“Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp”

Sáng 22-11, tại Hà Nội, Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” đã được Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (1973- 2023).

Chủ trì hội thảo Hội thảo có: Thạc sĩ, Tổng Biên tập Hoàng Hà, các Phó Tổng Biên tập: Ngô Thị Minh Nguyệt và  Đặng Xuân Mã.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo khoa học “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” đã nhận được 26 tham luận có chất lượng và đầy tâm huyết, tập trung đánh giá những thành tựu, thách thức và những bài học kinh nghiệm quý báu mà Tạp chí rút ra qua 50 năm hoạt động, đồng thời đưa ra những giải pháp thiết thực để phát triển Tạp chí trong thời gian tới.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tổng Biên tập Hoàng Hà nhấn mạnh, kỷ niệm 50 năm  thành lập là dịp để những người làm nghề của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có dịp ôn lại truyền thống đầy tự hào. 50 năm cũng là khoảng thời gian đủ dài để kiểm nghiệm những đóng góp của các thế hệ, cả về nội dung và hình thức Tạp chí cùng với phương thức tổ chức hoạt động.  Với bề dày thương hiệu, những kinh nghiệm hết sức quý báu sẽ là hành trang để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tiếp bước trong giai đoạn sắp tới. 

Tổng Biên tập Hoàng Hà cho biết, hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật hoạt động trong bối cảnh mới, xuất bản từ 1 kỳ lên 3 kỳ theo nhiệm vụ chính trị được Bộ VHTTDL giao: kỳ 1-  nghiên cứu, thông tin lý luận, kỳ 2 với các bài viết về đời sống văn hóa, kỳ 3 là các bài viết mang tính chuyên ngành hướng tới độc giả trẻ. “Nếu như trước đây, độc giả sẽ tìm tới báo in, nhưng hiện nay bạn đọc sẽ tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh.  Chính vì thế, số lượng báo in ngày càng giảm sút về phát hành, các tạp chí mang tính chất nghiên cứu thì số lượng phát hành càng hẹp. Trong điều kiện khó khăn như vậy, tập trung chuyển đổi số, chúng ta cần phải phát huy sở trường, khẳng định thương hiệu thông tin nghiên cứu lý luận, giữ bản sắc của Tạp chí” – ông Hoàng Hà nhấn mạnh.

Tổng Biên tập Hoàng Hà phát biểu đề dẫn Hội thảo

Tổng Biên tập Hoàng Hà đề nghị hội thảo   đánh giá thực trạng phát triển của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật qua 50 năm hình thành và phát triển (ưu điểm, hạn chế); phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế; vấn đề đặt ra từ thực tiễn và bài học kinh nghiệm trải qua 50 năm phát triển Tạp chí; đề xuất các giải pháp thiết thực để phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong giai đoạn mới. 

Với tham luận “Chất văn hóa trong Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật”, PGS, TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đang ngày càng đi theo hướng nghiên cứu đúng như tên gọi (và cũng là chức năng, tôn chỉ, mục đích) của báo. Tất cả các bài viết đều xoay quanh 2 mặt phản ánh: văn hóa và nghệ thuật, trong đó các bài viết về lĩnh vực Văn hóa vẫn trội hơn. Riêng trong năm qua, kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) nên số bài nghiên cứu xung quanh sự kiện này chiếm một số lượng đáng kể (trên 20 bài). Còn lại là các bài viết về: tư tưởng Hồ Chí Minh (với sự phát triển văn hóa dân tộc), tín ngưỡng dân gian, phong tục lễ hội truyền thống, di sản văn hóa vật thể - phi vật thể, văn hóa nho giáo Việt Nam, văn hóa Đảng, văn hóa du lịch, văn hóa Làng nghề, văn hóa mạng... khá đa dạng, phong phú hấp dẫn. Tạp chí cũng đã thể hiện một maket trình bày (bìa và ruột) hợp lý, đẹp về mặt kỹ thuật - mỹ thuật, được in trên giấy tốt. Có thể nói, đó là một sự cố gắng lớn của Hội đồng Biên tập, Ban Lãnh đạo và các cán bộ của Tạp chí, trong tình hình báo in ngày càng bị thu hẹp về nhiều mặt.

Đóng góp ý kiến đối với Tạp chí, PGS, TS Phạm Văn Tình cho rằng, mảng ngôn ngữ (tiếng Việt và các vấn đề liên quan) cần có nguồn bài nhiều hơn, đa dạng hơn, đúng chủ đề hơn…  bởi rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ mà người Việt đã nghe nhưng không dễ giải thích hoặc giải thích ngọn ngành, đến nơi đến chốn. Cũng bởi, để giải mã ngữ nghĩa đích thực của mỗi câu, ta phải truy tìm, truy cứu nhiều sách vở, nhiều từ điển, điển cố và điển tích liên quan tới folklore thì mới có cơ hội tìm được gốc gác, căn nguyên. Mỗi bài viết về ngôn ngữ dân gian là một chủ đề tri thức liên quan đến văn hóa.

PGS, TS Phạm Văn Tình đề xuất Tạp chí cũng nên có chuyên mục nhỏ “Từ ngoại lai trong tiếng Việt” để nghiên cứu, làm rõ hơn bức tranh tiếng Việt hiện nay

“Trong xu hướng hội nhập và hòa nhập hiện nay, đã có một số lượng không nhỏ từ ngữ tiếng nước ngoài (tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga…) được “nhập tịch” vào tiếng Việt. Thiết tưởng, Tạp chí cũng nên có chuyên mục nhỏ “Từ ngoại lai trong tiếng Việt” để nghiên cứu, làm rõ hơn bức tranh tiếng Việt hiện nay” - PGS, TS Phạm Văn Tình cho biết.

Trình bày tham luận “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: nửa thế kỷ đồng hành cùng nền văn hóa dân tộc”, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, Ths Nguyễn Hữu Giới chia sẻ, từ những ấn phẩm đầu tiên năm 1973 - đứa con đầu lòng của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã là một ấn phẩm văn hóa khá dày dặn, bề thế, chững chạc với nhiều nội dung hay, hấp dẫn, bổ ích. Bước đầu là niềm vui, niềm tin vào sự chuyển động và lan tỏa, định hướng phát triển cho những số sau này qua bao năm tháng…

Từ thời kỳ đổi mới 1986 đến nay, dù trải qua nhiều năm tháng, những thay đổi về nhân sự, về tổ chức, bộ máy và về chất lượng từng số, nhưng nhìn một cách khách quan, toàn diện, vẫn có thể thấy rằng: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn có ba điểm tựa rất vững chắc, để phát triển đi lên. Điểm tựa thứ nhất là luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của mình, dù đổi mới đến đâu, thì vẫn luôn bám sát đời sống thực tiễn, không chạy theo thị hiếu của thị trường. Điểm tựa thứ hai chính là việc Tạp chí luôn coi trọng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên, đó là linh hồn của Tạp chí. Điểm tựa thứ ba là nội bộ đoàn kết và luôn có ý thức nâng cao trình độ của Ban Biên tập, để đáp ứng nhu cầu của công việc, của sự nghiệp đổi mới đất nước…

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới phát biểu tham luận tại Hội thảo

Ths Nguyễn Hữu Giới cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhằm phát triển trong chặng đường mới: Một là, Tạp chí cần có thêm những bài viết của các nhà quản lý văn hóa, lãnh đạo văn hóa ở Trung ương và địa phương, để định hướng, phát triển về lý luận và chỉ đạo thực tiễn hoạt động văn hóa ở Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới - Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số ở Việt Nam… Hai là, Tạp chí cần có các chuyên đề, chuyên sâu về các lĩnh vực: điện ảnh, di sản văn hóa, thư viện, nghệ thuật biểu diễn, văn hóa cơ sở… để góp phần quảng bá và thông tin về những hoạt động của các lĩnh vực này trong bối cảnh mới; đồng thời góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các hoạt động này trong tương lai. Ba là, cộng tác viên của Tạp chí là “nguồn sống” rất quan trọng để nuôi dưỡng các bài viết, vì thế rất cần có những “cộng tác viên ruột” là các học giả có uy tín, những “cây đa, cây đề” ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thường xuyên viết bài cho Tạp chí. Đây không chỉ là vấn đề “làm sang” cho Tạp chí, mà thực sự còn là những đóng góp có giá trị của các học giả, chuyên gia, nhà khoa học cho Tạp chí (mà không phải tờ báo, tạp chí nào ở nước ta cũng có được); tránh trường hợp có nhiều bài viết nhạt nhẽo, ít thông tin và ít giá trị. Bốn là, đề nghị các ban chuyên môn và đội ngũ viên chức Tạp chí phải luôn suy nghĩ, tìm tòi và đổi mới hình thức và nội dung của Tạp chí. Bên cạnh tạp chí giấy truyền thống, chúng ta đã có Tạp chí điện tử, vậy nên thời gian tới, đề nghị Tạp chí tìm cách để lan tỏa và phát huy giá trị của Tạp chí điện tử qua mạng internet nhiều hơn, để phục vụ độc giả trong và ngoài nước.

GS, TS Nguyễn Chí Bền – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, GS, TS Nguyễn Chí Bền – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật chia sẻ, đã làm việc tại Tạp chí từ 10-10-1990, chuyển sang làm Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật từ 30-3-2002. "Mặc dù xa Tạp chí đã lâu, nhưng trở lại với Tạp chí trong ngày kỷ niệm, điều đó làm tôi rất xúc động"- ông tâm sự.

Đóng góp ý kiến về đường hướng phát triển của Tạp chí, GS, TS Nguyễn Chí Bền cho rằng, Tạp chí cần phải chú trọng hội nhập quốc tế. Cụ thể: Tạp chí phải có một hệ thống cộng tác viên ở nước ngoài, và ông sẵn sàng hỗ trợ làm điều này. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có thể liên kết với các tạp chí ở nước ngoài để xuất bản thì điều kiện phát hành sẽ dễ dàng hơn. Bởi lẽ, các trường đại học ở nước ngoài có tạp chí, mà các trường cũng rất cần có nội dung nghiên cứu chuyên sâu, vì thế nếu được phát hành qua kênh này thì độc giả quốc tế sẽ được tiếp cận nhiều hơn. Nếu Tạp chí  xuất bản ở các nhà xuất bản nước ngoài thì hoàn toàn hiệu quả và thuận lợi hơn.

“Do đó, Tạp chí cần phải liên kết và tìm cách xuất bản các bài viết chuyên sâu khoa học ở nước ngoài. Điều này chính là gắn kết hội nhập quốc tế, tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là kinh phí. Nếu chúng ta quyết tâm làm từng bước một, sẽ thành công và Tạp chí ngày càng nâng cao thương hiệu và phát triển” – GS, TS Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh.

PGS, TS Vũ Ngọc Thanh – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhấn mạnh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã làm tốt sứ mệnh của mình trong 50 năm qua

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Vũ Ngọc Thanh – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhấn mạnh, nhìn lại 50 năm qua đã, có thể nói Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã làm tốt sứ mệnh của mình, khi vừa tạo dựng và giữ được bản sắc là cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu về văn hóa, nghệ thuật và gia đình; vừa đa dạng nội dung thông tin chuyên ngành, chuyên sâu, tư vấn, phản biện chính sách; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội về lĩnh vực chuyên ngành, luôn “vừa hồng vừa chuyên”. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng là một trong những ấn phẩm hàng đầu về văn hóa, nghệ thuật hiện nay, với sự phản ánh sâu sắc các chủ đề và bài viết có chiều sâu, cách tiếp cận vấn đề đa dạng, mang đến lượng thông tin, kiến thức phong phú. Dù là một tạp chí nghiên cứu, lý luận, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn đề cao tính khoa học, chỉn chu và kỹ càng trong cả nội dung lẫn hình thức.

Để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ngày càng phát triển và hòa nhập quốc tế, theo PGS, TS Vũ Ngọc Thanh, Tạp chí cần đề xuất với Bộ VHTTDL thành lập một ban hoặc phòng về đối ngoại quốc tế, khi có phòng ban đó mới đủ năng lực, chuyên môn để cho ra đời ấn phẩm tạp chí bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Hệ thống các bài viết nghiên cứu cũng cần được phát huy hơn nữa với từng lĩnh vực chuyên sâu. Đối với những vấn đề mới hoặc có những ý kiến tranh luận về văn hóa, nghệ thuật, Tạp chí có thể tổ chức những hội nghị bàn tròn mang tính chuyên ngành hẹp, từ đó tập hợp được những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Với việc tổ chức được các buổi thảo luận, tọa đàm mang tính học thuật, sẽ nâng tầm của Tạp chí lên rất nhiều, đồng thời sẽ  đánh giá kịp thời các vấn đề được xã hội cũng như bạn đọc quan tâm…

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Tổng Biên tập Hoàng Hà phát biểu tổng kết  Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Tổng Biên tập Hoàng Hà nhấn mạnh, Hội thảo đã nhận được 26 tham luận, có 7  tham luận, ý kiến trình bày tại hội thảo của các đại biểu là nguyên lãnh đạo Tạp chí, các cộng tác viên là các nhà nghiên cứu và đại diện các phòng, ban của Tạp chí.

Tổng Biên tập Hoàng Hà đánh giá cao các tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội thảo, và sẽ nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung trong hoạch định phát triển tới đây. Nhấn mạnh bề dày, thương hiệu của Tạp chí là niềm tự hào và là hành trang cho đội ngũ những người làm nghề hôm nay, Tổng Biên tập Hoàng Hà cũng nhấn mạnh: làm thế nào để phát huy thế mạnh đó trong giai đoạn tới,  là điều mà đội ngũ cán bộ Tạp chí cũng hết sức trăn trở. Tạp chí ghi nhận  các đề xuất về tăng cường chất học thuật, hàm lượng khoa học, điều này sẽ tiếp tục được phát huy vì đó là bản sắc  của Tạp chí. Trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ tập trung chuyển đổi số trên cơ sở điều kiện thực tế và lợi thế, trong đó có việc đưa các ấn bản in giai đoạn trước đây khi chưa có ấn bản điện tử lên mạng  để phục vụ nhu cầu nghiên cứu của độc giả. Đây cũng là một trong những nội dung được đề ra trong đề án chiến lược phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong thời gian tới, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật rất mong các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục phối hợp, hợp tác và tư vấn để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vững bước  phát triển.

Tổng Biên tập Hoàng Hà với các nguyên Tổng Biên tập: GS, TS Nguyễn Chí Bền (áo trắng); nhà báo Phạm Vũ Dũng (bìa trái), PGS, TS Vũ Ngọc Thanh (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm

Các thế hệ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, viên chức, người lao động Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật  và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;