Sưu tập Trần Hậu Tuấn - 40 năm cho hành trình bền bỉ.

     Trong giới yêu nghệ thuật, Trần Hậu Tuấn nổi tiếng là một nhà sưu tập tranh nghiêm túc và chịu đầu tư. Trên con phố nhỏ Nguyễn Trọng Tuyển, nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), căn nhà riêng của ông đồng thời được thiết kế như một bảo tàng nghệ thuật. Tranh của Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… được trưng bày ở mỗi phòng, theo từng chuyên đề, nội dung, chất liệu…

     Không gian nghệ thuật được chủ nhân tinh tế giới thiệu ngay từ những khoảng trống ngoài sân. Một vài tác phẩm điêu khắc của Lê Công Thành đưa chân khách vào nhà để biết mình đã “rơi” vào thế giới của hình khối, màu sắc. Theo cầu thang lên các tầng lầu trong tư gia của Trần Hậu Tuấn, ta được “gặp” bao nhiêu danh họa Việt Nam, từ Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh đến những cái tên nổi bật của các thế hệ sau đó: Lê Huy Tiếp, Phùng Quốc Trí, Đặng Xuân Hòa, Lê Thiết Cương, Lê Quảng Hà, Nguyễn Minh Thành… Rồi lại ngỡ ngàng khi thấy ông dành gần như trọn vẹn một không gian riêng cho danh họa Bùi Xuân Phái; căn phòng không chỉ có tranh mà còn có những kỷ vật của một họa sĩ được coi như người mang hết những gì đẹp nhất của phố cổ Hà Nội vào tranh mình. Chiếc xe đạp, cuốn nhật ký được mở ra ở trang viết vào ngày họa sĩ phát hiện mình bị ung thư, trang giấy vẽ cái đồng hồ, xe đạp và dòng chữ ghi ước mơ của riêng ông. Những bức phác họa cuối cùng, ông vẽ bình truyền nước, người vợ và bàn chân, bàn tay mình. Những cuốn sách bạn bè như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng tặng ông… Tất cả đã làm mọi giác quan của người đối diện rung động, vừa choáng ngợp, vừa thương xót một danh họa dù ông đã rời xa trần thế này từ rất lâu…

     Sưu tập Trần Hậu Tuấn với quy mô hàng ngàn tác phẩm trải suốt gần 100 năm phát triển của hội họa hiện đại Việt Nam. Khi bước chân vào không gian này, bạn sẽ luôn cảm thấy thư thái và tĩnh lặng. Chất lượng các tác phẩm và tính hệ thống của bộ sưu tập được chủ nhân chăm chút, chia ra từng giai đoạn rất dễ để nhìn ngắm và thưởng ngoạn: Mỹ thuật Đông Dương 1925-1975, Mỹ thuật thời kháng chiến và bao cấp 1945-1985, Mỹ thuật miền Nam trước 1975, Mỹ thuật đổi mới 1985-2000 và Mỹ thuật đương đại từ năm 2000. Ở mỗi giai đoạn, nhà sưu tập chú trọng đến từng tác giả tiêu biểu và các tác phẩm để định hình từng phần sưu tập, góp phần định hình toàn bộ bộ sưu tập.

     Tính hệ thống của bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn thể hiện ở việc từ một điểm nhìn, bao quát được các khía cạnh, các vấn đề của đối tượng, sắp xếp chúng theo một trật tự nhất quán để có thể phản ánh được các mối quan hệ lịch sử của chúng. Trong sưu tập riêng của Trần Hậu Tuấn, các tác phẩm của những danh họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được gìn giữ công phu. Ông đã và đang vẫn luôn tập hợp tác phẩm của những tác giả tiêu biểu, cố gắng lấp đầy từng khoảng trống nhỏ của một hành trình lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam theo cách nhìn của riêng ông, khiến giới phê bình trong nước luôn muốn quan tâm, nghiên cứu. Trần Hậu Tuấn có tham vọng trình bày bộ sưu tập của mình theo mô hình tiêu chuẩn mà các bảo tàng lớn trên thế giới thực hiện. Ông luôn đau đáu làm thế nào để giữ và lưu truyền các tác phẩm còn mãi với thời gian.

    Trong hơn 40 năm sưu tập với hàng ngàn tác phẩm hội họa, điêu khắc, Trần Hậu Tuấn đã tham gia viết và đóng góp cho việc xuất bản 22 cuốn sách về nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Nhưng hẳn ông vẫn có những điều riêng muốn được bộc bạch trong một ấn phẩm của chính mình và thông qua nó, ông có thể gói ghém nhiều thông điệp đến người đọc yêu thích mỹ thuật Việt Nam. Sưu tập Trần Hậu Tuấn (1) là cuốn sách đầu tiên do chính ông một mình tự viết và cân chỉnh toàn bộ nội dung, bao gồm cả ảnh giới thiệu tác phẩm chọn lọc từ bộ sưu tập. Nếu ai đã từng đọc những cuốn sách hội họa trước đây mà ông tham gia thực hiện, sẽ thấy ở công trình mới nhất này trọn vẹn sự công phu cùng một thái độ vừa trân trọng vừa nghiêm túc, chứa đầy tình cảm với mỗi một tác giả mà ông có thể từng giới thiệu trong một ấn phẩm trước đó.

 

 

    Cuốn sách, ban đầu dự định có tên Sống với nghệ thuật, kể lại quá trình tiếp xúc với hội họa của tác giả trong những năm tháng gặp gỡ các họa sĩ cũng như các nhà sưu tập nghệ thuật khác. Mỗi bức tranh đều là ký ức của những tháng ngày khó khăn với vô vàn kỷ niệm không thể nào quên. Cuốn sách như lời tâm sự của ông với từng tác giả, tác phẩm, giúp người đọc biết và hiểu thêm về phần đời sống của một tác phẩm mỹ thuật kể từ lúc chúng rời người sáng tác và có một phần đời mới, hiểu thêm về đời sống mỹ thuật đôi khi chật hẹp, đôi khi mênh mông này. Trong bất kỳ bài viết, cuốn sách hay cuộc nói chuyện nào,Trần Hậu Tuấn luôn nhắc đến tình cảm lớn lao dành cho họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tình yêu thương mà họa sĩ dành cho ông và những đứa trẻ có may mắn được gần họa sĩ lúc sinh thời, các bức tranh trên tường nhà họa sĩ, những cuốn sách ông được mượn… đều là những bài học mỹ thuật quý giá. Bức tranh đầu tiên ông luôn nhắc đến và có trong bộ sưu tập cũng là bức tranh ông được họa sĩ tặng ngay trước khi ông vào Sài Gòn lập nghiệp. Những giãi bày của ông cho người đọc biết nguyên do ông bước chân vào thế giới của hình và sắc này: “Tôi luôn có bên mình một Phố cổ Hà Nội, tuy kích thước thật khiêm tốn nhưng đủ để nguôi nỗi nhớ gia đình, bạn bè và Hà Nội. Những lần trở lại thăm họa sĩ Bùi Xuân Phái và bắt đầu sưu tầm tranh của ông bằng số tiền nhỏ dành dụm, tôi luôn được ông chỉ dẫn tận tình. Đặc biệt, ông luôn khích lệ tôi tìm hiểu thêm tác phẩm của những họa sĩ bạn ông: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… Ông còn tặng tôi những bức tranh của họa sĩ Trần Trung Tín, người đã được ông phát hiện và khuyến khích rất nhiều trong những ngày đầu đến với hội họa… Ông giới thiệu tôi tìm đến những nhà sưu tầm Hà Nội thời đó: ông Lâm cà phê, ông giáo Đạm, ông Bổng… Từ họ, tôi học thêm được nhiều bài học quý giá. Thuở ấy, việc sưu tầm tranh là cả một nỗ lực vượt bậc vì đời sống chung ai cũng khốn khó, luôn chỉ có tình yêu nghệ thuật là dồi dào và sâu thẳm. Mỗi bức tranh có được đều là niềm hạnh phúc và bài học thẩm mỹ cụ thể cho tôi” (2).

    Trần Hậu Tuấn phân tách sưu tập của ông theo giai đoạn lịch sử song bên cạnh đó, ông cũng không giấu diếm một cách xếp hạng tác giả theo cảm quan của riêng mình, thể hiện qua phần Sống với nghệ thuật, ông viết riêng về từng tác giả. Mỗi phần viết bao gồm những lời giới thiệu, cảm xúc, phân tích, đánh giá về nghệ thuật của họ: Nguyễn Phan Chánh - Tranh lụa và truyền thống, Nguyễn Gia Trí - Nghệ thuật sơn mài, Bùi Xuân Phái - Thế giới cảm xúc, Nguyễn Tư Nghiêm - Câu chuyện bản sắc, Nguyễn Sáng - Cảm quan hiện đại, Dương Bích Liên - Tinh thần lãng mạn, tiếp theo là những họa sĩ thuộc các thế hệ sau như Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trần Trung Tín. Phần hai của cuốn sách là hai phân kỳ lịch sử: Hội họa miền Nam (1945-1975) với các họa sĩ Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Đinh Cường, Nguyễn Trung, Nguyễn Trọng Khôi. Tiếp đó là Hội họa sau đổi mới gồm các họa sĩ Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Phùng Quốc Trí, Đặng Xuân Hòa, Lê Quảng Hà, Nguyễn Minh Thành.

    Trần Hậu Tuấn dường như đã hoàn toàn thoát khỏi tư cách nhà sưu tập để làm một nhà phê bình độc lập, làm sử nghệ thuật một cách say mê, chiếm hữu tác phẩm thuần túy về mặt nhân văn và thẩm mỹ, biến chúng thành một phần của tâm hồn mình, tâm trí mình. Theo thời gian, bộ sưu tập của ông ngày càng có nhiều tác phẩm hơn. Ông ý thức được việc không ngừng học hỏi, trải nghiệm thực tế, và nâng cao năng lực thẩm mỹ của mình trong việc phát hiện và chọn lựa các bức tranh. Cũng như nhiều người bắt đầu công việc sưu tập bằng việc mua - bán, trao đổi tác phẩm với người cùng sở thích khác, Trần Hậu Tuấn không phải ngoại lệ. Thậm chí, ông còn thừa nhận bản thân có nhiều may mắn, chỉ một thời gian ngắn sau khi bắt đầu làm quen với việc mua bán tranh, đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới, mở cừa nên công việc này của ông càng thuận lợi: “Thời kỳ mở cửa, việc mua, việc bán tranh khá dễ dàng và có lợi nhuận cao. Cũng chính nhờ vậy, tôi tích lũy được nhiều vốn cho công việc sưu tập tranh sau này. Thú thật, đôi lúc tôi cũng không đủ tiền để mua một tác phẩm quý của một họa sĩ bậc thầy. Những lúc như thế, có khi tôi phải vay mượn hoặc bán đi vài tác phẩm có vị trí thứ yếu trong bộ sưu tập của mình. Tuy vậy, tôi luôn cố gắng cân đối tài chính để giữ được thăng bằng trong công việc” (3).

    Trong quá khứ, từ thời ông Bùi Đình Thản (nhà sưu tập Đức Minh) trong những năm 1930-1940 tại Hà Nội, đã có nhiều nhà sưu tập tranh đã đồng hành cùng với giới họa sĩ. Những tên tuổi tiếp theo nhà sưu tập Đức Minh như Phạm Văn Bổng, Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Việt Chiến,... đã giúp gìn giữ, thu gom các tác phẩm quý, thường bị thất lạc hoặc phá hủy do chiến tranh và khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Những bộ sưu tập dần được hình thành, bất chấp những biến thiên của lịch sử. Không một nền nghệ thuật nào chỉ trông chờ nỗ lực của bảo tàng quốc gia để lưu lại những thành tựu nghệ thuật quý giá trong quá khứ và hiện tại cho các thế hệ tương lai, mà đây chính là công việc của toàn xã hội, của bất cứ ai có tâm huyết và khả năng sưu tầm. Xã hội cần ghi nhận công sức, vinh danh những người đã âm thầm nỗ lực hết mình cho công việc khó khăn này, dẫu rằng có không ít trở ngại, thậm chí tai tiếng, thất bại. Nghệ thuật không phải là một trò chơi hay một cuộc thử nghiệm mà là một hành trình sáng tạo đầy khổ ải; nghệ sĩ sống hằng ngày với sự phi lý để thấy rõ đằng sau ánh hào quang, thành công, hạnh phúc là những trả giá của một nội lực và sức chịu đựng những nỗi đau, thấu hiểu và kết tinh. Hiển nhiên, không nhiều người có thể đồng hành với họ. Trần Hậu Tuấn đã làm được điều đó!

     Cho đến nay, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn là một trong số ít người ở Việt Nam có ý thức cao trong việc gìn giữ, truyền bá nghệ thuật một cách khoa học, bài bản và công phu, khi ông liên tục xuất bản những đầu sách về mỹ thuật Việt Nam. Nhà sưu tập đã không đơn thuần làm công việc sưu tầm hay mua bán tranh mà còn là cầu nối giữa nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật, hiểu những thông điệp mà họa sĩ gửi gắm qua bức tranh.

     Sau một thời gian dài viết và chỉnh sửa, Trần Hậu Tuấn đã hoàn thành xong cuốn sách với 384 trang viết về 20 tác giả trong bộ sưu tập của anh. Cuốn sách chính thức được ra mắt vào giữa tháng 4 vừa qua tại không gian nghệ thuật của gia đình ông ở TP.HCM. Phần cuối sách, Trần Hậu Tuấn gửi tâm sự tới con gái nhưng có lẽ, ẩn sau đó là những suy tư ông muốn chia sẻ với bạn đọc, với những nhà sưu tập mỹ thuật đất nước ở thì tương lai: “Con yêu quý của ba, một bộ sưu tập nghệ thuật chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó mang lại những ý tưởng cao đẹp và gắn kết con người trong tình yêu và sự bao dung. Đấy cũng là giá trị đích thực của lao động sáng tạo mà ba đã học được từ những người bạn lớn. Các tác phẩm nghệ thuật là di sản của một nền văn hóa đã bồi đắp lên tâm hồn mỗi cá nhân và đời sống tinh thần của một dân tộc. Ba mong con hãy cùng các bạn tiếp tục học hỏi để biết giữ gìn di sản quá khứ, để biết ơn những người đã tạo ra các giá trị của hôm nay, để sống yêu thương và chân thành, để đi thật xa và hạnh phúc…” (4).

     Những tác phẩm quý giá trong bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn đều là lời nhắn gửi từ khát khao thẩm mỹ và những ước muốn đời thường của nhiều thế hệ nghệ sĩ và cũng là của riêng ông gửi lại cho hậu thế, rằng: Cái đẹp là vĩnh hằng, và cuộc đời dẫu vô vàn khổ nạn, vẫn luôn đẹp đẽ và tràn đầy hy vọng.

____________

1. Trần Hậu Tuấn, Sưu tập Trần Hậu Tuấn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2019. Sách gồm 384 trang in màu với khoảng gần 200 bức tranh trong bộ sưu tập của ông, khổ 25 x 30cm, với 1.000 bản tiếng Việt và 1.000 bản tiếng Anh.

2, 4. Trần Hậu Tuấn, sđd, tr.9 - 10, 367.

3. Trò chuyện với tác giả.

Tác giả: Mai Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;