Sáng 4-10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tổ chức khai mạc trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng”. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng” nhắc nhớ những gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô để có được “Ngày về chiến thắng”, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung: Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử.
Các bác lão thành cách mạng, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954, nhân chứng tham gia tiếp quản Thủ đô trong lễ khai mạc Trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng"
Với nội dung Trường kỳ kháng chiến là những hình ảnh về hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô nguyện chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Biến phố phường thành trận địa, trong suốt 60 ngày đêm kiên cường chiến đấu “giam chân” địch trong lòng thành phố, quân và dân Thủ đô đã lập nên những chiến công hào hùng, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Khúc tráng ca 60 ngày đêm được ghép nên từ những thang âm của sức chiến đấu bền bỉ, ý chí kiên cường cùng sự hy sinh anh dũng của quân và dân Thủ đô, trong đó có sự hy sinh của Chiến sĩ Trần Thành (Nguyễn Văn Thiềng) dùng bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch, ngày 23-12-1946.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, Trung đoàn Thủ Đô đã thực hiện cuộc rút quân “thần kỳ” trong vòng vây khép kín của kẻ thù. Trong trái tim mỗi chiến sĩ ra đi ngày ấy luôn sục sôi quyết tâm “Ra đi hẹn một ngày về”.
Khi Hà Nội trở thành vùng tạm chiếm, chính quyền thực dân thực thi ngay chế độ quân quản, đàn áp, kìm kẹp người dân.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, thực dân Pháp đã chiếm ngay Nhà tù Hỏa Lò, sử dụng để giam giữ các nhân sĩ yêu nước như: Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe, kỹ sư Công chính Đào Trọng Kim, luật gia Vũ Văn Hiền, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bác sĩ Trần Văn Lai... Năm 1947 lập thêm căng 1 để giam giữ những chiến sĩ bộ đội, dân quân, du kích các địa phương và người tham gia hoạt động kháng chiến.
Không gian trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng"
Chiếm được Hà Nội, nhưng thực dân Pháp không chiếm được lòng người. Cờ đỏ sao vàng luôn bất ngờ xuất hiện trong thành phố; người Hà Nội vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, góp tiền, góp sức ủng hộ kháng chiến; Biệt động nội thành tổ chức tập kích sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai; học sinh, sinh viên tổ chức bãi khóa, văn nghệ ủng hộ kháng chiến; trong Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường đấu tranh, tổ chức vượt ngục… khiến cho Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối và tìm mọi cách đàn áp.
Những năm 1947 - 1954, các học sinh kháng chiến chung sức đồng lòng, làm dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi với nhiều hình thức như: treo cờ, bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị kẻ địch sát hại, biểu diễn văn nghệ cổ vũ lòng yêu nước… Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 18-5-1948, đồng chí Nguyễn Sỹ Vân, học sinh kháng chiến Trường Chu Văn An và các bạn học là Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Trọng Quang đã dũng cảm bơi ra hồ Hoàn Kiếm, cắm cờ đỏ sao vàng tại Tháp Rùa. Lần đầu tiên cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay giữa lòng Hà Nội kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rút lên chiến khu, đã trở thành sự kiện gây tiếng vang lớn khắp Hà Nội.
Tại Nhà tù Hỏa Lò, ngay trong sào huyệt ngục tù của kẻ địch, Chi bộ Đảng Nhà tù đã ra đời, mở ra một giai đoạn mới. Các đồng chí Đảng viên nòng cốt, được anh em tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ như: đồng chí Lê Đình Cầu, Nguyễn Ngọc Kiền, Nguyễn Hữu Thỏa (tức Nguyễn Tiến Hà)…
Một số hình ảnh trong Trưng bày "Sông Hồng cuộn sóng"
Ngày về lịch sử là những hình ảnh sau 9 năm kháng chiến gian khổ, Ngày về lịch sử đã không còn xa. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký hiệp định Genève và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Lợi dụng thời gian này, trước khi rút khỏi Thủ đô, thực dân Pháp tìm mọi cách phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo đồng bào di cư vào Nam, trì hoãn việc trao trả tù binh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, các tầng lớp nhân dân Hà Nội kiên cường, bền bỉ chống lại mọi âm mưu phá hoại, bảo vệ thành phố nguyên vẹn trước khi đoàn quân chiến thắng tiến về…
NGỌC BÍCH - Ảnh: NGUYỄN TRUNG