Tối ngày 20-8, tại phòng hòa nhạc lớn Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã diễn ra đêm nhạc và lễ trao giải cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022. Đây là cuộc thi âm nhạc truyền thống hệ không chuyên có quy mô lớn, đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo của FPT. Hai loại hình độc tấu và hợp tấu, cùng bảy loại nhạc cụ chính thống được sử dụng để thi đấu đã được thể hiện tại đêm trao giải.
Tham dự chương trình có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương; Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam PGS, TS Nguyễn Huy Phương; Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT TS Lê Trần Hùng; Hiệu trưởng Trường Đại học FPT TS Nguyễn Khắc Thành; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT TS Lê Huy Thành cùng sự hiện diện của các thầy cô giáo giảng dạy chuyên ngành âm nhạc truyền thống, Trường Đại học FPT và các học sinh, sinh viên thuộc tổ chức giáo dục FPT.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại đêm nhạc
Năm 2015, bộ môn âm nhạc truyền thống đã được chính thức đưa vào giảng dạy tại Trường Đại học FPT, từ đó đến nay trên khắp các cơ sở của FPT từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ và TP.HCM với hàng chục ngàn học viên, sinh viên đã được tìm hiểu và theo học các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống. Bên cạnh các trường đào tạo về âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam, tổ chức giáo dục FPT, tiên phong là trường đại học FPT, là một trong số trường đại học hiếm hoi tại Việt Nam đã đưa nhạc cụ truyền thống vào chương trình giảng dạy chính khóa cho sinh viên. Bởi, nhà trường thấu hiểu một điều: thế hệ trẻ luôn cần phải tôn trọng và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, giai điệu của các loại nhạc cụ dân tộc chính là những nét đẹp cần phải được bảo tồn trong thời kỳ hiện đại ngày nay.
Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam PGS, TS Nguyễn Huy Phương chia sẻ tại chương trình
Với mong muốn giữ gìn và phát triển âm nhạc dân tộc, năm 2022 tổ chức giáo dục FPT Edu đã chính thức phát động cuộc thi FPT Tích Tịch Tình Tang. Đây là cuộc thi nhạc cụ truyền thống đầu tiên có quy mô lớn, giành cho các học sinh, sinh viên là những đối tượng không chuyên của FPT với tổng giá trị giải thưởng gần 200 triệu đồng. Cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 có sự đồng hành của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các nghệ sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Bảy loại nhạc cụ chính thống được sử dụng để thi đấu trong cuộc thi là: đàn tranh, đàn nhị, sáo, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn bầu, trống; với hai loại hình thi: độc tấu và hợp tấu.
Biểu diễn độc tấu đàn tỳ bà
Phát biểu trong đêm nhạc và trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chia sẻ, “âm nhạc truyền thống là một phần quan trọng trong nền văn hóa của dân tộc, vì thế luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng quan tâm. Trong nhiều năm qua, nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã được ban hành với chủ trương lớn, nhất quán là “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. FPT là trường Đại học duy nhất đã đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy. Thông qua cuộc thi này cho thấy sự phổ cập âm nhạc của trường Đại học FPT rất hay và đúng đắn, chỉ có FPT mới có được ý tưởng hay và ý nghĩa như thế. Với việc đưa vào giảng dạy, phổ cập một cách chính thức trong hệ thống các trường của tổ chức FPT, đó là điều rất đặc biệt và đáng được trân trọng. Tôi cho rằng việc này cần được nhân rộng trong tất cả các trường đại học trong nước. Vì sau này, sau khi các em được học tập và trưởng thành, âm nhạc truyền thống là một trong những hành trang quan trọng để các em có thể hội nhập, tiếp cận với bạn bè thế giới”.
Tiết mục ca trù do NSND Thanh Hoài, NSƯT Nguyễn Văn Khuê, Nghệ nhân Đàm Quang Minh thể hiện
Chủ tịch Hội đồng Học Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Huy Phương cũng cho rằng, “đây là sự kiện đánh dấu về nhận thức của các trường đại học, về ý nghĩa, vai trò, giá trị của âm nhạc dân tộc Việt Nam trong vấn đề đào tạo. Vì, một dân tộc phát triển khi dân tộc đó biết trân trọng những giá trị tinh thần, tinh hoa của ông cha để lại. Nhất là trong thời kỳ hiện nay, khi trong quá trình hội nhập, nét văn hóa dân gian đang bị dần mai một do giới trẻ bị thu hút vào nền giải trí mới. Việc Đại học FPT có khoa nhạc cụ dân tộc và đưa vào chương trình giảng dạy, đó là bước tiến có tính đột phá trong việc giáo dục giới trẻ biết trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam”.
Tiết mục hòa tấu trống do các sinh viên Đại học FPT thể hiện
Đồng hành cùng cuộc thi FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022, là hội đồng ban giám khảo với các nghệ sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc truyền thống: NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM; TS, NSƯT Cù Huy Hùng Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, giảng viên chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc Khoa lý luận sáng tác Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chỉ huy chính dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; Ths Vũ Thị Kim Yến, chủ nhiệm Khoa Âm nhạc Truyền thống Trường Đại học FPT TP.HCM; Ths Nguyễn Thu Thủy, Trưởng bộ môn Nhạc cụ truyền thống Trường Đại học FPT Hà Nội.
Lễ trao giải các tiết mục Độc tấu nhạc cụ dân tộc
Trải qua gần ba tháng tranh tài với các vòng loại diễn ra tại các cơ sở đào tạo của FPT trên cả nước, vòng chung kết có sự tham gia của gần 100 thí sinh với 76 tiết mục đặc sắc nhất được tuyển chọn từ vòng sơ loại. FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 đã lựa chọn và trao giải cho 7 bảng thi đấu các nhạc cụ truyền thống. Với cuộc thi Độc tấu của các nhạc cụ, Đàn tranh: 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 2 giải Khuyến khích; Đàn Nhị: 2 giải Nhì, 1 giải Khuyến khích; Đàn Tỳ bà: 1 giải Nhất, 2 giải Khuyến khích; Sáo trúc: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 5 giải Khuyến khích; Đàn Nguyệt: 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 4 giải Khuyến khích. Cuộc thi Hòa tấu: 2 giải Nhất, 1 Giải Nhì, 1 giải Triển vọng.
Lễ trao giải tiết mục Hợp tấu
Tại đêm nhạc và lễ trao giải, bên cạnh các tiết mục xuất sắc của các bạn học sinh, sinh viên FPT còn có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng của âm nhạc truyền thống Việt Nam: NSND Thanh Hoài, NSND Hoàng Anh Tú, NSƯT Nguyễn Văn Khuê, NSƯT Quế Trân, NSƯT Hải Phượng, Nghệ nhân Đàm Quang Linh; Các nhà tài trợ và đồng hành cùng cuộc thi: GS Hồ Thụy Trang - người thành lập ban nhạc Tiếng Tơ Đồng tại Paris; bà Phùng Thị Ngọc Thúy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Hiệu đàn Đức Ngân; Nghệ nhân Phạm Văn Tuyền, Giám đốc Áo dài Năm Tuyền; Nhà báo Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt.
Tin, ảnh: NGỌC BÍCH