Tháng 10: “Khám phá nét ẩm thực dân tộc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1 đến 31-10-2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động hằng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa.

Du khách có thể tham dự, hòa mình vào các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, từ đó thêm hiểu về những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống, đặc trưng, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào; tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, cùng phát triển. Qua đó, góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch, phát huy thế mạnh hoạt động hằng ngày của đồng bào theo vùng miền để tạo điểm nhấn của sản phẩm du lịch đặc thù, gắn kết với không gian và nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu của khách du lịch.

Du khách tham quan không gian Làng Ê đê tại Làng văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh

Đặc biệt, điểm nhấn trong chương trình tháng 10 “Khám phá nét ẩm thực dân tộc” với các hoạt động:

Chương trình Kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 với chủ đề “Vẻ đẹp người phụ nữ đồng bào qua đôi bàn tay khéo léo”, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam nhằm tôn vinh phụ nữ, trong đó có cán bộ công chức viên chức, người lao động Ban Quản lý và đồng bào các dân tộc đang hoạt động hằng ngày, tạo không khí vui tươi phấn khởi khích lệ tinh thần, động viên phụ nữ tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao; thể hiện tài năng, sự sáng tạo, gắn kết cùng quyết tâm xây dựng “Ngôi nhà chung” đoàn kết phát huy sức mạnh tập thể.

Tái hiện Lễ kết nghĩa buôn làng của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước- đây là nghi lễ rất quan trọng của người M’nông, nhằm bảo đảm những cộng đồng người ở các buôn làng M’nông sẽ gắn bó, đoàn kết với nhau lâu đời, coi nhau như anh em ruột, cùng săn con sóc trên nương, trỉa lúa trên rẫy, bẫy con cá dưới khe, cuối mùa làm lễ cúng tạ ơn các thần đã che chở, phù hộ cho dân làng có sức khỏe, làm lụng đủ ăn đủ mặc. Thời gian để tiến hành nghi lễ thường là vào độ tháng 2, 3 âm lịch khi ngoài đồng chỉ còn trơ những gốc rạ, trên chòi lúa đã đầy ắp, con trâu già nằm gặm cỏ khô, con chim thôi hót bạn tình, nhà nhà ngồi vót nan tre, đan gùi, dệt vải, cùng tận hưởng những tháng nông nhàn trong năm. Người M’nông chọn ngày lành, tháng tốt chủ động qua buôn làng người M’nông muốn kết nghĩa để bàn bạc, thống nhất và phân công việc tổ chức lễ kết nghĩa.

Giới thiệu ẩm thực tại Làng Văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh

Ngoài ra, tháng 10 còn có các hoạt động đặc sắc như: Chương trình giao lưu, dân ca dân vũ “Bản hòa âm M’nông”; Giới thiệu trình diễn nghề truyền thống của đồng bào M’nông; Trưng bày, triển lãm ảnh “Bình Phước - Hồn đất, tình người”; Giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực của đồng bào M’nông với chủ đề Tinh hoa hội tụ...

Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

MINH PHẠM

;