Tăng cường triển khai các hoạt động VHNT những tháng cuối năm 2023

Ngày 6-10-2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban, đánh giá hoạt động VHNT trong quý III/2023 và triển khai các nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL... và đại diện một số cơ quan báo chí tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị

Phong phú các hoạt động VHNT trên toàn quốc

Trong quý III/2023, trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm VHNT tiếp tục diễn ra sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Tại nhiều địa phương, các loại hình sân khấu, kịch hát dân gian, nghệ thuật quần chúng được quan tâm, đầu tư với tư duy và cách làm mới, thu hút được đông đảo khán giả như: đờn ca tài tử Nam bộ “Trên bến dưới thuyền”, “Bài bản mới, ca khúc địa phương”, “Nhạc kịch vào sân khấu học đường” ở TP.HCM; “Đại đội trưởng của tôi” của sân khấu chèo quân đội; Tuồng xuống phố ở Hà Nội, Đà Nẵng; văn nghệ xung kích ở TP Huế; “Đồng dao cổ tích” tại Hà Nội…

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực VHNT cũng được tăng cường, thúc đẩy với nhiều điểm sáng rất nổi bật. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành ở Trung ương tổ chức, tham gia thành công nhiều sự kiện, cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực. Nhiều đoàn, nhóm, nghệ sĩ quốc tế đến trình diễn ở Việt Nam đã góp phần tăng cường quảng bá, giao lưu, hợp tác, học hỏi lẫn nhau giữa các bên.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt báo cáo sơ kết quý III

Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ lực trong tập hợp lực lượng, định hướng sáng tác, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động sáng tạo. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, có chất lượng. Những cuộc thi, liên hoan, triển lãm toàn quốc và từng khu vực do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào.

Việc vận động, kết nạp hội viên mới, hỗ trợ sáng tác, tổ chức cho hội viên đi thực tế, tham gia các cuộc thi, trại sáng tác, lớp bồi dưỡng được Liên hiệp và các hội tăng cường, tích cực triển khai. Nhiều hội đã có sáng kiến để thu hút, bồi dưỡng, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, từ đó hình thành mối liên kết, tạo động lực mới cho phong trào và nguồn phát triển hội viên. Trong Quý III/2023, Liên hiệp và các hội đã tích cực phối hợp với các tỉnh thành, cơ quan, đơn vị triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đầu tư sáng tạo, các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, triển lãm khu vực, góp phần thiết thực tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, chuyên nghiệp cho hội viên thi đua, sáng tạo, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

PGS, TS Đỗ Hồng Quân: Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023) được tổ chức long trọng với sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và hơn 300 đại biểu là đại diện các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát chỉ đạo quan trọng đối với giới VHNT nước nhà

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng thẳng thắn trao đổi những hạn chế cần khắc phục. 

Tận dụng môi trường số nhằm nâng cao giá trị của tác phẩm VHNT

Trong Báo cáo chuyên đề trình bày tại Hội nghị, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định: “Không gian sáng tạo số đang trở thành một xu hướng lớn trong nền văn hóa hiện đại. Đây là một không gian kết nối các văn nghệ sĩ với công nghệ và internet, giúp họ có thể tạo ra các sản phẩm VHNT mới bằng cách sử dụng các công cụ số hóa và phát triển các dự án trực tuyến. Không gian sáng tạo số đòi hỏi văn nghệ sĩ cần phải tiếp cận với các công nghệ số mới để khám phá, các phương tiện mới thể hiện sáng tạo của mình”.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trình bày tham luận

Để nâng cao giá trị tác phẩm VHNT trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay, theo bà, cần lưu ý các yếu tố sau:

Một là, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới: Tác phẩm VHNT cần thể hiện sự đa dạng về chủ đề, phong cách, và quan điểm. Sự sáng tạo khuyến khích các tác giả thử nghiệm các ý tưởng mới, tạo ra những tác phẩm độc đáo và phong cách riêng biệt. Tác phẩm VHNT có thể thúc đẩy sự nhận thức về các vấn đề xã hội quan trọng, như bình đẳng, môi trường và hòa bình. Chúng có thể tạo nên các thông điệp sâu sắc về nhân loại và giúp xây dựng một cộng đồng quốc tế đoàn kết. Tác phẩm VHNT trong môi trường số có thể bảo tồn và thúc đẩy nền văn hóa truyền thống của đất nước, góp phần xây dựng và duy trì những giá trị văn hóa đặc trưng. Bên cạnh đó, có thể được sử dụng trong giáo dục để mở rộng và nâng cao sự hiểu biết, giúp phát triển tư duy sáng tạo và trí tuệ cho người sử dụng.

Hai là, Chính phủ và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực VHNT cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghệ thuật và hỗ trợ tài chính cho các tác giả. Điều này sẽ tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo và tạo ra những tác phẩm có giá trị. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa, Bộ VHTTDL đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội trong các kỳ họp tới, đã rất quan tâm đến việc nâng cao giá trị tác phẩm văn hóa, VHNT.

Theo NSNA Hồ Sĩ Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: Các cuộc thi về nhiếp ảnh gần đây thu hút được rất đông người tham dự, việc số hóa là rất cần thiết, nhằm lan tỏa sâu rộng hơn những giá trị mà tác phẩm nghệ thuật mang lại cho đời sống. Đồng thời, ông cũng chia sẻ về việc rất nhiều đơn thư của tác giả gửi tới, đề cập đến vấn đề vi phạm bản quyền. Việc số hóa các tác phẩm VHNT phải đi cùng vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả, để khích lệ họ sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến trao đổi đến từ đại diện các Hội chuyên ngành, lãnh đạo các Cục, Vụ có liên quan, tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, cũng như kế hoạch cho các hoạt động trong 3 tháng cuối năm.

Bà Trần Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng, Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính trao đổi về những vướng mắc khi thực hiện chi trả giải thưởng Hồ Chí Mình, giải thưởng Nhà nước và hỗ trợ các văn nghệ sĩ khó khăn

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn mong rằng các Hội chuyên ngành phối hợp nhịp nhàng, tích cực hơn nữa với Bộ VHTTDL để các hoạt động được diễn ra thuận lợi và có hiệu quả

Tiếp tục tập trung, phối hợp triển khai các hoạt động VHNT trong 3 tháng cuối năm

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, trong quý III các hoạt động VHNT diễn ra rất sôi nổi, nhiều chương trình được tổ chức có chất lượng cao, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm như: chương trình Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các chương trình tri ân dịp 27/7, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao… Ngoài ra, Bộ, các Hội chuyên ngành đã tổ chức những cuộc thi, liên hoan đến với nhiều đối tượng, vùng miền trên cả nước. Thứ trưởng mong rằng, trong những tháng cuối năm, các sự kiện VHNT đã dự kiến (Liên hoan âm nhạc Á Âu, các cuộc triển lãm, liên hoan phim…) sẽ được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, từng bước tháo gỡ khó khăn trong quản lý nhà nước đối với vấn đề của ngành… 

Trong quý IV/2023, “Liên hiệp và các hội chủ động, tích cực trong phối hợp triển khai, thông tin, tuyên truyền về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương để phối hợp, triển khai tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất; phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL, các cơ quan liên quan, tham gia trách nhiệm, trí tuệ vào “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” - đồng chí Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới.

Tin, ảnh: VÂN ANH

 

;