Thanh Đàm và những trang viết "Gửi lại thời gian"

Thanh Đàm (1922-1979), không chỉ được biết đến là một chiến sĩ cách mạng lão thành, mà còn là nhà thơ xứ Thanh có nhiều gắn bó với Chiến khu Ngọc Trạo, Thanh Hóa.

Ông tên thật là Vũ Đình Thờn, tên thường gọi là Võ Quyết, sinh năm 1922 tại thôn Mỹ Xuyên, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938 trong phong trào phản đế cứu quốc địa phương; tham gia Đội du kích Chiến khu Ngọc Trạo. Ông từng bị thực dân Pháp bắt, kết án tù 5 năm và bị giam tại xà lim Thanh Hóa (năm 1941). Tháng 8-1945, ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền huyện Cẩm Thủy; là Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Cẩm Thủy (1945-1946). Sau đó, ông đã trải qua các công việc: Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Lộc (1949); Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thanh Hóa (1949); Trưởng Ban Tôn giáo vận Tỉnh ủy Thanh Hóa (1953); Ủy viên Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa (1958); kiêm Trưởng ty Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (1961); kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa (1974)… Tháng 8 -2020, tên phố mang tên chiến sĩ cách mạng trung kiên Võ Quyết đã được gắn biển tại TP. Thanh Hóa.

Trong suốt cuộc đời mình, ông đã có những tác phẩm viết về những chiến sĩ du kích, viết về cách mạng khi còn trứng nước… Cuốn sách Gửi lại thời gian tập hợp các bài thơ, hồi ký, kịch bản của ông được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2021, dày gần 400 trang, gồm 4 phần: Thơ, Hồi ký, Kịch bản; Thanh Đàm trong ký ức bạn bè.

Có thể nói, sức mạnh của lý tưởng cách mạng đã soi rọi cuộc đời chiến sĩ và soi sáng những trang thơ của ông. Trong gần 5 năm bị giam cầm tại nhà tù Thanh Hóa, ông đã sáng tác được gần 30 bài thơ về những tù nhân chính trị tuổi còn trẻ, bị địch tra tấn dã man nhưng vẫn luôn thể hiện ý chí sắt đá, phẩm chất trung kiên. Với ông, “Làm thơ đã góp phần rèn luyện cho tôi những nếp suy nghĩ thêm chín chắn tô đẹp thêm lý tưởng cuộc đời, dẫn bước cho tâm hồn thanh thoát, rung động thêm những dòng tình cảm cách mạng nồng cháy. Và những cái gì là bất lực, là xám xịt, là âm thầm, trì trệ đều được thoát ra, dần dần đi tới từ bỏ” (Lời tác giả trong tập Nhớ).

Trong số 86 bài thơ ở tập sách này, có hàng chục bài viết về đội du kích bằng những vần thơ mộc mạc của chàng trai trẻ rời gia đình, đồng ruộng, làng xóm gia nhập du kích quân với niềm phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Đó là những bài thơ tự sự trữ tình của tác giả Thanh Đàm như: “Đường đi mình lại với mình/ Bước vui chân lại đếm tình non sông/ Một mai khi phất cờ hồng/ Với tinh thần, mở cả lòng hân hoan/ Bây giờ cách mạng gian nan/ Quản chi ngang tắt, dọn đường ngày mai” (Qua Eo gió). Hay “Ta là sức nhân dân vô tận/ Sức non sông muôn thủa phi thường/ Vũ khí ta: những trái tim cừu hận/ Không chung trời với giặc Pháp, Phù TangĐồng bào ơi! Phá xiềng gông vùng dậy!/ Ngày tự do, độc lập đâu còn xa?/ Hỡi nước non, hỡi đất trời yêu quý/ Xông lên cùng đoàn du kích chúng ta” (Đoàn Du kích chúng ta)… Những khó khăn, gian khổ không ngăn cản được tâm hồn phơi phới, niềm lạc quan và tinh thần xả thân vì Tổ quốc của những thanh niên tìm đến ánh sáng lý tưởng của Đảng, niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng của dân tộc. Khát vọng tự do, hòa bình trở thành sức mạnh tinh thần to lớn giúp những người chiến sĩ vượt qua mọi sự khó khăn, hiểm nguy. Cái chết đã không làm họ lùi bỏ quyết tâm đánh thắng giặc, giành độc lập cho đất nước.

Thanh Đàm làm thơ bởi một lẽ rất tự nhiên: vì thấy thơ nói lên và truyền cảm được cho mình những tâm tình tha thiết, những nhớ thương sôi nổi riêng chung của lứa tuổi thanh xuân, những tự hào hay xót xa của quê hương, dân tộc trong cảnh mất nước, những điệu tâm hồn rạo rực đi tìm chân lý của cuộc đời: “Hãy góp sức quyết đập tan đau khổ/ Hay cam tâm cúi nhục, van xin?/ Ngẩng đầu lên, hãy mạnh bước đi em/ Tìm chân lý dưới lá cờ của Đảng/ Tìm hạnh phúc trên đường đi cách mạng/ Đường của toàn dân, đường của chúng ta/ Anh nhớ em, nhớ mãi buổi dặn dò!/ Ta gắn chặt tình yêu vào lý tưởng…” (Tình trong sáng). Hay đó cũng là ý chí đấu tranh sắt đá khi bị giam cầm trong nhà tù: “Đời trai chí khí giày vò/ Đấu tranh tuyệt thực vì no căm hờn... Bạn tù ơi, chớ bỏ neo/ Thuyền lòng ta đẩy lái chèo vững hơn/ Đấu tranh, nào chỉ miếng cơm/ Tương lai tiếng gọi nước non đợi chờ” (Tuyệt thực).

Thơ ông mộc mạc, gần gũi như chắt ra từ máu thịt, từ cuộc chiến đấu anh dũng, từ lao động cần lao, nhưng lại có sức lay động, ám ảnh khôn nguôi.

Thanh Đàm là người nặng nghĩa tình với miền đất chiến khu xưa, bên cạnh các bài thơ với nỗi nhớ cháy gan, cháy ruột vùng đất Ngọc Trạo, ông còn viết hồi ký Rừng Ngọc Trạo một ngày ta nhớ mãi: “Ngọc Trạo, chỉ hai chữ thôi, sao nó đầm ấm đến thế. Cứ mỗi lần nhớ tới là bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc tuổi thanh niên đời tôi nơi căn cứ địa cách mạng lại như diễn ra trước mắt, với cả một khí thế sôi nổi của phong trào phản đế cứu quốc tỉnh nhà năm 1941…” ; “…Ngày nay tôi vẫn còn nhớ biết bao nhiêu tình cảm của các cụ, các mẹ, các anh, các chị, các em đọng lại trong tôi nhiều hình ảnh cao quý. Trời lạnh, đồng bào nhường chăn. Thiếu cơm, đồng bào tìm cớ rời mâm trước. Sao mà cảm động! Đã quá nửa đêm, nhiều bà mẹ vẫn lúi húi nấu niêu khoai, lùi củ sắn, nấu bát nước chè xanh để chúng tôi đi về khuya, dùng cho ấm bụng…”.

Vùng đất Ngọc Trạo, hồ Đá Kẻn, núi Song Vàng, Đồng Nhầy, Đồng Bầu… hiện ra sống động trong nhiều sáng tác của Thanh Đàm nơi ông đã từng gặp gỡ, gắn bó, mang ơn, đi vào thơ văn ông ấm áp, sâu nặng nghĩa tình. Nỗi nhớ được nhắc nhiều trong các hồi ký của ông. Nhớ các địa danh. Nhớ đồng đội đã hy sinh anh dũng. Nhớ người dân bản mang gạo vào hang tạ ơn cách mạng. Nhớ những bà mẹ trắng đêm xay giã gạo… Nhớ những cô du kích xinh đẹp chưa lần hò hẹn đã phải ra đi mãi mãi…

Thanh Đàm là người yêu văn chương và có nhiều khát vọng. Những năm cuối cuộc đời, khi lâm bạo bệnh, nằm trên giường bệnh ông vẫn viết kịch bản văn học Đuốc lửa hang Treo gồm 3 hồi, 6 cảnh, phản ánh một phần cao trào phản đế cứu quốc diễn ra ở Thanh Hóa năm 1940-1941, hưởng ứng phong trào vũ trang cách mạng Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ theo thông cáo khẩn cấp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và thư kêu gọi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Kịch bản của ông sau này được dàn dựng thành vở vũ kịch, được công diễn đầu những năm 80 của thế kỷ trước, như một bài ca bi tráng với sự kết hợp của nhiều ngôn ngữ: múa, âm nhạc, thơ… Kịch bản đã để lại ấn tượng lớn trong lòng khán giả về phong trào cách mạng và hình tượng người du kích Chiến khu Ngọc Trạo năm xưa. Đuốc lửa hang Treo đã được Đoàn Ca Múa Thanh Hóa dàn dựng và công diễn năm 1982, đoạt Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, tại Đà Nẵng.

Đọc Gửi lại thời gian, bạn đọc như thấy rõ tình cảm của Thanh Đàm dành cho nhà thơ liệt sĩ Trần Mai Ninh - một người bạn tù thân thiết và cũng là một trong những người có tác động đến phong cách thơ ông. “Tôi không rõ trước đây anh có viết kịch bản nhiều hay không, nhưng hồi ở tù anh viết rất nhiều vở kịch về đề tài xã hội hiện tại, ngay cả đề tài trong nhà tù, phản ánh người thật việc thật khá sắc nét và hấp dẫn. Và chính anh lại là đạo diễn luôn một số vở kịch ấy, bí mật biểu diễn trong những ngày Tết Nguyên đán tại nhà lao Thanh Hóa”. Và “Nhìn chung, toàn bộ thơ của Trần Mai Ninh đều biểu lộ một quan điểm cách mạng rõ rệt, một tính chiến đấu cách mạng quyết liệt, một sức sống sôi nổi và một tinh thần lạc quan yêu đời”. Chính Thanh Đàm là người đã có công tập hợp các bài thơ của Trần Mai Ninh để in trong tập Nhớ (1970). Tập thơ Nhớ của Trần Mai Ninh và Thanh Đàm là kỷ niệm đẹp về một thời máu lửa, gồm những bài thơ tràn đầy sức sống của hai tâm hồn thơ khí phách, hứng khởi…

Đã hơn 40 năm kể từ khi nhà thơ Thanh Đàm rời xa cõi tạm, nhưng trong ký ức bạn bè, ông luôn là người thẳng tính, quyết đoán, giàu tình cảm. Bạn bè, người thân đều ngưỡng mộ tinh thần kiên cường chiến đấu trong cách mạng cũng như trên giường bệnh của ông. Đến cuối đời, con người ấy vẫn ấp ủ, chắt chiu những hạt tinh thần óng ánh để mong đóng góp cho đời: “Tinh thần còn tỏa muôn màu sắc/ Thể xác buồn sao sớm úa tàn!/ Có hạt tinh thần nào óng ánh/ Bạn ơi, gửi lại với thời gian…”.

Tác giả: Hồng Vân 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

;