Vẻ đẹp văn hóa độc đáo của người Mông Hoa huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ 8, các nghệ nhân người Mông Hoa huyện Mường Chà đã giới thiệu với du khách không gian trưng bày những nét văn hóa truyền thống độc đáo. Ở đây, người xem được thưởng thức điệu múa khèn, xem nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục, chế tác khèn và tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc…

Không gian trưng bày văn hóa dân tộc Mông Hoa huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên

Mường Chà là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Điện Biên, có tổng diện tích tự nhiên hơn 118 nghìn ha, gồm 12 xã, thị trấn. Dân số toàn huyện hơn 54 nghìn người, gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Mông, Thái, Khơ mú, Kinh, Hoa (Xạ phang)... trong đó, dân tộc Mông chiếm 71,11% còn lại là các dân tộc khác.

Mường Chà là huyện có tiềm năng phát triển du lịch với các di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia như hang Huổi Cang, Huổi Đáp, Hang Thâm Tâu, hang di chỉ khảo cổ Tìa Chớ; cùng với các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: nghề rèn của người Mông, nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang), nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông, Múa của người Khơ mú, Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa; và nhiều món ăn truyền thống: mèn mén, gà xé, thịt lợn gác bếp và rượu Mông Pê...

Các nghệ nhân biểu diễn và chế tác nhạc cụ dân tộc Mông Hoa

Với chủ đề “Mường Chà, văn hóa độc đáo – vẻ đẹp bất tận”, chị Giàng Thị Vu đã giới thiệu đến với người xem nhiều nét văn hóa truyền thống, hiện vẫn được người Mông bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong những dịp lễ, vui hội xuân. Đó là những trò chơi dân gian và trình diễn các nhạc cụ của người Mông như: ném pao, đánh tù lu, đánh cầu lông gà, thổi khèn, thổi sáo... được các nghệ nhân trình diễn và tái hiện lại trong khuôn khổ của không gian trưng bày.

Chị Giàng Thị Vu cho biết, huyện Mường Chà là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Mông, ngành Mông hoa. Người Mông ở đây có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, hấp dẫn, trong đó có kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải. Đây là một nghề thủ công truyền thống đã gắn bó với đồng bào từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn được những người dân nơi đây bảo tồn và phát triển.

Trang phục truyền thống của người Mông hoa mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết họa văn rực rỡ, cùng với sự phối màu hài hòa trên các gam màu hồng, cam vàng... nhưng màu đỏ vẫn là màu chủ đạo. Để tạo lên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh và đẹp mắt, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn như: se lanh, dệt vải, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi. Công đoạn nào cũng quan trọng, trong đó khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn là công đoạn đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục được đúc kết qua nhiều thế hệ.

Nghệ nhân thực hiện vẽ hoa văn bằng sáp ong 

Nói về kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong, chị Giàng Thị Vu chia sẻ, để tạo nên những họa tiết này trên trang phục truyền thống, đầu tiên là phải chuẩn bị các vật liệu như chọn sáp ong để sơ chế. Sáp ong lấy từ trên rừng về, vắt bỏ mật lấy sáp đem đun nóng chảy đổ vào bát cho khô đông lại, sáp ong có hai khoảng màu vàng và màu đen. Màu vàng là lớp sáp non, màu đen là lớp sáp già. Khi bắt đầu vẽ sáp thì nấu hai loại sáp trộn với nhau để nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 70-80 độ. Khi sáp có độ loãng cần thiết thì mới in được, nếu loãng quá in hoa văn sẽ bị nhòe còn nấu đặc quá thì sáp ong sẽ không dính được vào vải.

Bên cạnh vẽ hoa văn bằng sáp ong, người Mông Hoa còn có những bí quyết tạo họa tiết hoa văn trên vải hết sức độc đáo và phong phú. Trong đó có kỹ thuật thêu hoa văn trên vải cũng là một trong những công đoạn hết sức quan trọng để tạo nên chiếc váy hoàn chỉnh. “Họ thêu không có mẫu vẽ sẵn mà bằng trí nhớ, thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải với các mô-típ hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ. Khi thêu, phụ nữ Mông hoa thường tính toán tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, cách sắp xếp các họa tiết, kích thước hoa văn trên mảnh vải. Kỹ thuật thêu hoa văn càng phức tạp, đòi hỏi càng phải kiên trì, cẩn thận. Với những công đoạn đòi hỏi nhiều kỹ năng, nên một năm người phụ nữ Mông Hoa chỉ làm được từ 1 đến 2 chiếc váy” – chị Vu cho biết.

Biểu diễn giã bánh dày, thổi khèn và các trò chơi dân gian tại không gian trưng bày văn hóa huyện Mường Chà

Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, nhưng người Mông Hoa huyện Mường Chà vẫn luôn gìn giữ những nét văn hóa độc đáo như vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu hoa văn truyền thống để góp phần xây dựng bảo tồn phát huy giá trị di sản dân tộc. Năm 2018 kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa, huyện Mường Chà đã được Bộ VHTTDL công nhận là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng với việc tạo hoa văn độc đáo trên trang phục dân tộc, chế tác khèn, chị Vu cũng giới thiệu với du khách về nhạc cụ truyền thống - nét văn hóa tiêu biểu của người Mông. Trong đời sống dân tộc người Mông không thể thiếu hình ảnh của tiếng khèn, tiếng sáo. Tiếng khèn như hòa quyện gắn kết những tâm hồn, khèn lá, khèn môi được nam nữ sử dụng để gọi bạn tình và trao duyên trong các dịp lễ hội, vui xuân. Cây khèn là nhạc cụ cổ truyền độc đáo không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống của đồng bào Mông, nhạc cụ này được gọi là “kênh” và thường được người sử dụng trong các ngày hội vui, khi xuống chợ phiên, hay trong nghi lễ tang ma. Khèn Mông được chế tác từ gỗ pơmu và thân cây sặt. Ngoài ra, để trang trí và cố kết thân khèn cho thật khít, các nghệ nhân còn dùng vỏ cây đào rừng, loại vỏ cây vừa rất dẻo vừa có màu sắc bền đẹp. Cây khèn có 6 ống tượng trưng cho 6 anh em trong một gia đình…

Các món ăn của dân tộc Mông Hoa

Ẩm thực là một trong nét văn hóa được các đồng bào dân tộc giới thiệu tại Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ 8. Người  Mông Hoa huyện Mường Chà đã mang đến Ngày hội những món ăn quen thuộc, đậm nét văn hóa như mèn mén, canh bí đỏ, thắng cố, thịt gác bếp xào cải cay và rượu Mông Pê. Trong đó, mèn mén là món ăn truyền thống của người Mông được làm từ ngô…

Cũng trong không gian văn hóa của người Mông Hoa, các sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao của huyện Mường Chà cũng được giới thiệu tại đây như: miến rong Hoàng Tâm, rượu Thanh Thủy, bí xanh HTX Nam Dương…

Bài, ảnh: THÁI AN

;