Bóng rối - mới mẻ và hấp dẫn

Bóng rối sau hai đêm diễn được đánh giá cao, nhất là được các bạn trẻ thích thú… là thành quả tốt đẹp đối với ê kip sáng tạo vở. Từ tác giả kịch bản cho tới đạo diễn, tập thể nghệ sĩ đều khá hồi hộp bởi đây là vở diễn giàu tính thách thức, không đi theo cách trình diễn, cảm thụ thông thường.

Vở kịch có sự kết hợp của các hiệu ứng từ rối và bóng

Lâu lắm mới có một vở diễn đi vào đề tài tâm lý xã hội, đi sâu khai thác tình yêu đồng tính theo một cách rất khác biệt đã được đánh giá là rất thành công. Tác giả kịch bản văn học là nhà văn Vũ Hoàng Hoa từng có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài và kịch bản Bóng rối vinh dự đứng thứ hai trong số những kịch bản lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Patrick White 2023 dành cho kịch bản do Nhà hát Kịch Sydney (Australia) tổ chức hằng năm. Theo tác giả, hội đồng chuyên môn của nhà hát đánh giá rất cao về chất lượng văn học của kịch bản này. 

Dù kịch bản đã được “đóng dấu” về chất lượng nhưng thuộc loại rất khó dựng bởi không tuân theo cấu trúc hay nghiêm luật truyền thống của thể loại kịch. Kịch bản khá phức tạp khi có đến 26 cảnh, cốt truyện được trình bày theo cách đảo lộn, phá vỡ trình tự về không gian, thời gian để tạo ra những khoảng không gian, thời gian tâm lý, mọi mâu thuẫn và xung đột ẩn chìm sâu bên trong các mối quan hệ, trong nội tâm nhân vật. Thông qua câu chuyện về cuộc sống của một gia đình ba thế hệ sống không hạnh phúc vì những người đàn ông đều là người đồng tính, mọi người thiếu tương tác, hiểu nhầm, giận dỗi và thậm chí căm hận nhau… tác giả gợi mở thông điệp giàu tính nhân văn: con người cần mạnh dạn hướng tới hạnh phúc đích thực, khát vọng đích thực. Họ cần dũng cảm để vượt qua cách nhìn định kiến của người đời nếu không muốn sống như những chiếc bóng rối, sống thẫn thờ dưới sự bình lặng, yên ổn mà thực chất là chết lặng, không có ước mơ, không có sự sống như những con rối vô tri. 

Bóng rối sở hữu lối dẫn đặc sắc mang hơi thở đương đại, phá vỡ quy tắc kịch truyền thống

Như cái tên tiếng Anh của vở kịch là Shaddow of the Puppets (Bóng của những con rối), vở diễn là những tầng tầng lớp lớp màn che, là biểu hiện của mỗi người cố gắng sao cho đúng với cái gọi là chuẩn mực của xã hội, của người đời. Cả đêm diễn, người xem thấy tò mò, căng thẳng, trông ngóng để cùng nhân vật tìm hiểu về cái gọi là sự thật bị ẩn đi đằng sau không biết bao nhiêu lớp màn che được vật chất hóa trên sân khấu bằng đủ chất liệu, màu sắc. Người xem bị cuốn hút, bị đánh lừa khi tự liên tưởng tới cái sự thật nào đó to lớn lắm, vĩ đại lắm để rồi thấy rõ, đằng sau những con rối, những cái bóng vật vờ đó… chính là khát vọng được sống thật, được là chính mình, được giải thoát khỏi những trói buộc tự mang, tự áp đặt theo chuẩn mực xã hội. Mô típ về khát vọng của những người đồng tính đã từng được văn học nghệ thuật khai thác khá nhiều, sân khấu cũng từng có những vở diễn về mô típ này. Bóng rối viết về những con người mà xã hội thường dè bỉu là “bóng”, là pê đê… vì vậy, sự thật nội tâm ấy bị các nhân vật đè nén, dấu kín đi. Chính vì vậy, khi bóc trần từng lớp ẩn dấu đó, vạch vòi để tìm kiếm sự thật ẩn dấu tận sâu thẳm, không dễ đụng tới trong nội tâm con người, không thể không có đau đớn, bi thương. Tác giả kịch bản đã gặp được tri âm là đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh để kết quả là vở diễn Bóng rối với cách thể hiện rất tuyệt vời, rất xứng đáng để được gọi là sự sáng tạo mới mẻ đầy tính thách đố của sân khấu hiện đại. Rất nhiều thủ pháp sân khấu đã được đạo diễn đưa vào cùng với những ánh sáng, âm thanh… ngôn ngữ cơ thể, ngôn từ đối thoại rất đời mà vẫn chắt lọc, rất văn chương. 

Đằng sau nhiều tấm màn đủ chất liệu, màu sắc được chăng ngang sân khấu là những con rối, chủ đề ẩn mà hiện của vở. Ba con rối được đặt ở đó, nhưng đã trở thành “nhân vật”, không chỉ là đạo cụ mà cùng tham gia vào diễn xuất của mỗi diễn viên, nhập vào câu chuyện để cùng kể một cách thú vị, độc đáo. Ý tưởng sử dụng các con rối như đạo diễn chia sẻ xuất phát từ chính cái tên của kịch bản. Anh đánh giá, kịch bản thiên về ý niệm và được viết theo cách phi lý nhưng hay nhất là, cái tưởng là phi lý lại rất có lý. Anh cho biết, mình quan tâm đến phản ứng giữa sự khát khao của con người với thế giới của những con rối vô tri và kết quả của cuộc xung đột nội tại có thể dẫn đến “khủng hoảng hiện sinh”, khi đó sự lo lắng hoặc trầm cảm có thể thúc đẩy những người gặp khủng hoảng buộc phải tìm cách giải quyết. Anh thích dàn dựng kịch theo lối ẩn dụ và mang tính biểu tượng để gợi cho khán giả sự tưởng tượng, liên tưởng thú vị và đó cũng chính là đặc trưng của sân khấu. Đạo diễn tận dụng mọi hình thức, kết hợp các thủ pháp của kịch phi lý, kịch hình thể và rối mặt nạ, rối người để thể hiện những nhân vật khá phức tạp ở ba thế hệ trong gia đình. 

NSND Lan Hương vai bà ngoại và NSND Việt Thắng vai Dượng Hó

Các nhân vật liên tục bóc trần những tấm màn này rồi cũng chính họ lại tự tay kéo kín lại để tiếp tục che dấu sự thật, che dấu khát vọng hạnh phúc đích thực một cách cay đắng và bất lực. Dàn diễn viên tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh nội tại, sức diễn xứng đáng với cái tên của nhà hát kịch hàng đầu Việt Nam. Xem vở diễn, những xung đột, mâu thuẫn, áp lực… được các diễn viên như: Khuất Quỳnh Hoa, Thế Nguyên, Nguyễn Vũ, La Thiên, Thanh Hường, Nguyễn Minh Thu, Đạt Nguyễn, Nguyễn Thanh Thủy cùng những NSND như Nguyễn Việt Thắng, Lan Hương… thể hiện một cách trọn vẹn, khiến khán giả tâm phục khẩu phục. Riêng với diễn viên Khuất Quỳnh Hoa, chị đã có được vai diễn xuất sắc nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp của mình. 

Cách diễn tả cùng với âm nhạc rất thích hợp, tạo được không khí tốt cho cảm nhận của người xem. Nghệ thuật tổng hợp của sân khấu đã phát huy thế mạnh của ánh sáng, âm thanh, tiếng động, âm nhạc…, hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất khiến vở diễn thật sự hấp dẫn. Không chỉ vậy, người ta cũng vui mừng vì thông điệp vở diễn được mọi người tiếp nhận rõ ràng, kể cả các bạn còn rất trẻ: mọi người hãy sống thật nhất với chính mình để không làm khổ mình, làm những người thân liên quan cũng vô cùng đau khổ. 

Diễn viên La Thiên vai Kiên (lớn) với cuộc chiến “được sống là chính mình”, đây cũng chính là thông điệp của vở kịch Bóng rối

NSƯT Tạ Tuấn Minh đã thành công với vở diễn Người tốt nhà số 5 (kịch bản Lưu Quang Vũ), từng giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022 và vở kịch Bóng rối đã thực sự tạo được dấu ấn đạo diễn với sự tâm huyết, sáng tạo và không e ngại những kịch bản khó. Anh cho biết, vẫn háo hức chờ đón những kịch bản về đề tài hiện đại, về cuộc sống rất sôi động, nhiều vấn đề cần được luận bàn, giải quyết từ xã hội ngày hôm nay. 

Bóng rối đã thu hút được khán giả từ đầu cho tới kết thúc, đặc biệt là đã dành được sự yêu thích của khán giả trẻ tuổi. Có được những thành công từ hai đêm diễn đầu tiên, rất hy vọng sẽ tạo đà cho những tác phẩm thực sự mới mẻ như thế, để sân khấu kéo được khán giả trở lại với thánh đường nghệ thuật, phát huy vai trò của một hình thức nghệ thuật đã có hàng ngàn năm tuổi.

QUỲNH ANH - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 553, tháng 11-2023

;