Hình tượng Tổ quốc trong một số tác phẩm hội họa của Lê Bá Đảng

Cố họa sĩ Việt kiều tại Pháp Lê Bá Đảng (1921-2015), đã đạt được danh tiếng thế giới với phong cách nghệ thuật đặc biệt. Ông không chỉ vẽ mà còn sáng tác đồ họa, điêu khắc, kiến tạo các không gian nghệ thuật lớn, thiết kế trang sức… từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó có chất liệu giấy bồi do ông tự tạo. Nghệ thuật của ông được đón nhận và tôn vinh ở nhiều nước trên thế giới trong nửa sau của TK XX (1).

Sáng tạo nghệ thuật của ông là kết quả của sự hội nhập hài hòa các phong cách nghệ thuật Á Đông với nghệ thuật hiện đại phương Tây. Bên cạnh hình ảnh, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên thường xuyên xuất hiện trong sáng tác của ông, đề tài về Tổ quốc, dân tộc luôn được quan tâm sâu sắc. Căn cứ vào số lượng tác phẩm và hình thức biểu đạt, có thể nhận thấy hình ảnh Tổ quốc đã chiếm trọn trái tim, khối óc người nghệ sĩ Việt kiều Lê Bá Đảng.

Những tác phẩm của ông về chủ đề Tổ quốc đã minh chứng một điều: môi trường sống hay kỹ thuật chỉ là phương tiện hỗ trợ, còn tư tưởng và tình cảm chủ quan của họa sĩ mới thực sự là yếu tố quyết định trong sáng tạo nghệ thuật.

Cội nguồn và lịch sử dân tộc là cảm hứng chủ đạo trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng. Ông đã khắc họa hình tượng Tổ quốc qua hai giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn liền với hình ảnh các nhân vật đã trở thành biểu tượng của dân tộc, như: vua Hùng, các vị anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hồ Chí Minh...

Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Lê Bá Đảng đã cùng một số sinh viên ưu tú người Việt đến sân bay Charles de Gaulle để đón Bác. Hình ảnh vị Chủ tịch nước và những ký ức về sự kiện trên đã in dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời và trong sự nghiệp sáng tác của Lê Bá Đảng, tạo ra những chất xúc tác thôi thúc danh họa dốc hết tâm huyết để vẽ về Tổ quốc mình. Từ lịch sử truyền thống dân tộc, ông đã sáng tạo rất nhiều tác phẩm về chủ đề này trong các tổ hợp tranh mang tên: Từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, Đất nước, Thánh Gióng, Phong cảnh bất khuất...

Từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh là một bức tranh toàn cảnh về đất nước Việt Nam từ thuở sơ khai của thời kỳ đầu dựng nước. Bức tranh là sự kết hợp sinh động giữa những hình ảnh siêu thực như chỉ có trong giấc mơ với những mảng chữ Việt đã được vẽ lại theo con mắt riêng của họa sĩ. Lịch sử dân tộc Việt được tái hiện bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách tạo hình phương Đông với kỹ thuật hội họa hiện đại phương Tây. Bố cục kết hợp giữa hình vẽ và tạo hình chữ trong cùng một tác phẩm đã từng xuất hiện trong tranh dân gian Việt, tranh thủy mặc Trung Quốc và tranh khắc gỗ Nhật Bản; một lối bố cục mang đặc trưng của Á Đông. Quốc họa Trung Hoa gọi hình thức này là thư họa đồng nguyên, họa pháp gắn với thư pháp. Lê Bá Đảng học tập và vận dụng tinh hoa nghệ thuật Á Đông để xây dựng kết cấu, tạo hình và biểu đạt trong hôi họa hiện đại của ông.

Tranh của Lê Bá Đảng

Tiếp tục với phong cách trên, Lê Bá Đảng dựng lại hình ảnh Tổ quốc trong một tác phẩm mang tên Từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh 2. Bức tranh có hòa sắc màu vàng nâu ấm áp, gợi lại một miền cổ tích của lịch sử dân tộc. Một đường chân trời giả định chạy ngang qua bức tranh nhưng được dịch chuyển lên quá nửa trên của bề mặt tranh. Một vầng sáng màu vàng nhạt được bố trí ở chính giữa tác phẩm, tựa như một vầng hào quang của lịch sử dân tộc trong một thời điểm quan trọng. Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta đã ra đời sau khi Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, mở ra một thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc. Những đường cong lượn sóng kết hợp với những hình tam giác gợi hình trái núi chạy chéo góc từ phải sang trái, tạo ra nhịp điệu và những lớp không gian ẩn hiện như trong mơ. Người xem có thể liên tưởng về quá khứ dân tộc Việt Nam qua những hình tượng vừa hiện thực, vừa siêu thực trong tranh. Điểm xuyết giữa những sắc vàng nâu là sắc lam và sắc cam mạnh mẽ, rực rỡ cùng với hai hình ảnh anh hùng dân tộc được lấy từ lịch sử. Hình tượng Lý Thường Kiệt được họa sĩ tạo nên bằng những hàng chữ bố cục theo chiều ngang phía bên trái tác phẩm, ngay dưới đường chân trời giả định. Những hàng chữ ấy ghi lại bài thơ được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc: “Sông núi nước Nam vua Nam ở…”. Phía sau hàng chữ Lý Thường Kiệt là một hình chữ nhật đứng, bên trong có hình ảnh cổng thành và kinh đô. Phía bên phải tác phẩm cũng là một hình chữ nhật đứng, chiều ngang có kích thước nhỏ hơn hình bên trái bức tranh, được tác giả tạo hình gần tựa một chiếc đèn lồng, một loại đèn thường được dùng trong những hội nghị quan trọng và những ngày lễ lớn của dân tộc. Hình ảnh ấy gợi nhắc tới hội nghị Diên Hồng của vua tôi nhà Trần, từng đã tạo nên một khối thống nhất về lòng quyết tâm và khí thế chiến đấu - chiến thắng quân xâm lược trong mọi tầng lớp nhân dân. Hình chữ nhật có màu cam, khắc tên Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng tài của nhà Trần ba lần cầm quân đánh tan giặc Nguyên Mông, khẳng định sức mạnh dân tộc. Dòng chữ được sắp xếp theo chiều đứng, phía dưới là những hàng chữ nhỏ hơn, ghi lại nội dung chiến lược, sách lược của vua tôi nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên. Khí phách và lòng quyết tâm được họa sĩ nhấn mạnh qua dòng chữ màu đỏ: “không được đầu hàng”.

Tính biểu trưng về không gian nghệ thuật trong hội họa phương Đông được Lê Bá Đảng vận dụng hài hòa trong sáng tác của mình. Hai yếu tố hư và thực được kết hợp gần như hoàn thiện để tạo nên vẻ đẹp tác phẩm. Mỹ học Mác - Lênin cũng đã nói đến hai yếu tố này, coi đây là nguồn gốc biểu đạt cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật: “Sự thống nhất của cái đẹp trong nghệ thuật có liên quan đến vấn đề thực. Khi biểu hiện cái đẹp, nghệ thuật có thể lấy cái thực để nói cái thực nhưng cũng có thể lấy cái để nói cái thực. Chính điều đó làm cho nghệ thuật bao giờ cũng có tính ước lệ cao” (2).

Tiếp nối mạch cảm xúc của thời kỳ dựng nước, Lê Bá Đảng đã xây dựng hình ảnh các anh hùng dân tộc khác như: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung. Trong dạng thức bố cục đồng hiện, tác phẩm Từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh 3, tổ chức nhịp điệu của chữ và khung cảnh đã được tác giả đan xen, lồng ghép trong một không gian mênh mông của hình và sắc, giàu liên tưởng lịch sử. Trong sắc màu vàng cam, những hình ảnh của núi sông hùng vĩ, nhấp nhô nối tiếp nhau chạy dài, tạo nên nhiều lớp không gian. Vầng sáng lấp lánh của màu vàng chanh góp thêm sự sinh động cho bức tranh. Tính nhịp điệu trong tác phẩm còn được thể hiện qua việc tổ chức, kết cấu bố cục, đường nét và hình thể tầng tầng lớp lớp liên hoàn. Bút pháp thể hiện trong tác phẩm là sự vận dụng lối nhìn thấu thị phi điểu (nhìn theo đường chim bay) và thấu thị tẩm mã (nhìn theo đường ngựa chạy) của hội họa phương Đông, một cách nhìn không gian theo lối ước lệ. Khi nhìn theo đường chim bay, không gian sẽ trải rộng mênh mông, bao la. Nếu nhìn theo đường ngựa chạy, không gian được mở dần theo dạng nối tiếp liên hoàn. Việc kết hợp nhiều điểm nhìn của nghệ thuật phương Đông luôn tạo ra sự suy tưởng phức hợp, kỳ vĩ, huyền ảo. Người họa sĩ khi vẽ tranh không bị câu nệ trong lối nhìn. Họ tự do hơn trong việc sắp xếp hình tượng và tạo không gian. Trong bức tranh Từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh 3, những đường cong khúc khuỷu nối tiếp đã gợi ra một không gian trập trùng của thiên nhiên mà không bị chi phối bởi cách nhìn tuyến tính của hội họa hiện đại. Với tác phẩm này, Lê Bá Đảng đã thể hiện được nhiều khía cạnh ý nghĩa. Thứ nhất, tác phẩm đã dựng lại một hiện trạng thời khắc của lịch sử, ca ngợi ý chí quật cường và lòng tự hào dân tộc. Tinh thần, khí phách cha ông được thể hiện rõ qua hình tượng và ngôn ngữ biểu đạt với phong cách độc đáo. Thứ hai, bức tranh thể hiện một góc nhìn tâm linh, vọng hồn dân tộc khi những hình tượng và không gian trong tranh đều được tạo ra từ một trí tưởng tượng phong phú. Hình ảnh non sông gấm vóc Việt Nam ẩn hiện nối tiếp trải dài trong không gian. Mỗi nét chữ như đọng lại một thời khắc của lịch sử. Dấu ấn lịch sử qua từng triều đại đã được tái hiện theo tinh thần của nghệ thuật phương Đông.

Chuyển sang thời kỳ lịch sử hiện đại của dân tộc, Lê Bá Đảng xây dựng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm biểu tượng trung tâm khi ông vẽ một loạt các tác phẩm mang tên Hồ Chí Minh và các anh hùng giải phóng dân tộc. Ông tạo nên một tổ hợp đường cong trong bố cục mang tính nhịp điệu với tông màu đỏ cam rực rỡ, chói sáng. Sự kết nối giữa lịch sử và ngôn ngữ nghệ thuật được thực hiện nhờ sự hòa quyện không tách rời của những sắc lam, sắc cam tinh tế, mạnh mẽ và ấm áp. Dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện ra giữa một vầng hào quang chói lòa, tượng trưng cho trí tuệ, sức mạnh của thời đại mới. Tên tuổi của những sĩ phu yêu nước cùng với cuộc khởi nghĩa của họ cũng đã được họa sĩ tái hiện bằng những nét chữ tượng hình. Tác phẩm thể hiện một tinh thần quật cường dân tộc.

Hình ảnh đất nước tiếp tục được Lê Bá Đảng sáng tạo trong loạt tranh Phong cảnh bất khuất. Tổ quốc hiện lên trong những tháng năm chiến tranh khốc liệt với đế quốc Mỹ như một bức tranh phong cảnh huyền ảo. Tiếp tục với lối tạo hình và bút pháp của những tác phẩm trước, ông tạo nên những không gian mang đầy cảm xúc về thiên nhiên, con người Việt Nam. Họa sĩ thể hiện lòng kính trọng, khâm phục đối với những con người dũng cảm, ngày đêm băng rừng, vượt thác sống chết với kẻ thù. Ông tôn vinh những con người không chịu khuất phục. Đối với các tác phẩm về chủ đề này, ông sử dụng ít màu, chủ yếu dùng sự chuyển đổi sắc độ để thể hiện các trạng thái cảm xúc. Trong tác phẩm Phong cảnh bất khuất 2, ông tạo một không gian nhẹ nhàng, lãng mạn với gam màu xanh, đen. Những vệt bút màu chứa đầy xúc cảm, tình cảm của tác giả đối với Tổ quốc mình: mặc dù bị bom giặc tàn phá nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp hiện hữu, mê hoặc lòng người.

Mỗi tác phẩm trong nhóm tranh Phong cảnh bất khuất là một trạng thái cảm xúc được biểu đạt qua các hình thức bố cục khác nhau. Hình ảnh non sông gấm vóc Việt Nam được thể hiện dưới nhiều bút pháp nghệ thuật, kết hợp giữa trừu tượng với siêu thực trong nhiều dạng thức bố cục. Mạch nguồn cảm xúc về truyền thống văn hóa Việt tựa như dòng máu hồng không ngừng chảy trong tâm thức họa sĩ. Chưa từng một lần trực tiếp cầm súng chiến đấu, cũng không được tận mắt chứng kiến cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ tàn khốc trong nước, nhưng những áng thơ văn, truyện kể và những hình ảnh dội về qua nhiều nguồn thông tin đã truyền cảm xúc và cảm hứng sáng tạo cho ông. Những tác phẩm về chủ đề Phong cảnh bất khuất thường lấy sắc độ để biểu hiện ý tưởng. Tuy sử dụng ít màu, nhưng sự chuyển đổi sinh động của các sắc độ đậm nhạt đã tạo nên nhiều sắc thái không gian trong tác phẩm. Phép nhân cách hóa, biểu tượng hóa được sử dụng để thể hiện cho nội dung và tư tưởng của tác giả. Mỗi tác phẩm là một bản anh hùng ca thông qua hội họa, ngợi ca tinh thần Việt Nam, đồng thời tạo sức mạnh tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc.

Ông đã triển lãm các tác phẩm trên tại nhiều quốc gia ở châu Âu để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam và phản đối chủ nghĩa đế quốc. Lê Bá Đảng từng phát biểu: “Tình thế giặc giã trên quê hương tôi, dẫn tôi đến hình ảnh của đồng bào đau khổ rồi đưa tôi đến phong cảnh bất khuất… Tôi đưa vào đây tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng cao hãnh, kính trọng những con người không chịu khuất phục” (3).

Một tác phẩm khác có kích thước lớn mang tên Đường mòn Hồ Chí Minh cũng được ông cho ra đời trong khoảng thời gian này. Bức tranh không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có giá trị về lịch sử, một sử thi hoành tráng về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Con đường huyền thoại trong tâm trí ông là một con đường vô cùng vinh quang nhưng cũng đầy gian khó. Hình ảnh dãy núi Trường Sơn cao vợi, hiểm trở được ông sáng tạo thành một biểu tượng rồng huyền thoại, hàm chứa sức mạnh nội lực tâm linh của dân tộc. Trong tiềm thức họa sĩ, hình ảnh rồng chuyển động như một ma lực thần bí, tạo ra những cơn lốc thần cuốn phăng mọi rào cản, mọi thế lực phi nghĩa. Sức mạnh của con rồng huyền thoại được nhân lên bởi sắc màu đỏ thắm của dòng máu hồng Lạc Việt. Đó chính là con đường huyết mạch của dân tộc, là dòng máu đỏ nối liền hai miền Nam Bắc, tượng trưng cho khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Sắc đỏ của lòng yêu nước được họa sĩ bố cục ẩn hiện giữa những mảng màu sẫm tối, những đường nét khúc khuỷu tựa như những bình địa núi non vô cùng hiểm trở của núi rừng Trường Sơn năm xưa.

 Đường mòn Hồ Chí Minh là hình ảnh non sông gấm vóc Việt Nam được tạo dựng từ kỹ thuật xử lý nhuần nhuyễn các chất liệu hội họa của Lê Bá Đảng. Những tổ hợp màu sắc quyện vào nhau tạo những mảng hình trừu tượng gắn kết chặt chẽ. Những vệt màu loang chảy càng làm tăng thêm sự mềm mại mờ ảo, kỳ vĩ của không gian qua trí tưởng tượng của họa sĩ. Trong rừng sâu hiểm trở, trên núi, dưới đèo, bom đạn liên miên, khí hậu bất thường nhưng con người Việt vẫn sắt đá. Mạch máu hồng vẫn xẻ lối đưa đường để tìm lẽ sống. Bức tranh ca ngợi tài năng vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Có thể nhận thấy rõ tinh thần này trong lời tự bạch của họa sĩ: “Ðồng bào tôi mở ra con đường từ Bắc đến Nam với tài trí, sức lực để tìm lẽ sống. Tôi đắp con đường với màu sắc, với mỹ thuật để tỏ lòng kính trọng những ai đã không tiếc máu xương với con đường này. Tôi đưa vào đấy tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng cao hãnh, kính trọng những con người không chịu khuất phục” (4).

Với trái tim mẫn cảm đặc biệt, Lê Bá Đảng đã tìm về với cội nguồn bản thể. Những bộ tranh về lịch sử dân tộc Việt của ông đã góp phần định hình cho danh vị của ông trong nền nghệ thuật hiện đại thế giới. Tiếng vọng từ quá khứ, tâm linh, từ tinh thần dân tộc chắc chắn đã gợi mở cho ông một con đường riêng trong hành trình sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật.

Hình tượng nghệ thuật trong các tác phẩm về chủ đề Tổ quốc của Lê Bá Đảng là những biểu tượng thẩm mỹ đặc sắc. Các nguyên mẫu lịch sử đã được ông chuyển hóa vào nghệ thuật thông qua tài nghệ và tâm hồn của một nghệ sĩ thực thụ. Ông là một đại diện xuất sắc của nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại.

_____________

1. Bài viết đề cập đến một chủ đề trong sự nghiệp sáng tác của Lê Bá Đảng qua một số tác phẩm hội họa tiêu biểu tại Trung tâm nghệ thuật mang tên ông ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

2. Đỗ Văn Khang (chủ biên), Mỹ học Mác - Lênin, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004, tr.107.

3, 4. Lê Bá Đảng, Mấy chặng đời nghệ sĩ, bản viết tay của họa sĩ, lưu trữ tại Trung Tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, tr.6.

Tác giả: Lương Công Tuyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

;