SỰ XỐC NỔI VÀ VỮNG VÀNG CỦA HỘI HỌA SƠN MÀI HIỆN ĐẠI TRUNG QUỐC

LTS: VHNT giới thiệu đến bạn đọc phần cuối bài viết nghiên cứu của một giáo sư nghệ thuật Trung Quốc về tiến trình của hội họa sơn mài hiện đại Trung Quốc (1), để thấy những thăng trầm của loại hình mỹ thuật này trong bối cảnh cơ chế thị trường và sự can thiệp của đồng tiền và công nghệ đối với nghệ thuật truyền thống. Từ những điểm tương đồng cũng như kinh nghiệm vượt qua trở ngại của đồng tiền của họa sĩ sơn mài Trung Quốc hiện nay được đề cập đến trong bài viết này, hy vọng giới mỹ thuật và họa sĩ sơn mài Việt Nam rút ra được cho mình những bài học quý và tiếp tục vững bước trên con đường nghệ thuật đã rất giàu có thành tựu của chúng ta.

Sang TK XXI, Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên của nền văn minh công nghiệp và văn minh thông tin, cũng bước vào kỷ nguyên của kinh tế thị trường khiến cho kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng. Nhưng đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường cũng như sự xốc nổi của lòng người, khiến cho thời đại bi thương. Từ đó, tranh sơn mài chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn của trào lưu công nghiệp hóa và xu hướng lệ thuộc vào thị trường.

Sau khi chuyển đổi kinh tế, sơn mài dần trở thành một sản phẩm hàng hóa trên thị trường và mở ra một cơ hội tuyệt vời cho các họa sĩ trong việc bán tranh. Các trường mỹ thuật, công xưởng sơn mài, học viện nghiên cứu mỹ thuật thủ công và họa viện, họa xã đều có người tham gia sáng tác tranh sơn mài. Nhiều cuộc thảo luận về sơn mài cũng dần dần được phổ biến trong đội ngũ từ các họa gia sơn mài đến nhân công làm việc ở xưởng, kể cả với giới công chức, nhắm đúng triển lãm mỹ thuật toàn quốc, nhắm trúng vào nhu cầu đang tăng nhanh của thị trường một cách hiệu quả, từ tranh sơn mài “tôi muốn vẽ” quay đầu chuyển hướng sang “vẽ cho người khác (thị trường)”. Sáng tác tranh sơn mài phồn thịnh chưa từng có. Số lượng tác phẩm cũng gia tăng chưa từng thấy. Nghệ sĩ sơn mài mở triển lãm bao phủ nhiều khu vực rộng lớn. Cả nhà nước và tư nhân dồn dập tổ chức triển lãm chuyên đề sơn mài. Sự bùng nổ này đã sinh ra nhiều họa sĩ sơn mài mới, nhiều triển lãm mới và nhiều giải thưởng khiến cho việc liệt kê tên tuổi vô cùng khó khăn. Hiệu quả và lợi ích chính là những nguyên nhân và lý do cơ bản cho việc chuyển đổi và giảm thiểu những kiệt tác của sơn mài sau này.

Dưới tác động bởi nhu cầu mạnh mẽ của thị trường, họa sĩ sơn mài cũng đã không quan tâm đến việc bồi dưỡng cũng như thực hành nghề nghiệp, kết quả là họa sĩ được hướng dẫn để hoàn thành tác phẩm sơn mài theo ý muốn của thị trường. Số lượng họa sĩ sơn mài và chủ xưởng sơn mài đều tăng gấp đôi khiến cho số lượng tác phẩm cũng càng ngày càng tăng. Hầu hết mọi người đều có thái độ khoan dung độ lượng và thừa nhận rằng, các chủ xưởng cũng là những họa gia sơn mài: họ không thiên về vẽ phác thảo tranh sơn mài, mà chỉ có các bản vẽ được giao phó cho thợ thực hiện, xong xuôi, họ điều chỉnh lại cho có tính nghệ thuật trên bề mặt rồi ký tên. Vậy là sơnhọa không thể kết hợp và tương hỗ với nhau để phát triển bởi chính chủ nhân chữ ký ấy. Sâu xa trong suy nghĩ, người có nhận thức đúng đắn đều khó có thể chấp nhận rằng, một họa sĩ không trực tiếp cầm cọ vẽ là một họa sĩ và càng không thể là họa gia sơn mài; cũng thật khó để chấp nhận rằng những tác phẩm sơn mài do thợ vẽ ra là tranh của các họa sĩ. Do tính ngẫu nhiên trong quá trình sử dụng sơn và mài trong tác phẩm sơn mài, nên trên thế giới sẽ không có hai bản tranh sơn mài giống nhau. Sau khi tác phẩm được các cơ quan hữu quan sưu tầm, tác giả có thể sao chép lại một bản để lưu giữ và điều này được mọi người cũng hiểu và tôn trọng. Nhưng thực tế, tác phẩm lại được sao chép và bán nhiều lần nên tính độc bản không còn, điều này khó tránh khỏi sự thảo luận, ồn ào trong giới.

Trong xã hội công nghiệp, sơn hóa học được sản xuất hàng loạt và được áp dụng trong xây dựng, đồ dùng nội thất... Điều nữa sơn hóa học dễ sử dụng, tiện lợi và bắt mắt, đó cũng là do nhu cầu lớn về công nghiệp hóa. Sơn hóa học đã bước vào lĩnh vực nghệ thuật và tạo nên vẻ đẹp bề ngoài. Ngôn ngữ sơn mài đã bị phá vỡ bởi một số lượng lớn các họa sĩ mới vào nghề. Họ dùng sơn hóa học rồi vẽ loạn xạ; chất sơn này chiếm hầu hết các tác phẩm sơn mài trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc.

Tất nhiên sơn công nghiệp có tính hợp lý riêng của nó. Trung thực như lời nói của Trần Ân Thâm, “sơn hóa học cũng có thể biểu thị các hiệu ứng hình ảnh của không gian lớn” (2). Trần Ân Thâm, Hoàng Duy Trung đã sử dụng sơn hóa học để tạo ra hiệu ứng thị giác nhưng khó mà đạt được hiệu quả đích thực như sơn tự nhiên. Các họa sĩ Giang Tây dùng sơn hóa học để tạo ra một mỹ cảm khá thoải mái, như Kiều Thập Quang, Vương Hòa Cử cũng pha trộn sơn hóa học để cải thiện độ trong suốt của sơn tự nhiên. Tuy nhiên độc tính làm cho các chất liệu trong tranh sơn mài bị ôxy hóa. Cụ thể là độc tính của nhựa PU (polyurethane) khi pha loãng mọi người cũng đều biết, ngay cả những người đã từng sử dụng sơn cũng sợ ở lại trong phòng triển lãm vì sợ nhiễm độc. Khí cay của sơn hóa học gây ra nỗi sợ hãi cho mọi người khi cứ phảng phất nơi lỗ mũi và lơ lửng trong phòng triển lãm. Dư luận đã đặt câu hỏi chỉ trích giới hội họa Trung Quốc “phá hoại sơn mài” (3).

Suy nghĩ và khắc phục lại những khía cạnh còn thiếu sót của nền văn minh công nghiệp và nhấn mạnh văn minh sinh thái trong tình hình toàn cầu, lẽ ra tranh sơn mài phải được đưa vào tầm nhìn chiến lược. Sơn hóa học trong tranh sơn mài như “đốm lửa lan nhanh ra đồng cỏ” rồi làm cho môi trường bị ô nhiễm, làm cho cơ thể của họa sĩ bị tổn thương, tính chất độc lập của tranh sơn mài, vốn đã được xác lập, nay bị lung lay bởi những khó khăn vì chi phí cao.

Lẽ ra nên giới hạn và tôn trọng sự chỉ trích của quốc tế, suy xét về hướng phát triển sinh thái cho sơn mài Trung Quốc, giữ gìn hệ thống ngôn ngữ sơn mài mà các thế hệ đi trước đã rất khó khăn trong việc thiết lập, hạn chế tỷ lệ tác phẩm sáng tác bằng sơn hóa học trong triển lãm sơn mài Trung Quốc. Đây không phải là câu hỏi “tôi thích dùng cái gì và phải dùng cái gì?” mà là vấn đề bảo vệ văn hóa và bảo vệ môi trường cũng như việc phải chịu trách nhiệm trước công chúng, xã hội. Một khi cho phép sơn hóa học lan rộng trong lĩnh vực nghệ thuật, địa vị chủ đạo của sơn tự nhiên trong các triển lãm tranh sơn mài bị mất đi và đây chính là sự tự sát.

Quá trình xác lập chỗ đứng cho sơn mài rất gian nan nhưng giai đoạn này, vị thế độc lập và phẩm giá của sơn mài đang bị hạ thấp. Thế hệ họa sĩ sơn mài đầu tiên đã rửa tay chậu vàng, gác kiếm nghỉ ngơi, có một số không hồi đáp và vẫn giữ vững xu hướng của mình. Kiều Thập Quang là trung tâm của một trào lưu làm khuấy động nghệ thuật trong và ngoài Trung Quốc. Mỗi tác phẩm của ông đều có khả năng truy ngược thời gian để tìm về nguồn gốc của văn hóa truyền thống Trung Hoa, đồng thời, nó dựa trên sức mạnh của phong cách trên những bức tranh khác nhau và mở rộng các yếu tố có lợi trong xu hướng nghệ thuật hiện đại của phương Đông và phương Tây. Ông linh hoạt áp dụng phương pháp làm trôi màu của tiên sinh Lý Chi Khanh, hay tạo hoa văn bằng những nếp nhăn (mache), nên tác phẩm của ông mang nhiều tính trừu tượng, có kết cấu, có ý thức về vũ trụ, vạn vật. Ông liên tục cập nhật, cải tạo, tạo nguồn cảm hứng, tìm tòi, khám phá để bổ sung cho ý tưởng sáng tạo của mình, liên tục làm phong phú thêm hệ thống ngôn ngữ sơn mài, không ngừng và ngày càng tiến bộ. Vào lúc ông già cả, bệnh tật ốm yếu, ông vẫn tận dụng thời gian sáng tác, vẫn cứ tiếp tục, vẫn cứ ngoan cường, nghị lực và tâm nguyện sáng tạo với sự giúp đỡ của các hội đoàn, kết quả là một triển lãm mang tên Triển lãm tranh sơn mài Kiều Thập Quang tại Bảo tàng Quốc gia được khai mạc. Những bức tranh sơn mài của ông ngày càng sâu rộng, giản dị và tự do, đầy đủ chất cảm hiện đại, mỹ cảm mạnh mẽ của sơn mài. Ông đã trải qua nhiều gian khổ để rèn luyện và đã nắm bắt được quy luật tất yếu của khách quan, mới bước vào “làm theo sự mách bảo của trái tim, không vượt quá phép tắc” của vương quốc tất nhiên. Kiều Thập Quang đã trở thành họa sĩ sơn mài có ảnh hưởng rất lớn đến mỹ thuật đương đại. Nếu như nói Kiều Thập Quang suốt đời làm việc theo tinh thần và phẩm hạnh của Nho gia, thì Vương Hòa Cử cũng Nho cũng Đạo, thấy sự sáng tạo như từ từ bước vào tuổi già, như một trò chơi giải trí. Tác phẩm mới Thu thủy, với hạc bay đổ bóng, có nét vẽ thoải mái dễ chịu đã đạt đến sự chân thực gần như tuyệt đối. “Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” tĩnh tại vô ngôn, cái gọi là đơn giản lại càng ngày càng hướng đến cái chân thực, nhưng lợi ích là một viên kim cương tinh túy vĩnh cửu. Trần Lập Đức cũng tiến dần đến chỗ tuyệt mỹ. Bức tranh Đi dạo trên phố của ông vẽ một cặp vợ chồng đang đi dạo và đẩy xe trẻ em, cả bức tranh hoàn toàn là màu xám không bắt mắt người xem. Với tông màu xám này, nó mang lại cảm giác yên bình và tĩnh lặng của thành phố, nó cũng chuyển tải sự tĩnh tại trong tâm trạng của tác giả...

Trong số những họa sĩ vẽ tranh sơn mài, có một họa sĩ trẻ vẫn khăng khăng sử dụng sơn tự nhiên, đó là Thẩm Khắc Long. Tác phẩm của anh đã gây nhiều chú ý từ người xem lẫn trong giới. Nếu như nói sau khi chuyển đổi mô hình kinh tế, không ít họa sĩ sơn mài đã lợi dụng cơ chế để thích ứng với thị trường mà coi thường đi thế giới nhân văn của sơn mài tự nhiên, sơn mài của Thẩm Khắc Long nằm giữa hiện thực và trừu tượng. Mặc dù là trừu tượng nhưng vẫn có một sợi dây liên kết với cuộc sống thực như cánh diều no gió; nếu như nói sau khi chuyển đổi kinh tế, không ít các họa sĩ sơn mài có những luận điệu cũ rích để bảo vệ phong cách tả thực theo kiểu tô hồng bôi xanh thì tranh sơn mài của Thẩm Khắc Long ít nhiều đều chứa đụng nội hàm sâu sắc, như là một sự chiến thắng của triết lý. Họa sĩ khai thác các tính năng của sơn tự nhiên theo mọi hướng, khai thác vẻ đẹp trong màu xám của sơn, của vải bố... các nguyên liệu thô, với mong muốn kết nối đất trời, truyền tải được bản chất của vẻ đẹp của âm hưởng viễn cổ một cách thoải mái ở trình độ cao nhất, với các bộ tranh Quan Thế Âm, Vật thừa, Kinh sử, Hán phú, Vãn cảnh… không có ai không thấy sự xa lánh với cõi lòng tĩnh lặng của tác giả. Bức Hoa sự thiên niên (2014) đã dành được giải bạc tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ 12. Họa sĩ Kiều Gia lại có niềm vui của sự lập dị độc đáo, khăng khăng sống yên phận trong thế giới trừu tượng của những bức sơn mài của chính mình. Ảnh (2012), với hai màu sơn đen và đỏ, ánh sáng của hai màu lại trở nên hòa hợp, có lồi ra, lõm vào, điểm đỏ điểm đen, ngoài ra còn có những vết chấm được cố tình làm lồi ra điểm xuyết trên bề mặt, thưa mau thoải mái tung tẩy, giống như ánh sáng sặc sỡ được phản chiếu lên tường, như hình ảnh mặt trời lúc nghiêng về Tây, ánh sáng dần dần biến mất. Tung hứng như đánh đơn (4), sở trường đắp nổi cũng là một yếu tố bổ trợ cho tranh sơn mài. Ngôn ngữ sơn mài của Du Tranh lại tạo ra bầu không khí vang dội và bùng nổ với một trường điệu trầm, màu sơn hồng chuyển động trên nền sơn đen, giống như lửa đổ tháng bảy, như hoàng hôn rực rỡ, bột gỗ trộn lẫn sơn rồi đắp đống cao thành những khối màu trắng, sơn sần giống da tê giác, tạo vết giống như vỏ dứa gai... Kỹ thuật tạo ra những khối nhỏ ngũ sắc rực rỡ, nhìn gần mới thấy sự phong phú và kích thích thị giác, nhìn xa lại thấy tác động trực quan.

Đối mặt với nhiều chiều hướng và sự ồn ào náo động của nghệ thuật đương đại, tác giả bài viết cũng không thể tránh được những nhận xét đánh giá chủ quan mà thường bị rơi vào trạng thái suy ngẫm: người bình thường cũng có thể khám phá sâu sự thật của thế giới chủ quan và khách quan, có thể sáng tác ra những tác phẩm thuần khiết trong sáng về mặt nghệ thuật. Có lẽ, các họa sĩ ngoài hệ thống sơn mài cũng sẽ không hiểu được ngóc ngách cũng như kỹ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật của sơn mài nên cũng không đủ tư cách khen chê các họa sĩ sơn mài và tác phẩm sơn mài như những người phán xử. Vì vậy, họa sĩ sơn mài có nhiều khả năng được tự do hơn, vượt qua giữa truyền thống và hiện đại, tự mình tìm thấy những gì phù hợp nhất với cá tính riêng để biểu hiện thành tác phẩm.

Nhìn lại toàn cầu, Nhật Bản đã không phát triển sơn mài thành một thể loại mỹ thuật độc lập, bởi vì nghệ thuật sơn mài của Nhật Bản có nhiều lý tính, quá tinh tế và chính xác, không có lợi cho việc sáng tạo một cách phóng khoáng nên không thể giải phóng cảm xúc của đối tượng. Sơn mài Việt Nam vẫn cứ độc lập hơn sơn mài Trung Quốc, xét cho cùng thì nền móng không sâu và hầu hết chúng được vẽ theo phong cách của sơn dầu. Trong không khí hỗn độn, luận về những tinh túy của nghệ thuật sơn mài truyền thống và mở rộng thế mạnh của các thể loại như: sơn dầu, khắc bản, điêu khắc và quốc họa, mỗi loại đều có thế mạnh khác nhau, ưu thế của sơn mài hiện đại mãi mãi có nội hàm sâu sắc trong triết học, đồ sơn truyền thống sâu đậm của Trung Quốc, không thể ở Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tranh sơn mài tự nhiên trong thị trường đang có mức giá cao như vậy khiến cho các họa sĩ sơn mài tự mình suy nghĩ, tự mình sáng tạo. Một ngụ ý trong việc đánh giá giá trị của sơn mài độc lập và hướng đi của sơn mài trong tương lai: các họa sĩ sơn mài Trung Quốc nên nắm bắt lấy cơ hội, ấp ủ và thai nghén như sinh mệnh, được sáng tạo ra để phản ánh ngay lập tức những thay đổi lớn trong văn hóa hiện nay, lại kế thừa truyền thống uyên bác sâu xa của Trung Quốc, hơi thở ngào ngạt của cuộc sống, truyền mỹ cảm thị giác mãnh liệt cho tác phẩm sơn mài hiện đại, dùng sinh mạng để đưa sơn mài tự nhiên trở về với thời kỳ huy hoàng rực rỡ, phấn đấu để mỹ thuật Trung Quốc là niềm vinh dự trên thế giới.

 (LÊ BÁ THANH dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc, nguồn: review.artintern.net)

______________

1. Trường Bắc là giáo sư nghệ thuật, Học viện Mỹ thuật thuộc Đại học Đông Nam. Phần 1 và 2 của bài nghiên cứu này đã được đăng tải lần lượt trên Tạp chí VHNT số 402, tháng 2 - 2018 và số 404, tháng 4 - 2018.

2. Trần Ân Thâm, Sơn mài hiện đại, Nxb Trùng Khánh, Trung Quốc, 2003, tr.117.

3. Trường Bắc, Phương pháp nghiên cứu vẽ chủng loại sơn mài, in trong Kỹ thuật thực hành, 1992.

4. Một trong những cách chơi bóng được chơi bởi hai người hoặc thậm chí một mình, chẳng hạn như chơi bóng bàn, cầu lông…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : TRƯỜNG BẮC

;