Tập huấn triển khai 9 dự án trong Chương trình hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng

Ngày 16-3-2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa tổ chức tập huấn triển khai Chương trình hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng. Tham gia tập huấn là các thành viên đại diện cho 9 nhóm dự án được Hội đồng Anh hỗ trợ năm 2025.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Chương trình hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng (Cultural Heritage Grant Programme) là một sáng kiến của Hội đồng Anh tại Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa thực hiện nhằm hỗ trợ các cộng đồng nắm giữ, thực hành di sản nhận diện và giải quyết các thách thức trong bảo vệ di sản văn hóa hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời, chương trình có mục tiêu thúc đẩy vai trò, quyền chủ thể và sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích tạo cơ hội nâng cao sinh kế cho cộng đồng thông qua di sản.

Trong năm 2025, Chương trình hỗ trợ 9 nhóm dự án trên khắp cả nước gồm các dự án: “Nâng cao kỹ thuật dệt-may cho thợ dệt thổ cẩm Buôn Buôr (xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột)” của Quỹ Từ Tâm Đắk Lắk; “Nâng cao năng lực cho phụ nữ Hmông ở Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình từ kỹ thuật thủ công truyền thống” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; “Phục hồi kỹ thuật dệt truyền thống “Tằm Hục Màn” của người Thái Dọ tại các bản làng người Thái (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An)” của Hoa Tien Brocade; “Sưu tầm và lưu trữ truyện cổ các dân tộc Chăm, Thái, Khmer, Tày ở Bình Thuận, Điện Biên, Sóc Trăng và Thái Nguyên”- Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam; “Nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương)”- Hội bảo tồn và phát huy nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu; “Phát triển du lịch cộng đồng làng Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai)”- do chị Ká Tuyền làm đại diện; “Photovoice - Ghi lại văn hóa địa phương của người Thái ở bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An)”- chị Nguyễn Thị Bích Ngọc làm đại diện; “Trao truyền nghệ thuật chạm khắc vật dụng thiêng bằng kim loại trong nghi lễ cho thế hệ trẻ Chăm (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận)”- anh Thập Hồng Luyện làm đại diện; “Phát triển Hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, thành phố Huế)”- chị Mai Ly làm đại diện.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa Nguyễn Đức Tăng phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Đức Tăng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa cho biết: Mỗi dự án là một đối tượng rất ý nghĩa về lĩnh vực bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cộng đồng. Các dự án có những biện pháp khác nhau, từ việc phục hồi nghề thủ công truyền thống dệt may, in mộc bản, chạm khắc đến việc sưu tầm, lưu giữ các loại hình ngữ văn dân gian truyền thống như các truyện cổ, hoặc hướng đến phát triển du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế, phát triển các mẫu mã sản phẩm mới như hoa giấy… Điều này cho thấy những tiềm năng vô hạn của di sản văn hóa trong việc thúc đẩy thịnh vượng và niềm tự hào của cộng đồng đối với di sản văn hóa của nước ta.

Ông Nguyễn Đức Tăng khẳng định, khóa tập huấn hôm nay không chỉ là cơ hội để chúng ta nâng cao năng lực chuyên môn, mà còn tiếp cận một số thông tin, chia sẻ với nhau trên góc độ trao đổi, mở rộng mạng lưới hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, quản lý, các cá nhân, nhóm người cũng như các thành viên, những nghệ nhân nắm giữ, cộng đồng nắm giữ di sản trong việc bảo vệ di sản văn hóa của cộng đồng. Buổi tập huấn hôm nay là bước khởi đầu cho một hành trình mà chúng ta cùng nhau hỗ trợ các cộng đồng để giải quyết những vấn đề, tạo ra đổi mới tích cực đối với di sản văn hóa.

“Trong suốt thời gian diễn ra các dự án mà chúng ta đang thực hiện thì Trung tâm sẽ cùng Hội đồng Anh luôn đồng hành nhằm xử lý, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Qua đây chúng tôi cũng hy vọng những giá trị được tạo dựng trong tương lai sẽ không chỉ phục hồi, sống lại các kỹ thuật, kỹ năng thực hành mà còn mang đến một chương mới, vườn ươm văn hóa của các cộng đồng. Hơn nữa, thông qua các dự án này chúng tôi mong muốn mở rộng hơn nữa, xây dựng những mối gắn kết chặt chẽ lâu dài với các cộng đồng, các tổ chức, cá nhân và những bên liên quan có cùng chí hướng, tâm huyết bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng” - Ông Nguyễn Đức Tăng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Điều phối các chương trình nghệ thuật của Hội đồng Anh phát biểu

Chia sẻ về Chương trình hỗ trợ bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng và Dự án Di sản kết nối, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Điều phối các chương trình nghệ thuật của Hội đồng Anh cho biết, Di sản kết nối là chương trình, dự án lớn của Hội đồng Anh toàn cầu, đó là dự án di sản văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều. Chương trình đã được thực hiện từ năm 2018 cho đến nay, là một chương trình nghiên cứu, hành động do Hội đồng Anh thực hiện tại 3 nước Colombia, Kenia và Việt Nam và hướng đến sử dụng các di sản văn hóa để đem lại lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội.

“Phiên bản Việt Nam của Chương trình đó là Dự án Di sản kết nối, ở đây chúng tôi làm việc với các dự án phi vật thể như nhạc, phim, nghề thủ công, ngôn ngữ, chữ viết, những câu chuyện truyền miệng, đặc biệt là các di sản văn hóa ít được biết đến và có nguy cơ bị mai một. Phiên bản Việt Nam này thì chúng tôi sẽ có những hướng tiếp cận sáng tạo nhằm giúp các cộng đồng khác nhau có thể đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, qua đó đem lại sự phát triển bền vững và rộng rãi”- bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Dự án này của Hội đồng Anh dựa trên 7 nguyên tắc chính: Hướng tới sự phát triển đồng đều; Lấy con người làm trung tâm; Có sự tham gia của cộng đồng; Có tính bền vững; Xây dựng năng lực cho cộng đồng; Địa phương dẫn đường và cùng học hỏi, cùng chia sẻ.

Đại diện nhóm các dự án, các nghệ nhân phát biểu, chia sẻ tại chương trình

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, định hướng dẫn dắt cho Dự án kết nối di sản là làm việc với di sản văn hóa địa phương để giải quyết những khó khăn của địa phương, hướng tới phát triển đồng đều và lấy con người làm trung tâm, lấy cộng đồng làm trung tâm, cộng đồng trực tiếp tham gia và trực tiếp hưởng lợi từ các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương. Trước khi bắt đầu một dự án, một chương trình tại địa phương nào đó thì chúng tôi luôn có những đoàn chuyên gia đến và tham vấn với cộng đồng sau đó xây dựng kế hoạch rồi điều chỉnh trên thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Trong thời gian tới chúng tôi tập trung chia sẻ các kỹ năng trong cộng đồng và giữa các cộng đồng, giữa các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ với người thực hành trao đổi, tạo nên hệ sinh thái, mở rộng nền tảng di sản số để cộng đồng chia sẻ và kết nối với nhau, nhận thức đầy đủ về các giá trị di sản và phối hợp với các cơ quan quản lý để tối ưu hóa vai trò của cộng đồng và chủ thể trong quá trình phát triển. Thay vì những năm trước đây Hội đồng Anh làm việc trực tiếp với các dự án di sản, năm nay sẽ thông qua các đối tác như là Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, đem đến những khoản hỗ trợ cho các dự án. Trung tâm sẽ đóng vai trò là người cung cấp và hỗ trợ về mặt chuyên môn cũng như về mặt kỹ thuật để có thể hỗ trợ các dự án một cách tốt hơn”.

Chương trình tập huấn giúp các cộng đồng tham gia có cơ hội nâng cao năng lực trong việc bảo vệ di sản văn hóa, là cơ hội để cộng đồng có thể tự giới thiệu, chia sẻ thông tin cũng như mở rộng các cơ hội hợp tác và kết nối thông qua các chủ đề như: nhận diện và phát huy giá trị di sản, phát triển di sản bền vững, mở rộng thị trường cho những sản phẩm địa phương, phát triển và quản lý du lịch di sản, và các vấn đề như bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, sự tham gia, quyền sở hữu địa phương... trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Tại chương trình, các đại biểu, nghệ nhân và các nhóm dự án đã chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại công đồng.

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý phát biểu 

Tại buổi tập huấn TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam phát biểu kết luận và đưa ra các biện pháp bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng. Việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể với các dự án như của Hội đồng Anh tài trợ này thì di sản đó phải là thực thể sống, đang được sống trong cộng đồng và phải được gắn với chủ thể, gắn với con người cụ thể. Trong số các dự án ở đây thì con người lại chính là chủ thể thực hiện dự án này.

Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, di sản sẽ được bảo vệ khi mà cộng đồng đồng thuận bảo vệ và cộng đồng tự nguyện chuyển giao, đó là những giá trị mà cộng đồng chuyển giao từ đời này sang đời khác. Các di sản được bảo vệ là những di sản mà sự tồn tại của di sản đó có thể chia sẻ với cộng đồng khác, có thể được cộng đồng khác tiếp cận. Và, khi tiếp cận như thế nó tạo nên sự hài hòa, đa dạng, tạo sự tôn trọng lẫn nhau mà không làm tổn thương nhau. Có thể có những giá trị mà cộng đồng sáng tạo ra nhưng giá trị đó chỉ là của riêng chính họ thôi, không nhất thiết phải chia sẻ, và có khi chia sẻ lại làm cộng đồng đó bị tổn thương.

Để đảm bảo sự tham gia của cộng đồng, phải tổ chức tập huấn nhằm chia sẻ, thảo luận để thấy được mục đích để bảo vệ di sản, vai trò, lợi ích, trách nhiệm của cộng đồng, khuyến khích họ tự nhận thức, tự giới thiệu và tự đề xuất. Trong bảo vệ di sản thì đối thoại, thảo luận và bảo vệ các quan điểm và nhận dạng những thách thức trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, những thách thức đó trong tương lai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng để đưa ra những dự báo và từ những dự báo đó đưa ra được các giải pháp để giải quyết những thách thức đó.

Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt chia sẻ về dự án "Phục hồi nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu

Bên cạnh đó, TS Lê Thị Minh Lý cũng đã chỉ ra một số thách thức như: Đại chúng hóa di sản (thể thao hóa các trò diễn tâm linh); Hoành tráng hóa, hiện đại hóa di sản (Kỷ lục, Guiness); Hành chính hóa di sản (đọc diễn văn, chào cờ, tiếp khách, giới thiệu đại biểu…); Du lịch hóa di sản (cải tạo không gian cảnh quan, thay đổi thực hành, thay đổi lễ vật, “lộc”); Phát huy hay trục lợi?

Bà Lê Thị Minh Lý khẳng định, di sản văn hóa phi vật thể sẽ được bảo vệ tốt nếu có “sự tham gia thật sự” của cộng đồng. Tham gia thực sự của cộng đồng chứ không phải chi là sự tham gia trên danh nghĩa. Dự án của Hội đồng Anh cũng cho chúng ta thấy rõ một vấn đề là tất cả phải để cộng đồng, dựa vào cộng đồng và cộng đồng sẽ làm chủ dự án này, khi có sự tham gia của cộng đồng, lợi ích của cộng đồng sẽ được cộng đồng duy trì và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: THANH DANH

;