Quan điểm đánh giá chất lượng đào tạo đại học ngành Nghệ thuật

Trong những năm qua ở Việt Nam, giáo dục đào tạo ngành nghệ thuật đã thu được nhiều thành quả to lớn. Mạng lưới các trường ngày càng được mở rộng, quy mô đào tạo ngày càng phát triển, các hoạt động giao lưu, hội nhập quốc tế được chú trọng. Nhiều giáo viên, giảng viên được nhận những phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, nhiều học sinh, sinh viên đạt được thành tích cao trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Hoạt động của các trường đại học ngành nghệ thuật cũng góp phần mở mang dân trí, tăng cường sự hiểu biết của nhân dân về văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng một xã hội văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động giáo dục đào tạo của các trường đại học ngành nghệ thuật cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Số lượng giảng viên của các trường còn chưa đủ so với nhu cầu đặt ra, số giảng viên đạt chuẩn còn thiếu, nhiều giảng viên chỉ tham gia thỉnh giảng vì tuổi cao sức yếu, nhiều giảng viên trẻ lại chưa có đủ kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy. Số lượng tuyển sinh hằng năm không cao, chất lượng tuyển sinh chưa đạt yêu cầu, dẫn đến chất lượng đào tạo và đầu ra chưa đảm bảo. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy của các trường đại học ngành nghệ thuật, vốn đòi hỏi chi phí đầu tư cao, đang ngày càng xuống cấp...

Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội mới cho giáo dục nói chung, giáo dục đào tạo nghệ thuật nói riêng. Các ngành công nghiệp sáng tạo, ngành nghệ thuật giải trí đang có sức thu hút lớn. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi các trường đại học ngành nghệ thuật phải nâng cao chất lượng để đào tạo ra đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Chính vì vậy, cần có sự đánh giá chính xác thực trạng chất lượng đào tạo đại học ngành nghệ thuật, từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới và Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để làm tốt công tác đánh giá chất lượng đào tạo, cần xây dựng những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo ngành nghệ thuật dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn chung của đào tạo đại học và cả những đặc thù của ngành.

Giáo dục đào tạo khối ngành nghệ thuật là quá trình giáo dục đào tạo năng khiếu, có thể tiến hành từ khi người học còn nhỏ, kéo dài trong nhiều năm, qua nhiều cấp học từ trung cấp, cao đẳng đến đại học. Khác với các ngành đào tạo khác, đào tạo nghệ thuật là ngành đào tạo đặc biệt, dựa trên cơ sở năng khiếu.

Cần xác định rõ, khái niệm “giáo dục, đào tạo các ngành nghệ thuật trình độ đại học” khác với giáo dục, đào tạo nghệ thuật đại trà. Giáo dục đào tạo nghệ thuật đại trà nhằm mục đích nâng cao dân trí, còn giáo dục, đào tạo các ngành nghệ thuật trình độ đại học nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nghệ thuật nên nội dung, chương trình đòi hỏi ở mức độ chuyên sâu hơn, người học và người giảng dạy cũng có trình độ cao hơn. Trong đào tạo nghệ thuật, với tư cách như một chuyên ngành, tri thức nghệ thuậtnăng lực nghệ thuật là hai nội dung trọng tâm. Ở đây, tri thức nghệ thuật được truyền đạt đã vượt ra khỏi những kiến thức nghệ thuật thông thường mà nâng lên tầm cao mới, đi vào những nghiên cứu, thực hành chuyên sâu của từng lĩnh vực nghệ thuật. Đào tạo nghệ thuật cũng đòi hỏi người học phải có năng khiếu và năng lực nhất định để lĩnh hội và thực hành được các loại hình nghệ thuật. Giáo dục đào tạo nghệ thuật ở các trường năng khiếu, các trường đại học khối ngành nghệ thuật không còn là “nâng cao dân trí” về nghệ thuật, mà là “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho lĩnh vực nghệ thuật.

Giáo dục đào tạo các ngành nghệ thuật ở bậc đại học đã chú trọng nhiều hơn đến đào tạo tư duy lý luận, năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, nhưng vẫn đề cao khả năng thực hành, đưa lên trình độ, đẳng cấp cao hơn, điêu luyện hơn, mang tính nghệ thuật hơn, phát huy khả năng sáng tạo của cá nhân nhiều hơn.

Ở bậc học này, tri thức nghệ thuật của sinh viên đã được trang bị tương đối đầy đủ và chuyên sâu. Năng lực nghệ thuật được chú trọng hơn nhằm giúp sinh viên chủ động cảm thụ nghệ thuật, có đánh giá chủ quan đối với các tác phẩm nghệ thuật, từ đó, tự sáng tạo nghệ thuật theo hướng cá nhân, dần dần hình thành “văn hóa nghệ thuật của cá nhân” và góp phần định hướng cảm thụ nghệ thuật cho cộng đồng thông qua sáng tác, biểu diễn của cá nhân - với tư cách người nghệ sĩ.

Trong cuốn Kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học, tác giả Nguyễn Đức Chính đưa ra một số quan điểm tiếp cận đánh giá chất lượng đào tạo đại học, có thể vận dụng vào đánh giá chất lượng đào tạo đại học ngành nghệ thuật (1).

Chất lượng được đánh giá bằng đầu vào

Một số nước phương Tây có quan điểm cho rằng: “Chất lượng một trường đại học phụ thuộc vào chất lượng hay số lượng đầu vào của trường đó”. Quan điểm này được gọi là “quan điểm nguồn lực”, có nghĩa là: Nguồn lực = chất lượng.

Theo quan điểm này, một trường đại học tuyển được sinh viên giỏi, có đội ngũ cán bộ giảng dạy uy tín, có nguồn tài chính cần thiết để trang bị các phòng thí nghiệm, giảng đường, các thiết bị tốt nhất, được xem là trường có chất lượng cao.

Quan điểm này về cơ bản đúng với các trường đại học ngành nghệ thuật vì đào tạo ngành nghệ thuật là đào tạo năng khiếu. Việc tuyển chọn các thí sinh đầu vào phải có năng khiếu, quá trình đào tạo mới đạt chất lượng. Với các trường đại học ngành nghệ thuật, chất lượng đầu vào là yếu tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo. Một số nghiên cứu cho thấy, số điểm trung bình của thí sinh được nhận vào đại học có tương quan đến số điểm tốt nghiệp: sinh viên với số điểm cao lúc nhập học đại học thường là những sinh viên có xác suất tốt nghiệp đại học cao. Nếu xem điểm thi tốt nghiệp hay điểm tuyển sinh đại học phản ánh trình độ của sinh viên thì trường có nhiều sinh viên giỏi cũng có nghĩa là môi trường học tập được nâng cao, và qua đó tác động tích cực đến chất lượng giáo dục của trường. “Đào tạo đại học ngành nghệ thuật cần điều kiện bắt buộc ở người học về năng khiếu chuyên biệt và không thể đào tạo đại trà”- PGS. Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng có quan điểm về việc phải nâng cao chất lượng tuyển sinh, không tuyển chọn ồ ạt, mà phải lựa chọn những người học thực sự có năng khiếu.

Bên cạnh lực lượng sinh viên, đội ngũ giảng viên cũng là yếu tố quan trọng đánh giá nguồn lực của các trường đại học. Theo nghiên cứu năm 2019 của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2), phần lớn trong số những người được phỏng vấn đánh giá chuyên môn của các giảng viên giảng dạy nghệ thuật tại các trường đại học hiện nay chỉ ở mức độ khá, trong đó có hai chuyên môn chiếm tỷ lệ đồng tình ở mức khá cao, trên (70%), là lập kế hoạch dạy học (thiết kế bài học) và tổ chức quá trình dạy học. Kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm hạn chế là vấn đề chung của giảng viên đại học trong giai đoạn hiện nay.

Có thể thấy, nếu đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn “đầu vào” là nguồn lực con người thì các trường đại học ngành nghệ thuật đang còn nhiều hạn chế, gặp rất nhiều khó khăn, bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để khắc phục những nguyên nhân này, không chỉ các trường có thể chủ động mà còn là bài toán của các cấp quản lý cũng như nhận thức của toàn xã hội.

Chất lượng được đánh giá bằng đầu ra

 Đầu ra chính là sản phẩm của giáo dục đại học được thể hiện bằng mức độ hoàn thành công việc của sinh viên tốt nghiệp hay khả năng cung cấp các hoạt động đào tạo của trường đó.

Trong thực tế, mối liên hệ này là có thực, cho dù đó không hoàn toàn là quan hệ nhân quả. Một trường có khả năng tiếp nhận các sinh viên xuất sắc, không có nghĩa là sinh viên của họ sẽ tốt nghiệp loại xuất sắc. Bên cạnh đó, cách đánh giá đầu ra của các trường rất khác nhau. Đầu ra là những tiêu chuẩn phản ánh tình trạng của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sản phẩm chính của giáo dục đại học là sinh viên tốt nghiệp với trình độ chuyên môn cao. Đây cũng là những tiêu chuẩn khó định lượng chính xác vì các chuyên gia vẫn chưa nhất trí cách đánh giá. Tuy nhiên, người ta ghi nhận rằng, danh tiếng (phản ánh gián tiếp chất lượng giáo dục) của một trường đại học thường gắn liền sự thành đạt của sinh tốt nghiệp từ trường đó. Các trường đại học như Harvard, Yale, Princeton… sở dĩ có tiếng trên thế giới vì những sinh viên tốt nghiệp từ các trường này thường giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy kinh tế hay nhà nước (3). Do đó, các tiêu chuẩn trong phần đầu ra cụ thể là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp, có việc làm, sự hài lòng của doanh nghiệp hay cơ quan tuyển dụng, sinh viên quay lại theo học tiếp cấp thạc sĩ hay tiến sĩ…

Với các trường đại học ngành nghệ thuật, chuẩn đầu ra cũng có điểm khác biệt so với các ngành khác. “Thành quả của đào tạo đại học ngành nghệ thuật là khó đo đếm nên không thể đánh giá công tác quản lý đào tạo theo hướng chung, không thể đặt hàng theo nhu cầu xã hội” - ý kiến của TS. Phạm Văn Tuyến, Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì vậy, chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật nhiều khi không thể đánh giá bằng chuẩn đầu ra, theo nhu cầu của xã hội, mà còn phải tính đến sự đóng góp của những người được đào tạo thông qua các đóng góp cho đời sống văn hóa, nghệ thuật của đất nước, qua việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc (4).

Một thực tế cần lưu ý là với các trường đại học ngành nghệ thuật, danh tiếng của một trường đại học lại phụ thuộc vào sự nổi tiếng, xuất sắc của các nghệ sĩ tốt nghiệp từ trường này ra, mặc dù số lượng cá nhân xuất sắc này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các sinh viên tốt nghiệp.

Chất lượng được đánh giá bằng giá trị gia tăng

Giá trị gia tăng được xác định bằng giá trị của “đầu ra” trừ đi giá trị của “đầu vào”, kết quả thu được là “giá trị gia tăng” mà trường đại học đã đem lại cho sinh viên và được cho là chất lượng đào tạo của trường đại học.

Nếu theo quan điểm này, khó có thể thiết kế một thước đo thống nhất để đánh giá chất lượng đầu vàođầu ra cũng như để tìm ra được hiệu số của chúng nhằm đánh giá chất lượng của trường đó. Các trường trong hệ thống giáo dục đại học lại rất đa dạng, không thể dùng một bộ công cụ đo duy nhất cho tất cả các trường đại học.

Với các trường đại học ngành nghệ thuật, giá trị này cũng khó đo đếm. Sinh viên sau khi tốt nghiệp, kỹ năng thực hành nghề có thể tăng lên, nhưng ngược lại, nếu không được khơi gợi, kích thích sự sáng tạo thì năng lực hoạt động nghệ thuật thực tiễn có thể còn bị giảm sút. Các sinh viên trực tiếp tham gia hoạt động nghệ thuật (diễn viên, họa sĩ, ca sĩ…) được đánh giá cao về chuyên môn, khả năng thích ứng với công việc nhanh nhạy, nắm bắt công việc tốt, có ý thức học tập, cầu tiến. Ngược lại, sinh viên ngành nghệ thuật được tuyển dụng vào các vị trí việc làm ở các cơ quan quản lý hoạt động nghệ thuật chưa vận dụng được nhiều kiến thức chuyên môn học trong nhà trường, các kỹ năng làm việc văn phòng còn kém.

Chất lượng được đánh giá bằng giá trị học thuật

Đây là quan điểm truyền thống của nhiều trường đại học phương Tây, chủ yếu dựa vào sự đánh giá của các chuyên gia về năng lực học thuật của đội ngũ cán bộ giảng dạy trong từng trường. Điều này có nghĩa là trường đại học nào có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ lớn, có uy tín khoa học cao thì được xem là trường có chất lượng cao.

Theo quan điểm tiếp cận này, các trường đại học ngành nghệ thuật đều bị đánh giá là yếu, vì hoạt động đào tạo của nhà trường vẫn thiên về hoạt động thực hành, ít tính lý luận. Môi trường học thuật trong nhà trường vì vậy còn kém phát triển. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường đại học khối ngành nghệ thuật còn ít, chiếm tỷ lệ thấp so với các ngành khác.

Do đặc thù của các ngành nghệ thuật, việc giảng dạy ở trình độ đại học vẫn mang nặng tính truyền nghề. Các giảng viên đại học đều là những người có năng lực nghệ thuật rất tốt (hát hay, vẽ đẹp, biểu diễn, sáng tác tốt…) nhưng khả năng tư duy, nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế. Các trường thuộc hệ đại học như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đều có các viện nghiên cứu trực thuộc, tuy nhiên hiệu quả hoạt động nghiên cứu của các cơ sở này chưa cao, ít cán bộ làm công tác nghiên cứu có học vị tiến sĩ. Nguyên nhân chính là do các giảng viên ngành nghệ thuật thiên về biểu diễn, sáng tác, còn ít đọc, nghiên cứu sách về lý luận nghệ thuật, kiến thức nền tảng về văn hóa, nghệ thuật đều thiếu và yếu.

Đặc thù giảng dạy tại các trường đại học ngành nghệ thuật cũng gây cản trở đến việc phát triển, nâng cao khả năng tư duy, nghiên cứu khoa học hiện đại của giảng viên. Chương trình giảng dạy tại các trường nghệ thuật chủ yếu là các môn học, tiết học thực hành, thực tế. Số tiết học về lý luận, nghiên cứu chuyên sâu chiếm tỉ lệ ít. Mặt khác, cũng phải kể đến những nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên ngành nghệ thuật, như áp lực về giờ giảng dạy do lực lượng giảng viên thiếu, cơ chế tuyển chọn, giao đề tài còn nhiều bất cập, kinh phí để thực hiện đề tài còn nhiều hạn chế do chi phí đào tạo của các trường nghệ thuật về cơ bản là cao hơn so với các trường đại trà…

Chất lượng được đánh giá bằng giá trị sáng tạo

Bên cạnh những quan điểm tiếp cận phổ biến trên, khi đánh giá chất lượng giáo dục đại học ngành nghệ thuật, theo chúng tôi, chất lượng còn cần được đánh giá bằng giá trị sáng tạo.

Với khối ngành nghệ thuật, sự sáng tạo cá nhân rất được chú trọng, thể hiện thông qua các tác phẩm của nghệ sĩ. Vì vậy, bên cạnh việc tạo môi trường thuận lợi cho giảng viên giảng dạy tốt, các trường đại học ngành nghệ thuật còn phải tạo điều kiện để giảng viên tham gia sáng tác, biểu diễn, phát huy và nâng cao sức sáng tạo, khả năng thể hiện cá nhân. Những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân của các giảng viên không chỉ góp phần làm phong phú đời sống văn hóa nghệ thuật đất nước mà còn nâng cao uy tín của nhà trường. Theo nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, năng lực sáng tạo nghệ thuật của giảng viên các trường được đánh giá ở mức độ tốt với điểm trung bình dao động trong khoảng 3,45 - 3.68 điểm. Trong đó, hoạt động được đánh giá tốt có điểm trung bình cao nhất là khả năng sáng tác, biểu diễn độc lập với 3,68 điểm. Thứ hai là khả năng học tập, nghiên cứu trong thực hành sáng tác biểu diễn, đạt 3,63 điểm. Thứ ba, khả năng tự nâng cao kỹ năng sáng tác, biểu diễn (5).

Các sinh viên khối ngành nghệ thuật, sau khi ra trường, người trở thành nghệ sĩ tự do, người về các đoàn nghệ thuật, người ở lại trường giảng dạy. Với những giảng viên không có cơ hội đứng trên sân khấu, họ chọn cách tăng thu nhập cuộc sống bằng việc dạy tại nhà riêng hoặc viết sách. Những người may mắn vừa đi dạy vừa biểu diễn, sáng tác phải đảm bảo làm tốt được cả hai công việc. Trong đó, giảng viên phải đặt trách nhiệm của một người thầy lên hàng đầu. Quá chuyên tâm biểu diễn, bỏ giảng dạy hoặc chuyên tâm giảng dạy mà lỡ mất việc biểu diễn đều không tốt. Quan trọng là ngôi trường nơi nghệ sĩ đang công tác phải biết tạo điều kiện cho họ. Không thể yêu cầu nghệ sĩ đi đúng giờ, đúng quy định vì với nghệ sĩ, quan trọng là hiệu quả công việc mang lại chứ không phải thời gian.

Không chỉ tạo điều kiện cho giảng viên tự do tham gia các hoạt động sáng tác, biểu diễn bên ngoài, chính nhà trường cũng phải tổ chức các hoạt động sáng tác, biểu diễn cho giảng viên. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc quy mô lớn, tham gia các chương trình nghệ thuật cấp quốc gia… Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức định kỳ triển lãm tranh của các giảng viên, sinh viên của nhà trường… Các trường đại học ngành nghệ thuật phải là nơi hình thành, kết nối và phát triển các giá trị sáng tạo.

Trên cơ sở xem xét các quan điểm về đánh giá chất lượng đào tạo đại học tại Việt Nam và trên thế giới trong thời gian qua, chúng ta có thể xây dựng khung tiêu chuẩn chung để đánh giá chất lượng đào tạo đại học ngành nghệ thuật bao gồm năm yếu tố: chất lượng đầu vào, chất lượng đầu ra, giá trị gia tăng, giá trị học thuật, và giá trị sáng tạo. Đây là năm yếu tố chính, làm cơ sở để xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học ngành nghệ thuật cũng như định hướng để đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Có thể thấy, việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo đại học ngành nghệ thuật không thể nằm ngoài những tiêu chí chung của toàn ngành cũng như đi ngược với xu thế chung của toàn thế giới. Không thể sử dụng cơ chế đặc thù để giải thích nguyên nhân yếu kém trong chất lượng giảng dạy, chất lượng nghiên cứu khoa học, khả năng hội nhập quốc tế của các trường đại học ngành nghệ thuật hiện nay.

Song, cũng từ đặc thù đào tạo của ngành, các trường đại học cần đẩy mạnh các hoạt động thế mạnh như sáng tạo, biểu diễn, gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sáng tạo... Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao vị thế của nhà trường ở trong nước và vươn tầm quốc tế.

______________

1, 3. Nguyễn Đức Chính, Kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000.

2, 4, 5. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học khối ngành nghệ thuật, Nhiệm vụ thường xuyên, 2018, tr.18.

Tác giả: Mai Thị Thùy Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;