Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người

Chiều ngày 26-10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ:

Về đối tượng áp dụng (Điều 2), dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp 3

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về đối tượng áp dụng là không cần thiết, song cần rà soát kỹ để đảm bảo việc áp dụng các biện pháp phòng chống, bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phù hợp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả “mọi người” trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù. Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý theo hướng bỏ Điều 2 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3)

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Có ý kiến đề nghị xếp loại theo các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục và các loại bạo lực khác; một số ý kiến góp ý về nội dung các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nên nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình. Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và được rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý để làm rõ nghĩa hơn một số hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định tại khoản 2, song đề nghị rà soát kỹ bởi một số hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 không áp dụng được đối với đối tượng được quy định tại khoản 2. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bỏ khoản này. Có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là anh, chị, em của người đã ly hôn. Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là “người tình” của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực. Ngoài ra, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng. Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình “lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm” thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật như thể hiện tại khoản 2 Điều 3 và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để tăng tính chặt chẽ của quy định.

Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án về giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 25, 26 và 27)

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các biện pháp cấm tiếp xúc không khả thi; có ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch UBND cấp xã có thể ra quyết định cấm tiếp xúc khi có đủ căn cứ, không cần có “yêu cầu cấm tiếp xúc” và “sự đồng ý” của người bị bạo lực gia đình.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định về trường hợp khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc như thể hiện tại khoản 2 Điều 25 dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc rà soát khoản 2 Điều 26 để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân không tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc trong các vụ việc bạo lực gia đình.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định sửa đổi Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự như thể hiện tại Điều 55 của dự thảo Luật.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định để phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý khoản 1 Điều 27 quy định Công an cấp xã phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở để giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.

Về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33)

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng” tuy nhiên cần lưu ý: (I) rà soát để bảo đảm tương thích và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (II) loại trừ một số đối tượng; (III) có quy định về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phù hợp; (IV) quy định về cách thức tổ chức thực hiện để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị làm rõ đây là biện pháp “hành động vì lợi ích cộng đồng” hay “lao động công ích”.

(1) Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục; đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng trong xử lý hành vi bạo lực gia đình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc bổ sung một biện pháp mang tính xã hội nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết, mang tính giáo dục cao.

(2) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp tiến hành đánh giá tính khả thi của biện pháp này và rà soát tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, theo Báo cáo nghiên cứu, kết quả tham vấn ý kiến nhóm lãnh đạo, nhóm người dân và nhóm trẻ em tại 5 tỉnh, thành phố cho thấy, đây là biện pháp có tính răn đe, giáo dục cao và có tính khả thi.

(3) Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ tính tương thích với các điều ước quốc tế, Công ước số 29 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và chỉ đạo chỉnh lý theo hướng:

(I) Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là tự nguyện, theo đó, người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 32 tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng thì không bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.

(II) Bỏ khoản 4 quy định về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 20 giờ và không quá 4 giờ mỗi ngày.

(III) Giữ các quy định: công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống; danh mục công việc này do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã.

Như vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung khoản 6 Điều 32 về góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình và chỉnh lý Điều 33 về thực hiện công việc phục vụ cộng đồng như trong dự thảo Luật.

Các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị có một mục quy định riêng về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em để phù hợp với đặc thù của nhóm đối tượng trẻ em.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật đang được xây dựng và chỉnh lý theo hướng quy định chung áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng. Ngoài trẻ em còn có một số nhóm đối tượng khác có những đặc điểm đặc thù như người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai… Hơn nữa, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dự thảo Luật đã được bổ sung một số quy định thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân đối với các trường hợp người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình là trẻ em như: hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em (Điều 3); nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 4); mục đích, yêu cầu trong thông tin, truyền thông, giáo dục (Điều 13); Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 16); xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 20); cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 35); trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 49); Trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Điều 53). Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung chương riêng về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Một số nội dung khác

Ngoài các nội dung nêu trên, dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật đã đề cập đến các nội dung lớn khác như: Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình và hòa giải để phòng ngừa bạo lực gia đình (Điều 16, 17, 18); Xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 20); Biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 32); Bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 34); Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 40); Xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Trách nhiệm của UBND các cấp và cơ quan công an.

Đồng thời, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý các nội dung tại điều, khoản, cụ thể: nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 4), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 7), quyền và trách nhiệm của những đối tượng có liên quan (Điều 9, 10, 11, 12), thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 14 đến Điều 16), báo tin, tố giác về bạo lực gia đình (Điều 19), sử dụng âm thanh, hình ảnh về vụ việc bạo lực gia đình (Điều 21), hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (Điều 28), giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình (Điều 31), bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 34), địa chỉ tin cậy (Điều 36), cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 37), xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 41), phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 44), bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 45), trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 47), trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 49), trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Điều 53).

Về văn phong, kỹ thuật xây dựng văn bản

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu tối đa ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, chỉnh lý kỹ thuật đối với toàn bộ dự thảo Luật để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội, bảo đảm rõ ràng về văn phong và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, đồng thời có một số điểm mới.

Qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra, đó là, bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để “phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, hiệu quả”, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới, bao gồm:

(1) Với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự (Điều 3); bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (khoản 3 Điều 22).

(2) Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng: sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục (Điều 7, 13, 14 và Điều 15); rà soát, bổ sung nội dung tư vấn, bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với người thực hiện tư vấn ở cộng đồng (Điều 16); sửa đổi quy định về hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành chính hoặc hình sự (Điều 17, 18); bổ sung “Đường dây quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình (Điều 19, 20); bổ sung quy định về sử dụng âm thanh, hình ảnh về vụ việc bạo lực gia đình (Điều 21). 

(3) Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn: bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24); bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, đơn giản hóa thủ tục (Điều 25, 26); bổ sung quy định về giám sát thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 27); bổ sung biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình (Điều 31); bỏ điều kiện “đã được Tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải”, điều chỉnh độ tuổi của người có hành vi bạo lực gia đình và quy định các trường hợp bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư (Điều 32); Bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" (Điều 33); bổ sung quy định để bảo vệ thông tin cá nhân của người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình, quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình bị thiệt hại (Điều 34).

(4) Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả: quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 35), cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 40); bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về nguồn tài chính phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 42), cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 43), phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 44), bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 45).

(5) Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình: bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (khoản 1 Điều 47); trách nhiệm của Bộ VHTTDL thực hiện thống kê và quản lý thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình (khoản 5 Điều 48); trách nhiệm của Bộ Y tế trong bồi dưỡng nhân viên y tế thực hiện tư vấn, chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình; trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong hướng dẫn cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội; trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hướng dẫn cơ sở giáo dục phát hiện, hỗ trợ người học bị bạo lực gia đình… (Điều 49); quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong tổ chức, thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương (Điều 50); trách nhiệm của Công an cấp xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình (các Điều 20, 24, 27, 29 và 32).

NGỌC BÍCH

 

 

;