Lấy ý kiến góp ý xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim

Ngày 5-8, tại TP.HCM, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và chủ trì hội nghị; cùng dự có: Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Quốc hội  thông qua vào ngày 15-6-2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.  Nghị định và 5 thông tư hướng dẫn thi hành sẽ được Bộ VHTTDL trình Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa văn bản luật. Trong đó, Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim là quan trọng nhất đối với cả nhà quản lý, giới làm phim lẫn khán giả.

Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị - Hội thảo lần này với mong muốn lắng nghe những góp ý, đề xuất giải pháp của các nhà làm phim, các nhà quản lý về 4 nội dung: Phổ biến các mức phân loại phim theo quy định tại điều 32 phân loại phim của Luật Điện ảnh (sửa đổi) số 05/2022/QH15; Các nội dung cần đánh giá khi phân loại; Thực hiện cảnh báo và mức phân loại phim; Các phụ lục quy định chi tiết các tiêu chí về phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi… nhằm hoàn thiện Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim trình Chính phủ vào tháng 11-2022, áp dụng cho cả phim chiếu rạp, phim truyền hình và phim phát hành trên không gian mạng. 

Dự thảo Thông tư gồm 6 điều và phụ lục đi kèm về tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi. So với trước đây, điểm mới của Dự thảo Thông tư lần này là bảng phân loại phim theo độ tuổi đã được tăng từ 4 lên 5 loại, bao gồm: P- phổ biến với mọi độ tuổi, T13 - phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên, T16 - phổ biến đến người xem từ 16 tuổi trở lên, T18 - phổ biến đến người xem từ 18 tuổi trở lên, K - phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha mẹ hoặc người giám hộ. Với mức K, đây là lần đầu tiên văn bản luật của Việt Nam đề cập đến trách nhiệm của cha mẹ trong việc xem phim cùng con và hướng dẫn con.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Giám đốc Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân (Galaxy), nhận xét: “Thông tư này cởi mở, rõ ràng hơn, bổ sung mức K - tương đương mức PG13 trên thế giới, tạo điều kiện cho khán giả nhỏ tuổi tiếp cận phim ảnh Việt Nam và quốc tế”. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá cao việc có thêm mức phân loại này: “Đây là bước tiến của Luật vì đặt trách nhiệm cho phụ huynh thay vì Hội đồng duyệt như trước đây”.

Đông đảo nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà phát hành… tham dự Hội nghị

Tuy nhiên, có khá nhiều thắc mắc, góp ý đến từ nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà phát hành liên quan đến tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo, dán nhãn hiển thị… Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM góp ý: cần làm rõ về yêu cầu “không có cảnh khỏa thân” với phim dán nhãn P (phổ biến với mọi độ tuổi). Ông Nguyễn Hoàng Hải - đại diện CGV CJ Việt Nam nêu ý kiến: Dự thảo Thông tư tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi dùng các cụm từ "thường xuyên", "kéo dài"… Cần nêu rõ bao nhiêu lần là thường xuyên, bao lâu là kéo dài”. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc góp ý: văn bản này vẫn còn định tính, thiếu sự định lượng, đặc biệt với 2 mức phân loại là T16 và T18. Cụm từ “không thường xuyên diễn ra” hay “có thời lượng kéo dài” khi thông tư nói về các cảnh bạo lực, tình dục, khỏa thân, ma túy, kinh dị... nên được cụ thể hóa thành bao nhiêu phần trăm thời lượng phim hoặc số phút. Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM bày tỏ ý kiến ở góc độ đơn vị quản lý, cấp phép phổ biến phim: “Nếu không có quy định thời lượng, rất khó cho công tác cấp phép”.

Theo Tiến sĩ Phan Bích Hà - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM: Tiêu chí phân biệt cảnh nóng “nghệ thuật hay chân thực, thô thiển” còn quá trừu tượng… Trong quá trình giảng dạy cho các sinh viên trẻ mới mười tám đôi mươi, cần có một hệ quy chiếu rõ ràng, chi tiết dựa trên Luật Điện ảnh để thuyết phục và giảng giải cho các em trong quá trình thực hành làm phim… Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long ngỏ ý: Mong muốn tựa phim cần được đặt phù hợp với mức độ phổ biến phim. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đề xuất: ngoài việc dán nhãn phân loại, cần có vài dòng mô tả ngắn gọn lý do dán nhãn như cách hiện nay trên HBO, Netflix làm và Cục Điện ảnh nên ra một bộ logo, dán nhãn cảnh báo thống nhất…

Bế mạc Hội nghị, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh và ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cùng khẳng định, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và tiếp tục điều chỉnh Thông tư sao cho minh bạch, càng chi tiết càng tốt và dễ thực hiện nhằm tạo đà cho sự phát triển của điện ảnh Việt.  Thông tư này sẽ vẫn tiếp tục được lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các nhà quản lý, giới chuyên môn, giới nghệ sĩ…

XUÂN HƯỚNG

;