Tiếp nhận Truyền kỳ tân phả từ góc nhìn tín ngưỡng dân gian và tam giáo

Truyền kỳ tân phả là tác phẩm văn chương tiêu biểu của Đoàn Thị Điểm, cũng được coi là một tập truyện truyền kỳ nổi tiếng thời trung đại. Tôn giáo - tín ngưỡng là một trong những vấn đề quan trọng được Đoàn Thị Điểm đề cập trong tác phẩm này. Nhìn chung, đã có nhiều các nghiên cứu tiếp cận Truyền kỳ tân phả từ góc nhìn tín ngưỡng dân gian và tam giáo. Các nghiên cứu đã lý giải được ảnh hưởng của các tín ngưỡng dân gian của người Việt cũng như các tầng văn hóa đến tác phẩm của Đoàn Thị Điểm. Bài viết tìm hiểu các hướng tiếp nhận trong nghiên cứu Truyền kỳ tân phả dưới hai góc nhìn tín ngưỡng dân gian và hệ thống tam giáo Nho - Phật - Đạo trong thời gian gần đây.

1. Tiếp nhận Truyền kỳ tân phả từ góc nhìn tín ngưỡng dân gian

Từ xa kia, tín ngưỡng dân gian đã tồn tại trong đời sống tâm thức của con người. Ở Việt Nam, tín ngưỡng tồn tại ở nhiều loại hình: thờ Mẫu, thờ thần, thờ thánh, chiêm bao, báo mộng... Dù ở dạng thức nào, những tín ngưỡng trên đều gắn bó trực tiếp tới đời sống tinh thần. Vì văn chương phản ánh đời sống nên tín ngưỡng là một phạm trù được văn học chú ý và xem như một mảnh đất màu mỡ để cày xới. Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về tín ngưỡng dân gian, thể hiện niềm tin thiêng liêng, thói quen sinh hoạt của cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, phải sang tới nửa sau của TK XX và đầu TK XXI, những công trình nghiên cứu về Truyền kỳ tân phả tiếp cận từ góc nhìn tín ngưỡng dân gian mới xuất hiện với quy mô lớn và tính chất cụ thể hơn.

Đạo mẫu

Có thể nói, Truyền kỳ tân phả nổi tiếng nhờ truyện Vân Cát thần nữ, bởi lẽ, đây là văn bản rõ ràng nhất về cuộc đời của Mẫu Liễu Hạnh. Các nhà nghiên cứu cũng đồng tình với quan điểm Truyền kỳ tân phả là chính văn đầu tiên kể về Mẫu Liễu Hạnh, tác phẩm được xem là thiên tuyệt bút “cố định truyền thuyết” này. Nhìn chung, các nghiên cứu đều chỉ ra Vân Cát thần nữ chính là áng văn đầu tiên về câu chuyện Mẫu Liễu Hạnh.

Đạo Mẫu vốn là một tín ngưỡng lâu đời của người Việt. Đạo Mẫu tôn thờ hình tượng người mẹ, là cội nguồn của sự sống, sự sinh sôi trên trái đất. Người mẹ trong tín ngưỡng thờ Mẫu mang trong mình ba vai trò chính mà điển hình là Mẫu Liễu Hạnh. Thứ nhất, với vai trò là người mẹ, người vợ, người con, hình tượng Mẫu gắn với sự sinh đẻ, vun vén gia đình, chăm sóc và dạy dỗ con cái, gắn với đảm đang, tất bật quán xuyến việc nhà. Thứ hai, với vai trò tướng sĩ, người mẹ đại diện cho tình yêu thương bao la, bấy giờ mẹ là mẹ của đất nước, của dân tộc nên chăm lo cho con dân như chính con đẻ mình. Thứ ba, với vai trò Thánh Mẫu, mẹ có chức năng che chở, bảo vệ, sáng tạo cho xứ sở.

Với vai trò là một người phụ nữ bình dị, nhân vật Liễu Hạnh hiện lên là người vợ đảm đang, người mẹ hiền từ và người con hiếu thảo. Phạm Thị Phương Hoa đã nhận xét thánh Mẫu là người con gái đẹp tài đẹp nết, khi kết duyên cùng Đào Sinh thì luôn vun vén cho hạnh phúc gia đình, thảo kính cha mẹ. Khi ở nhà chồng: “thờ cha mẹ chồng rất hiếu, đối với chồng giữ lễ thừa thuận theo được như người thục nữ trong thơ” (1). Hình tượng Liễu Hạnh tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam: trung hậu - tiết liệt - đảm đang. Đặc biệt hơn cả, trên phương diện người mẹ, nàng luôn một mực lo cho con, tình mẹ ấy vượt qua cả ranh giới giữa trần tục và cõi tiên. Dù không còn hiện hữu trên trần thế, tình yêu thương và sự chở che nàng dành cho con vẫn vẹn nguyên, được thể hiện qua chi tiết nàng khuyên chồng chuyên tâm chăm lo việc dạy con. Đây chính là những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, hơn thế là phẩm chất thiêng liêng của người Mẹ - hình tượng trung tâm của Đạo Mẫu với tấm lòng nhân hậu, bao bọc, che chở cho con người.

Ở vai trò của người tướng sĩ, Mẫu Liễu Hạnh đại diện cho tình yêu thương bao la. Tác giả Trần Thị Hải Bình cho rằng, sự xuất hiện lần thứ ba của chúa Liễu đã ban cho người dân những lời động viên với nhiệm vụ cứu nước, giúp đời. Việc Liễu Hạnh gọi tên từng nhân vật, chỉ điểm cho tường tận sự việc “cũng chính là tâm sự của tác giả trước thời thế cảnh nước nhà loạn lạc, đất nược chia cắt, nhân dân cần một vị minh quân” (2). Mẫu chỉ điểm từng công việc, khuyên nhân sĩ nên biết điều chỉnh hành động của mình để góp phần giúp nước, giúp đời.

Ở vai trò Thánh Mẫu, Liễu Hạnh trở thành người mẹ che chở cho cả một dân tộc, từ bi và nhân ái khôn cùng. Trong nghiên cứu Những truyền thống dân gian Việt Nam trong kiểu truyện về Thánh Mẫu, Nguyễn Thị Nguyệt nhận xét Liễu Hạnh là người phụ nữ đáng khâm phục, dù bộn bề nhiều việc, chỉ là phận nữ nhi mềm yếu nhưng biết khuyên chồng trước lấy văn chương tiến thân, sau phải đem tài kinh luân giúp đời. Mục đích cao cả là lấy đất nước làm gốc cho mọi sự phát triển, Mẫu Liễu Hạnh không ngừng hiện về để chỉ đường dẫn lối cho những bậc anh hùng, những trang nam nhi vì nước quên thân mình.

Song, các vai trò này không tách biệt mà cùng hiện hữu đan xen ở hình tượng Mẫu Liễu Hạnh. Mẫu là người phụ nữ nhiệt thành yêu thương, chăm chỉ và hiếu thảo, luôn lấy việc giúp người, giúp đời làm mục tiêu tế thế. Bên cạnh đó, hình tượng thánh Mẫu Liễu Hạnh còn là hóa thân cho lòng bao dung, bác ái, sự chở che của thế lực siêu hình tới những người trần mắt thịt.

Tín ngưỡng thờ thần linh

Thần linh từ lâu đã tồn tại trong sinh hoạt mang giá trị tinh thần của người Việt. Nhận thấy sự yếu ớt của mình trước tự nhiên, trước những thế lực không tên, con người đã cậy nhờ vào thần linh để có thể được chở che, bao bọc. Thờ thần linh được tiến hành theo nhiều cách, trong đó có cầu nguyện, thờ cúng và thần tích. Cầu nguyện, linh ứng là hình thức cầu xin, mong muốn được bảo hộ của con người khi sức mình còn bé nhỏ. Trong Trời Phật, Thánh thần - Niềm tin tâm linh trong văn học Trung đại Việt Nam, Lê Thu Yến và các tác giả khám phá ra rằng, con người thường mang tâm lý yên ổn, bình an khi thờ lạy những thế lực thần thánh. Trong Vân Cát thần nữ, “Mẫu nhiều lần hiển hiện oai linh để răn đe người đời. Triều đình có người biết là Mẫu hiển thánh, xin vua phong tặng và lập miếu. Từ đó, vùng ấy mới yên ổn” (3). Việc lập miếu cho thấy con người hoàn toàn tin vào thế lực siêu nhiên, tin thần linh là có thật và chỉ cần cầu xin thì sẽ được linh ứng.

Ngoài việc thờ thần linh, con người còn thờ cúng người chết thiêng, những người có công với đất nước và đặc biệt là các liệt nữ. Dưới ngòi bút phân tích việc thờ cúng của Tô Thị Hiên đã cho thấy đây là: “một trong những tín ngưỡng điển hình nhất phản ánh cái nhìn, tư duy tiến bộ của con người” (4). Nàng Bích Châu trong Hải khẩu linh từ đã hiến mình cho Đô đốc vùng Nam Hải để giúp Vua Duệ Tông và quân lính được an toàn vào bờ. Nàng báo mộng cho Thánh Tông nhờ người giải oan và “để tưởng nhớ công lao của bậc liệt nữ, sau khi ngự giá hồi Kinh, vua hạ chiếu lập đền phong cho cung nữ đời vua Trần Duệ Tông hai chữ Chế thắng hương khói nghi ngút” (5). Tô Thị Hiên lần lượt chỉ ra các nghi thức thờ cúng người chết, chẳng hạn trong An ấp liệt nữ, Đinh phu nhân được vua chúa sắc phong “tiết liệt” và được lập đền, Giáng Tiên được xây dựng nhiều đền thờ, hương khói nghi ngút quanh năm…

Thần tích là những sự tích về thần thánh được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các tác giả sử dụng thần tích để thần thánh hóa vai trò của thần linh. Trong Văn bản Truyền kỳ tân phả và mối quan hệ với các thần tích, Lê Tùng Lâm đã chỉ ra từng trường hợp cụ thể về thần tích. Chẳng hạn, ở truyện Vân Cát thần nữ, có 4 bản lưu truyền Liễu Hạnh có hai chồng. Có tới 14 bản dựa trên nền truyện Vân Cát thần nữ nhưng đảo lộn thứ tự tình tiết truyện. Bên cạnh đó, có nhiều dị bản cho rằng Liễu Hạnh có tới 5 người chồng, một trong số họ có Lý Công Uẩn...

Những hiện tượng mang tính tín ngưỡng trong Truyền kỳ tân phả

Phải kể đến đầu tiên là hiện tượng chiêm mộng, tức thông qua những giấc mơ để nắm bắt thông tin sự vật, sự việc. Chiêm mộng có nhiều loại, trong đó có thể kể đến như mộng đe dọa, giáo huấn, giải thích cội nguồn, cậy nhờ giúp đỡ, cầu xin, ban tặng… Tô Thị Hiên trong Tín ngưỡng dân gian trong Truyền kỳ tân phả đã chỉ ra chiêm mộng là công cụ chuyển tải thông tin giữa hai thế giới thực - ảo. Hà Sinh trong An Ấp liệt nữ sau khi có những lời khiếm nhã với Đinh phu nhân đã quay về chỗ trọ, lên giường đi ngủ thì “bỗng một cơn gió lạnh thoảng đến, thấy một người con gái mặc áo xanh tiến đến trước mặt nói: Vâng mệnh phu nhân tôi, xin mời tiên sinh quá bộ lại chơi” (6). Việc cho nữ tỳ đến báo mộng cho Hà sinh chứng tỏ giấc mộng có vai trò trung gian trong câu chuyện, là phương tiện chuyển tải ý nguyện, mong muốn của nhân vật.

Song song với chiêm mộng là hiện tượng thác hóa của nhân vật, đó có thể là đầu thai, chuyển kiếp, đày ải… Vân Cát thần nữ, Giáng Tiên trong một lần phạm sai lầm đã bị đày ải xuống nhân gian và kết đôi cùng với Đào Sinh. Sau này khi hoàn thành việc trần, nàng lên lại thiên đình, được phong làm công chúa Liễu Hạnh. Công chúa vì lưu luyến phàm trần nên thường “giả gái đẹp thổi ống tiêu dưới tranh, có khi hóa làm bà già...” (7). Tô Thị Hiên nhận xét: “Đoàn Thị Điểm đã dành sự ưu ái nhân văn khi hầu hết những thần tiên được trần tục hóa đều là những cô gái xinh đẹp, tốt bụng, tài giỏi, họ thác hóa xuống trần gian chính phần thưởng cho những chàng trai có hoàn cành khó khăn, có tình yêu chân thành...” (8). Dùng mộng để lý giải thác hóa là bước chuyển mình quan trọng khi tác giả muốn đề cập một dụng ý cá nhân, qua đó thấy sự tài ba trong cách hành văn của nữ sĩ họ Đoàn.

Tín ngưỡng là một vấn đề lớn, được Đoàn Thị Điểm đề cập hầu như dàn trải qua các trang viết. Từ thờ Mẫu đến các thần linh, liệt nữ, hệ thống quan niệm tín ngưỡng trong tác phẩm đa dạng, phong phú. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu và khai phá dưới nhiều khía cạnh, trong đó văn hóa dân gian, tín ngưỡng tâm linh đặc biệt được chú trọng. Nhiều nghiên cứu ra đời làm sáng tỏ hình tượng các Mẫu, các vị thánh thần và vai trò của tín ngưỡng đối với đời sống con người. Qua đó, người đọc có cái nhìn đa chiều hơn về văn hóa trong Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm.

2. Tiếp nhận dưới góc nhìn tam giáo

Đạo giáo

Đạo giáo du nhập vào Việt Nam và sớm trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống văn hóa của nhân dân. Trong Truyền kỳ tân phả, Đạo giáo chú trọng về mặt tinh thần, luôn hướng con người về thế giới tự do, không ham muốn vật chất. Nguyễn Ngọc Hải Yến cho rằng, con người theo Đạo giáo thường không mưu cầu danh lợi. Họ ham muốn được sống đời đời, lấy tu tiên làm mục đích để không ngừng bồi dưỡng, luyện tập để thỏa khát vọng tiên cảnh. Tô Thị Hiên cũng khẳng định quan niệm này, tác giả bày tỏ những đạo sĩ tu luyện để trở thành thần tiên, “con người chủ trương sống với trăng sao sông nước cây cỏ, luyện thuốc tiên đan cầu trường sinh và tu tiên kéo dài sự sống, thể hiện nhu cầu khát vọng bất tử” (9). Đạo giáo coi thường mọi thế tục phàm trần, mong muốn làm bản thân hạnh phúc, thoải mái và tránh xa mọi vướng bận.

Bên cạnh tu tiên, Đạo gia chủ trương sống với triết lý “vô vi” tức thuận theo tự nhiên:“vô vi không có nghĩa là hoàn toàn không làm gì, mà là hòa nhập với tự nhiên, đừng làm gì trái quy luật tự nhiên” (10). Lão Tử - người sáng lập ra Đạo giáo cho rằng tự nhiên là gốc rễ của vạn vật. Chính thuyết vô vi đã phản kháng lại chính quyền của giai cấp thống trị, củng cố niềm tin cho con người, hướng con người tới tình yêu, hạnh phúc thay vì sống với bản thể “con người chức năng”. Điều này được thể hiện trong Truyền kỳ tân phả qua nhiều hình thức. Trong Bích Câu kỳ ngộ, Trần Tú Uyên gặp Giáng Kiều - một nàng tiên hạ phàm và hai người kết tình phu thê. Tú Uyên nghe vợ học đạo, tu tiên sau đó đắc đạo và bay về trời. “Giáng Kiều trong Bích Câu kỳ ngộ là người phụ nữ tạo nên cuộc gặp gỡ đúng với lý tưởng của đạo tiên”(11). Với mô típ người - tiên, Bích Câu kỳ ngộ đã tái hiện khung cảnh tu tiên và Bích Câu trở thành địa điểm ghi dấu ấn của các tín đồ Đạo giáo. Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Ngọc Hải Yến cho rằng toàn bộ ngôn ngữ truyện mang đậm tư tưởng Đạo giáo, “những lần hóa thân hay giáng trần xuống trần gian của các nhân vật đều nhằm thực hiện một chức năng, nhiệm vụ hay quyền hạn nào đó trong cuộc sống dân gian: Bích Câu thành tiên cai quản phúc họa một phương, Giáng Tiên giáng trần thực hiện thiên mệnh ban phúc giáng họa nơi trần gian, cứu độ con người làm việc lương thiện, Giáng Kiều thực hiện sứ mệnh của người vợ trong gia đình và giúp chồng đèn sách, tu luyện đạo thành tiên…” (12). Có thể nói, Đạo giáo trong Truyền kỳ tân phả thể hiện ở nhiều mặt dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung lại là tư tưởng vô vi, sống hòa mình với tự nhiên, xem tu tiên là đích đến. Nghiên cứu tác phẩm dưới góc nhìn Đạo giáo giúp các nhà nghiên cứu thấy được tầm ảnh hưởng của Đạo gia tới văn chương và đời sống con người Việt Nam.

Nho giáo

Nho giáo là tôn giáo từng chiếm vị trí độc tôn trong đời sống văn hóa Việt Nam. Chính vì điều đó, dấu ấn của tư tưởng Nho giáo đã ảnh hưởng sâu rộng tới quan niệm sống của đại bộ phận người dân. Tác giả Đinh Trần Ngọc Huy bày tỏ rằng, Nho giáo giúp con người nhận ra mình cần hoàn thiện bản thân, sống hướng thiện và theo lễ nghi thứ bậc. Việc phân chia trật tự rõ ràng được áp dụng cho đến sau này trong công việc cai trị đất nước hoặc chỉnh đốn tôn ti trật tự gia đình. Đồng thời, tác giả khẳng định “chính nhờ nho giáo, lực lượng tri thức ngày nay được tạo ra kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của xã hội tiến bộ” (13). Khổng Tử cho ra đời thuyết “chính danh định phận” nhằm mục đích dạy con người ta sống và hành xử đúng với vị trí của mình. Thuyết này được thể hiện dưới 3 cặp quan hệ chủ yếu gọi là tam cương: quan hệ vua tôi, quan hệ cha con, quan hệ vợ chồng. Tức vua phải xứng với vị trí thiên tử, anh minh và thần dũng; thần dân phải trung thành tuyệt đối với vua; làm cha cho đáng nên cha, có uy quyền để con cái có hiếu, biết lo lắng làm tròn bổn phận; làm chồng phải xứng với vị trí gia chủ, để vợ biết “tòng phu”. Hầu hết các nhân vật nữ trong Truyền kỳ tân phả đều sống trọn đạo với chồng, là những người phụ nữ hiền lành, chăm chỉ, đẹp người đẹp nết. Chẳng hạn như Giáng Tiên “thờ cha mẹ chồng rất hiếu, đối với chồng giữ lễ thừa thuận” (14), Giáng Kiều thì “thờ phụng gia tiên rất hiếu, trông nom việc nhà rất chăm” (15), hay Đinh phu nhân “dung nghi nhàn nhã, ăn nói đoạn trang, thêu thùa khâu vá rất lành nghề” (16)... Phạm Văn Hưng với Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại cho rằng dù ở cương vị nào, phụ nữ đều hoàn thành vai trò của mình một cách xuất sắc. Không chỉ ở việc phụ tá chồng, thờ gia đình chồng, họ còn đóng vai trò quan trọng trong các việc trọng đại của đất nước. Trái ngược với Nho giáo chính gốc coi thường phụ nữ, đạo Nho trong văn chương của Đoàn Thị Điểm lại trọng dụng nhân tài, không phân biệt giới tính, nam nữ đều bình đẳng, tự mình đưa ra ý kiến và bày tỏ quan điểm của bản thân.

Tuy Nho giáo có những quan điểm phù hợp với đời sống nhưng lại hạ thấp và coi thường vị trí người phụ nữ. Nếu Truyền kỳ mạn lục với các câu chuyện nói về hình tượng người phụ nữ mềm yếu, đầy đau khổ, bi ai thì tới Truyền kỳ tân phả, những cành liễu mỏng manh ấy lại vùng lên, phản kháng lại tư tưởng nam quyền, xác lập địa vị nữ giới. điều đó cho thấy sự suy tàn của Nho giáo trước những biến động của thời đại.

Ngoài ra, tư tưởng Nho giáo còn được các nhà nghiên cứu đi sâu phân tích qua lối sống ẩn dật, suy nghĩ bó mình, gò ép vào khuôn khổ của Nho sĩ. Tác giả Nguyễn Ngọc Hải Yến cho rằng: “cuộc sống trần thế ẩn chứa nhiều nỗi lo, nhiều phiền muộn, xã hội bộc lộ nhiều tiêu cực, con người trở nên cô đơn, buồn chán, hoài nghi về hạnh phúc trần thế” (17), nho sĩ tự o bế mình trong đống hoang tàn do Nho giáo tạo ra và luôn phân vân về thời cuộc.

Những nghiên cứu về Nho giáo trong Truyền kỳ tân phả cho thấy sự vận động không ngừng của xã hội. Người phụ nữ ngày càng có vai trò, quyền lực và tạo được chỗ đứng cho riêng mình. Nho giáo suy thoái dẫn đến tư tưởng Nam quyền cũng dần bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, không phủ nhận rằng những ảnh hưởng tích cực của Nho gia khiến con người nhìn nhận được những quan điểm tiến bộ Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín

Phật giáo

Đạo Phật lấy Đức Phật làm trung tâm, đi theo hệ tư tưởng riêng biệt gồm năm điều cơ bản: thứ nhất, xem nội tại thế gian là vô thường, con người cũng là một thực thể vô thường trong hỗn độn sự vật, sự việc xung quanh. Thứ hai, Đạo Phật cho rằng, hiện tượng giới là một thể “như như” tương tự đại dương, “do tâm thức phân biệt mà có sai biệt tướng cho mỗi người” (18). Thứ ba, Phật giáo tin vào sự luân hồi, tức tội lỗi kiếp này sẽ phải trả hết ở kiếp sau, nếu phạm nhiều tội thì sẽ phải chịu kiếp nghiệt súc. Thứ tư, kim chỉ nan của Phật giáo là cõi Niết bàn. Thứ năm, phật pháp lấy tu hành làm điều kiện tiên quyết, người tu phật không lập gia đình, không thói tà dâm…

Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam trong Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, Lưu Nguyễn Thảo Nguyên chỉ ra “theo Phật giáo, một trong những nguyên nhân của giấc mơ là so sự tu tĩnh, hành điều thiện...” (19), chính vì vậy Đoàn Thị Điểm “đã dẫn dắt người đọc đến với giấc mơ của Thái Công lên mấy tầng mây gặp vị nương tử bị trích giáng xuống trần, báo trước sự giáng trần của Tiến Chua, ngay trong nhà ông” (20). Giải mã những giấc mơ trên tinh thần Phật giáo đã mang tới một làn gió mới mẻ trong việc nhận thức ngã Phật trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Hải Yến nhìn nhận Phật giáo dưới dạng các di tích lịch sử. Trong tác phẩm, Tú Uyên và Giáng Kiều gặp nhau tại chùa Ngọc Hồ: “Ở đây mến cảnh mến thấy/ Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng trần” (21). Chùa là nơi thờ tự Đức Phật, việc đưa các địa danh chùa chiền và tác phẩm khiến câu chuyện mang âm hưởng Phật giáo sâu sắc.

Có thể nói, phân tích Truyền kỳ tân phả dưới góc nhìn tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật đã mang tới những cảm quan gần gũi không kém phần mới lạ cho người đọc. Các nghiên cứu về ảnh hưởng của Phật giáo trong Truyền kỳ tân phả góp phần giải mã các quan niệm của nhà Phật, thúc đẩy lòng hướng thiện, bài trừ cái ác của con người.

3. Kết luận

Nghiên cứu từ góc nhìn của tín ngưỡng dân gian và Nho - Phật - Đạo có lẽ là một trong những hướng nghiên cứu về Truyền kỳ tân phả có nhiều thành tựu nhất. Các công trình này không chỉ đi sâu tìm hiểu nội dung mà tác giả muốn phản ánh mà còn làm rõ những yếu tố ngoại biên ảnh hưởng, tác động lên tác phẩm. Qua đó, người đọc ít nhiều nhận thấy sự ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo - tín ngưỡng đến thế giới quan của các tác giả trung đại, đồng thời phản ánh mức độ ảnh hưởng của tôn giáo tới đời sống văn hóa của đất nước. Những lớp nghĩa nhiều chiều của tác Truyền kỳ tân phả sẽ còn thu hút giới nghiên cứu đi sâu phân tích và khám phá từ nhiều góc độ khác nhau.

___________________

1. Phạm Thị Phương Hoa, Sự vận động của hình tượng người phụ nữ qua Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả và Lan trì kiến văn lục, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2015, tr.42.

2. Trần Thị Hải Bình, Khảo sát giá trị văn bản Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, tr.11.

3, 14, 15, 16, 21. Đoàn Thị Điểm, Truyền kỳ tân phả, Nxb Giáo dục, 1962, tr.10, 63, 97, 46, 65.

4, 5, 6, 7, 8, 9. Tô Thị Hiên, Tín ngưỡng dân gian trong Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Thái Nguyên, 2020, tr.60, 62, 43, 107, 45, 51.

10, 11, 12, 17. Nguyễn Ngọc Hải Yến, Truyện thơ Nôm Bích Câu kỳ ngộ từ góc nhìn văn hóa, Đại học Thái Nguyên, 2020, tr.50, 50, 65, 52.

13. Đinh Trần Ngọc Huy, Tư tưởng triết học Nho gia và sự ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, 2016, tr.13.

18. Giuse Trần Công Hường, Phật Giáo - Nho Giáo - Lão Giáo: Đôi nét về sự hòa hợp giữa ba truyền thống tư tưởng và sự ảnh hưởng của nó lên nền tảng văn hóa dân tộc Trung Hoa, giaophanthanhhoa.net, 19-3-2018.

19, 20. Lưu Nguyễn Thảo Nguyên, Văn hóa Việt Nam qua Truyền lỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2016, tr.71, 71.

NGUYỄN THÚY PHƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;