện tại, CIPG đứng đầu trong nước về lĩnh vực xuất bản tiếng nước ngoài xét về ngôn ngữ phủ sóng, số lượng xuất bản phẩm và phạm vi phát hành với nội dung trọng tâm chính là sách về Trung Quốc ngày nay, văn hóa Trung Quốc, sự thật cơ bản về Trung Quốc và việc học ngôn ngữ cho những người không nói tiếng Trung.

Sự phát triển của các tập đoàn ở Trung Quốc nêu trên cho chúng ta mấy nét chính:

Một là, sự hình thành các tập đoàn xuất bản của Trung Quốc không theo tiến trình tự nhiên do sự phát triển nội lực mà do Nhà nước tổ chức, thành lập theo các mục tiêu được xác lập; kể cả trường hợp đặc thù của Tập đoàn xuất bản Liêu Ninh. Đây là điểm rất khác sự hình thành của các tập đoàn xuất bản lớn trên thế giới.

Hai là, các tập đoàn xuất bản Trung Quốc hoạt động đa ngành nghề ngoài lĩnh vực truyền thông, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, báo chí, in ấn, phát hành, xuất bản số, xuất nhập khẩu sách, bản quyền sách mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác, như: truyền hình, phim ảnh, dịch vụ dữ liệu, triển lãm, sự kiện...; ngoài ra còn mở rộng phát triển sang các mảng khác xa lĩnh vực truyền thông như: giáo dục, bất động sản, tài chính, khách sạn, cho thuê văn phòng...

Ba là, cấu trúc sở hữu của các tập đoàn xuất bản đa dạng, không chỉ bao gồm sở hữu nhà nước. Với các Nxb do Nhà nước là chủ sở hữu, cùng các công ty con trực thuộc hoặc công ty có sự chi phối của Tập đoàn có phần vốn ngoài nhà nước, hầu hết các tập đoàn đều tham gia thị trường chứng khoán. Một số tập đoàn còn tham gia thị trường chứng khoán trên thế giới như Tập đoàn xuất bản Thế kỷ Thượng Hải, Tập đoàn xuất bản và truyền thông Phượng Hoàng (Giang Tô) tham gia thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Bốn là, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không có thông tin để xác định rõ cách thức quản lý bộ máy lãnh đạo của tập đoàn, nhưng với các Nxb trực thuộc tập đoàn, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện theo Quy chế xuất bản với vai trò quyết định của Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng về nhân sự và sau đó là bảo đảm thực hiện nghiêm các chỉ đạo định hướng về nội dung.

Bài học kinh nghiệm với Việt Nam

Từ câu chuyện xây dựng các tập đoàn của Trung Quốc, so sánh với sự phát triển của xuất bản nói riêng, hoạt động truyền thông nói chung cho thấy, muốn thúc đẩy phát triển nhanh, tạo động lực dẫn dắt thị trường, tổ chức xuất bản quy mô, đủ năng lực cạnh tranh với nước ngoài cần có sự xuất hiện của các Nxb mạnh.

Nhận thức rõ yêu cầu này, ngay từ năm 2004, Chỉ thị 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục rà soát, bổ sung và thực hiện tốt quy hoạch ngành Xuất bản; tập trung xây dựng tiềm lực và năng lực của hoạt động xuất bản; nâng cao hiệu quả kinh tế của xuất bản, in và phát hành, xây dựng các mô hình và cơ cấu mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại: thí điểm xây dựng các tập đoàn xuất bản, tổ hợp xuất bản - báo chí, nghiên cứu hoàn chỉnh mô hình doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất bản” (1). Đó là nhận thức của Đảng thể hiện tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của ngành Xuất bản.

Thực hiện chủ trương trên, giai đoạn 2003-2005, với ý tưởng thí điểm thực hiện xây dựng mô hình tập đoàn, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) trên cơ sở Tổng Công ty Phát hành Sách Việt Nam đã nâng cấp, xây dựng thành Tổng Công ty Sách Việt Nam SAVINA (Quyết định số 65/2003/QĐ-BVHTT, với tính chất của một mô hình tổ hợp xuất bản gồm Nxb Văn hóa - Thông tin, Nxb Âm nhạc (2 Nxb này là doanh nghiệp nhà nước), kết hợp với Tổng Công ty Sách Việt Nam (9 đơn vị thành viên của Tổng Công ty Sách Việt Nam đã được cổ phần), Công ty In Khoa học Kỹ thuật (đã cổ phần) và Nhà khách Hai Bà Trưng của Tổng Công ty Sách Việt Nam ngoài kinh doanh theo lĩnh vực có thực hiện hoạt động kinh doanh khách sạn và dịch vụ văn hóa trên cơ sở hạ tầng vốn có của Tổng Công ty Phát hành Sách Việt Nam.

Các đơn vị thành viên của Tổng Công ty hoạt động bình đẳng, chịu trách nhiệm theo giấy phép hoạt động; kết nối bằng cam kết thực hiện sản xuất - kinh doanh theo chuỗi trong hệ thống Tổng Công ty. Cụ thể: giao công tác biên tập và xuất bản cho các Nxb của Tổng Công ty chịu trách nhiệm; giao công ty in thành viên chịu trách nhiệm in sách của các Nxb trong Tổng Công ty; Tổng Công ty Sách Việt Nam chịu trách nhiệm phát hành sách trong hệ thống đối với sách của các Nxb trong Tổng Công ty. Ngoài ra, khai thác thêm từ hoạt động dịch vụ khách sạn, tổ chức sự kiện khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định kết nối trên không có tính bắt buộc cao, các đơn vị vẫn độc lập sản xuất - kinh doanh dẫn đến cơ bản hoạt động của Tổng Công ty Sách Việt Nam chỉ trên danh nghĩa; về mặt pháp lý, các doanh nghiệp nhà nước này chủ động chịu trách về hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Tính kết nối lỏng lẻo này là do chưa được kết nối bằng hệ thống tài chính, nhân sự và thương hiệu. Đến năm 2006-2007, Tổng Công ty không còn hoạt động.

Cùng với Tổng Công ty Sách Việt Nam, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 102/2003/QĐ-TTg ngày 21-5-2003 về việc thí điểm chuyển Nxb Giáo dục Việt Nam sang tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Theo đó: “Công ty mẹ (Nxb Giáo dục Việt Nam): là doanh nghiệp nhà nước, trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh và có vốn đầu tư vào các công ty con; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại công ty và vốn đầu tư vào các công ty con… Công ty con là các công ty cổ phần, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên mà công ty mẹ giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối” (2). Sau đó, từ giai đoạn 2003-2009 là quá trình cổ phần hóa, hình thành các khối đơn vị tham gia trực tiếp vào quy trình xuất bản - in - phát hành của Nxb: khối in, khối phát hành (trong đó bao gồm nhóm các công ty hoạt động giống mô hình Nxb thu nhỏ như sách đại học - dạy nghề, sách dịch từ điển, sách dân tộc, sách mầm non); khối liên doanh… Từ năm 2010 đến nay, mô hình tổ chức chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, tiếp tục hoạt động thí điểm theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Hiện, công ty mẹ gồm 6 đơn vị trực thuộc. Tổng số lao động: 275 người. Các công ty cổ phần trong tổ hợp mẹ - con gồm 7 công ty con (là những công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nxb Giáo dục Việt Nam có từ 51% vốn góp) và 32 công ty cổ phần có vốn góp. Các công ty cổ phần có vốn góp phần lớn tham gia vào quá trình xuất bản (khai thác đề tài, tổ chức bản thảo, in, phát hành). Một số đơn vị thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị giáo dục, khai thác cơ sở vật chất. Tổng số lao động tại các công ty con Nxb Giáo dục Việt Nam: 702 người. Đến nay, sau 20 năm hoạt động, mô hình vẫn vận hành ổn định, với doanh thu năm 2021 đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận 287 tỷ đồng. 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do Nxb này nắm quyền chi phối đều báo lãi, với tổng cộng 46 tỷ đồng.

Câu chuyện của 2 đơn vị thí điểm hoạt động mô hình tập đoàn cho thấy, việc triển khai tập đoàn thành công hay không cần điều kiện khách quan theo sự phát triển của ngành. Thực tế, những năm qua, ngành liên tục tăng trưởng dương (kể cả những năm đại dịch), đặc biệt năm 2022 xuất bản được trên 43.000 đầu sách, gần 600 triệu bản sách, đưa năng lực sản xuất bình quân đạt 6 bản/ người, đạt mục tiêu Chỉ thị 42-CT/TW nêu mà sau gần 20 năm phấn đấu mới đạt được. Doanh thu cũng tăng cao, trên 37% đạt gần 4.500 tỷ. Tuy nhiên, doanh thu này vẫn còn xa với các nước top đầu khu vực như Thái Lan và Indonesia (3). Thực tế, doanh thu ngành sách lớn hơn rất nhiều. Nhiều Nxb thu gọn chức năng, chỉ còn thực hiện 3 nội dung chính: Tổ chức đề tài, bản thảo và xuất bản sách đặt hàng (kinh phí từ nguồn Nhà nước đặt hàng hoặc của chủ quản); Biên tập và cấp phép liên kết cho các đơn vị làm sách liên kết; Biên tập, cấp phép và tổ chức xuất bản cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu xuất bản sách của mình (liên kết cá nhân).

Điều đó có nghĩa là, nhiều Nxb không còn thực sự nắm giữ được đầu vào (tác giả, dịch giả, giao dịch bản quyền) và đầu ra (phát hành, thị trường đọc). Họ chủ yếu chỉ làm khâu tổ chức biên tập để cấp phép (mà nhiều đơn vị cũng làm rất thiếu trách nhiệm, thiếu chất lượng). Hiện nay, ngoài Nxb Kim Đồng, Nxb Trẻ và thêm một số Nxb đang có nỗ lực hơn để tìm kiếm thị trường riêng của mình như Nxb Phụ nữ Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, Nxb Thông tin và Truyền thông, Nxb Xây dựng, còn lại cơ bản các Nxb không đầu tư vào khâu đặc biệt quan trọng gắn với thị trường: khâu tiếp cận thị trường bạn đọc và bán hàng.

Trong khi đó, các nhà sách, đơn vị liên kết cũng khó phát triển về quy mô và trình độ. Không kể tác động tiêu cực của hơn 2 năm dịch COVID-19 khiến nhiều đơn vị kiệt quệ, mới chỉ đang từng bước ổn định tổ chức để lấy lại thị trường đã có thì thực tế mô hình vận hành của các đơn vị liên kết cũng rất bất cập. Tỷ lệ lợi nhuận thu trên 1.000 bản/ cuốn rất thấp khiến cho các đơn vị khó phát triển quy mô. Muốn có lợi nhuận thực tế, các đơn vị phải tăng số lượng bản in và đẩy nhanh quá trình quay vòng vốn. Điều này không đơn giản, bởi đôi khi dù là nhà đầu tư và kiểm soát thị trường, nhưng do không phải là đơn vị được trực tiếp xuất bản nên tính chủ động kiểm soát thị trường, lựa chọn thời cơ không cao do còn phụ thuộc vào việc cấp phép của Nxb, ảnh hưởng rất lớn đến năng lực sản xuất kinh doanh của từng đơn vị; bên cạnh đó là câu chuyện của in lậu, in nối bản, vi phạm bản quyền trên mạng. Từ hạn chế đó tất yếu kéo theo là câu chuyện về đổi mới công nghệ, bài toán nhân lực rất khó có lời giải thỏa đáng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong định hướng phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, Đảng nêu rõ yêu cầu phải sắp xếp theo hướng “tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa”. Để thực hiện định hướng đó, với tình hình xuất bản hiện nay, sự phát triển chưa tương xứng giữa quy mô ngày càng lớn của ngành và sự phát triển thiếu cân xứng của chính các Nxb, đã đến lúc, cần có nghiên cứu nghiêm túc về mô hình quản lý mới với các mô hình Nxb, tổ hợp xuất bản được quản lý theo cơ tài chính, tài sản phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để vẫn bảo đảm tính định hướng trong hoạt động nhưng tạo thêm được động lực mới cho sự phát triển của ngành. Đó là một trong những giải pháp quan trọng ngành cần thực hiện để phát triển.

_________________

1. Ban Bí thư, Chỉ thị 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, thuvienphapluat.vn, 25-8-2004.

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 102/2003/QĐ-TTg ngày 21-5-2003 về việc thí điểm chuyển Nhà xuất bản Giáo dục sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, vanbanphapluat.com.

3. Theo Statistic, năm 2021, Thái Lan có doanh thu ngành Xuất bản là khoảng 750 triệu USD. Tuy nhiên, nội hàm xuất bản của Thái Lan rộng hơn, bao gồm cả hoạt động xuất bản tạp chí, âm nhạc, các sản phẩm số khác. Vì thế, nếu tính toán qua đối chiếu với ngành In của Thái Lan, doanh thu xuất bản sách ở Thái Lan gấp khoảng 2 lần Việt Nam. Số liệu này Cục sẽ tiếp tục xác minh thông qua các buổi làm việc trực tiếp với đại diện Hội Xuất bản Thái Lan (PUBAT) trong thời gian tới.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;