Thơ là tiếng nói của tình cảm, từ cuộc đời đến với con người. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”, nghĩa là thơ ca chỉ bật ra khi trái tim nhà thơ rung lên những thổn thức, ngân lên những điệu ngân của tâm hồn. Vì vậy, mỗi vần thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức chuyển tải lớn tới người đọc.
Có bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu thi pháp sáng tạo, ngôn ngữ chuyển tải ý thơ. Giải mã được ngôn ngữ thơ là hành trình tìm kiếm của nhiều nhà nghiên cứu. Bằng vốn tri thức phong phú và những trải nghiệm sống sâu sắc, GS, Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh đã cho ra mắt cuốn sách Hành trình của thơ, với mong muốn giúp bạn đọc hiểu được nơi bắt đầu và nơi ở lại của thơ, những lý lẽ và thông điệp mà thơ mang đến.
Cuốn sách dày gần 500 trang, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, tái bản có bổ sung lần thứ nhất năm 2020. Sách gồm 4 phần: Các nhà thơ cổ điển; Các nhà thơ hiện đại; Các nhà thơ thế giới; Bàn luận về thơ ca.
Phần thứ nhất của cuốn sách là những bài nghiên cứu, phân tích về các nhà thơ cổ điển, thi pháp, hình tượng trong các tác phẩm văn học cổ điển như Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Phan Chu Trinh... Trong bài Thi pháp thơ Hồ Chí Minh, tác giả đã chỉ rõ bản sắc dân tộc và đặc điểm thơ văn trào phúng của Bác Hồ qua những bài thơ của Người: “Trong thơ của Người có chất thép và chất trữ tình, có anh hùng ca và chất liệu đời thường: cảnh người vợ đi thăm chồng; người bạn tù thổi sáo; cô em xóm núi xay ngô tối; nửa đêm, nghe tiếng khóc chồng…”. Hay “Văn phong trào phúng của Hồ Chí Minh có lẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều truyền thống hài kịch của Aristophane, chất liệu dân gian trong hài kịch của Molière, phong cách ngụ ngôn của La Fontaine, đồng thời thừa hưởng truyền thống hài hước, nhạo báng, tự trào trong thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương và nhiều chất liệu dân gian Việt Nam”. Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc, khi nhận xét về tập thơ chữ Hán của ông, GS.Hồ Sĩ Vịnh đã viết: “Đề tài thơ chữ Hán của thi sĩ họ Nguyễn thật đa dạng, cảm hứng sáng tạo của nhà thơ thật dồi dào, thi pháp mô tả nhiều vẻ; duy có một đặc điểm nổi trội hơn cả là nét văn hiến được biểu hiện ở ba nội dung sau: nỗi hoài vọng về quê hương Hà Tĩnh (xứ Nghệ); sự đồng cảm với bi kịch của những người hiền tài; lòng thông cảm mênh mông đối với mọi kiếp người”. Đó là những tiểu luận rất đắt, đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn sâu sắc hơn về thi pháp trong thơ của vị lãnh tụ kính yêu, về các nhà thơ lớn của dân tộc…
Phần 2 của cuốn sách là những cảm nhận của tác giả Hồ Sĩ Vịnh về các nhà thơ hiện đại (Chính Hữu, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên…). Bạn đọc có thể thấy được quan điểm của tác giả về hình tượng trong thơ và văn xuôi qua Sức mạnh của hình tượng trong thơ (nhân đọc “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu): “Trong văn xuôi, nhà văn nhận thức thực tiễn thông qua hình tượng tính cách. Trong thơ, ngoài hình tượng tính cách, chúng ta còn có quyền nói đến hình tượng cảm nghĩ. Hình tượng cảm nghĩ trong thơ rất rộng. Nó bao gồm mọi cảm xúc, mọi quan niệm do nhiều trạng huống, nhiều hoàn cảnh sống khác nhau gây ra qua tính cách nhân vật trữ tình”. Chúng ta biết đến Chế Lan Viên không chỉ là nhà thơ mà còn là nhà lý luận phê bình (Văn lý luận của nhà thơ Chế Lan Viên). Đó là một nhà thơ có khuynh hướng trí tuệ, một nhà viết ký chính luận trữ tình, một nhà hoạt động văn hóa nhiều kinh nghiệm. Hồ Sĩ Vịnh cho rằng, trong thơ có yếu tố phi lý tính, phải nhờ sự can thiệp của nhà thơ thì cái phi lý tính ấy sẽ thành có lý. Yếu tố phi lý tính thường hiện diện trong thơ văn cổ truyền dân tộc. Ông cũng chỉ ra những đặc trưng của phi lý tính trong thơ và vai trò của nó trong thơ hiện nay (Yếu tố phi lý tính trong thơ).
Bên cạnh những bài viết về nhà thơ, hình tượng thơ trong văn học Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại, tác giả như mở cánh cửa tầm hiểu biết ra ngoài thế giới, đưa người đọc đến với phần 3 cuốn sách. Đó là những bài viết về những nhà thơ lớn của thế giới như A. Pushkin, M.Gorki, Mayakovsky, V.Lênin… Qua đó, ta thấy được những ảnh hưởng của văn học thế giới tới nền văn học của Việt Nam.
Bạn đọc sẽ không thể bỏ qua phần thứ tư của cuốn sách với 8 bài viết bàn luận về thơ ca. Theo tác giả, thơ ca thời đại nào, dân tộc nào cũng đều là minh chứng lịch sử, đáng để cho nhân loại, dù có nền văn hóa khác nhau vẫn được tin yêu, trân trọng, học hỏi. Bản thân thơ ca không có niên biểu lịch sử rạch ròi, nhưng thơ ca triết luận hơn lịch sử…
Ông viết: “Trong nghệ thuật thơ ca, tư tưởng biểu hiện thường xuyên là trực giác - siêu lôgic. Có hai kiểu trực giác: Trực giác ước lượng (intuition conjecture) là thứ trực giác không đòi hỏi chứng giải và không chứng giải được, ở đây duy lý bất lực; và trực giác tưởng tượng, siêu thực. Trong thơ cổ điển Trung Hoa, Đổng Trọng Thư, đời Hán có câu: Thi vô đạt hổ (Thơ không thể giải thích thấu đạt được) vì thơ là gợi ý, nói gián tiếp, ẩn dụ, đa nghĩa, mơ hồ. Ẩn dụ, mơ hồ nhưng mỗi người đọc có thể hiểu được dòng thơ, bài thơ với cách bình giảng khác nhau là nhờ trí tưởng tượng. V.I. Lênin coi tưởng tượng là một phẩm chất, một giá trị vĩ đại của con người. Con đường đúng đắn dẫn đến sức tưởng tượng chân chính là sự kết hợp hai sức mạnh tự nhiên: cái vô thức và cái lý tính. Fr. Hebel, nhà thơ Đức (1813-1863) nói rằng, tưởng tượng chân chính thường xuyên gắn liền với lý tính”.
Có thể nói, qua gần 50 bài viết trong cuốn sách Hành trình của thơ, tác giả đã giúp bạn đọc có được hiểu biết, xúc cảm qua những cảm nhận, khám phá mới cũng như những lập luận sắc bén của ông về các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới.
Hành trình của thơ là tập tiểu luận, phê bình về thơ từ năm 1964 đến năm 2020. Hợp tuyển này là kết quả của hơn 50 năm làm công tác phê bình văn học, văn hóa học, nghệ thuật học của tác giả. Đó chính là chìa khóa để GS.Hồ Sĩ Vịnh khám phá hành trình của thơ trong nhiều cung bậc, sắc thái khi tiếp cận tác phẩm.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020