Tập trung triển khai có hiệu quả đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, trong phiên chất vấn đầu tiên thuộc lĩnh vực xây dựng, từ chiều ngày 3-11 và sáng 4-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc Hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành Phiên chất vấn thứ nhất về lĩnh vực xây dựng

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi về việc Bộ Xây dựng sẽ ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng công nhân, viên chức, người lao động. Đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) quan tâm đến vấn đề ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải đáp: liên quan đến nhà ở xã hội và chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong nhiều năm qua, việc chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị cũng như công nhân khu công nghiệp. Theo đó, việc đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu, tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra thì vẫn chưa đạt được như mong muốn. Kết quả đến nay chúng ta mới đạt được 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội so với yêu cầu là 12,5 triệu m2 và quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thì hiện nay chỉ đáp ứng được 36,34%.

Việc chưa đạt được mục tiêu này là do một số tồn tại, vướng mắc như: về quy định pháp luật thì vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là sửa đổi Luật Nhà ở và luật khác có liên quan để sửa đổi các nội dung như trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội; hạn chế trong việc tổ chức thực hiện, như việc bố trí nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội cũng gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải đáp chất vấn của các đại biểu

Đưa ra các giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ các vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tăng nguồn cung nhà ở xã hội, như sửa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị cũng như hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan và tiếp tục rà soát, nhận diện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai thực hiện; tập trung triển khai có hiệu quả đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân. Còn đối với các địa phương tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất cũng như tháo gỡ vướng mắc khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) chất vấn về hướng giải quyết hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) chất vấn về hướng giải quyết vấn đề hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, tuy nhiên với tình trạng tăng giá nhân công và vật liệu xây dựng, thì mức hỗ trợ đã được phê duyệt hiện nay không còn phù hợp với nhu cầu của các đối tượng chính sách.

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách là một một trong các ưu tiên thể hiện tính ưu việt của chế độ, Đảng và Nhà nước chúng ta. Trong thời gian qua, các chương trình hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách, như là chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lũ khu vực miền Trung cũng đã triển khai đạt hiệu quả rất cao, góp phần hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công cũng ảnh hưởng, không đáp ứng một cách phù hợp đối với hỗ trợ nhà ở cho người có công. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo chính sách và theo hướng tăng lên mức hỗ trợ cho giai đoạn trước, cụ thể là tăng lên mức hỗ trợ cho người có công hỗ trợ xây mới là 60 triệu so với mức 40 triệu, tăng lên cho hộ mà sửa chữa, cải tạo nhà ở là 30 triệu, so với mức trước đây là 20 triệu. Việc này Bộ Xây dựng đang hoàn thiện và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong giai đoạn tới.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp về nhà ở xã hội có mức giá cao

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đưa ra số liệu: giá nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp hiện nay trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/1m2 và có nơi là từ 21 đến 25 triệu/1m2, điều đó cho thấy thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân của thực trạng này và biện pháp đưa giá nhà ở xã hội trở về phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải đáp: phải nói mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tuy nhiên như báo cáo là chúng ta chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá của nhà ở xã hội đang ở mức cao. Nguyên nhân của việc này là: thứ nhất, do chúng ta chưa đảm bảo được nguồn cung về nhà ở xã hội; thứ hai là quỹ đất để dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; Thứ ba, nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội cũng chưa được đảm bảo, chính sách ưu đãi, khuyến khích cũng chưa thực sự thu hút, việc khả thi tổ chức thực hiện trong quy trình, thủ tục còn nhiều phức tạp, dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo, giá nhà ở xã hội cũng tăng cao so với thu nhập của người dân.

Trong thời gian tới, với các giải pháp đồng bộ về pháp luật, sửa đổi, điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội, cải tạo, tăng thêm nguồn cung cũng như chính sách ưu đãi trong phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là thực hiện đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, mà Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Cùng với tổng thể, các chính sách đó đảm bảo giá nhà xã hội sẽ phù hợp hơn với thu nhập của người dân có thu nhập thấp, ở khu vực đô thị cũng như công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) chất vấn về giải pháp và lộ trình thực hiện đề án 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đặt câu hỏi về giải pháp, lộ trình, những việc cần phải làm để có thể thực hiện thành công đề án 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, theo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ thì Đề án chia làm 2 giai đoạn, thứ nhất là giai đoạn từ năm 2021-2025, trên cơ sở xác định nhu cầu nhà ở xã hội của các địa phương, tổng hợp về và khả năng nguồn lực, để đáp ứng cho nhu cầu này thì Bộ Xây dựng đã trình, xác định mục tiêu đặt ra hoàn thành khoảng 570 nghìn căn nhà, đáp ứng khoảng 46% nhu cầu. Giai đoạn 2 là giai đoạn 2025-2030, cũng trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, Bộ Xây dựng đã xác định trong Đề án sẽ hoàn thành khoảng 845 nghìn căn hộ, đáp ứng khoảng 73% nhu cầu.

Về giải pháp thực hiện đề án này, sẽ thực hiện tổng thể đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua,  triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, thủ tục về đất đai… Với các giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt và có sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp thì chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thành công Đề án phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội – Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Đánh giá về Phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, Phó Chủ tịch Quốc hội – Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 61 đại biểu đăng ký, có 36 đại biểu đã chất vấn và 1 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 25 Đại biểu có câu hỏi, nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng để được trả lời bằng văn bản và gửi đến Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp, theo dõi.

Nhìn chung phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn, cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Xây dựng tuy lần đầu trả lời chất vấn, nhưng với kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất được một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số vấn đề bất cập.

Qua báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực, thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo các đô thị có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện... Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện. Nguồn cung vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ các công trình dự án, nhất là các công trình, dự án quan trọng của quốc gia...

Tuy nhiên, lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số vấn đề bất cập. Một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn xa, chưa đồng bộ, gắn kết giữa cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác. Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn tùy tiện.

Chất lượng đô thị hóa chưa cao, kết cấu chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị. Việc thực hiện di dời trụ sở bộ, ngành, các cơ sở khỏi nội đô Thành phố Hà Nội còn chậm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, thiếu trầm trọng về nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp và trung bình cũng như nhà ở cho công nhân.

Cơ cấu nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản còn bất hợp lý, chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường. Giá bất động sản liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt trong phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hoạt động của thị trường bất động sản thiếu ổn định, thiếu công khai, minh bạch, còn hiện tượng đầu cơ, trốn thuế.

Lĩnh vực xây dựng còn thiếu nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức xây dựng cho việc sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới và một số công tác có tính chất chuyên ngành và đặc thù. Nguồn cung vật liệu phục vụ dự án công trình trọng điểm quốc gia, có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định. Giá của một số vật liệu xây dựng chủ yếu có sự biến động lớn.

Từ những bất cập và hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có các giải pháp khắc phục hiệu quả...

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

 

;