Tăng cường nguồn lực cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Sáng ngày 28-10-2022, tại trụ sở Bộ VHTTDL (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành VHTTDL đến năm 2030. Hội thảo nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, góp phần hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.

Toàn cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo gồm: TS Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; PGS, TS Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao; PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp, các nhà khoa học và một số cơ quan báo chí truyền thông của Bộ.

TS Nguyễn Thế Hùng thay mặt Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo Chiến lược với các phần chính: quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030 và tổ chức thực hiện.

TS Nguyễn Thế Hùng trình bày tóm tắt nội dung Dự thảo Chiến lược

Chiến lược xem vai trò của phát triển KHCN&ĐMST trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao, du lịch là động lực quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ: Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển, tăng cường tiềm lực cho KHCN&ĐMST; Gắn nghiên cứu với ứng dụng, góp phần thực hiện các chiến lược và chính sách; Giải quyết các vấn đề phức tạp của thực tiễn, thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

Những định hướng cụ thể đến năm 2030 được xác định là phần chính của Chiến lược, gồm: Tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KHCN&ĐMST ngành VHTTDL; Nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ gồm: phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng KHCN&ĐMST; Định hướng nghiên cứu khoa học: nghiên cứu triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn trong công tác quản lý, phát triển ngành - tinh thần nghiên cứu khoa học phải đi trước 1 bước; Định hướng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành trên nền tảng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0; Chú trọng đến hoạt động xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong công tác quản lý lĩnh vực VHTTDL; Chủ động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch để đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của ngành.

Hội thảo nhận được gần 30 tham luận đến từ nhiều cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, nêu rõ thực trạng, kết quả đạt được và những mặt hạn chế trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động của ngành. Đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể, có ý nghĩa đối với việc hoàn thiện Dự thảo Chiến lược.

Công nghệ thông tin chính là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thể dục, thể thao

TS Ngô Thịnh Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục Thể thao khẳng định, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, chính vì vậy, Bộ VHTTDL, Tổng cục Thể dục Thể thao đã có những bước đi cụ thể nhằm bám sát lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Tham luận đề ra phương hướng đến năm 2030: Xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng mở rộng cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục Thể dục Thể thao; Tăng ướng ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; Quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực; Hoàn thiện khung pháp lý; Tạo khâu đột phá trong việc ứng dụng CNTT tại Tổng cục Thể dục Thể thao.

TS Ngô Thịnh Hường: “Tập trung thực hiện thành công các nhiệm vụ đột phá về ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính và công tác quản lý, tổ chức các giải thi đấu thể thao”

Xây dựng TCVN là một trong những nhiệm vụ của Chiến lược

Đánh giá chung về nhóm tiêu chuẩn Du lịch và các nhiệm vụ liên quan, ThS Nguyễn Hà Giang - Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho rằng: các tiêu chuẩn thuộc nhóm Du lịch và các dịch vụ liên quan ban hành là căn cứ để định hướng chất lượng các dịch vụ, nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sở cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng phục vụ; nhiều tiêu chuẩn đã kế thừa các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như ISO, tổ chức ASEAN, các tập đoàn du lịch thể hiện sự hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam; phần lớn các tiêu chuẩn liên quan đến cơ sở lưu trú du lịch được ứng dụng hiệu quả trong thực tế; việc đề xuất các tiêu chuẩn quốc gia đã xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của ngành du lịch, bám sát thực tiễn, phù hợp Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy hoạch ngành Du lịch, theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ths Nguyễn Hà Giang: “Trong thời gian tới cần tập trung soát xét, chỉnh sửa, thay thế các tiêu chuẩn đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình mới, không đáp ứng yêu cầu hội nhập”

Tiếp tục định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực văn hóa, gia đình của Bộ VHTTDL

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương đưa ra một số định hướng có tính thiết thực: “Tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển văn hóa; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của các lĩnh vực văn hóa, gia đình và bộ chỉ số phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; Đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN&ĐMST trong các viện nghiên cứu, trường đại học; Thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học về văn hóa đến năm 2030; Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ”.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định: “Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong thời gian qua đã góp phần xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng hệ giá trị con người, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích: “Viện đang tập trung thực hiện việc củng cố vững chắc nền tảng cho công tác nghiên cứu, từng bước tăng cường tiềm lực nghiên cứu, tiếp tục ưu tiên hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung kiện toàn nguồn nhân lực khoa học, công nghệ”.

Tại Hội thảo, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo Chiến lược từ quan điểm, mục tiêu, định hướng đến những giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực của ngành VHTTDL. Trước đòi hỏi của đổi mới sáng tạo, các đại biểu cho rằng, mỗi đơn vị cần chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn; từ đó hình thành những sản phẩm chủ lực, dịch vụ về văn hóa, thể thao, du lịch trên nền tảng công nghệ.

PGS, TS Vũ Việt Bảo - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM cho rằng, kinh phí từ Nhà nước rất hạn chế, chúng ta nên lựa chọn lĩnh vực ưu tiên.

“Cục Hợp tác quốc tế sẵn sàng làm cầu nối, cơ quan điều phối trong mạng lưới hội nhập quốc tế, để chúng ta có thể thực hiện được nhiệm vụ ứng dụng phát triển khoa học, công nghệ đối với lĩnh vực VHTTDL” - Bà Trần Hải Vân chia sẻ tại Hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, TS Nguyễn Thế Hùng thay mặt Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến đối với Dự thảo Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST ngành VHTTDL đến năm 2030. Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, các đơn vị trực thuộc Bộ cần có những kế hoạch cụ thể hằng năm đối với hoạt động nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn và ứng dụng công nghệ.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;