Tâm sự của những gương điển hình tiên tiến ngành Văn hóa trong ngày được vinh danh

Chiều ngày 28-8, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Bộ VHTTDL đã long trọng tổ chức Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các chương trình nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa, hướng tới kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2-9. Hội nghị đã khơi dậy tình yêu nghề nghiệp, khát vọng cống hiến, tạo động lực, quyết tâm cho những người làm văn hóa thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới. Một số tấm gương điển hình đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hoá Nghệ thuật bên lề Hội nghị.

Chị Trần Thị Thơm - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang): Luôn đồng hành với các hoạt động văn hóa, thể thao của địa phương         

Tôi cảm thấy rất phấn khởi và tự hào, những đóng góp dù nhỏ bé nhưng đã được lãnh đạo Bộ ghi nhận và đánh giá cao. Đây là những động viên, khích lệ rất lớn đối với tôi, là động lực để tôi làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.

Bản thân tôi đã làm công tác văn hoá đến nay tròn 15 năm. Với chức trách nhiệm vụ được giao là Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin từ năm 2008 đến nay, tôi luôn chủ động trong công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Văn bản của T.Ư, của tỉnh, huyện.

Đối với tôi, sự nghiệp làm văn hoá như một dòng chảy không bao giờ ngắt quãng. Các công tác xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong mỗi gia đình, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Yên Dũng chung sức xây dựng nông thôn mới”... tôi đều đóng góp một chút sức lực trong đó, nhưng chính những nhiệm vụ ấy, đã tôi luyện cho tôi một thái độ, trách nhiệm cao đối với vai trò của mình. Trong năm nay, nhận được sự khích lệ lớn của Bộ VHTTDL, một chặng đường làm văn hoá mới mở ra với tôi, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy bản thân cần cố gắng làm tốt hơn nữa, khắc phục những hạn chế trong công tác văn hóa thời gian tới.

Nhiều năm nhận được giấy khen, bằng khen của UBND huyện Yên Dũng và Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang trao tặng, cá nhân tôi mong muốn, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp phát triển văn hoá của cả nước nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng. Đặc biệt, tạo điều kiện cho những người làm văn hóa cấp cơ sở như tôi có nhiều cơ hội được cống hiến hơn nữa, xứng đáng với những kì vọng của nhân dân và lãnh đạo đã tin tưởng giao phó.

Chị Trần Thị Mỹ Trinh – Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Mong muốn lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Một cảm xúc nghẹn ngào vẫn đang tràn ngập trong tôi, nhận bó hoa tươi thắm và tấm bằng khen của Bộ trưởng, tôi thấy hạnh phúc và biết ơn vì đã được lãnh đạo ghi nhận những đóng góp nhỏ bé của mình. Đây chính là động lực giúp tôi phấn đấu cho sự nghiệp thư viện, lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh nhà và cả nước nói chung.

Để lan tỏa và phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn như kế hoạch 5 năm sự nghiệp thư viện, kế hoạch trọng tâm phát triển văn hóa đọc, học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Đến hiện tại đã xây dựng nguồn tài nguyên thông tin thư viện đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 3,9 bản/người dân; đạt 0,23 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 3.85 cuốn sách/năm.

Song song với đó, hằng năm, hoạt động thư viện cũng không ngừng đổi mới thông qua việc đổi mới từng nội dung, hình thức, đối tượng của những chương trình, mô hình hoạt động, cuộc thi về sách  nhằm thu hút người đọc sử dụng thư viện.

Năm nay, được nằm trong danh sách tuyên dương của Bộ VHTTDL, tôi cho rằng, đây vừa là động lực vừa là áp lực để tôi cố gắng hơn nữa trong cương vị của mình. Trong thời gian tới, tôi đã tự đặt ra cho bản thân một số mục tiêu như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu cho Sở VHTTDL phối hợp ký kết với các cơ quan, ban ngành, trong và ngoài tỉnh, ký kết các Kế hoạch, biên bản giao ước, thoả thuận hợp tác về lĩnh vực thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc tỉnh nhà, lan toả phong trào đọc sách, tự học, tự nghiên cứu, đưa tri thức đến tận khóm, ấp để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần cho người dân.

Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông vận động nhằm lan tỏa phong trào đọc sách trong nhân dân, đồng thời thu hút các nguồn lực xã hội hóa, các nguồn kinh phí tài trợ của doanh nghiệp cho lĩnh vực thư viện, giảm bớt ngân sách nhà nước.

Thứ ba, thư viện tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các kế hoạch trọng tâm của tỉnh trong việc phát triển văn hóa đọc gắn với nhiệm vụ phát triển văn hóa – kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh như: Đề án Phát triển Văn hóa đọc, Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến, Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa góp phần xây dựng xã hội học tập trên quê hương Đất Sen hồng gắn với xây dựng Văn hóa và con người Đồng Tháp”nghĩa tình - năng động - sáng tạo”.

Diễn viên Phạm Thu Hằng (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam): Luôn sống hết mình với đam mê

Tôi rất vinh dự là nghệ sĩ được nhận bằng khen về gương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, nhưng đây cũng sẽ là trách nhiệm mà tôi phải nỗ lực phát huy hơn nữa những gì đã làm được. Do đó, trước mắt trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục trau dồi chuyên môn để có thể đảm nhiệm được nhiều vai diễn hơn nữa, đem nghệ thuật múa hàn lâm đến gần hơn với khán giả. Trong tương lai, tôi mong muốn trở thành giáo viên để truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm đã được học, được tích luỹ tới thế hệ diễn viên múa mới.

Tôi sớm bén duyên với nghệ thuật múa từ năm 7 tuổi và đến nay đã 32 tuổi, để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải luôn chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ, làm việc có trách nhiệm, thực sự tâm huyết với nghề thì nghề sẽ không phụ mình. Múa là khổ luyện, mỗi lần bị sự đau đớn đánh gục lý trí, tôi sẽ nghĩ về suốt cả quá trình khổ luyện mồ hôi lẫn nước mắt rơi trên sàn để đổi lại những giây phút thăng hoa trên sân khấu và có được tôi trưởng thành hơn của ngày hôm nay.

NNND Hoàng Thị Bích Hồng: người lưu giữ những làn điệu then giàu bản sắc

Nhiều lần được tuyên dương, nhận bằng khen, nhưng khi được Bộ VHTTDL ghi danh là 1 trong 78 gương điển hình tiên tiến của ngành Văn hóa, cảm xúc trong tôi như vỡ oà, cảm thấy tự hào xúc động nhiều lắm. Mọi người vẫn yêu mến gọi tôi là một “bảo tàng sống”, người lưu giữ những làn điệu then giàu bản sắc” khiến tôi thấy mình như mang một trách nhiệm to lớn đối với công cuộc giữ gìn văn hoá dân tộc.

Đã gần 60 năm gắn liền với chiếc đàn tính, dù nắm giữ thành thục những kỹ năng về hát then, đàn tính, hát bụt cổ, then cổ, khả năng độc tấu đàn tính thành thạo, chuyển thể các làn điệu then để viết lời, nhưng đối với tôi, lần biểu diễn nào cũng nhiều cảm xúc cả. Dường như hát then đã trở thành một phần máu thịt của tôi.

Năm 2007, CLB đàn Tính, hát Then tỉnh Thái Nguyên được thành lập, tôi được bầu làm Chủ nhiệm, đến nay tôi vẫn làm công tác truyền dạy, tôi cùng các thành viên CLB dày công sưu tầm những bài then cổ; đi nhiều nơi tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu then và dân ca để tìm ra nét riêng của Then Thái Nguyên. Trước những biến đổi của văn hoá xã hội hiện đại, tôi luôn đau đáu và trăn trở trước sự mai một của những giá trị truyền thống dân tộc, cùng với niềm đam mê hát Then, đàn Tính và mong muốn giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ mai sau, tất cả đã trở thành động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn để duy trì hoạt động.

Hiện tại, tuổi cũng đã cao, nhưng nhận được sự tín nhiệm của các thành viên trong CLB hát then tỉnh Thái Nguyên, nên với cương vị là Chủ nhiệm CLB, tôi vẫn đang tiếp tục công việc truyền dạy hát Then. Đồng thời, hiện tôi đang sinh hoạt tại Khu nhà Nùng tại Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây), hằng ngày biểu diễn cho du khách thưởng thức làn điệu dân ca của dân tộc, để các bạn trẻ và nhiều người biết đến và yêu hơn giá trị của hát Then, đàn Tính, đối với tôi như thế đã là hạnh phúc lớn lao rồi.

NGÔ HUYỀN ghi

 

;