Tái hiện lễ mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu

Lễ hội mừng lúa mới là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của người dân đồng bào Cơ Tu huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghi lễ thể hiện sự biết ơn với các thần linh đã che chở mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Nam Đông là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây đồng bào Cơ Tu chiếm 43% dân số trong huyện, gắn bó bao đời nay với núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây đã hình thành nên những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo và lâu đời,  của người đồng bào Cơ Tu, trong đó có Lễ hội "Mừng lúa mới".

Tái hiện Lễ hội "Mừng lúa mới" của đồng bào Cơ Tu đến từ huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế)

Già làng A Lăng Kơ Lói, xã Thượng Long, huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Từ xa xưa đến nay đồng bào Cơ Tu luôn gắn bó với núi rừng, nương rẫy và gắn kết với cây lúa. Do điều kiện canh tác khó khăn, người Cơ Tu luôn mong ước về sự no đủ, đó là lý do ra đời lễ hội mừng lúa mới tại huyện Nam Đông nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Lễ hội mừng lúa mới, trong tiếng Cơ Tu là “Cha Ha Ro Tơ Me”. Đây là là một trong những lễ hội truyền thống, là nét sinh hoạt văn hóa của mọi người trong bản làng giao lưu, gặp gỡ với nhau, không khí trong bản làng vì thế luôn rộn ràng náo nức.

Để chuẩn bị cho lễ hội, đồng bào Cơ Tu đã  chuẩn bị từ sớm, người rang lúa, người giã gạo, người cắt lá dong, người lấy nước, nướng gà, nướng cá... dâng lên và tạ ơn thần linh

Theo ông A Lăng Kơ Lói, để tổ chức được lễ hội mừng lúa mới một cách tốt nhất, các già làng trưởng bản cùng bà con phải họp thống nhất và phân công nhiệm vụ cho từng người. Để chuẩn bị cho lễ hội mừng lúa mới, các cô gái Cơ Tu cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong... Bằng sự tỉ mỉ, khéo léo, những khối củi thật khô được chọn chẻ nhỏ và xếp vào gùi. Những dòng nước sạch được đựng vào ống tre. Những chiếc lá dong dày đẹp được hái mang về bản làng. Tận dụng lợi thế thiên nhiên núi rừng, các chàng trai Cơ Tu khỏe mạnh cầm cung, nỏ, lao... đi bắt cá, bắt cua, kiếm mật ong… để làm lễ vật cho mâm cúng lễ thêm đầy đủ, trang trọng.

Cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào Cơ Tu với ý nghĩa mong ước về sự no đủ

Hình ảnh các cô gái đi tuốt lúa từ sớm tinh mơ. Bằng đôi bàn tay khéo léo, dịu dàng, tỉ mỉ, tinh tế, các cô gái đã thu hoạch được những hạt lúa màu mỡ, vàng ươm

Song hành cùng các cô gái là các chàng trai mang dáng dấp mạnh mẽ theo sau để gùi những hạt lúa đã được tuốt về bản làng

Khi mâm cúng đã được chuẩn bị xong, già làng người lớn tuổi uy tín trong bản thực hiện các nghi thức cúng bái. Già làng khấn rằng: Ơ Giàng, ơ các thần sông, thần núi, thần đất và các linh hồn người chết, những con ma trong rừng, trong núi... Hôm nay, dân làng mở hội đâm trâu để mừng một mùa rẫy, dân làng biết ơn Giàng, các thần linh đã giúp đỡ dân làng, ban cho dân làng hạt lúa, hạt bắp về đầy nhà, đầy kho, dân làng không bị đau ốm, không bị chết xấu. Dân làng cầu mong Giàng, thần linh về dự với dân làng để biết được cái bụng của dân làng. Dân làng rất biết ơn Giàng, cúng con trâu, con gà, chén rượu cho Giàng để mùa rẫy tới được tốt đẹp như mùa rẫy này.

Già làng, người lớn tuổi có uy tín trong bản thực hiện nghi lễ cúng bái mời các vị thần linh, thần lúa, thần trời, thần sông suối, thần cây về dự lễ để tạ ơn trong một năm mưa thuận, gió hòa

Nghi lễ đâm trâu của đồng bào Cơ Tu được lưu giữ đến bây giờ và thường được tổ chức vào các ngày lễ quan trọng như: mừng lúa mới, mừng nhà mới, hay đám cưới

Đồng bào Cơ Tu sau khi thực hiện các nghi lễ tâm linh, đã cùng nhau nhảy các điệu nhảy truyền thống theo tiếng cồng chiêng và mời du khách gần xa thưởng thức những món ngon của đồng bào mình. Các chàng trai, cô gái Cơ Tu với những điệu múa khỏe khoắn càng làm tô đậm thêm rực rỡ và đầy tính truyền thống của lễ hội mừng lúa mới. Lễ hội mừng lúa mới có truyền thống từ lâu đời của đồng bào Cơ Tu, gắn với bản sắc văn hóa phi vật thể. Mừng lúa mới là sự phản ánh bên sâu tâm hồn của người Cơ Tu, mong ước về một vụ được mùa, một năm mới đầy hứa hẹn. Lễ hội mừng lúa mới cũng là dịp để đồng bào các dân tộc gắn kết, tăng cường tỉnh đoàn kết giữa các bản làng trong vùng.

Tung tung dá dá, điệu múa dâng trời của đồng bào Cơ Tu

Tin, ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

 

;