NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC VÀ ĐIÊU KHẮC ĐÌNH LÂU THƯỢNG

Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đình làng là một trong những giá trị lịch sử của nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Ở Phú Thọ, ước tính khoảng hơn 200 ngôi đình, trong đó có hơn 100 ngôi đình được xếp hạng di tích quốc gia. Một trong số những ngôi đình độc đáo về kiến trúc, điêu khắc là đình Lâu Thượng, thuộc địa phận xã Trưng Vương, thành Phố Việt Trì, Phú Thọ (Vĩnh Phú cũ). Đây là ngôi đình cổ vừa có giá trị về kiến trúc, vừa mang giá trị chạm khắc tiêu biểu cho TK XVII ở miền Bắc Việt Nam.

1. Đôi nét về đình Lâu Thượng

Đình Lâu Thượng được xây dựng từ lâu, nhưng rất tiếc không có niên đại xây dựng, không có bia ký, bút tịch, mà chỉ theo lời các cụ trong làng kể lại rằng: người thợ mộc đến đây làm đình, lấy vợ sinh con, ăn mít trồng hột, mít ra quả, đình mới làm xong. Ngôi đình này do các hiệp thợ từ nơi khác đến làm (không rõ ở đâu) vậy nên nghệ thuật tạo hình ít nhiều cũng có sự giao lưu và tiếp biến với các ngôi đình ngoài khu vực.

Đình Lâu Thượng nằm trên một quả đồi thấp, thuộc xóm Mai, đồi Lâu Thượng. Đình trông về hướng Nam, xung quanh có xóm làng đông đúc, có sơn thủy hữu tình. Trước đình là: vườn cây Bác Hồ, sau đình là: miếu vật, hai bên đình là: trường cấp I, phía đông đình cách sông Lô khoảng 1km, phía bắc cách thành phố Việt Trì khoảng 4km.

Thông qua những số liệu ghi chép trong hồ sơ di tích tại phòng văn hóa địa phương cũng như chứng kiến thực địa tại di tích này cho thấy làng Lâu Thượng phía tả giáp Lô giang, phía hữu giáp Thao giang, đời nhà Hùng lấy nơi này xây cung điện cho các vương tử, vương tôn ở, vì thế đời sau gọi là làng Lâu Thượng. Làng Lâu thượng hiện có một ngôi đình, xuất phát làm hậu cung từ đời nhà Lý (Lý Nhân Tông), khởi công năm 1076, đến năm cuối năm 1105 bắc nóc, chữ Hán Nôm có ghi lại rằng: “1076 khởi công đại tu” đến năm: “1105 thụ trụ thượng lương”. Vậy giai đoạn từ khởi công đến bắc nóc mất khá nhiều thời gian nên mới có chữ hoành phi là: “Thánh cung vạn tuế” (dịch nghĩa: Thánh thể muôn năm), ngoài ra còn có hai câu đối là: “Ức niên hách dịch oanh linh địa. Vạn thế y quan lễ nhạc thiên” (nghĩa là: Lễ nhạc y quan trời vạn thủa. Anh linh hách dịch đất ngàn năm). Sang đến đời Lê Hiển Tông năm thứ 3, vào năm 1743 (thời Lê Hiển Công). Đời nhà Nguyễn tiếp tục tu bổ nên có chữ viết ở câu đầu như sau: “Tự Đức ngũ niên Cửu nguyệt sơ thập nhật Thụ trụ thượng lương” (tức là ngày 10 tháng 9 bắc nóc), lần thứ 2 đời Tự Đức sửa hậu cung và đại bái vào năm Nhâm Tý. Ngày 6-8 tu lý. Lần thứ 3 đời Tự Đức sửa lại nội điện, ghi ở hai đầu cột giữa đại bái và hậu cung như sau: “Quý mão niên lý tác nội điện thượng hạ tứ vị, tứ giáp Đồng tự hậu ý khởi” trên cùng một thời gian. Năm Quý Mão xây lại hậu cung làm cả bốn phía dưới. Năm Duy Tân (1915 đình xiên về phía đông, nhưng không có điều kiện sửa chữa). Đời vua Khải Định năm thứ 2 (1917) bắt đầu tu lý lại (Khải Định làm vua từ 1916 - 1925). Sang đời dân chủ cộng hòa, ngày 26-11-1987 tức là ngày mồng 6-10 năm Đinh Mão, sửa lại phần mái, chống dột. Đến năm 1992, cây nóc gian giữa gãy, phải sửa lại. Lần thứ 7 đại tu tổng thể do sở VHTT tỉnh Phú Thọ chủ đầu tư, cây nóc, giữa đề là: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lục thập tam niên. Tuế thứ Mậu tý bát nguyệt nhị thập tứ nhật thụ trụ thượng lương”. Công nguyên năm 2008, tháng 9, ngày 28 đại cát (tạm xong).

Đình thờ 4 vị là: Cao Sơn Quý Minh báo quốc đại vương, Ả nương Công chủ đại vương, Bình Khôi công chủ đại vươngNhư Tuy đại vương. Trong đó, vị thứ hai và vị thứ ba chính là hai vị thần Trưng nữ vương, sinh vào thời Triệu vương trị nước, cuối thời vệ vương thất thủ giặc Tô nổi loạn Trung nguyên khiến trăm họ dân Việt lầm than, binh biến dày vò. Hai vị đã được ân đức của nhà Hùng. Thần oai càng dậy, thanh thế càng dày, sĩ phu bốn phương tụ hợp, rèn luyện quân cơ tại khu Bãi Dầu, xứ sở làng Lâu Thượng khởi binh đánh giặc, đuổi Tô Định tham tàn, bạo nghịch, phận nữ nhi chống được Hán triều, dương cờ độc lập, mở ra kỷ nguyên độc lập cho tổ quốc Nam Việt.

2. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đình Lâu Thượng

Dựa theo ghi chép trong lý lịch di tích Lâu Thượng, đình Lâu Thượng là một ngôi đình có kiến trúc đồ sộ, làm theo kiểu chữ Đinh, nằm trên khu đất cao, rộng, bằng phẳng. Từ ngoài nhìn vào, có thể thấy các đầu đao vút lên thanh thoát, nếp bờ giải là những con rồng bò vươn theo đầu đao, dưới chân là những cụm mây mềm mại, những con giống, con thú được trang trí hiên ngang, vững chãi. Trên bờ nóc là 2 con rồng cuốn đuôi tôm cong lên phun nước. Ngôi đình gồm: 5 gian 2 chái, với chiều dài: 28m, chiều rộng kể cả hậu cung là: 22m, được kết cấu bằng 60 chiếc cột với đường kính chiếc cột cái là: 0,75 m, đường kính cột con là: 0,56 m, hầu hết được làm lại bằng gỗ lim, sau lần trùng tu năm 2008.

“Vì nóc làm theo kiểu giá chiêng chồng rường, với một câu đầu được đặt trên đầu hai cột cái bằng các mộng chốt, bên trên đặt một con rường dài qua đấu vuông thót đáy, trên con rường là hai trụ trốn nối thẳng lên hoành mái thứ nhất để đỡ con rường bụng lợn, hai bên trụ trốn là 2 con rường. Đỡ dưới câu đầu là hai đầu dư được biến thể thành đầu rồng ngậm ngọc. Các vì nách đã được tu sửa toàn bộ nhưng hiện còn các mảng chạm khắc được gắn lại cho thấy vì nách được làm kiểu cốn chồng rường, các con rường được chồng khít lên nhau không qua các đấu kê tạo thành mảng kín đặc để tạo diện trang trí” (1). Liên kết hiên được làm kiểu kẻ suốt, ăn mộng từ thân cột quân qua cột hiên đỡ dạ tàu mái. Các xà ngang được ăn mộng với nhau tạo thành một bộ khung bền, chắc. Trước kia toàn bộ phần mái được khoác lên mình một chiếc áo gồm những viên ngói mũi hài thời Lê. Tuy nhiên, sau nhiều lần tu sửa, đặc biệt năm 2008, toàn bộ phần mái được lợp bằng ngói di.

 
 
 
Chạm khắc rồng 
 
 

Ở phần chính giữa, trang trí đôi rồng chầu mặt nhật hay còn gọi là: lưỡng long chầu nhật. Phần tạo hình đầu nóc được biến thể theo kiểu Makara, con lân được đặt ở bờ giải, các góc đao được đắp hình rồng. Phần bao che cũng được làm từ năm 2008 với lối trang trí bức màn kết hợp với con tiện làm chấn song để lấy ánh sáng. Ở đầu hồi bít đốc bằng gạch chát vữa, phần nền được lát gạch đồng thời cũng khôi phục lại sàn gỗ phía hai gian chái đình, nên khi vào đình, sẽ thấy hệ thống sàn được chia cấp. “Hậu cung gồm 3 gian, ngăn cách với đại đình bằng hệ cửa bức bàn. Cửa chính giữa chỉ được mở khi tổ chức lễ hội, còn hai bên mở cửa nhỏ để làm lối đi. Kết cấu bộ khung hiện nay tương đối đồng bộ từ TK XIX, vì nóc ngoài cùng được làm kiểu cốn chồng rường với 5 con rường chồng lên nhau, không qua các đấu kê, tạo thành mảng kín trang trí các hình rồng chầu mặt trời, tứ linh, hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn” (2). Nhìn chung, toàn bộ ngôi đình có bố cục chặt chẽ. Đây hẳn là một công trình nghệ thuật kiến trúc đã được chạm trổ công phu.

Điêu khắc của đình Lâu Thượng được chia làm hai phần chính. Đó là điêu khắc tượng tròn và chạm khắc trên cấu kiện kiến trúc gỗ. Phần tượng được chia làm 2 dạng: dạng thứ nhất là tượng để thờ (tượng Hai Bà Trưng), dạng thứ hai là tượng được gắn ở trên cột dùng để trang trí.

Đối với tượng thờ Hai Bà Trưng (nay được thay bằng hai pho tượng mới vì bức tượng cổ đã bị mất cắp). Tượng được đặt trên gác lửng ở hậu cung. Nếu nhìn từ ngoài vào, bức tượng bên phải là tượng thờ bà Trưng Trắc, còn bên trái là tượng bà Trưng Nhị. Chân dung hai bà với khuôn mặt hiền từ, đầu đội mũ bình thiên, mắt nhìn thẳng, miệng khẽ mỉm cười. Đặc biệt, tai rất to và dài giống như tai phật, tay phải cầm lệnh bài hay còn gọi là: mốt (cao ngang mặt), tay trái đặt lên đùi, đùi được khoanh tròn. Tượng ngồi nghiêm nghị trên ngai mặc áo dài trùng rủ xuống, có sơn màu vàng, được trang trí nhiều họa tiết đẹp trên thân áo. Đó là tượng thờ, còn về phần tượng được gắn trên cột dùng để làm trang trí ngay trước khám thờ đều trong tư thế ngồi, trong đó, nếu nhìn chính diện, bức ở bên trái được tạc với hình tượng ngồi chân co cân khoanh, tượng mặc áo màu xanh lá mạ, quần màu xanh thẫm. Chân dung khá hiền từ, râu tóc dài, tay trái đặt lên đùi trái, tay phải đặt ở đùi phải. Tượng ngồi trong tư thế thoải mái, đầu hơi rướn về phía trước. Còn bức tượng thứ hai ở bên phải là hình tượng người đàn ông cưỡi hổ. Tượng mặc áo màu đỏ, áo trong tư thế đang phanh ra, quần màu xanh thẫm, chân đi giày, gương mặt khá dữ tợn với râu tóc ngắn, chân vắt lên nhau, phong thái oai phong. Còn con hổ được trang trí bằng những vệt vằn vện. Đầu ngoái ra phía trước, miệng gầm lớn. Cách miêu tả con người ngồi điềm tĩnh, trong tư thế chế ngự các loài thú dữ ở miền rừng ngụ ý rằng con người là bản thể quan trọng nhất, là trung tâm của vũ trụ, có thể làm chủ trước thiên nhiên.

Khi mới bước chân vào đình, điều mà có thể thấy rất rõ nhất là hình tượng chạm rồng. Bên cạnh đó còn nhiều con vật khác như: lân, các loài thú nhỏ như: thạch sùng, khỉ, rùa, nghê, phượng… xen lẫn là các hình tượng con người trong tư thế như: người cưỡi ngựa, người đánh trống, người đang múa quyền, người uống rượu, người cưỡi hổ thậm chí còn có cả chân dung Quan Công cưỡi ngựa.

Xét riêng về hình tượng rồng, rồng ở đây mang tính nữ, được thể hiện trong cách gợi về hình ảnh mẫu, trong các mảng chạm: rồng ổ, rồng đàn. Rồng mẹ được chạm rất lớn, đang chơi đùa cùng đàn rồng con. Rồng được chạm theo nhiều lối tạo hình khác nhau, mang phong cách đặc trưng cuối TK XVII. Trong đó, chủ yếu là rồng mặt ngắn, tai to, mắt lồi, miệng rộng răng thưa. Một vài con rồng có răng nanh, môi rất dày và cong, ngực vồng, tay có móng sắc nhọn (khá giống bàn tay của người), tai giống tai lợn, trán rồng được trang trí bởi những cụm mây xoắn tròn. Một số khác được tạc ở thế vươn ra ngoài, mặt dài thon, mũi to, miệng há. Một vài con có sừng, dáng mặt thon dài. Các con nhỏ thì mang dáng trơn, không vây giống như loài rắn nước. Ở các bức chạm khác, hình tượng rồng được chạm với dáng mặt dài nhô hẳn ra phía trước, miệng to và khá giống với miệng hà mã, răng sắc nhọn, tai khum và hơi tròn, đao mác tủa ra từ mang tai, thân rồng có chạm vẩy. Nhìn chung, con rồng ở đình Lâu Thượng được chạm với thân ngực vồng lên nổi khối, khá giống với sách chạm rồng ở đình Ngọc Than và đình Hạ Hiệp (Hà Tây cũ).

Bên cạnh hình tượng rồng là hình tượng con người. Tuy nhiên, hình tượng này không nhiều, chủ yếu được chạm lẫn trong đề tài hình tượng rồng với tỷ lệ khá khiêm tốn. Thông qua các hoạt cảnh đời thường nhưng vẫn để lại dấu tích của người xưa như bức: Đi săn, có ý kiến cho rằng, đó là cảnh vua Hùng đi săn. Đây là bức chạm diễn tả lại cảnh người cưỡi ngựa hồng, ăn vận giản dị, giơ tay như đang bắn cung. Ngoài ra còn có bức: Quan Công cưỡi ngựa với tạo hình Quan Công to hơn hẳn con ngựa, thể hiện con mắt nhìn ước lệ của nhân dân ta. Đây là bức chạm ảnh hưởng của tích truyện Trung Hoa nên tạo hình khá đặc trưng như: lông mày sếch, râu tóc trắng, đầu đội mũ sắt, tay cầm đao, mình mặc áo giáp chiến, chân duỗi thẳng con ngựa như đang phi và chân đạp lên mây, còn con ngựa cổ được đeo chuỗi vòng màu đỏ. Một số bức chạm rồng và người xen lẫn với nhau như: hình người quỳ uống rượu, hình tượng người chắp tay giống như đang tập võ, hình tượng Hai Bà Trưng cưỡi voi xanh phất cờ khởi nghĩa, hình tượng hai người cưỡi rùa…

Tóm lại, đình Lâu Thượng là một ngôi đình có giá trị cả về kiến trúc và điêu khắc, cũng như không gian nội thất đình. Đây là ngôi đình mang đậm phong cách trang trí cuối TK XVII ở Việt Nam, đồng thời, cũng là ngôi đình tiêu biểu ở tỉnh Phú Thọ. Tuy đình Lâu Thượng được trùng tu rất nhiều lần song các bức chạm khắc còn lại khá nguyên vẹn, kiến trúc hay cảnh quan phù hợp.

______________

1, 2. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.364.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 - 2018

Tác giả : CAO THỊ VÂN

;