Ngày 26-8-2023, tại Bảo tàng Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh. Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, thực hành di sản cùng các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm tới tham dự.
TS Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu khai mạc hội thảo- Ảnh: Báo Văn hóa
Chủ trì Hội thảo có: TS Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS, TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; PGS, TS Lê Thị Thu Hiền Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; bà Phạm Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội,… Việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước vì sự phát triển bền vững.
Tính tới thời điểm hiện nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp) phân bố ở hầu hết tỉnh, thành phố với nhiều chủ thể là đồng bào các dân tộc khác nhau. Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại.
Hiện, đã có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú. Có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước.
Với nỗ lực không ngừng, tình yêu và trách nhiệm của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản và chính quyền các cấp đối với di sản; thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 và các Công ước khác của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Toàn cảnh Hội thảo- Ảnh: Mai Hương
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cũng đánh giá: Việc gia tăng về số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội trong những năm gần đây đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản và thực hiện Công ước. Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh một cách bền vững. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện nay còn phải được tiếp cận theo một số nội dung có tính xu hướng, tính quốc tế như: tiếp cận di sản và phát triển bền vững, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa quốc gia và quốc tế, đề cao vai trò của cộng đồng chủ thể, nghệ nhân, người thực hành di sản,…
Thứ trưởng cũng chỉ rõ: Nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập,…; lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị, trong xây dựng, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo định kỳ về tình trạng, tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh. Các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nhận diện, nắm bắt rõ, kịp thời. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách hợp lý nên chưa thu hút được sự hỗ trợ, hợp tác, tài trợ của các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Hội nghị- hội thảo- tập huấn đã tham luận, thảo luận, tập trung vào các chủ đề: Đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia sau khi được ghi danh tới nay, trong đó nhằm nâng cao nhận thức, cách hiểu đúng và đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, về cộng đồng chủ thể của di sản, từ đó có cách ứng xử phù hợp với di sản. Nâng cao hiệu quả quản lý và nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cũng như các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia; triển khai hiệu quả tinh thần Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch. Công văn số 2973/BVHTTDL-DSVH ngày 21/7/2023 của Bộ VHTTDL gửi UBND các tỉnh/ thành phố về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của các bên liên quan như: các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp; sự tham gia của các cơ quan báo chí, thông tấn, truyền hình và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân và chủ thể của di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh nói riêng. Xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO và tinh thần của Công văn số 2189/BVHTTDL-DSVH ngày 2/6/2015 của Bộ VHTTDL ban hành về việc xây dựng và phê duyệt dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia trên địa bàn tỉnh/thành phố.
Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể giữa các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh đối với những vấn đề liên quan đến chuyên môn.
TS Peter Bille Larsen trình bày tham luận- Ảnh: Mai Hương
Hội nghị, hội thảo đã thảo thu hút 12 bài tham luận của những chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, cùng các chuyên gia tư vấn chuyên môn quốc tế.
Các địa phương cùng có di sản được ghi danh đã chia sẻ về công tác triển khai, thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia tại địa phương sau khi được ghi danh (những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; đánh giá thực trạng và đề xuất cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương…). Việc thực hiện rà soát, đánh giá, tổng hợp nhằm cung cấp thông tin để xây dựng Báo cáo quốc gia theo định kỳ: cách làm, khó khăn, vướng mắc…
Một số ý kiến trình bày tại Hội nghị- hội thảo xoay quanh công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - Trường hợp Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và những ứng xử với di sản văn hóa phi vật thể của người Việt được UNESCO ghi danh; trong đó, một số thủ nhang, nghệ nhân nhấn mạnh bảo tồn Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phải tôn trọng không gian linh thiêng, không nên sân khấu hóa. Việc thờ Thánh thì phải thực hiện ở nơi đài, điện, phủ...
TS Peter Bille Larsen phân tích và nhấn mạnh vai trò của cộng đồng thực hành di sản, đồng thời đặt ra 5 câu hỏi để gợi ý, có hướng mở trong việc nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, nhằm tăng cường tính hiệu quả, thúc đẩy tham gia của cộng đồng trong việc thực hành di sản văn hóa.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Mai Hương
Tại hội thảo, PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nêu quan điểm: Nói đến Văn hóa dân gian bao giờ cũng là vấn đề đa diện, đa sắc, nó được thay đổi theo từng vùng miền, khu vực và thậm chí, thay đổi theo cả thời gian. Vì thế chúng ta cần phải xác định chân lý và xác định chính xác những gì liên quan đến Văn hóa dân gian để chúng ta hiểu rõ hơn và tích cực hơn về một tình yêu đối với di sản văn hóa nói chung và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng. Chúng ta muốn tôn vinh cái đẹp đó thì chúng ta cần tĩnh tâm đúc kết để có những tri thức, có những kinh nghiệm để đưa ra được những phương án quản lý phù hợp, để bảo tồn phát huy hết tất cả những giá trị của nó. Cộng đồng thực hành di sản có vai trò quan trọng, thì cộng đồng cần phải hiểu rõ những vấn đề liên quan đến giá trị đó, để từ đó phát huy được những giá trị di sản của mình. Và đó là lý do chúng ta cần tổ chức chuyên đề Hội nghị - thảo luận hôm nay và được làm rõ hai nguyên tắc: Một là, việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là chương trình hành động quốc gia. Để bảo vệ di sản phi vật thể phải cần đến luật và tất cả các vấn đề khác. Đó là những cơ sở pháp lý chính trị và cơ sở đạo đức vô cùng quan trọng để bảo vệ tốt di sản quốc gia. Hai là, chúng ta cần phải có một tinh thần đoàn kết, tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, củng cố tình yêu đối với di sản nói chung và đặc biệt là vấn đề bàn về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ...
MAI HƯƠNG