“Ngày hội kết đoàn” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1 đến 30-11-2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 11 với chủ đề “Ngày hội kết đoàn” với các hoạt động hằng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, sản vật phong phú của các dân tộc góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, hoàn thiện sản phẩm du lịch, góp phần phong phú các hoạt động Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022.

Chương trình tháng 11 “Ngày hội kết đoàn” có nhiều hoạt động như: Hoạt động theo cụm làng dân tộc nhằm tôn vinh sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống gắn bó, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng; Chương trình hoạt động tại Tây Nguyên; Chương trình hoạt động tại các làng Nam Bộ và điểm tín ngưỡng tâm linh.

Điểm nhấn trong tháng 11 là sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” được tổ chức từ ngày 14 đến 23-11-2022 (Theo các Kế hoạch chi tiết của Ban Tổ chức): Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam” năm 2022 và Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022; Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Liên hoan trình diễn trang phục dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I; Tổ chức Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022; Hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hằng ngày tại Làng hưởng ứng Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2022.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc năm 2021" được tổ chức tại Làng Văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh

Đồng bào các dân tộc tại Làng hưởng ứng ngày hội đại đoàn kết tăng cường tổ chức các hoạt động dân ca dân vũ, trò chơi dân gian gắn kết giữa các nhóm đồng bào và du khách trong việc giới thiệu quảng bá nét văn hóa dân tộc địa phương cũng như tạo nên khối đoàn kết đồng lòng cùng phát triển. Mỗi một làng đồng bào là một không gian riêng thu hút du khách bằng những loại cây hoa đặc trưng và những thế mạnh vốn có của từng làng. Đồng thời, giới thiệu về nghề thủ công truyền thống và những sản phẩm mang tính ứng dụng và sinh hoạt giúp du khách hiểu, trải nghiệm quy trình của các nghệ nhân được thao tác một trong những công đoạn của quy trình ấy và mua những sản phẩm bà con tự làm; các trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...; biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Đến với ngày hội, du khách cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng: đàn Chapi, đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên…; ìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xTôi màu… của dân tộc Mường; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao… của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp xưởng, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái; cùng các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam...

Biểu diễn dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh

Trình diễn nghi thức tâm linh của đồng bào Khrme tại Làng Văn hóa - Ảnh tư liệu: Tuấn Minh

Bên cạnh đó, tại cụm làng gần Thung lũng hoa cải vàng còn có các chương trình hoạt động với không gian văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội); chương trình hoạt động tại cụm Cánh đồng hoa Tam giác mạch của làng dân tộc Mường, Thái.

ĐĂNG NGUYÊN

;