Tiếp sau phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, ngày 4-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 2 - lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (TTTT).
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề gồm: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác; xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, VHTTDL; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia phiên chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phát biểu tại phiên chất vấn, thay mặt toàn ngành TTTT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, hỗ trợ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để giúp cho toàn ngành có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt, hôm nay được phép trực tiếp lắng nghe, trao đổi với các vị đại biểu Quốc hội về ba nhóm vấn đề lớn của ngành.
Một là việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia. Hai là việc tiếp nhận, tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Ba là việc quản lý các thuê bao đầu số của nhà mạng công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử. Việc thu thập mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân...
Theo Bộ trưởng, đa số các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đều liên quan tới công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số, toàn dân và toàn diện mà gọi là chuyển đổi số. Phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số. Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau. Nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên chất vấn
Bộ TTTT nhận thức sâu sắc vấn đề này nên đã có nhiều cố gắng trong những năm qua. Tuy nhiên, có những việc đã làm được nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những nhức nhối của xã hội, những vấn đề mới phát sinh; đồng thời luôn coi những tồn tại này là động lực để thúc đẩy ngành phát triển.
Các vấn đề, các vị đại biểu Quốc hội sẽ nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau sẽ giúp Bộ TTTT nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành, về vấn đề, những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của Bộ cũng như hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới để tất cả chúng ta chung tay làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển bền vững, góp phần cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) chất vấn Bộ trưởng về các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề phòng chống tin giả, tin xấu, độc trên mạng
Nhiều giải pháp xử lý vi phạm trên không gian mạng
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nêu vấn đề: Thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao như: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng, đá gà, đánh bạc qua mạng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Các biện pháp của Bộ TTTT như thế nào để giải quyết vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp: Đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước và gần đây thì rất nhiều lừa đảo sử dụng các phương tiện thông tin, trong đó có số điện thoại và thông qua các trang web. Thời gian vừa qua, việc đầu tiên mà Bộ Thông tin và Truyền thông làm là hoàn thiện các văn bản, thể chế đã ban hành, trong đó định nghĩa rõ các hành vi và quy định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển cho công an xử lý hình sự. Một trong những việc chúng tôi rất quan tâm là xử lý một cách căn bản, việc đầu tiên là Bộ TTTT đã công khai các đầu số điện thoại, cụ thể là 156 các trang web để tiếp nhận các phản ánh của người dân về các hoạt động vi phạm.
Về phát triển công cụ công nghệ, chúng ta coi khoa học, công nghệ là lực lượng sản xuất cơ bản thì trong quản lý không gian mạng, chúng ta cũng coi công nghệ số là lực lượng thực thi. Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà quét và ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo và nếu như không ngăn chặn 1.700 trang web này thì sẽ có 3,1 triệu người truy cập vào các trang web này, tập trung vào các trang web lừa đảo và xác suất bị lừa đảo rất lớn.
Về số điện thoại, Bộ TTTT đang tập trung vào việc xử lý SIM rác. SIM rác chính là một trong những phương tiện để thực thi các hoạt động lừa đảo.
Về SIM rác, chúng tôi có 3 công đoạn lớn: Một là, tất cả các thuê bao không có đầy đủ thông tin là xóa khỏi hệ thống. Năm 2018 là chúng ta còn 22 triệu số thuê bao không có thông tin đầy đủ và đến năm 2022, chúng ta đã cương quyết và hiện nay thì không còn; Hai là, thông tin đấy có chính xác không? Hiện nay chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đang thực hiện việc đối soát, đã được khoảng 1/4 và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là cơ bản trong năm nay, cùng lắm là đến đầu năm 2023 phải xong, tức là dữ liệu đấy được chính xác; Ba là, một người đăng ký nhiều SIM, gọi là SIM không chính chủ, đến vấn đề thứ ba là xử lý sim chính chủ. Xử lý xong vấn đề này, sẽ ngăn chặn được một cách rất đáng kể chuyện dùng số điện thoại để lừa đảo, cuộc gọi rác không liên quan.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu
Câu hỏi thứ hai là vấn đề tin giả trên không gian mạng lan truyền rất nhanh. Nếu chúng ta xử lý chậm thì đã lan truyền rất rộng. Vừa qua, chúng ta đã sửa các nghị định nâng tầm xử lý tin giả từ mức thông tư lên mức nghị định. Trong nghị định này quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan. Thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu, độc từ 48 tiếng xuống 24 tiếng, có những thông tin đặc biệt trong 3 giờ.
Mức phạt, hiện nay phạt về đưa thông tin giả đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực thì hiện nay, mức phạt của chúng ta cũng chỉ bằng khoảng 1/10, đó là so với các nước ASEAN. Bộ TTTT sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc để đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất cũng ngang với trung bình của các nước trong khu vực.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn về việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội diễn ra tình trạng "báo hóa" hiện nay
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) có hai câu hỏi gửi đến Bộ trưởng: về vấn đề ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng; và việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội được “báo hóa” hiện nay diễn ra như thế nào và tại sao lại khó khăn như vậy?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp: Việc ngăn chặn thông tin xấu, độc ở Việt Nam thực sự là một việc khó khăn, lực lượng thì mỏng, trong khi đó một người Việt Nam hiện nay có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau, đây là một con số cao.
Chúng tôi nghĩ giải pháp căn bản bây giờ, thế giới thực ra sao thì lên không gian mạng như vậy, ai quản lý cái gì trên thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó, tức là tất cả chúng ta phải vào cuộc. Các bộ, ngành thì quản lý lĩnh vực mình trên không gian mạng. Các địa phương cũng quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Sau đấy đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, thậm chí đến mức tế bào xã hội là gia đình, quản lý con cái trong đời thực thì cũng quản lý con cái trên không gian mạng. Chỉ như vậy, toàn bộ xã hội vào cuộc thì chúng ta mới có thể giải quyết được căn cơ những vấn đề trên không gian mạng. Bộ TTTT, Bộ Công an hiện nay đang là 2 lực lượng chính làm không xuể.
Trả lời câu hỏi thứ hai về vấn đề xử lý báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin, Bộ trưởng Bộ TTTT đưa ra giải pháp theo Bộ trưởng là rất mới, cũng hiệu quả, là chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một trang thông tin báo hóa, thế nào là một tạp chí báo hóa để cho toàn bộ xã hội biết, để cho tất cả chúng ta chung tay, thay vì chỉ một mình Bộ TTTT thì hiện nay toàn dân có thể giám sát thế nào là một trang thông tin, thế nào là một tạp chí báo hóa. Chúng ta đã công khai việc này trên 3 tháng rồi. Có một cái may là trong số 650 tạp chí thì những tạp chí đến giờ phút này có dấu hiệu do Bộ TTTT phát hiện khoảng 30, không phải số lớn. Chúng ta đã cấp ra gần 2.000 giấy phép về trang thông tin điện tử tổng hợp, dấu hiệu của các trang tin có dấu hiệu số hóa cũng tầm đó. Năm nay là năm Đảng, Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt về việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin. Vừa qua chúng tôi đã làm một đợt tổng thanh tra, kiểm tra và đến cuối năm này cơ bản xong cuộc tổng thanh tra đó, đã xử phạt, đã nhắc nhở, đã yêu cầu và chúng tôi có một niềm tin rằng vào năm 2023 thì vấn đề báo hóa trang tin và tạp chí sẽ được giải quyết căn cơ.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp thúc đẩy xây dựng nền tảng số, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam
Đẩy nhanh chuyển đổi số: cơ bản 52 nền tảng số đã đưa vào vận hành
Với câu hỏi của đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về thời gian tới, Bộ trưởng sẽ có những giải pháp gì thúc đẩy xây dựng nền tảng số để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chúng ta đã xác định trong chiến lược nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nhân đây, tôi xin nói thêm về nền tảng số hiện nay. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, dữ liệu bị thu thập. Dữ liệu số được gọi tài nguyên như hiện nay, cho nên Bộ TTTT đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số. Năm 2022, chúng ta đã công bố ở mức quốc gia 52 nền tảng số phải xây dựng xong, phải đưa vào hoạt động khai thác. Đây là các nền tảng số dùng chung quốc gia. Đến giờ phút này cơ bản đã xong 52 nền tảng số này và đưa vào vận hành.
Có một tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam, con số này đang tăng lên. Bây giờ giải pháp đột phá tiếp theo là gì? Tôi nghĩ thế này, có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại. Người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Chúng ta đã chọn cách này, bằng cách công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia. Các bài toán này cả mức trung ương và cả mức các địa phương. Bộ TTTT đã có một trang web để công bố các bài toán cần lời giải, bài toán chuyển đổi số Việt Nam và cũng có một trang web chuyên về các giải pháp số để giải quyết các bài toán số Việt Nam, mỗi một năm chúng ta tổ chức công bố, đánh giá, trao thưởng, gọi là Viet Solutions, đã được 2 năm rồi.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề nghị đưa ra giải pháp xây dựng văn hóa mạng
"Là một môi trường sống mới thì chắc chắn là chúng ta phải có văn hóa số"
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Quảng Bình: Quan tâm đến vấn đề văn hóa trên không gian mạng có tác động cả tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên nhìn từ góc độ giáo dục thì tác động nguy hại có chiều hướng ngày càng gia tăng, len lỏi vào nhà trường gây ra lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có quan tâm đến vấn đề này không, giải pháp xây dựng văn hóa mạng - giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai để giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga có nói về tác hại của không gian mạng liên quan đến giáo dục, nhất là trẻ em. Đây đúng là một câu chuyện nhức nhối. Có một việc là rất nhiều người nghĩ rằng không gian mạng là vô danh, là ảo, mình lên đấy thì không ai biết mình là ai cả, cho nên phát ngôn và làm các thứ cũng thiếu trách nhiệm.
Bộ trưởng đưa ra biện pháp, Nghị định 72 đã sửa là mọi người phải định danh, điều này luật cũng quy định rồi, các chủ mạng xã hội khi người dân đăng ký thì phải xác thực để khi cơ quan điều tra yêu cầu là phải cung cấp được danh tính của người đó. Tôi nghĩ đây là một trong những giải pháp rất mạnh mẽ để cho mọi người có trách nhiệm hơn.
Về vấn đề xây dựng văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, nó là một môi trường sống mới thì chắc chắn là chúng ta phải có văn hóa số, ở đây nhiều thứ rất khác, trong đời thực mình nói một câu rất to thì cũng chỉ mấy người đứng xung quanh mình nghe thấy, những nếu viết một tin là 1 triệu người nhìn thấy. Từng bước xây dựng văn hóa số thì đầu tiên là xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số, Bộ TTTT đã ban bố một bộ quy tắc mẫu để hy vọng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức căn cứ vào quy tắc mẫu để ban hành quy chế ứng xử mô hình số cho mình. Sang năm, chắc là Bộ sẽ phải đánh giá sơ kết việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử và bộ mẫu này. Tôi nghĩ rằng căn cơ thì nên đi 2 chân, một bên là dùng luật pháp, mình gọi là pháp trị, một bên là đức trị liên quan đến văn hóa giáo dục…
Trước khi kết thúc trả lời, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã trân trọng cảm ơn 45 lượt đại biểu đã trực tiếp hỏi và tranh luận, các đại biểu chưa có điều kiện chất vấn trực tiếp thì xin gửi câu hỏi về Bộ TTTT để trả lời bằng văn bản. Các câu hỏi ngày hôm nay rất đa dạng, trách nhiệm và đặc biệt đã mở ra nhiều cách tiếp cận mới, cách làm mới giúp cho ngành TTTT phát triển. Trong quá trình trả lời, có một số quan điểm quản lý xin phép được nhấn mạnh.
Một là ngành nào quản lý gì trong thế giới thực thì lên không gian mạng quản lý cái đó; Thứ hai, dữ liệu cá nhân là tài sản của cá nhân, tài sản quan trọng của cá nhân, mỗi người phải biết tự bảo vệ; Thứ ba, nền tảng số Việt Nam là lời giải căn bản cho chuyển đổi số Việt Nam; Thứ tư, hỗ trợ bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi có sóng, có thiết bị để tiếp cận được thông tin; Thứ năm, đại học số là lời giải nhân lực số Việt Nam; Thứ sáu, để phát triển không gian mạng lành mạnh, an toàn thì vừa hoàn thiện thể chế, vừa xây dựng văn hóa số; Thứ bảy, chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, hạ tầng số thì cũng quan trọng như hạ tầng khác, thí dụ như hạ tầng giao thông. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng số rộng khắp và hiện đại; Cuối cùng, năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số, tập trung giải quyết các vấn đề dữ liệu số, nâng cao nhận thức.
"Bộ trưởng đã nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn với tinh thần cầu thị"
Khép lại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu một số vấn đề:
Lĩnh vực TTTT có vai trò rất quan trọng trong đời sống công nghệ thông tin, đã góp phần cải cách hành chính, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao đời sống, minh bạch hóa thông tin, thực hiện công bằng xã hội. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và ứng dụng phát triển mạng xã hội, các dịch vụ truyền thông trên Internet đã có tác động rất lớn đến đời sống của người dân và toàn xã hội. Diễn biến phiên chất vấn đã cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực này.
Trong phiên chất vấn, đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông đã có 33 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, trong đó có 10 đại biểu tham gia tranh luận, còn 54 đại biểu đăng ký và 3 đại biểu đăng ký tranh luận, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định), đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) và đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản theo quy định và gửi cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp.
Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, đúng nội dung. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng có kinh nghiệm trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực và đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng đã nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn với tinh thần cầu thị các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, đề xuất các giải pháp và phương án xử lý cụ thể. Tham gia trả lời giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo.
Qua báo cáo của Bộ TTTT và phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua lĩnh vực TTTT đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số; trình Quốc hội dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); cơ bản hoàn thiện khung pháp lý cho việc xây dựng Chính phủ điện tử; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp cận thông tin, cơ sở hạ tầng viễn thông; chỉ số dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia trên thế giới; từng bước quản lý hiệu quả hệ thống kho số, SIM thuê bao di động; ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực TTTT vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Qua phiên chất vấn lần này, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TTTT, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra để khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số, sớm ban hành và triển khai hiệu quả Đề án tăng cường nâng cao năng lực chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương; có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành việc ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; khẩn trương hoàn thiện 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi và tăng cường kết nối, chia sẻ, khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trên toàn quốc; nghiên cứu đề xuất cơ chế thu phí từ việc khai thác dữ liệu để tái đầu tư, duy trì kho dữ liệu, phương án để duy trì nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Tích cực phát triển dữ liệu mở để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng; khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện danh mục dữ liệu mở cửa của cơ quan nhà nước; kích thích phát triển kinh tế số và xã hội số; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ phía các cơ quan nhà nước, bảo đảm dễ sử dụng, thân thiện với người dùng; thực hiện phổ cập kỹ năng số miễn phí giúp người dân dễ dàng khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường cung cấp thông tin ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng nhân lực làm công tác thông tin ở cơ sở; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các "Chương trình sóng và máy tính cho em"; cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phấn đấu trong năm 2023, giải quyết cơ bản tình trạng chưa có dịch vụ viễn thông di động tại gần 300 thôn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng; quản lý nền tảng xuyên biên giới, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội; tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới; có chính sách phát triển mạng xã hội trong nước, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người dùng và hướng tới cân bằng tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội ở nước ngoài; rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là về báo hóa, trang thông tin điện tử, mạng xã hội về đăng tải tin giả, tin xấu, độc trên mạng; năm 2023 giải quyết cơ bản về vấn đề báo hóa tạp chí và trang thông tin điện tử.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến trang thông tin điện tử, mạng xã hội; đồng thời, với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm khi cung cấp, sử dụng thông tin, ý thức bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng; tăng cường kiểm tra, xác minh, điều tra truy vết, xác định các hành vi, đối tượng vi phạm quy định về nội dung thông tin và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; thường xuyên rà soát việc bảo đảm an toàn cho dữ liệu, thông tin cá nhân của ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Tăng cường kiểm tra việc bảo vệ thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thu thập, xử lý thông tin cá nhân; theo dõi, rà soát tình hình lộ, lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo hỗ trợ xử lý kịp thời; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), bảo đảm chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến ở kỳ họp thứ 5; hoàn thiện pháp luật về quản lý thuê bao phù hợp với xu thế phát triển mới, khắc phục những khó khăn, vướng mắc; rà soát, hoàn thiện triển khai có hiệu quả việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông năm 2023; thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong quý I năm 2023; áp dụng công nghệ xác thực thuê bao; tiếp tục chủ động, tích cực xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro cho bản thân, cho xã hội khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định, SIM không chính chủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội