Tạo điều kiện để phát triển đội ngũ trẻ sáng tác văn học

Ngày 28-11-2023, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đến dự và phát biểu tại Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có: NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; nhà văn Trần Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu đề dẫn, ông Trần Hướng Dương cho biết: “Hội thảo có mục đích tạo diễn đàn để các nhà văn chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về công tác nâng cao năng lực sáng tác trẻ, đề xuất những giải pháp, nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước, các Hội chuyên ngành về văn học trong việc tạo sự phát triển văn học trẻ”.

Nhìn nhận những khó khăn trong thực tiễn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, bối cảnh hiện nay đang tác động nhiều chiều đến chất lượng của đội ngũ nhà văn trẻ: “Rất cần có những đổi mới về nội dung, phương thức, định hướng sáng tác, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là chúng ta đổi mới đến đâu, làm như thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác trẻ thực sự thẩm thấu đến với người viết trẻ, được công chúng, bạn đọc đón nhận, thực sự tạo ra cơ sở hình thành những giá trị trong nền văn chương nước nhà”.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương phát biểu đề dẫn Hội thảo

Cần hỗ trợ các nhà văn trẻ nhiều hơn nữa

Theo nhà văn Trần Hữu Việt, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam (nếu tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu tính tuổi từ 35 trở xuống chỉ được khoảng 1,7% - một con số rất thấp và đã duy trì nhiều năm nay. Trong đó chủ yếu vẫn là người sáng tác mảng thơ và văn xuôi. Ông chia sẻ về mong muốn của những người viết trẻ: “Đó là được giao lưu, trao đổi trải nghiệm với bạn viết như một chất xúc tác cho sáng tác; được học hỏi về nghề nghiệp từ các thế hệ đi trước, được đào tạo nâng cao kiến văn; được thường xuyên tạo điều kiện đi thực tế, tham gia các trại sáng tác; được hỗ trợ in ấn, xuất bản và giới thiệu quảng bá tác phẩm; có thêm những giải thưởng văn học phù hợp…”.

Nhà văn Hữu Việt nhận định: “Nhiều cây bút trẻ đã có những tìm tòi, thể nghiệm, bắt kịp những khuynh hướng sáng tác mới của thế giới”

Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: đời sống xã hội đang đặt ra nhiều đòi hỏi gay gắt về nhu cầu vật chất của từng cá nhân, từng gia đình. Hầu hết tác giả trẻ vẫn phải vật lộn với công việc mưu sinh, nên chưa thể đặt văn chương ở chọn lựa duy nhất.

Để văn chương trẻ TP.HCM vận hành từ bề rộng đến đỉnh cao, theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, cần có sự trợ lực của nhiều giới, nhiều ngành. Ngoài giải thưởng Tác giả trẻ hằng năm, Hội Nhà văn TP.HCM đang tích cực thực hiện những trại viết, chuyến đi thực tế sáng tác dành riêng cho các nhà văn trẻ, kết nối giao lưu tác giả trẻ giữa các vùng miền và nhiều quốc gia trong khu vực.

Đào tạo nhà văn trẻ - cơ hội nghề nghiệp?

TS Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Viết văn, Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định, sáng tác văn học là ngành học đặc thù, đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Muốn phát triển những tài năng sáng tác trẻ, cần phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ hơn.

TS Đỗ Thị Thu Thủy: Ngành Sáng tác văn học gặp khó khăn về tuyển sinh đầu vào (cả về số lượng và chất lượng)

Bên cạnh những giải pháp mang tính cơ chế, chính sách, TS Đỗ Thị Thu Thủy còn nhấn mạnh đến giải pháp từ phía người học: “Cần xác định quá trình học tập, sáng tác vừa như một cơ hội theo đuổi niềm yêu thích, đam mê văn chương, vừa là quá trình tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp cho bản thân từ chính năng khiếu và sự tích lũy về kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm thực tế. Để có thể đi được “đường dài” trong hoạt động nghề nghiệp, chỉ đam mê không là chưa đủ mà cần chuẩn bị, tích lũy cho mình vốn kiến thức, văn hóa, các kỹ năng liên quan tới sáng tác, thẩm bình văn chương và một số kỹ năng bổ trợ khác như: truyền thông, xuất bản văn học, bao gồm cả năng lực tin học, ngoại ngữ; các kỹ năng “mềm” khác trong giao tiếp, ứng xử xã hội”.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến cả từ góc độ khoa học và thực tiễn, tập trung vào các vấn đề: những điểm mạnh và hạn chế của hoạt động sáng tác văn học trẻ hiện nay; mô hình hỗ trợ nhà văn trẻ tại một số quốc gia phát triển; phát huy vai trò của công tác lý luận, phê bình văn học; phát triển văn học thông qua các cuộc thi, giải thưởng văn học trong và ngoài nước; công tác đào tạo, hỗ trợ các nhà văn trẻ…

PGS, TS Phạm Xuân Thạch trình bày tham luận: “Đào tạo hỗ trợ nhà văn mới - từ mô hình khởi nghiệp”

Tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác văn học trẻ

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, văn học Việt Nam đang có sức sống mãnh liệt. Văn học là nền tảng đặc biệt quan trọng giúp nền văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất chú trọng đến phát triển văn hóa, nghệ thuật; trong đó có văn học. Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật chú trọng đến thay đổi tư duy trong quản lý, đã có sự thay đổi rõ rệt từ Trung ương đến địa phương.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong rằng, trong thời kỳ hội nhập, các nhà văn trẻ có thể quảng bá tác phẩm của mình đến đông đảo bạn bè quốc tế, tuy nhiên, tác phẩm phải đề cao tính lịch sử, giữ được “hồn cốt dân tộc”.

Thứ trưởng cũng bày tỏ những trăn trở của mình về việc thiếu vắng những cơ chế đặc thù đối với phát triển tài năng sáng tác văn học. Có những chương trình, đề án thúc đẩy công tác đào tạo nhưng tuyên truyền chưa sâu đến các nhà văn trẻ. Đối với Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”, Bộ VHTTDL luôn tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí, để các cây viết trẻ tham gia, song, lượng đăng ký rất ít bởi “rào cản” về ngoại ngữ.

Bộ VHTTDL có 7 trại sáng tác, luôn sẵn sàng tạo điều kiện để các cây viết trẻ học hỏi, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học của mình. Bộ cũng đang nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động văn học, tạo đà cho sự phát triển của văn học Việt Nam, nhất là văn học trẻ.

Tin, ảnh: VA

;