Sự chi phối của Nho giáo đối với bi kịch gia đình trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại

Tại Việt Nam, Nho giáo được xem như một tôn giáo, cùng với Lão giáo và Phật giáo, tạo thành tam giáo đồng nguyên. Luận thuyết Nho giáo không chỉ minh định các quan hệ xã hội mà còn được giáo hóa rộng khắp theo cấp độ không gian văn hóa. Trong đó, cấp độ nhỏ nhất là gia đình - nơi đầu tiên góp phần hình thành, nuôi dưỡng nhân cách. Bên cạnh những nhân tố tác động tích cực, Nho giáo để lại nhiều dư địa bi kịch trong gia đình Việt. Điều này được phản ánh khá rõ nét ở văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại

Tác phẩm của Ngô Gia Văn Phái và Nguyễn Dữ

1. Ảnh hưởng của Nho giáo trong đời sống văn hóa gia đình người Việt

Đề cập sự tác động của văn hóa truyền thống nói chung và Nho giáo nói riêng đối với văn hóa gia đình Việt Nam trong văn xuôi tự sự trung đại cũng có nghĩa là nhấn mạnh quá trình tiếp biến văn hóa trong vùng văn học chữ Hán (Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên) theo xu thế bảo tồn bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, sự hấp thụ Nho giáo ở mỗi quốc gia có những mức độ riêng và mang sắc thái đặc thù khiến cho sự chi phối đến bi kịch gia đình trong văn xuôi tự sự mỗi nước có sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn, “Lối học khoa cử và chế độ khoa trường (…) không được người Nhật đẩy lên thành cơ chế cứng nhắc như ở Việt Nam và Triều Tiên. Người Nhật còn lựa chọn nhân tài theo tiêu chí võ quan, không chỉ văn quan như các nước đồng văn khác. Việt Nam và Trung Quốc coi trọng quan văn hơn quan võ. Nhật Bản thì ngược lại” (1).

Đối với gia đình Việt truyền thống, Nho giáo gắn chặt với lễ nghĩa, thông qua những nguyên tắc ứng xử. Khi cá nhân phá vỡ tính chuẩn tắc và trật tự vốn có, sẽ có nhiều khả năng tạo nên bi kịch gia đình. Ở đây, luân lý gia đình đóng vai trò hệ quy chiếu cho mọi hành động. “Trong Khổng giáo, trọng nhất là luân lý; các luân lý bắt đầu từ gia đình. Luân lý gia đình thế nào? Trật tự người trên, người dưới có khác nhau, quyền hạn người dưới, người trên phải phân biệt. Xưa nay, nhà nào đã gọi là có gia phong tốt, gia pháp nghiêm thì gia đình đều theo khuôn phép ấy cả” (2). Thực tế, chính “lý thuyết Nho giáo đã làm cho gia đình trở nên có văn hóa” (3). Trên nền tảng của tam giáo đồng nguyên, tinh thần hiếu học của người Việt được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Việc đỗ đạt được coi là phúc đức của mỗi gia tộc với sự cạnh tranh giữa các cá nhân, dòng họ (“Thua thày một vạn không bằng thua bạn một ly” - tục ngữ). Các danh vị học vấn (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sĩ, Cử nhân, Hương cống...) là sự tưởng thưởng xứng đáng cho kẻ sĩ biết khổ luyện thành tài. “Một khi những danh hiệu đó đạt được thì quả trở thành nhân, bởi chính họ tác động trở lại, làm cho xã hội đó được vững vàng hơn, bền chặt hơn” (4).

Tuy vậy, tâm lý ham chuộng tiến thân bằng con đường khoa bảng của người Việt đã để lại hệ lụy không nhỏ trong đời sống xã hội. Việc đỗ đạt được xem là cứu cánh để thay đổi thân phận. Nhiều hàn sĩ đã “hóa rồng”, hưởng cuộc sống sang quý sau những cuộc “vượt vũ môn”. Vì vậy, nhiều khi người ta tìm đủ mọi cách để đạt được mục đích, như: nhờ thi hộ, qua hôn nhân... Bên cạnh đó là tình trạng đề cao thái quá nam quyền trong thế đối nghịch tuyệt đối với nữ quyền. Đạo “tam tòng, tứ đức” đè nặng lên bao thế hệ trong xã hội phong kiến ở những quốc gia chịu sự chi phối sâu sắc bởi quan điểm Nho giáo nên ở Nhật Bản: “Những quan điểm Nho giáo biểu hiện sự hạ thấp vị trí của người phụ nữ (…) đã ăn sâu vào suy nghĩ, tư tưởng của người Nhật cho đến tận ngày nay” (5). Chính sự bất bình đẳng giới này mà chuỗi bi kịch gia đình từ tình trạng đa thê của người đàn ông trong xã hội Việt Nam trung đại cứ tiếp nối mãi không ngừng khi cái đó “đối với phụ nữ là một tội lỗi, đem tới những hậu quả ghê gớm về pháp lý và xã hội thì với đàn ông lại được coi là vinh dự hay tệ lắm cũng chỉ là một vết nhơ đạo đức cỏn con mà người ta vui vẻ nhận lấy” (6). Trong gia đình, uy quyền gần như hoàn toàn nằm ở nơi người cha với vị thế thống trị, đòi hỏi các thành viên phải phục tùng. Từ sự áp đặt này, không ít chuyện đau lòng đã xảy ra, nhất là khi dựng vợ, gả chồng cho con... đều có thể đẩy mái ấm gia đình rơi vào tình huống bi kịch. Thiết chế xã hội phong kiến theo quan điểm Nho giáo luôn tiềm tàng xung đột, với phần thiệt thòi nặng nề thuộc về phụ nữ. Vì vậy, “không một người phụ nữ nào có hạnh phúc cả cho dù họ sống theo kiểu nào” (7). Trong nhiều trường hợp, họ tự hủy hoại sinh mạng để làm tròn vai hiền thê, từ mẫu của mình.

Đáng lưu ý là khi lịch sử xã hội biến thiên với sự thay đổi triều đại, gia đình kẻ sĩ và gia đình quý tộc chịu sự tác động nhiều hơn cả, vì đây là hai kiểu gia đình có “hệ tư tưởng” được xây dựng trực tiếp trên cơ sở học thuyết Nho gia. Gia đình là xã hội thu nhỏ nên nó hiện hữu như “một thiết chế xã hội độc lập, có mối quan hệ tương tác với các thiết chế xã hội khác và có tác động to lớn đến sự phát triển xã hội nói chung” (8), bao hàm những hành xử khác biệt của mỗi cá nhân trên cái nền chung của “tam cương, ngũ thường”. Chẳng hạn, cùng xuất thân trong gia đình quý tộc nhưng Nguyễn Du, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều, Nguyễn Hành... đều ít nhiều có quan niệm xã hội riêng trên con đường “xuất, xử”. Những quan niệm xã hội ấy gắn với các hình tượng nhân vật đặc trưng cho thời đại, vì “Mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi tầng lớp lại có kiểu nhân vật tiêu biểu riêng của mình” (9). Nhìn tổng quát, có thể thấy ảnh hưởng của Nho giáo tới gia đình Việt được thể hiện trên mọi phương diện, bao gồm: “... giá trị kinh tế của gia đình (việc làm, sự giàu có, tài sản...); giá trị con cái (số con, giới tính của con, ý nghĩa của việc có con, đạo hiếu…); giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm (giá trị tình yêu, trinh tiết, sự chung thủy; sự quan tâm, tôn trọng, trách nhiệm và cam kết); giá trị của các mối quan hệ vợ chồng, người cao tuổi và con cháu...” (10). Trên cơ sở đó, có thể thấy những chỉ dấu nổi bật của gia đình truyền thống chính là sự “đề cao giá trị hôn nhân, ý nghĩa quan trọng của gia đình, của con cái, vai trò lao động giới truyền thống, hiếu thảo với cha mẹ,...” (11).

2. Những khía cạnh biểu hiện chủ yếu về sự chi phối của Nho giáo đối với bi kịch gia đình trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại

Nhân vật bị dồn đẩy đến bước đường cùng quẫn, lâm vào tình cảnh tuyệt vọng, không tìm thấy lối thoát nào khác ngoài cái chết

Đối với gia đình truyền thống, nền nếp gia phong thể hiện ở chuẩn mực ứng xử giữa các thành viên, tương ứng với các vai, theo đúng sự chỉ hướng của Khổng giáo: “Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ” (12) (lấy đạo đức để dẫn đưa (dân chúng), lấy lễ nghĩa để xếp đặt (đối với họ). Cụ thể, trong gia đình “phải có trật tự, phải có lễ ý, ngôi cha bao giờ cũng phải ở trên ngôi con, quyền con bao giờ cũng không bằng quyền cha; con bao giờ cũng phải coi cha như một ông vua trong nhà, mà lại phải tâm phục là ông vua có giá trị đủ tín ngưỡng” (13). Trong Truyện trạng nguyên xã Bình Dân (Phạm Đình Dục), người con trai đỗ đạt trong khi cha thi hỏng là một “nguy cơ” đe dọa uy quyền thống trị của người cha - ông vua - trong gia đình. Điều đó đã khiến người cha tìm đến cái chết như một cách hóa giải những áp lực tinh thần đè nặng lên tâm trí (tu thân chưa đạt, làm sao có thể nói đến tề gia?). Huấn dụ của Khổng Tử trở thành phép thử về sự đắc đạo mà các bậc chính nhân, quân tử cần nêu cao khí tiết. Vậy nên Phan Công Tích (vương triều Lê - Trịnh) bị Nguyễn Quyện (vương triều Mạc) vây ráp ngặt nghèo nhưng thà tuẫn tiết chứ không chịu hàng (Ngô Giáp Đậu - Hoàng Việt long hưng chí); Trịnh Tông tự vẫn, quyết không sa vào tay Tây Sơn (Ngô gia văn phái - Hoàng Lê nhất thống chí); vợ chồng Lê Chiêu Thống đoàn tụ sau thời gian dài tòng vong nơi đất khách (Ngô gia văn phái - Hoàng Lê nhất thống chí; Phạm Đình Dục - Mài trâm đón linh cữu) và cả khi Nho sinh Nguyễn Doãn Bạt thà “thác trong còn hơn sống đục” cho dù phải gieo mình giữa dòng sông để minh tỏ tấc lòng trung chính của bậc chân Nho (Phạm Đình Hổ - Thác oan)...

Ngoài các Nho sĩ do hoàn cảnh xô đẩy nên phải tử vì đạo, một số hoàng phi, liệt nữ (Ngô gia văn phái - Hoàng Lê nhất thống chí; Nguyễn Dữ - Truyện người con gái Nam Xương, Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu; Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án - Liệt phụ Đoàn phu nhân; Phạm Đình Dục - Mẹ nào con ấy) đã tìm đến cái chết để bảo toàn danh tiết như một sự lựa chọn không thể khác. Trong Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, nàng Nhị Khanh là nạn nhân thê thảm của gã chồng phóng đãng, chơi bời. Nàng phải thắt cổ tự vẫn trong niềm đau đớn, xót xa cho gia cảnh bi ai: “Cha con bạc tình, mẹ đau buồn lắm. Biệt ly là việc thường thiên hạ, một cái chết với mẹ có khó khăn gì. Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi. Nói xong, nàng lấy một đoạn dây tơ thắt cổ mà chết” (14). Nhưng điều đáng nói là ý thức về đạo tam tòng nặng nề đến nỗi xuống cửu tuyền rồi nàng vẫn không hề oán hận gã chồng phá gia chi tử khiến mình phải chết đầy tức tưởi, vẫn thấy phải có trách nhiệm trong việc gánh vác giang sơn nhà chồng. Khi có cơ hội âm dương tái hợp, Nhị Khanh vừa khóc vừa nghẹn ngào bày tỏ lòng “biết ơn” chồng đã không quản ngại đường xa đến nơi gặp gỡ: “Đa tạ ơn chàng, từ xa lặn lội tới đây, biết lấy gì để tặng chàng được” (15). Mặc dù là người bị hại nhưng Nhị Khanh vẫn đối xử đầy nghĩa tình với chồng, thậm chí khi ở thế giới bên kia, nàng vẫn trợ giúp chồng, con có được cuộc sống êm ấm. Sự hi sinh vô điều kiện ấy phù hợp với chuẩn mực đạo đức ở người phụ nữ mà Khổng giáo luôn nêu cao. Ý niệm về người mẹ, người vợ đảm đang, tháo vát, thủy chung gắn với các tiêu chí đánh giá cụ thể của Nho gia (công, dung, ngôn, hạnh). Đức hạnh của người mẹ có ảnh hưởng lâu dài, sâu đậm tới con cái, là tấm gương để thế hệ sau noi theo.

Nhân vật rơi vào hoàn cảnh bi hài do tham vọng cá nhân vượt xa điều kiện cho phép và hành động thiếu suy xét thấu đáo, tự biến mình thành nạn nhân

Tâm lý khoa bảng, ham chuộng danh vị trường ốc thấm sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội; thể hiện qua cách cảm, cách nghĩ của tất cả các tầng lớp nhân dân. Truyện Mẹo lừa (Phạm Đình Hổ) là tấn bi hài kịch về ước vọng đổi đời nhờ vào người khác bằng quan hệ hôn nhân, gia đình. Kẻ xấu biết thóp của chủ nhà nên đã tạo dựng một kịch bản lừa đảo ngoại mục, đưa cả nhà nạn nhân vào bẫy. Vì nôn nóng muốn cho con gái một bước tiến thẳng lên địa vị cao sang là phu nhân quan phụ mẫu tương lai nên chủ nhà đã nhất nhất tin tưởng, làm theo sự mách bảo của bà mối một cách mù quáng. Sự thật được phơi bày, kẻ trộm tình và lừa tiền cao chạy xa bay. Chủ nhà ngậm ngùi chấp nhận “mất cả chì lẫn chài”: “Kịp đến khi truyền lô tứ yến xong rồi, thì mất tăm chẳng thấy mụ già đến nữa. Chủ nhân liền sai người nhà đi dò hỏi các quan tân khoa tiến sĩ; không có người nào như anh chàng ngủ đêm hôm trước” (16). Cùng mạch tự sự này, truyện Nhận làm cha người (Phạm Đình Dục) khắc họa khá sinh động toàn bộ diễn tiến của lòng tham gắn với cảnh ngộ điển hình, đến nỗi bất chấp cả luân thường đạo lý ngay trong giới “tinh hoa” là tầng lớp Nho học. Nho sinh họ Nguyễn và Nho sinh họ Lưu cùng bỏ nhà ra đi vì mâu thuẫn gia đình (với vợ), gắn bó thân thiết. Không may, Nguyễn lâm bệnh bất ngờ, mất khi đang ở trọ. Trước đó, biết mình khó qua khỏi, Nguyễn nhờ Lưu tìm đưa cho gia đình bức thư tuyệt mệnh; trong đó, giải thích ngọn nguồn, quê hương bản quán. Suốt bao năm, Lưu chưa tìm về nhà Nguyễn được, vẫn giữ bức thư trong người. Tình cờ, Lưu được biết đương kim tri huyện là con trai họ Nguyễn, đang tìm tung tích của cha. Lòng tham nổi lên, Lưu thấy đây là cơ hội để đổi đời, hưởng cuộc sống an nhàn nên tự nhận là cha của tri huyện. Đến một ngày, tấm mặt nạ của người cha giả hiệu rơi xuống do một sự tình cờ: con trai quan huyện nhặt được bức thư Lưu làm rơi vì say rượu. Rõ ràng, Lưu không những quên phắt những gì gọi là “tam cương ngũ thường” của Nho gia (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) mà còn cam tâm lừa dối người khác, hòng yên hưởng những lợi ích mà mình không có quyền và không xứng đáng được nhận.

Ngoài những câu chuyện về bi kịch đời thường trong các gia đình bình dân như trên, còn có những câu chuyện bi kịch mang tính lịch sử trong các gia đình hoàng tộc, gia đình kẻ sĩ. Nguyễn Cảnh Thước - một kẻ từng được triều đình xem như chỗ dựa của nước nhà lúc lâm nguy - đã ngang nhiên thả quân đi cướp bóc ngay tại vùng miền kề bên kinh thành Thăng Long (trấn Kinh Bắc). Và ngay cả đối với vị đương kim hoàng đế (Lê Chiêu Thống), Thước cũng không tha. Vị thế tối cao của đức kim thượng triều Hậu Lê, giờ đây ở vào nghịch cảnh chẳng khác nào một gã hề đang diễn trò “chạy giặc” (Tây Sơn) trước bàn dân thiên hạ. Sự thế thê thảm tới mức Hoàng thượng phải rơi lệ, tự tay lột ngự bào trên long thể đưa cho bọn cướp giữa thanh thiên bạch nhật: “Khi vua đã lên bờ, Thước lại cho người đuổi theo, lột chiếc ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt, cởi ngự bào trao cho chúng...” (17). Từng được kỳ vọng giúp triều đình trung hưng, Nguyễn Cảnh Thước hiện nguyên hình là một kẻ gian thần, táng tận lương tâm đến cùng cực. Vua bị đối xử như thế, nhưng Chúa cũng chẳng hơn gì. Tuần huyện Trang bất chấp lời thày, đem chúa Trịnh Tông nộp cho quân Tây Sơn để lĩnh thưởng, hưởng cuộc sống vinh thân phì gia, với triết lý: “Sợ thày chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình” (18). Lý Trần Quán, vì uất ức với học trò nên đã tự chôn sống mình, bày tỏ lòng trung nghĩa (sau khi nhờ người chuyển lời trăng trối đến con trai): “Bề tôi mà làm lầm vua, tội thật đáng chết! Nếu ta không chết, không lấy gì tỏ được lòng này với trời đất” (19). Nghịch lý ở đây là trong khi thời thế thay đổi đến nỗi ngay cả học trò của Lý Trần Quán cũng nhận biết được (Trang nói với Trịnh Tông: “Từ xưa đến nay, hưng phế là việc thường, ông cũng không thể tránh khỏi, đừng có làm gì nữa cho thêm nhọc mình”) (20) thì Quán vẫn u mê, bị che khuất bởi những giáo điều cổ hủ.

Nhân vật ở vào cảnh ngộ nghiệt ngã do sự lệch pha giữa các chuẩn mực đạo đức của Nho gia với truyền thống đạo lý của dân tộc

Các mối quan hệ xã hội trong gia đình được chi phối bằng các chuẩn mực đạo đức. Tuy nhiên, không phải bao giờ các chuẩn mực đó cũng thống nhất với nhau. Sự lệch pha giữa chúng khiến cho nhân vật nhiều khi lâm vào cảnh ngộ bi kịch với mâu thuẫn nội tại gay gắt. Hệ quả là chúng tác động lên cuộc đời nhân vật theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực.

Sự tác động theo chiều hướng tích cực:

Không thể phủ nhận trong một số trường hợp, những chuẩn mực ứng xử của Nho gia đã giúp con người hoàn thiện thêm về nhân cách. Trong Truyện trạng nguyên Lê Nại (Vũ Phương Đề), hai anh em cùng ứng thí một khoa. Lực học của họ ngang sức, ngang tài. Vào thi chính thức, người em quên một vài chỗ trong sách nên hỏi anh trai. Người anh thẳng thắn từ chối, cho rằng như vậy là không đúng phép tắc thi cử khiến em trai tự ái bỏ thi và đi suốt đêm mới về làng. Bà mẹ thấy con trai về giữa đêm thì hỏi nguyên do. Sau khi nghe kể lại, bà vừa tạo sự phấn khích, vừa động viên con chịu khó học hành. Khoa sau, người em vào thi Hội, đỗ Thám hoa - đứng thứ hai. Ở đây, người anh đã không theo cách cư xử thông thường: “Chị ngã, em nâng”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” (Tục ngữ) nên tạo thêm động lực cho người em phấn đấu, đạt thành tựu về sau. Người em, thấy anh mình đỗ đạt cao, tức khí nên càng quyết chí học hành. Cùng mạch tự sự này, truyện Một nhà hai khanh sĩ (Nguyễn Thượng Hiền) tái hiện cảnh ngộ khác của gia đình họ Ngô quê ở làng Tả Thanh Oai, xứ Đoài. Người anh đỗ đạt, làm quan tại triều đình; trong khi người em vẫn chịu bần hàn, phải nương tựa anh trai. Một lần bị người hầu của anh trai xem thường, quên phần cơm, người em bèn nổi giận đuổi đánh họ. Cô vợ thấy vậy chê cười, nói rằng sở dĩ người hầu nể trọng chồng chính là nhờ ở anh trai. Từ đó, khích chồng từ xấu hổ mà quyết tâm học hành. Hai vợ chồng cam kết với nhau, dọn về làng cũ. Chồng chịu khó đèn sách nên học hành đỗ đạt. Kết quả là hai anh em làm quan đồng triều. Cả hai đều làm đến chức thượng thư, được người đương thời ngưỡng mộ, ca ngợi là một nhà hai khanh sĩ.

Sự tác động theo chiều hướng tiêu cực: Ngược lại, trong không ít trường hợp, những giáo điều được xem là “khuôn vàng thước ngọc” của Nho gia đã trở thành “con dao hai lưỡi” đối với đương sự. Truyện Trạng nguyên xã Bình Dân (Phạm Đình Dục) kể về việc hai cha con cùng ứng thí một khoa, nhưng chỉ có con đỗ. Tất nhiên người cha không tránh được nỗi buồn nhưng theo thói thường của nhân gian, người đời có lý do chia vui với gia chủ vì “Con hơn cha là nhà có phúc” (tục ngữ). Tuy nhiên, lòng tự trọng của một Nho sinh đã khiến ông thấy đây là việc đáng nhục. Vì vậy, ông tìm cách tự kết thúc cuộc đời trong cơn phẫn chí và sự ganh đua với chính con trai mình. Điều này, thuận với luân lý “ngôi cha bao giờ cũng phải ở trên ngôi con, quyền con bao giờ cũng không bằng quyền cha, con bao giờ cũng phải coi cha như một ông vua ở trong nhà, mà lại phải tâm phục là ông vua có giá trị đủ tín ngưỡng” (21). Phải chăng, vì thấy bản thân không còn “giá trị đủ tín ngưỡng” đảm bảo cho uy quyền tuyệt đối trong gia đình nên ông đã chọn cách hành xử đầy quyết liệt như vậy? Ở đây, con đường xuất thế được khởi đầu bằng thi cử chính là một hành lộ nan với muôn vàn hiểm nguy, không chỉ với bản thân mà còn với cả gia tộc. Cái được gọi là phúc theo quan niệm dân gian (“Một người làm quan, cả họ được nhờ” - tục ngữ) cũng song hành tiềm tàng tai họa rình rập, đe dọa hạnh phúc gia đình (“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” - Nguyễn Trãi). Truyện Ông tiến sĩ họ Trần đi sứ (Cao Bá Quát) cho thấy tấn thảm kịch của kẻ sĩ khi gánh vác trọng trách đối với quốc gia. Trong chuyến công du, ông tiến sĩ - chánh sứ phải đem quốc thư (tối mật) do chúa Trịnh Sâm đặc trách ủy thác, để trình lên vua nhà Thanh về việc cầu phong vương cho họ Trịnh, lấy cớ là “họ Lê không còn ai”. Vị tiến sĩ họ Trần thừa hiểu đây là một việc tày trời (thay đổi triều đại), an nguy đến tính mạng của bản thân và cả gia tộc. Là một mệnh quan của triều đình, ông không thể không thi hành vương lệnh nhưng nếu tuân theo thì lỗi đạo làm tôi (với vua Lê) và chưa chắc đã bảo toàn được sinh mạng khi trở về. Tiến thoái lưỡng nan, ông chánh sứ xấu số ấy không còn cách nào khác là tự kết liễu cuộc đời, bỏ lại gánh nặng gia đình cho vợ góa con côi. Ông lấy cớ bị ốm không đi tiếp, mời các viên Phó sứ đến căn dặn: “Tôi ốm nặng, giờ chỉ còn tìm một chỗ chết mà thôi. Còn việc dặn dò để trong tay áo, chỉ liên quan đến một mình tôi, không thể trao cho các ông được. Các ông về khải với Chúa rằng: “Bệnh tôi đã nặng, nên đốt đi mất rồi”. Nói xong, uống thuốc độc tự tử” (22). Một trường hợp khác ở vào tình thế éo le không kém đối với kẻ làm tôi thời loạn là Nguyễn Viết Tuyển (Ngô Gia văn phái - Hoàng Lê nhất thống chí). Viên tướng này phục vụ dưới trướng Nguyễn Hữu Chỉnh, thờ Chỉnh làm thầy và cùng phò tá vua Lê, chống lại Tây Sơn. Khi đối trận, tướng Tây Sơn bắt giữ cha Tuyển, yêu cầu viết thư khuyên con trai đầu hàng; đồng thời, đem theo cả cha và vợ Tuyển trong quân để gây sức ép. Tuyển rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, chỉ có thể chọn một. Và cuối cùng, phải đặt chữ “trung” lên trên chữ “hiếu”.

Tìm hiểu sự chi phối của Nho giáo đối với bi kịch gia đình trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại, thực chất là dùng lăng kính đạo đức Nho gia để soi, chiếu qua từng cảnh ngộ cụ thể, với những sắc thái riêng: bế tắc, bi hài, nghiệt ngã… Dù mang sắc thái nào, các câu chuyện về bi kịch gia đình cũng đều in đậm phương châm xử thế của nhà Nho. Phương châm ấy để lại tác động to lớn trong lễ nghĩa, luân lý, gia phong, hướng theo tâm thế cao khiết của Nho gia: “khi ra nhẹ như mây, khi ở sạch như đá; không vì được mất mà động lòng (…); như thế mới thật là nhà Nho” (23). Trên tinh thần đó, những tác động tích cực của Nho giáo đã góp phần cấu thành hệ giá trị gia đình Việt.

_______________

1. Nguyễn Bá Thành, Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.133.

2, 13, 21. Ngô Tất Tố, Đối với ý kiến gia đình của ông Tạ Quang Cát, An Nam Tạp chí, số 4, 1926, tr.7, 4, 4, Thư viện Quốc gia Paris, ký hiệu: N2. 397 (bản chụp do PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn cung cấp).

3. Vũ Ngọc Khánh, Văn hóa gia đình, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1988, tr.85-89.

4, 9. Nguyễn Tài Thư, Một số đặc trưng cơ bản của Nho giáo, Tạp chí Triết học, số 9, 2009, tr.12, 20.

5. Vũ Thị Phương Hoa, Bất bình đẳng giới trong gia đình ở Nhật Bản, Tạp chí Đông Bắc Á, số 10, 2021, tr.53-60.

6. Trần Nho Thìn, Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2018, tr.343.

7. Nguyễn Đăng Na, Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại: Những vấn đề văn xuôi tự sự, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.21.

8, 10, 11. Trần Thị Minh Thi, Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và một số vấn đề đang đặt ra, ifgs.vass.gov.vn, 21-2-2022.

12. Dương Bá Tuấn, Luận ngữ chú giải (Ngô Trần Trung Nghĩa dịch), Nxb Văn học, Hà Nội, 2019, tr.29.

14, 15. Nguyễn Dữ, Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Truyền kỳ mạn lục, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016, tr. 23, 34.

16. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút (Chương XXX), vi.wikisource.org.

17, 18, 19, 20. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, lichsuvietnam.info.

22, 23. Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, tập II, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.648, 858.

Ths TRỊNH TUẤN ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;