Sức hút của giải báo chí Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ Nhất

Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ Nhất do Bộ VHTTDL và Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa những thành tựu của ngành, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

 

Khẳng định những dấu ấn, kết quả nổi bật nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Ngay từ khi phát động cuộc thi (ngày 26/12/2022), Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước. Đã có 1.084 tác phẩm dự giải từ 5 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và báo ảnh). Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành tổ chức trong năm đầu tiên. Điều này thể hiện sự quan tâm cao của các nhà báo và công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Các tác phẩm dự giải lần này không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt; quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022-2023 trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình. Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đánh giá: “Điều đáng nói là chất lượng các tác phẩm tốt, đề cập kịp thời, sáng tạo, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Nội dung các tác phẩm tập trung phản ánh các vấn đề về văn hóa, với nhiều bài viết chất lượng, được đầu tư công phu, bài bản, thể hiện sinh động với nhiều góc nhìn đa dạng. Tuy nhiên, mảng thể thao, du lịch và gia đình chưa có những tác phẩm xứng tầm báo viết, phát thanh, truyền hình và đặc biệt là lĩnh vực nhiếp ảnh”.

Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều tác giả, nhóm tác giả quan tâm, khai thác như: các chính sách, vấn đề lớn về chấn hưng, phát triển văn hóa đất nước, khơi dậy những giá trị cao quý, thiêng liêng của người Việt; kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; các chính sách trong công tác nhà nước về di sản; xây dựng môi trường văn hóa số; chỉ ra khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các mặt của công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, kêu gọi toàn xã hội chung tay giải quyết...

Báo in là loại hình báo chí có số lượng tác phẩm dự thi lớn nhất (345 tác phẩm). Các tác phẩm đề cập kịp thời, sáng tạo, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Một số đề tài không mới nhưng có góc nhìn mới, bám sát thực tiễn, đi sâu vào các khía cạnh cụ thể. Nhiều tác phẩm đã nêu được các giải pháp chớp thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức. Đồng thời, dự báo những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Sau khi đăng, bài viết nhận được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc, có hiệu ứng tốt trong xã hội, góp phần hoàn thiện chính sách.

Các tác phẩm thuộc loại hình báo điện tử có sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung lẫn hình thức, thể hiện được đặc trưng và thế mạnh của báo điện tử. Nhiều tác phẩm không chỉ đặt vấn đề mà còn đề ra giải pháp, đi đến tận cùng của vấn đề. Bên cạnh đó, xuất hiện không ít tác phẩm phản ánh những mô hình hay, giải pháp sáng tạo, đáng được tham khảo.

Đối với loại hình phát thanh - truyền hình, các tác phẩm được đánh giá tạo hiệu ứng tuyên truyền tốt, nội dung sáng tạo, mới mẻ trong phát hiện đề tài. Cách kể chuyện hấp dẫn, có sức thuyết phục, nhuần nhuyễn trong sử dụng yếu tố đặc trưng của truyền hình đó là hình ảnh, lời bình, âm thanh. Nhiều tác phẩm thể hiện sự chuyên nghiệp trong xử lý âm thanh, tiếng động và lời bình.

Ảnh báo chí ghi nhận số lượng tác phẩm tham dự ở mức cao (94 tác phẩm), nếu so sánh với các giải báo chí bộ, ngành khác. Đề tài của các bộ ảnh đa dạng, phản ánh nhiều mặt, góc cạnh của đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Hầu hết tác phẩm dự giải là phóng sự ảnh, thể hiện được sự tìm tòi, cần mẫn của tác giả về đề tài; đầu tư công phu về ý tưởng và cách thức thể hiện.

Phát biểu tại Lễ trao giải tối 13/9/2023, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Tổ chức Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Sau một năm phát động, đã có gần 1.100 tác phẩm đến từ 156 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham gia, điều đó chứng tỏ Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” tuy được tổ chức lần đầu nhưng đã có sức thu hút, sự quan tâm của các nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí. Điều đáng ghi nhận là, cùng với 94 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả và 3 tập thể được tôn vinh tại Lễ trao giải hôm nay, các tác phẩm tham dự được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh chân thực, toàn diện, chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc, ý nghĩa, góp phần khẳng định những dấu ấn, kết quả nổi bật nửa nhiệm kỳ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Những gì toàn ngành VHTTDL đã nỗ lực khắc phục khó khăn cùng với sự đồng hành trách nhiệm của các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo đạt được đã một lần nữa khẳng định, lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành rất quan tâm và đạt được nhiều thành tựu, chuyển biến tích cực”.

 

Tâm sự của những người đoạt giải

Ông Nguyễn Quý Mạnh Minh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đoạt, đại diện cho nhóm tác giả đoạt giải Nhất với tác phẩm Tọa đàm: 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam chia sẻ: “Đây là một hoạt động ý nghĩa sau nhiều hoạt động triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Việc Bộ VHTTDL tổ chức giải lần này, là sự khơi dậy hoạt động của những người làm công tác văn hóa, những người đang cổ vũ, động viên cho sự phát triển văn hóa, cũng như triển khai những công tác tiếp theo”.

Đại diện của nhóm tác giả loạt 3 bài “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và Khát vọng”, báo Văn Hóa, đoạt giải Nhì ở thể loại báo in, nhà báo Thu Trang chia sẻ: “Trước đến nay, chúng ta có nhiều cuộc thi về báo chí nhưng đây là lần đầu tiên có cuộc thi về riêng lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngay từ khi phát động cuộc thi, các nhà báo, phóng viên rất hào hứng tham gia. Chính vì vậy, Ban giám khảo cũng như Ban tổ chức rất bất ngờ với số lượng tác phẩm tham gia. Theo đánh giá của Ban giám khảo thì không chỉ nhiều về số lượng mà chất lượng các tác phẩm tham gia lần này cũng rất đồng đều khiến cho người cầm cân nảy mực rất khó trong việc lựa chọn được tác phẩm xuất sắc. Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc có rất nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức. Năm nay là năm kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đây là dịp vào cuộc của rất nhiều cơ quan báo chí, trong đó có báo Văn Hóa. Báo Văn Hóa tìm được góc riêng để khai thác. Không chỉ dừng ở sự kiện, ở hoạt động kỷ niệm, nhóm tác giả báo Văn Hóa muốn tìm về cội nguồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam và tính soi rọi của nó từ 1943 đến nay. Chính vì vậy, nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và Khát vọng”.

Nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, đại diện nhóm tác giả đoạt giải Ba, với tác phẩm báo in, 3 kỳ Xây dựng môi trường văn hóa số thích ứng với xã hội hiện đại chia sẻ: “Là một trong những tác giả được nhận giải thưởng năm nay, tôi cảm thấy rất vui mừng và đầy tự hào. Giải thưởng này là sự công nhận, đánh giá về quá trình làm việc, nỗ lực không ngừng của một người làm báo. Điều này thôi thúc tôi tiếp tục cống hiến, đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của nghề báo cũng như sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở nước ta. Theo tôi, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ Nhất được tổ chức rất thành công. Giải thưởng là một hình thức tôn vinh kịp thời, khuyến khích công việc của người làm báo trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các tác phẩm tham dự giải có chất lượng tốt, đa dạng về chủ đề, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022 - 2023 trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, và du lịch . Tôi hy vọng rằng, từ năm sau, giải thưởng sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa. Sự khích lệ kịp thời từ một giải báo chí ngành sẽ giúp cho những người làm báo có động lực viết nhiều tác phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, cần lan tỏa rộng hơn để thu hút sự tham gia của các cơ quan báo chí địa phương, một đội ngũ người làm báo làm việc có trách nhiệm, hòa mình với cuộc sống, sâu sát với thực tiễn, phản ánh kịp thời các vấn đề về văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở”.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong mùa giải lần thứ Nhất, Bộ VHTTDL đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí, các phóng viên, biên tập viên tiếp tục quan tâm, tổ chức sản xuất, xuất bản những tác phẩm báo chí tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Việc triển khai Nghị quyết của Đảng, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuộc sống; chuyển động của ngành Văn hóa sau chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong Thư chúc mừng nhân dịp Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa cơ sở; định vị vị thế, thế mạnh của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa, chính sách nguồn lực và giải pháp phát triển thể dục, thể thao…

Cũng nhân dịp này, nhằm tiếp tục lan tỏa những thành tựu của ngành, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đối với sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã chính thức phát động Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ Hai năm 2023.

 

LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;