Tái hiện lễ Pôồn Pôông của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2023", tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tái hiện Lễ Pôồn Pôông độc đáo của dân tộc mình.

Ở Thanh Hóa, vùng nào có người Mường ở là có Lễ hội Pôồn Pôông, bởi Pôồn Pôông chính là “hồn cốt”, nét văn hóa không thể thiếu của người Mường. “Pôồn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, hoa. “Pôồn Pôông” tức là lễ thưởng hoa, chơi hoa xung quanh cây Bông để cầu cho bản Mường no ấm, thóc đầy bồ, lúa đầy sân, con người hạnh phúc. “Pôồn Pôông” là loại dân ca nghi lễ, thần linh vừa mang tính chất giao duyên trai gái, vừa là cầu phúc… 

Cây Bông là trung tâm của lễ hội, là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban tặng cho con người từ thuở hồng hoang, với những chùm hoa gỗ lung linh sắc màu và hình những muông thú, nông cụ sản xuất

Lễ hội Pôồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần hội. Các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại toàn bộ các phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần của đồng bào Mường.

Chủ lễ là Ậu Máy làm nghi lễ cúng trời đất

Trong tổng thể 48 trò của Lễ hội Pôồn Pôông, đă tái hiện lại các trò gồm: Chia đất - chia nước, phát nương - phát rẫy, cày, bừa, cấy, làm cỏ, gặt, gánh lúa, đạp lúa, xáy lúa, giã gạo, xảy, sàng gạo, đồ xôi, đánh cá, chọi trâu, chọi gà, bắt hổ giữ, ném còn, mời bản ăn cơm dam và uống rượu cần. 

Trò diễn "Đi cày" trong Lễ hội Pôồn Pôông

Trò diễn "Xảy gạo" trong Lễ hội Pôồn Pôông

Trò diễn "Đồ xôi" trong Lễ hội Pôồn Pôông

Chính vì những dấu ấn rất riêng của Lễ hội Pôồn Pôông của đồng bào dân tộc Mường đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2017.

Du khách tham gia nhảy múa, vui chơi cùng đồng bào dân tộc trong buổi lễ

 

Tin, ảnh: MINH PHẠM

;