Sắc Xuân vùng cao Điện Biên Đông: Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Xinh Mun

Trong không gian rực rỡ của Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025 tại Điện Biên, huyện Điện Biên Đông mang đến một bức tranh văn hóa độc đáo, đặc biệt là không gian văn hóa của dân tộc Xinh Mun, với chủ đề “Sắc Xuân vùng cao - Điện Biên Đông”.

Huyện Điện Biên Đông mang sắc xuân vùng cao đặc trưng của dân tộc Xinh Mun tới Lễ hội Hoa Ban 2025

Điện Biên Đông, cách thành phố Điện Biên Phủ 50km, là một vùng đất giàu tiềm năng du lịch với địa hình núi non hiểm trở, nơi sinh sống của 6 dân tộc anh em: Mông, Thái, Khơ Mú, Lào, Xinh Mun và Kinh. Mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa đặc sắc, tạo nên một Điện Biên Đông đa dạng và phong phú.

Dấu ấn văn hóa Xinh Mun

Trong bức tranh đa sắc màu ấy, dân tộc Xinh Mun còn có tên gọi khác là Puộc, họ sinh sống tập trung tại xã Chiềng Sơ, với những nét văn hóa độc đáo, từ nhà sàn, trang phục đến các lễ hội truyền thống.

Người Xinh Mun sống ở nhà sàn được làm bằng các loại cây thân gỗ và các loại cây như tre, vầu, nứa... lợp bằng cỏ gianh hay lá cọ. Thay vì đóng đinh thì giữa các mấu nối được buộc bằng dây chằng, thắt nút khá công phu và tinh xảo. Dây buộc là cây giang, mây hoặc vỏ những cây chuyên dùng như năng hu, năng xa. Khi làm nhà để nối các cột kèo, người Xinh Mun sử dụng những đòn dầm xuyên suốt qua các cột. Nhà ở của người Xinh Mun, về cơ bản và trông từ bên ngoài, tương tự như nếp nhà cổ truyền của dân tộc Thái (ngành Thái đen): 2 mái dài, 2 chái hình mai rùa. Mỗi nhà có 2 cầu thang, đặt ở 2 đầu. Họ cho rằng con rùa dạy họ làm nhà nên ngôi nhà của họ cũng khum khum mái giống hình mai rùa. Cầu thang ở cuối nhà dành cho phụ nữ đi. Còn cầu thang phía trước nhà dành cho nam giới và khách đi. Khách vào nhà chỉ được đi vào phía sàn dành cho đàn ông.

Chị Lò Thị Thu thi thuyết minh giới thiệu văn hóa, du lịch huyện Điện Biên Đông tại Lễ hội Hoa Ban 2025 

Trong khuôn khổ Lễ hội hoa ban 2025, tại hội thi giới thiệu văn hóa, du lịch các huyện, thị xã, thành phố diễn ra ngày 14-3-2025, chị Lò Thị Thu chia sẻ: “Trang phục của người dân tộc Xinh Mun có nhiều điểm tương đồng với dân tộc Thái, tuy nhiên cũng có những điểm riêng biệt. Khăn phụ nữ Xinh Mun ngày nay thường đội khăn piêu, làm từ vải bông nhuộm chàm. Khăn không chỉ dài và rộng mà còn được trang trí cút ở bốn góc. Điều thú vị là số cút luôn là số lẻ, tượng trưng cho sự chung thủy. Áo của họ ngắn ngang eo, có thiết kế độc đáo với những khuy bằng đồng hoặc bạc. Mỗi khuy áo đều mang ý nghĩa riêng, từ hình con bướm đến hình con ve sầu. Váy của phụ nữ Xinh Mun thường ngắn, hở bắp chân, may từ vải bông nhuộm chàm hoặc vải đen. Cạp váy và gấu váy được thiết kế tỉ mỉ, có nhiều hoa văn. Đàn ông thường mặc áo dài tay, với thiết kế đơn giản. Áo thường có màu tối, còn quần thường là loại quần dài, được may từ vải bông hoặc vải thô, mang lại cảm giác thoải mái trong cuộc sống thường ngày”.

Người Xinh Mun yêu thích ca hát, nhảy múa, đặc biệt là trong các dịp lễ hội như mừng cơm mới, mừng nhà mới. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, hay mừng nhà mới, lễ hội của đồng bào dân tộc Xinh Mun không thể thiếu tiếng trống, tiếng chiêng. Những bộ trống, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành thanh âm quen thuộc, rộn ràng, khơi gợi tinh thần đoàn kết, gắn bó tương thân tương ái trong cộng đồng của dân tộc Xinh Mun. Các loại nhạc cụ truyền thống luôn được bà con trân trọng, gìn giữ qua nhiều thế hệ, trở thành giá trị văn hóa tiêu biểu.

Trong những nét văn hóa của người Xinh Mun, phải kể đến Lễ mừng cơm mới. Năm 2022, Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 64/QĐ-BVHTTDL. Lễ mừng cơm mới thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là dịp con cháu dâng lên tổ tiên các món ăn truyền thống, và cầu mong cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, cầu cho mùa màng bội thu.

Nhà truyền thống của dân tộc Xinh Mun tại không gian trưng bày

Điện Biên Đông - điểm đến du lịch hấp dẫn

Ngoài những giá trị văn hóa độc đáo, Điện Biên Đông còn sở hữu nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như: chợ phiên Keo Lôm (nơi giao thương, giới thiệu văn hóa và sản phẩm địa phương); đỉnh Chóp Ly (điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên); hồ Nong U (vẻ đẹp tĩnh lặng, hoang sơ của hồ nước giữa rừng thông xanh mát); bản Tìa Ló (bản người Mông với khí hậu mát mẻ, phát triển du lịch homestay); hang Mường Tỉnh (di tích cách mạng, nơi lưu giữ những kỷ vật lịch sử); Thủy điện sông Mã 3 tại Pá Vạt (cảnh quan sông nước hùng vĩ, thơ mộng)… Đặc biệt, Mường Luân là xã có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhất huyện Điện Biên Đông. Mảnh đất yên bình nằm bên bờ sông Mã là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái và Lào. Nổi bật nhất là Tháp Mường Luân - công trình kiến trúc có giá trị về mặt nghệ thuật cũng như lịch sử. Khu tháp cổ Mường Luân là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tổ chức lễ hội trong dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng trên địa bàn. Cùng với việc tham quan tháp cổ, du khách được khám phá nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào, những điệu múa Lăm vông và những món ăn đậm đà bản sắc.

Bên cạnh không gian trưng bày trong nhà, đội thi của huyện Điện Biên Đông còn giới thiệu các sản vật địa phương đặc sản như bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, nếp nương Luân Giới

Kinh tế chủ yếu của huyện Điện Biên Đông là nông nghiệp và lâm nghiệp. Các sản phẩm nông sản như bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ, nếp nương Luân Giới, mật ong khoái... không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là những sản vật độc đáo, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, Điện Biên Đông đang từng bước phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong không gian Lễ hội hoa ban và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025, Sắc xuân vùng cao - Điện Biên Đông của dân tộc Xinh Mun không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là lời khẳng định về tiềm năng và sức sống mãnh liệt của vùng đất này.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;