Sáng nay 13-8, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học (Viện Nghiên cứu Việt Nam học - thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) đã chính thức ra mắt. Tới dự có đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà báo…
Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học có chức năng: liên kết và hợp tác để nghiên cứu các vấn đề Việt Nam học, thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ, tư vấn, phản biện, giám định các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực Việt Nam học; đi sâu nghiên cứu các chuyên ngành: Ngôn ngữ học, Hán Nôm, Văn học, Sử học, Văn hóa học…; kết hợp với với các cơ quan truyền thông, báo chí để quảng bá và kết nối Việt Nam học với các lĩnh vực nghiên cứu khác ở trong và ngoài nước…
PGS, TS Phạm Văn Tình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học phát biểu tại buổi lễ
Theo Quyết định được công bố, PGS TS Phạm Văn Tình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học; Cố vấn Cao cấp là GS TS Đinh Văn Đức. Hội đồng Khoa học của Trung tâm Việt Nam học, gồm 19 vị, trong đó, Chủ tịch là GS TS Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch: PGS TS Phạm Văn Tình; các ủy viên gồm nhiều tên tuổi quen thuộc như: PGS TS Nguyễn Thế Kỷ, PGS TS Nguyễn Văn Huy, nhà thơ Trần Đăng Khoa, PGS TS Nguyễn Hồng Cổn…
PGS, TS Phạm Văn Tình cho biết: “Ngành Việt Nam học xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng những năm 2001-2002 (được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tuy là một chuyên ngành mới mẻ, nhưng Việt Nam học đang đi những bước cơ bản, vững chắc, thu hút được nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực tham gia. Cho đến nay, ngành Việt Nam học đã có mặt tại 80 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Ngành Việt Nam học có sứ mạng cao cả trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, làm cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Ngành sẽ góp phần quan trọng trong quá trình hội nhập và hòa nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”.
Tin, ảnh: PV