Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật kỷ niệm 50 năm thành lập: Tự hào truyền thống, vững bước tương lai

Sáng nay, ngày 22-11-2023, trong khuôn khổ Hội thảo "Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật- 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (1973-2023) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, viên chức và người lao động của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ôn lại truyền thống đầy tự hào qua 50 năm xây dựng và phát triển.

Đến dự buổi lễ kỷ niệm có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí-  Xuất bản (Ban Tuyên giáo T.Ư); đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành. Tham dự còn có: các nhà nghiên cứu, cộng tác viên thân thiết, doanh nghiệp, hiệp hội, đối tác…; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, viên chức và người lao động của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật qua các thời kỳ.

Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm

Tại Lễ Kỷ niệm, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà đã báo cáo thành tích đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí. 50 năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã công bố hàng vạn công trình và bài báo có hàm lượng khoa học cao, cùng với hơn 30 đầu sách biên soạn, tuyển dịch có giá trị, góp phần nghiên cứu, phát triển lý luận văn hóa, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành VHTTDL, nhất là trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế.

“Thương hiệu của Tạp chí đã gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà nghiên cứu xuất sắc, đã được Đảng, Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý về lĩnh vực văn học nghệ thuật  đó là: nhà lý luận Hà Xuân Trường (Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Chủ nhiệm Tạp chí - giải thưởng Hồ Chí Minh); GS, NGND, họa sĩ, Tổng Biên tập đầu tiên Trần Đình Thọ (giải thưởng Nhà nước); nhà viết kịch, Tổng Biên tập Kính Dân (giải thưởng Nhà nước); PGS Từ Chi (giải thưởng Hồ Chí Minh)”- Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhấn mạnh.

Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà báo cáo thành tích đạt được qua 50 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí

Tạp chí Văn hóa nghệ thuật thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khi quy tụ đội ngũ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm với các Tổng Biên tập: PGS Nguyễn Đức Đàn; TS, VS Hồ Sĩ Vịnh; GS, TS Nguyễn Chí Bền; nhà báo Phạm Vũ Dũng; PGS, TS Vũ Ngọc Thanh. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu: họa sĩ, Phó Tổng Biên tập Trần Tuy; PGS, TS, Phó Tổng Biên tập Đỗ Lai Thúy; PGS, TS, Trưởng Ban Biên tập Trần Lâm Biền; PGS, TS, Trưởng Ban biên tập Nguyễn Đăng Nghị; PGS, TS Nguyễn Thụy Loan; TS, Phó Trưởng Ban biên tập Nguyễn Minh San; TS Bùi Khởi Giang… đã tạo dựng nên thương hiệu cho Tạp chí. Những đóng góp của họ cũng chính là niềm tự hào, là điểm tựa để đội ngũ những người làm nghề ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật hôm nay, đã và đang tiếp tục công việc của thế hệ đi trước.

Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm

Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ Kỷ niệm

Tổng Biên tập Hoàng Hà cho biết, từ năm 2020, thực hiện quy hoạch Báo chí của Bộ VHTTDL, cơ cấu của Tạp chí Văn học Nghệ thuật có sự thay đổi với việc tiếp nhận 6 Tạp chí thuộc các Cục chuyên ngành văn hóa và Thư viện Quốc gia Việt Nam, nâng cao tầm vóc của tạp chí trong giai đoạn mới. Từ chỗ xuất bản 1/kỳ tháng, từ năm 2020, Tạp chí đã tăng lên 3 kỳ/tháng với màu sắc khác nhau: Nghiên cứu, thông tin lý luận (duy trì thương hiệu truyền thống); Xây dựng đời sống văn hóa và Thế giới nghệ thuật.

Đồng thời, xuất bản Tạp chí điện tử từ tháng 8-2021 góp phần lan tỏa nội dung các kỳ tạp chí in và bám sát kịp thời các hoạt động của ngành VHTTDL. Tạp chí luôn đạt điểm khoa học cao thuộc tốp đầu chuyên ngành Văn hóa do Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận, góp phần đắc lực phục vụ công tác quản lý, đào tạo nhân lực bậc cao cho ngành cũng như xã hội. Tạp chí đã mở nhiều chuyên mục gắn liền với Chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa số, văn hóa ứng xử…; kịp thời tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận những vấn đề mới, đặt ra từ thực tiễn, thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của bạn đọc, và cơ quan chức năng. Tạp chí cũng mở một số hội thảo, tọa đàm gắn liền với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc… qua đó tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến, hoàn thiện chính sách về văn hóa.

Với những thành tích đạt được qua 50 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1993), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2017), Cờ thi đua của Chính phủ (2022) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng khẳng định, những thành tựu đạt được của tạp chí 50 năm qua luôn có sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí qua các thời kỳ; sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương cũng như các nhà khoa học, cộng tác viên.

"Tự hào truyền thống - tiếp bước tương lai, trong những năm tiếp theo, đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ tiếp tục định hướng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, và hiện đại; phát huy thương hiệu là cơ quan nghiên cứu, thông tin lý luận hàng đầu về văn hóa, nghệ thuật và gia đình, vừa đa dạng nội dung thông tin chuyên ngành, chuyên sâu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quy trình quản lý và cung cấp thông tin, phù hợp với xu hướng phát triển chung của báo chí hiện đại, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng đất nước"- Ông Hoàng Hà nhấn mạnh.

Tại buổi lễ kỷ niệm, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật Hoàng Hà cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng, sự phối hợp, cộng tác có hiệu quả của các nhà nghiên, cộng tác viên, cơ quan, doanh nghiệp.

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Đỗ Lai Thúy phát biểu tại buổi lễ

Đại diện cho các thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, viên chức và người lao động của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, nguyên Phó Tổng Biên tập Đỗ Lai Thúy bày tỏ vui mừng về kết quả đạt được của tạp chí và mong muốn rằng, trong tương lai, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tính học thuật  để nơi đây luôn là một tờ tạp chí nghiên cứu đúng nghĩa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ

Tại lễ Kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, nhìn lại chặng đường 50 năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã từng bước khẳng định được vị thế của mình, xứng đáng là Tạp chí hàng đầu về nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật và gia đình; là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa nghệ thuật đến bạn đọc. Tạp chí đã phụng sự đắc lực công tác quản lý nhà nước của Bộ, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, Tạp chí còn làm tốt việc chọn lọc, giới thiệu tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới đến với bạn đọc. Các bài viết trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao vì vừa mang tính học thuật, lý luận nhưng đồng thời gắn liền với thực tiễn phong phú của đời sống văn hóa, nghệ thuật. Chính vì vậy, nhiều bài viết trên tạp chí đã trở thành cẩm nang cho các nhà quản lý văn hóa, những người thực hành văn hóa và những người nghiên cứu văn hóa.

"Không chỉ ấn hành các số tạp chí định kỳ có chất lượng, Tạp chí còn biên soạn, xuất bản các đầu sách nhằm định hướng và làm sâu sắc thêm bản sắc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, cung cấp, cập nhật những phương pháp nghiên cứu, lý luận văn hóa thế giới tới bạn đọc với hơn 30 đầu sách có chất lượng, được bạn đọc ghi nhận, đánh giá cao"- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá.

Đặc biệt, trải qua nửa thế kỷ, Tạp chí đã trở thành ngôi nhà chung của các nhà nghiên cứu, nhà báo tâm huyết ở các lĩnh vực chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật, đã được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật và báo chí. Trong thời gian gần đây, Tạp chí đã có bước phát triển đáng ghi nhận, cải thiện chất lượng cả về nội dung và hình thức, với việc tăng kỳ xuất bản từ 1 kỳ lên 3 kỳ/một tháng, vừa đáp ứng nhu cầu bạn đọc, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, bao gồm cả nghiên cứu lý luận về văn hóa, nghệ thuật, gia đình và xây dựng đời sống văn hóa. Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật cũng đã cập nhật kịp thời các hoạt động của ngành, phản ánh phong phú các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Tạp chí đã tổ chức thành công các hội thảo khoa học gắn với nhiệm vụ chuyên môn, như Hội thảo về chủ đề Văn hóa doanh nghiệp, thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; các diễn đàn nhân kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam”…

Với vai trò, chức năng là cơ quan nghiên cứu, thông tin và lý luận về văn hóa, nghệ thuật và gia đình, trong thời gian tới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, Tạp chí cần bám sát các nghị quyết của Đảng về văn hóa, nghệ thuật, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa  toàn quốc năm 2021, các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 cũng như các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ VHTTDL để tổ chức công tác nghiên cứu, xây dựng các tuyến bài gắn với nhiệm vụ Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam. Kịp thời tổng kết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đúc rút và làm sáng tỏ những vấn đề  lý luận về văn hóa như: văn hóa và phát triển; văn hóa trong kinh tế; hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam… Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông chính sách, tư vấn và phản biện chính sách văn hóa, nghệ thuật chính xác, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL.

Thứ hai, Tạp chí cần tăng cường phối hợp, kết nối chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật và các cơ quan thông tấn báo chí khác; đặc biệt phải huy động được sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà phê bình lý luận về văn hóa, nghệ thuật để nâng cao chất lượng nội dung, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Tạp chí, lan tỏa các giá trị văn hóa nghệ thuật tốt đẹp thông qua các tác phẩm uy tín trên Tạp chí.

Bên cạnh đó, Tạp chí cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Bộ VHTTDL giao, như: tổ chức các hội thảo, tọa đàm về những vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn đặt ra đối với công tác văn hóa, nghệ thuật, gia đình để kịp thời tiếp thu ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, những người thực hành văn hóa đối với việc hoàn thiện chính sách văn hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về văn hóa trong tình hình mới.

Thứ ba, Tạp chí cần xây dựng, hoàn thiện Đề án Phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình Bộ phê duyệt theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; trong đó xác định mục tiêu giữ vững vai trò, vị trí là cơ quan nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về văn hóa nghệ thuật và gia đình; đồng thời, đa dạng hóa các ấn phẩm, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để đưa thông tin toàn diện, kịp thời, hiệu quả và thiết thực hơn nữa đến với công chúng.

Thứ tư, Tạp chí  tập trung xây dựng đội ngũ biên tập viên, phóng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; tinh thông, am hiểu sâu về nghiệp vụ báo chí, văn hóa, nghệ thuật và gia đình; nhạy bén, sáng tạo, tâm huyết, có kỹ năng, trình độ về công nghệ thông tin. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo; đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ để có thể đáp ứng và hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tại lễ kỷ niệm,  thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật  vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2018-2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao Bằng khen của Ban  Tuyên giáo T.Ư cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền giai đoạn năm 2018-2023 và trao Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam  cho Chi hội nhà báo Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật  .

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương  cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam cho Chi hội Nhà báo Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ Kỷ niệm

NGÔ HUYỀN - Ảnh: TUẤN MINH

 

;