Ghi nhận từ Liên hoan cán bộ thư viện toàn quốc 2023

Diễn ra từ ngày 8-11/8 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc với chủ đề Đất nước bên bờ sóng được Bộ VHTTDL xác định là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến những tài liệu, sách báo về chủ quyền biển đảo của Việt Nam; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò chiến lược của biển đảo, biên giới và lãnh thổ trên biển trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, khát vọng cống hiến xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Giới thiệu sách Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt Việt Nam của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng - Ảnh: Như Thủy

 

Giới thiệu nhiều sách hay và ấn tượng

Liên hoan lần này hội tụ 30 đoàn dự thi, đại diện cho hơn 10.000 người làm công tác thư viện công cộng và thư viện lực lượng vũ trang trên cả nước. Chương trình dự thi của mỗi đoàn, gồm 4 phần, trong đó hai phần chính: Giới thiệu sách và sáng kiến kinh nghiệm, mô hình phục vụ sách, báo, tư liệu... đã để lại những ấn tượng đẹp và kinh nghiệm hay với người làm thư viện và công chúng.   

Đây là lần đầu tiên chủ đề về chủ quyền biển đảo Việt Nam được đưa vào Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách. Là nội dung chính trong chương trình dự thi của 30 đoàn, tổng cộng đã có 30 cuốn sách về chủ quyền biển đảo Việt Nam được giới thiệu tại Liên hoan năm nay. Đa dạng, phong phú về nội dung, từ những bằng chứng, tư liệu lịch sử, những ký sự, tác phẩm báo chí đến tác phẩm văn học, đặc biệt có nhiều cuốn sách về Hoàng Sa, Trường Sa được giới thiệu đậm nét… Chủ quyền - lịch sử biển đảo, giới thiệu về biển đảo, những câu chuyện về những con người đã và đang bảo vệ, xây dựng, khai thác tài nguyên các vùng biển đảo của Tổ quốc còn được thể hiện trong nhiều tác phẩm khác.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - Trưởng ban Giám khảo Liên hoan đánh giá: “Nếu như mỗi cuốn sách có giá trị về chủ quyền biển đảo được ví như đã cắm thêm những cột mốc chủ quyền về văn chương thì thành công của việc tuyên truyền, giới thiệu sách về chủ đề này của các đoàn thư viện trong Liên hoan đã tạo nên những cột mốc chủ quyền đất nước trong lòng khán giả”. Hầu hết các đoàn đã thể hiện phần thi tuyên truyền giới thiệu sách một cách chuyên nghiệp, sáng tạo, thuyết phục về nội dung và trình bày, cũng như diễn đạt. Trong đó, nhiều đoàn đã tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng công nghệ, mô hình trực quan, sân khấu hóa (ca múa nhạc, thơ, diễn kịch ngắn, tiểu phẩm... lấy ý tưởng dựa trên nội dung sách) và những hình ảnh tư liệu lịch sử, ký sự, phóng sự... chiếu lên màn hình làm cho phần giới thiệu sách trở nên rất thu hút, ấn tượng. Có nhiều màn giới thiệu sách thực sự chạm vào cảm xúc của khán giả, không chỉ bởi bản thân nội dung câu chuyện được chọn trích dẫn trong cuốn sách, mà còn bởi giọng nói truyền cảm, tài năng tuyên truyền, cách diễn đạt chân thực của cán bộ thư viện. Họ đã biến những cuốn sách tưởng như khô khan trở nên dễ hiểu, dễ cảm thụ, lôi cuốn và hấp dẫn. Có một số cuốn sách được từ 2-3 đoàn giới thiệu. Nhưng mỗi thư viện một màu sắc văn hóa, một màn giới thiệu sách với cách lựa chọn nội dung và hình thức trình bày, diễn đạt riêng biệt.

Giới thiệu sách Lời thề trước biển của Thư viện Hải Quân - Ảnh: Công Hoan

 

Sáng kiến kinh nghiệm, mô hình phục vụ sách

Một điểm mới trong Liên hoan Cán bộ thư viện năm nay khác biệt so với nhiều kỳ Liên hoan đã được tổ chức, là phần thi Giới thiệu một sáng kiến kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền sách, báo, tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam hoặc giới thiệu một mô hình phục vụ sách, báo, tư liệu hiệu quả, phát triển văn hóa đọc cho nhân dân các vùng biển, đảo của địa phương. Những sáng kiến kinh nghiệm, mô hình phục vụ của nhiều thư viện đưa ra ở Liên hoan năm nay không dừng lại ở ý tưởng thuyết trình, mà đã được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn tuyên truyền, giới thiệu sách và phục vụ bạn đọc địa phương, góp phần nâng cao văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, bồi đắp tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ban tổ chức đã trao giải chuyên đề: Sáng kiến, mô hình phục vụ hiệu quả nhất cho Thư viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) với mô hình: “Đổi mới phương thức hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua ứng dụng công nghệ”. Cụ thể, Thư viện này đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Bộ đội biên phòng ứng dụng công nghệ số để tuyên truyền giới thiệu sách và phát triển văn hóa đọc bằng hình thức ghi hình video, audio chương trình biểu diễn nghệ thuật lồng ghép nội dung về chủ quyền biển đảo; livestream trưng bày, triển lãm giới thiệu sách và tương tác trực tiếp với bạn đọc; tổ chức các Minigame, trả lời câu hỏi bằng nhắn tin.... Trước xu thế xã hội người dân dùng thiết bị thông minh, thì livestream là công cụ tuyên truyền và phát triển văn hóa đọc hiệu quả, không giới hạn thời gian, đáp ứng nhu cầu của người dân thuận tiện và nhanh chóng. Thời gian qua, Thư viện này đã thực hiện 80 chương trình livestream, thu hút hơn 80 ngàn lượt theo dõi.

Giới thiệu sách Biển xanh màu lá của Thư viện Nam Định - Ảnh: Như Thủy

Thư viện Quảng Trị có mô hình “phòng đọc Biên giới” đã triển khai tại đồn Biên phòng Cửa Tùng, Cửa Việt, Hải An, Triệu Vân và từ năm 2024-2026 là các đồn Biên phòng còn lại với từ 500 - 700 đầu sách (có luân chuyển) ở mỗi phòng đọc, tập trung các đề tài giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, tiềm năng và thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam và tỉnh Quảng Trị.

Thư viện Ninh Bình có “mang biển đảo về quê hương” với nhiều hình thức như: Trưng bày trực quan với mô hình Nhà giàn DK1, ngọn hải đăng... xếp bằng sách; thiết kế pano giới thiệu về phương pháp đọc sách hiệu quả; luân chuyển sách kết hợp ngoại khóa; kể chuyện theo sách, sân khấu hóa, quay video tuyên truyền về sách trên không gian mạng xã hội... để khơi gợi tình yêu biển đảo, quê hương, đất nước cho học sinh các cấp.

Thư viện Nghệ An phục vụ, nâng cao và phát triển văn hóa đọc, giới thiệu sách báo, tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam bằng nhiều hình thức, như: trưng bày, triển lãm sách về biển đảo Việt Nam giới thiệu cho công chúng những tư liệu, cơ sở pháp lý, hình ảnh khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam; tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh với các nội dung: giới thiệu sách, kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách về chủ quyền biển đảo.

Tiết mục sân khấu hóa Giới thiệu sách của Thư viện Hải quân

Thư viện Nam Định có mô hình “đưa sách đi tìm người đọc”, đặc biệt là học sinh, nhân dân ở các vùng ven biển. Theo đó, Thư viện Nam Định thường xuyên tổ chức trưng bày xếp sách nghệ thuật; tọa đàm giới thiệu tác giả, tác phẩm; thi kể chuyện theo sách; hùng biện sách, vẽ tranh theo sách, quyên góp, trao tặng sách... tạo hứng thú, ham mê đọc sách và khơi dậy tinh thần đọc sách, phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, tìm hiểu kiến thức sản xuất của cộng đồng.

Có hệ thống thư viện trải dài trên cả nước và các vùng biển đảo, Thư viện Hải quân đã triển khai nhiều hình thức và mô hình tuyên truyền sách và phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, chiến sĩ, như: thi tuyên truyền sách; tọa đàm sách; giới thiệu sách mới; tuyên truyền sách trên loa phát thanh nội bộ; đọc sách theo nhóm (online, offline); giỏ sách thao trường; sách ở đầu giường chiến sĩ; CLB đọc sách; tổ chức phòng đọc sách xanh, tủ sách pháp luật. Đặc biệt, các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, trên tàu, trên nhà giàn có mô hình: đọc sách trong lòng biển,  mỗi tuần một cuốn sách, mỗi ngày 10 trang sách, mỗi ngày một điều luật, mỗi tuần một lời Bác Hồ dạy....

Thư viện Điện Biên có sáng kiến xếp sách mô hình, triển lãm về sách chủ quyền biền đảo tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, xã vùng cao biên giới huyện Mường Nhé. Thư viện Kiên Giang trưng bày sách ở Lễ hội Nghinh Ông xã Lai Sơn (Kiên Hải). Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM tổ chức chương trình Cần Giờ - Hành trình cùng sách với mô hình đọc sách trực tuyến, không gian công nghệ STEM Robotic... cho học sinh huyện đảo Cần Giờ.

 

Phần thi Giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm, mô hình phục vụ sách, báo, tư liệu... của Thư viện Tuyên Quang

 

Hiệu quả của xe “Ánh sáng tri thức”

Dự án xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” do Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) phối hợp với Tập đoàn Vingroup (Quỹ Thiện Tâm) triển khai từ năm 2016 đến nay là nỗ lực nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu đặt ra tại Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mỗi xe thư viện này được trang bị trên 1.000 đầu sách với khoảng hơn 4.000- 5000 bản sách, đa dạng các chủ đề ; không gian đọc; màn hình chiếu phim tài liệu khoa học, phim tư liệu lịch sử; hệ thống máy tính phục vụ truy cập internet, khai thác sách báo điện tử, sách nói; phần mềm quản lý thư viện...

Qua phần Giới thiệu sáng kiến hoặc mô hình phục vụ sách, báo, tư liệu nhằm phát triển văn hóa đọc... cho thấy, xe thư viện “Ánh sáng tri thức” thực sự là giải pháp tối ưu giúp cho nhiều Thư viện tỉnh, thành chủ động tổ chức những hoạt động phục vụ bạn đọc bên ngoài thư viện; ứng dụng công nghệ số (tra cứu internet, tổ chức Minigame, trưng bày mô hình trực quan, chiếu phim tư liệu...) và mở rộng phạm vi độc giả, đặc biệt là thuận lợi hơn rất nhiều trong hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách và phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng biển đảo.... Như Thư viện Kiên Giang sử dụng xe thư viện mang sách, báo ra phục vụ các trường học ở đảo Phú Quốc; Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động của xe thư viện, kết hợp luân chuyển tài nguyên thông tin sách báo đến các đồn biên phòng, xây dựng mô hình phòng đọc khu dân cư văn hóa biển; Thư viện Nam Định dùng xe ô tô thư viện đưa sách báo luân chuyển tới hệ thống thư viện/phòng đọc cơ sở, trường học, đồn biên phòng, bưu điện Văn hóa xã, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khu dân cư ven biển, các giáo xứ; Thư viện Thái Bình từ năm 2022 đẩy mạnh hoạt động của xe thư viện và đổi mới phương pháp phục vụ lưu động để lan tỏa văn hóa đến thế hệ trẻ, thành lập một đội thư viện lưu động chuyên sâu đến các điểm trường tuyên truyền giúp trẻ em, học sinh có thói quen đọc sách. Xe thư viện đồng hành với Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM trong chương trình Cần Giờ - Hành trình cùng sách. 

Tổ chức thư viện lưu động cho học sinh mầm non ở Điện Biên  - Ảnh: Thư viện Điện Biên
 

Bên cạnh đó, nhờ xe ô tô thư viện lưu động mà thư viện các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... đã tổ chức thành công những cuộc tuyên truyền, phục vụ đọc sách báo tư liệu về chủ quyền biển đảo, Tổ quốc, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức văn hóa - xã hội... cho học sinh, thanh niên, người dân ở vùng sâu, vùng xa, bản làng đồng bào dân tộc thiểu số, đồn biên phòng ở biên giới..., góp phần nâng cao tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới và đang ngày càng lan tỏa, phát huy giá trị của sách trong thực tiễn, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội.

Xe thư viện lưu động Ánh sáng tri thức của Thư viện Đồng Tháp với học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh – Ảnh: Thư viện Đồng Tháp

 

 

XUÂN HƯỚNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;