Risto Isomäki tìm kiếm cơ hội hợp tác làm phim ở Việt Nam

Nhà văn, nhà hoạt động môi trường, nhà báo Risto Isomäki sinh năm 1961 tại Turku, Phần Lan. Cho đến nay ông đã sáng tác hơn 12 tiểu thuyết và hơn 20 tác phẩm phi hư cấu về môi trường và xã hội. NXB Phụ nữ Việt Nam vừa ấn hành cuốn tiểu thuyết Con Rít của tác giả Risto Isomäki và nhân dịp ra mắt cuốn sách, Risto Isomäki đã sang Việt Nam. Trong buổi giao lưu với độc giả Việt Nam vào ngày 10/12/2023, ông bày tỏ mong muốn nhân dịp này được gặp gỡ các nhà xuất bản để tìm kiếm cơ hội hợp tác với dự án xuất bản 100 cuốn sách khoa học với các chủ đề y tế, giáo dục, môi trường… Ngoài ra, ông còn hy vọng gặp gỡ các nhà làm phim, hãng phim, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Con Rít.

Thưa nhà văn Risto Isomäki, ông có thể chia sẻ đôi chút về tác phẩm Con Rít?

Cuốn sách của tôi có cái tên rất Việt Nam, bởi phần lớn bối cảnh trong tác phẩm đều ở Việt Nam, cụ thể là Vịnh Hạ Long - nơi diễn ra cuôc tìm kiếm một con vật huyền thoại và cuộc vật lộn sinh tồn với cơn bão biển - từ đó đặt ra những vấn đề về biến đổi khí hậu trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tôi và vợ từng nhiều năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bởi vậy cuốn sách với những mô tả về thiên nhiên và con người Việt Nam cũng chính là món quà tri ân của tôi với đất nước xinh đẹp này. 

Hẳn nhiều độc giả sẽ băn khoăn rằng, con Rít là con gì và liệu nó có thật hay không?

Hầu hết các quốc gia khởi thủy và phát triển dọc các miền biển đều có một huyền thoại hoặc thần thoại về một loài sinh vật to lớn, ngoại hình tựa loài rắn, sống ở vùng biển. Loài sinh vật khổng lồ giống rắn này thực chất được thần thánh hóa và là vị thần quan trọng trong cuộc sống của nhiều người dân. Ở khu vực Trung và Nam Mĩ có Quetzalcoatl - vị thần tối quan trọng của người Aztecs, một con rắn khổng lồ sống ở đại dương, cũng tương tự Kukulkan - vị thần quan trọng của người Maya. Ở Ấn Độ và Indonesia có rất nhiều người dân tôn thờ thần Naga với bản thể là con rắn to lớn sống ngoài đại dương như một vị thần lớn của họ. Tập tục tôn thờ này hiện vẫn tiếp diễn ở bang Nagaland, Ấn Độ. Ở Trung Quốc, vị thần chính trấn giữ tất cả các dòng sông lớn là một con rắn biển to lớn. Ở Myanmar nó được gọi với cái tên Nyan. Trong thần thoại châu Âu và Bắc Mĩ, nó còn được biết đến với những cái tên như Hải Xà (Sea serpent) hay Mã Ngư (meerhorse). Ở Việt Nam, loài sinh vật biển huyền thoại này có tên nôm na là “Con Rít”.

Nhà văn, nhà hoạt động môi trường, nhà báo Risto Isomäki tại buổi giao lưu ra mắt sách Con Rít

Trong cuốn tiểu thuyết của mình, tôi dụng ý dùng tên tiếng Việt cho loài sinh vật và đặt bối cảnh truyện ở Việt Nam, bởi cái tên tiếng Việt đưa tới ấn tượng mô tả sát nhất và chính xác nhất, giữa hàng trăm cái tên đến từ nhiều quốc gia, nền văn hóa, văn minh khác cho cùng một loại sinh vật. Tôi từng nói điều này trước đây, ở đâu đó, rằng tôi thấy khá thuyết phục với nhận định loài sinh vật này thực sự tồn tại. Con Rít - hay Naga, Nyan, Hải Xà, Quetzalcoatl… - được khắc họa theo cách giống nhau đến mức đáng kinh ngạc trong các hình điêu khắc, đẽo đá, tranh vẽ cổ xưa ở nhiều khu vực, lãnh thổ khác nhau khắp thế giới.

Chúng ta đều biết cư dân ở Trung và Nam Mĩ, châu Á và châu Âu không giao thiệp với nhau (nhiều) trước thời kì thuộc địa châu Âu. Điều này có nghĩa các nét tương đồng về giải phẫu học trong các điêu khắc và hội họa cổ xưa về rắn hay rết biển không thể là sản phẩm của vay mượn văn hóa. Cách lí giải hợp lí duy nhất ở đây là loài sinh vật thần thoại ấy thực sự từng cư ngụ ở biển khơi và đại dương - và vẫn còn sống ở đó. Bởi vậy, cuốn tiểu thuyết cũng chính là hành trình tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu con Rít có thực sự đã và đang tồn tại hay không.

Ông viết cuốn sách này dựa theo các tư liệu tham khảo hay để cho trí tưởng tượng bay bổng?

Con Rít là tiểu thuyết, song tôi đã thu thập rất nhiều thông tin, thư tịch cổ xưa liên quan đến Con Rít khi viết cuốn sách này: lời kể được ghi lại của người xưa từng trực tiếp nhìn thấy sinh vật này, ghi chép trong sử kí cổ đại Trung Quốc, rất nhiều luật lệ cổ của người Miến Điện nêu rõ người chăn gia súc sẽ không bị buộc tội nếu bò bị Nyan ăn mất, bút ký từ hải hải trình của những tàu chiến châu Âu trong suốt thời kì thuộc địa…

Vì sao ông lại mong muốn được các nhà làm phim Việt Nam chuyển thể cuốn tiểu thuyết này thành phim điện ảnh hoặc phim truyền hình ngắn tập?

Con Rít được xuất bản lần đầu vào năm 2011 ở Phần Lan. Năm 2019, ngay trước đại dịch COVID-19, Hãng phim Phần Lan Snapper Films đã liên hệ với tôi và trao đổi về việc làm một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Con Rít cùng với một nhà đồng sản xuất người Bỉ. Tôi đã kí một thỏa thuận dự kiến về bộ phim với hãng phim Snapper Films nhưng rồi đại dịch bùng phát và thỏa thuận tới giờ cũng đã hết hiệu lực.

Nhưng cách đây ít lâu, Hãng phim Snapper Film liên hệ lại với tôi và nói họ muốn dò xét khả năng tái khởi động dự án. Vài tháng sau đó, đại diện của một công ty sản xuất các phim truyền hình dài tập và phim điện ảnh Phần Lan khác (Matila-Röhr/Reelmedia) cũng liên hệ tôi và nói họ khá hứng thú với tiểu thuyết Con Rít.

Tác giả Risto Isomäki và dịch giả Bùi Việt Hoa giao lưu với độc giả trong buổi ra mắt sách Con Rít

Tuy vậy, cả hai công ty đều nhấn mạnh họ không quen thuộc với thị trường điện ảnh Việt Nam, không có liên hệ của bất cứ tổ chức, đơn vị nào liên quan phim ảnh và cũng không rõ tìm kiếm một đối tác sản xuất khó hay dễ. Và đây rõ ràng là điều thực sự cốt yếu cho dự án này: bạn không thể làm một bộ phim điện ảnh, phim truyền hình dài tập dựa trên tiểu thuyết Con Rít nếu không quay hầu hết các cảnh trên hay dưới nước ở Việt Nam. Phần lớn mạch truyện diễn ra ở Việt Nam, Hà Nội, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và trên biển khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.

Điều quan trọng hơn cả, đại diện của cả Snapper Film và MPR đều khẳng định dự án sẽ tiến hành thuận lợi hơn nếu có một bên đối tác Việt Nam chuyên nghiệp, có tiềm lực mạnh hứng thú và cùng cộng tác.

Vậy theo ông, để thực hiện dự án phim này có những thuận lợi và khó khăn gì?

Tôi nghĩ ở nhiều quốc gia, có rất nhiều người thích thú với các loài sinh vật biển thần thoại và có thật, cũng như có nhiều người thích thú với câu chuyện trong Con Rít. Vì thần thoại về sinh vật khổng lồ giống rắn ở biển là điểm chung của nhiều cư dân trên khắp thế giới, nên việc sản xuất một series truyền hình ngắn tập hay một phim điện ảnh về đề tài này là hoàn toàn có thể, chưa kể nó sẽ hấp dẫn hàng triệu con người ở nhiều khu vực, lãnh thổ khác nhau trên toàn thế giới. Nếu dự án này thành công, nó sẽ có lợi cho Việt Nam khi loài sinh vật đặc trưng trong văn hóa bản địa của các bạn được biết đến toàn cầu với cái tên tiếng Việt nguyên bản của nó.

Buổi ra mắt tác phẩm Con Rít tại Phố Sách Hà Nội thu hút nhiều độc giả tham dự

Khó khăn lớn nhất hiện giờ là tìm kiếm một dạng thức sản xuất phim hấp dẫn người xem cả ở Việt Nam và các nước lân cận, hay thậm chí là châu Âu. Đây thực sự là một thách thức, nhưng thực tế mà nói, chủ đề của Con Rít lại khiến điều này khả dĩ hơn cả. Tôi khẳng định điều này bởi lẽ tôi nghĩ chủ đề chính của truyện có lẽ ít nhiều hàm chứa tính khơi gợi và lôi cuốn toàn cầu với vô số những con người khác nhau nhưng cùng có chung một thần thoại.

Ông mong muốn bộ phim này được thực hiện ở Việt Nam là bởi câu chuyện xảy ra ở Vịnh Hạ Long?

Như tôi đã nói, câu chuyện lấy bối cảnh chủ yếu ở Việt Nam. Điều này đúng, nhưng câu chuyện khởi phát từ quần đảo ở Hà Lan, rồi chuyển dịch qua Helsinki và Hà Nội, rồi tới quần đảo ở Việt Nam. Vì quần đảo ở cả Phần Lan và Việt Nam đều thuộc nhóm các quần đảo kì vĩ nhất thế giới, nên tôi nghĩ một series phim truyền hình ngắn tập hoặc một phim điện ảnh nhắm tới công chúng quốc tế sẽ là một sự quảng bá tuyệt vời cho ngành công nghiệp du lịch của cả Việt Nam và Phần Lan.

Các quần đảo của Việt Nam vẫn có phong cảnh đẹp hơn nhiều các quần đảo Phần Lan, song quần đảo ở Phần Lan vẫn có sức hấp dẫn riêng, vì có khoảng 200.000 hòn đảo, hầu hết đều có diện tích rất nhỏ và không có người ở. Các hòn đảo bên ngoài quần đảo Phần Lan (gần như) không có cây cối, chúng chỉ có đá bị băng bao phủ trong suốt kỉ băng hà và sau đó là nước (sóng và mưa) nên bề mặt đá thường mịn như giấy. Tôi nghĩ sự tương tác giữa các quần đảo cực kì tuyệt vời nhưng rất khác nhau này nên là một trong những chủ đề của phim điện ảnh/phim truyền hình dài tập. 

Xin cảm ơn ông và chúc ông sớm toại nguyện! 

NGUYỄN KIM DUNG (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;