Từ 26/11- 1/12: Cuộc thi tìm kiếm tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng

Chiều 22-11, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo về “Cuộc thi Âm nhạc mùa thu - 2023” và “Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc - 2023”. Hai cuộc thi được tổ chức tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, diễn ra từ ngày 26-11 đến 1-12-2023.

Tại buổi họp báo, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho biết: Hai cuộc thi được thực hiện theo Quyết định số 3375/QĐ-BVHTTDL ngày 9-11-2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VHTT thành phố Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.  

Toàn cảnh buổi họp báo 

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhấn mạnh, Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu là cuộc thi quốc gia duy nhất về âm nhạc cổ điển được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) tổ chức lần đầu tiên vào năm 1990. Qua các lần tổ chức, cuộc thi đã trở thành sân chơi hướng tới tất cả các đối tượng diễn viên, học sinh, giảng viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy âm nhạc giao hưởng thính phòng; tìm ra nhiều tài năng âm nhạc cho đất nước, đóng góp nguồn nhân lực cao vào sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật của nước nhà trong những năm qua.

Năm nay, việc cùng lúc tổ chức 2 cuộc thi có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết cho sự nghiệp phát triển đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam. Thông qua 2 cuộc thi, nhằm tìm kiếm tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng; động viên, khuyến khích và tôn vinh các tập thể, cá nhân có tâm huyết trong việc tìm tòi và tiếp thu những tinh hoa nền âm nhạc thính phòng thế giới, làm phong phú cho loại hình âm nhạc nói riêng và nền văn hóa - nghệ thuật của Việt Nam.

Cuộc thi cũng là dịp để các nhà quản lý, nghiên cứu nghệ thuật đánh giá thực trạng lực lượng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thính phòng thuộc các đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc trong thời gian qua. Từ đó, đề ra những giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng trẻ và cung cấp nguồn nhân lực tham gia các sự kiện Liên hoan, Cuộc thi trong khu vực và quốc tế; góp phần định hướng, nâng cao chất lượng giảng dạy và biểu diễn nghệ thuật trong những năm tiếp theo.

Đây cũng là dịp để khán giả, công chúng yêu nghệ thuật được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc kinh điển do các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc nổi tiếng của Việt Nam và thế giới sáng tác cho loại hình âm nhạc thính phòng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, khán giả và mọi tầng lớp nhân dân trong thời kỳ mới.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly chia sẻ thông tin về hai cuộc thi

Thí sinh, nhóm thí sinh tham gia Cuộc thi là công dân Việt Nam đủ độ tuổi quy định ở từng nội dung thi tính đến năm tổ chức Cuộc thi (độ tuổi tính theo Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân đang có hiệu lực quy định); là diễn viên đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân; là giảng viên, người đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (đối với thí sinh thuộc các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, yêu cầu có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến năm tổ chức Cuộc thi).

Thí sinh, nhóm thí sinh dự thi phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản riêng của từng thể loại trong loại hình âm nhạc thính phòng. Khuyến khích những tác phẩm mới của tác giả Việt Nam sáng tác cho loại hình âm nhạc thính phòng, có sáng tạo trong phong cách biểu diễn. Đặc biệt, thí sinh, nhóm thí sinh dự thi phải tuân thủ Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tuân thủ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, các quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế Cuộc thi.

Chia sẻ tại buổi họp báo, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, PGS, TS Lê Anh Tuấn cho biết, đây là hai cuộc thi có tính chuyên môn cao, đỏi hỏi việc tổ chức phải chuyên nghiệp và kỹ càng. Thông qua cuộc thi, nhằm tìm kiếm tài năng trẻ âm nhạc thể loại hàn lâm để tham gia đấu trường quốc tế. Chính vì thế, Hội đồng giám khảo của hai cuộc thi sẽ có cả các chuyên gia đến từ nước ngoài và các chuyên gia, giảng viên, nghệ sĩ uy tín trong nước.

Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, PGS, TS Lê Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Ban Tổ chức cho biết, hai cuộc thi sẽ được tổ chức từ ngày 26-11 đến ngày 1-12-2023, tại 2 phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội). Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu -2023 có 107 thí sinh tham gia, thi ở 2 nội dung: Độc tấu âm nhạc thính phòng (các Thí sinh Độc tấu đàn Piano và Độc tấu đàn Violon) và Hòa tấu âm nhạc thính phòng (các Nhóm thí sinh Tam tấu (hòa tấu 3 nhạc cụ), Tứ tấu (hòa tấu 4 nhạc cụ), Ngũ tấu (hòa tấu 5 nhạc cụ) và các hình thức hòa tấu thính phòng khác).

Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc - 2023 gồm 2 nội dung thi: Hát Thính phòng - Nhạc kịch (các Thí sinh Giọng nữ cao, Giọng nữ trung, Giọng nam cao, Giọng nam trung và Giọng nam trầm) và Hợp xướng (là Nhóm thí sinh lựa chọn đăng ký một trong các hình thức Hợp xướng nữ, Hợp xướng nam và Hợp xướng hỗn hợp).

Bộ VHTTDL sẽ trao các giải thưởng sau: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba cho thí sinh, nhóm thí sinh ở mỗi nội dung thi tại mỗi bảng và các Giải phụ (Giải triển vọng cho thí sinh Độc tấu âm nhạc thính phòng và thí sinh hát Thính phòng - Nhạc kịch; Giải phong cách cho Nhóm thí sinh Hòa tấu âm nhạc thính phòng và cho dàn Hợp xướng; Người đệm đàn Piano hiệu quả cho thí sinh Độc tấu đàn Violon và thí sinh hát Thính phòng - Nhạc kịch) gắn với tên đơn vị.

 Lễ Bế mạc và trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 2-12-2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tin, ảnh: NGỌC BÍCH

;