Biến đổi cung cách ứng xử của cư dân Đà Nẵng trong bối cảnh phát triển du lịch

Ngày 15-7-2003, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Từ đó đến nay, thành phố xác định chuyển dịch cơ cấu theo hướng lấy du lịch, dịch vụ làm ngành kinh tế mũi nhọn và đã có những thành công đáng kể về xây dựng thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế. Du lịch cũng đã tác động mạnh mẽ, tạo nên những biến đổi về lối sống của cư dân Đà Nẵng, làm cho cung cách ứng xử có những biến đổi mang tính đặc trưng cần được đúc kết để có giải pháp phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực, góp phần xây dựng thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống.

Các bạn trẻ thu dọn rác trên các tuyến đường nơi đông du khách - Nguồn ảnh: Báo Văn hóa

1. Biến đổi cung cách ứng xử trong gia đình, tộc họ, cộng đồng

Trong bối cảnh du lịch phát triển, khu vực ven biển của thành phố Đà Nẵng là nơi có nhiều biến đổi nhất về sự dịch chuyển dân cư. Tất cả khu vực ven biển trải dài từ quận Ngũ Hành Sơn đến quận Liên Chiểu đều di dời, giải tỏa để phục vụ cho việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Các khu du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng mọc lên thay thế toàn bộ các khu dân cư. Nếu như trước đây, những người có cùng huyết thống - cùng dòng họ thường sống quần tụ trong một không gian cư trú, ở khá gần nhau, gắn kết chặt chẽ, các thành viên luôn có sự tương trợ, giúp đỡ nhau; thì ngày nay, sự chuyển dịch dân cư làm cho người ta phải chuyển đến sống ở nhiều nơi khác nhau, dẫn đến việc tiếp xúc, trao đổi thông tin hay tham gia các hoạt động của tộc họ trở nên khó khăn hơn. Từ đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong cùng họ tộc trở nên rời rạc hơn, lối sống gắn kết tộc họ, xóm làng theo đó bị biến đổi theo hướng suy giảm, lu mờ dần (1).

Không gian sống của các hộ gia đình ở những khu tái định cư vùng ven đô mới hình thành hầu hết đều rời rạc. Nếu như trước đây, các hộ gia đình thường sống trong những ngôi nhà ba gian và thấp tầng, thì giờ đây được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng. Đặc biệt, sự thay đổi này đã làm cho diện tích sinh hoạt của các hộ gia đình có xu hướng tăng lên và giúp cho các thành viên hay mỗi thế hệ trong gia đình có một khoảng không gian riêng.

Dù vậy, có lẽ do xã hội Việt Nam truyền thống bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo và vùng xứ Quảng cũng nằm trong dòng chảy đó, nên việc giáo dục nền nếp, gia phong được coi trọng hàng đầu. Nói đến sinh hoạt gia đình, người ta thường đề cập đến bữa cơm, đó là lúc các thành viên trong gia đình có mặt đông đủ. Kết quả khảo sát của đề tài Lối sống Đà Nẵng do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng thực hiện năm 2017 cho thấy, gần 1/2 người dân Đà Nẵng hiện nay có thói quen “ăn sáng ở nhà”, tỷ lệ “ăn cơm chiều với gia đình” ở mức độ “thường xuyên” là 82,4% (2).

2. Biến đổi cung cách ứng xử trong quan hệ xã hội

Dưới tác động của quá trình tái thiết đô thị, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, khu vực ven đô trước đây là khu vực thuần nông, giờ cũng đã chuyển thành đô thị với nhà ống, khu thương mại, dịch vụ. Xuất hiện sự phức hợp, lỏng lẻo, đóng và hẹp trong quan hệ xã hội dân cư nơi cư trú. Kinh tế thuần nông không còn, thay vào đó là sự đa dạng về ngành nghề, sản xuất chủ yếu phục vụ du lịch sinh thái, làng quê và du lịch làng nghề. Dân số bắt đầu có xu hướng tập trung đông, mật độ tăng lên do tăng trưởng cơ học, sự đa tạp về nguồn gốc cư trú, xu hướng thị dân hóa của một bộ phận dân cư. Những đặc trưng này chi phối rất nhiều đến phương thức và thực trạng văn hóa ứng xử ở nông thôn, đặc biệt là ở địa bàn có các dự án du lịch. Xu hướng kết nối nhóm sở thích, nhóm bạn, nhóm công việc, nhóm nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch đang chiếm vị trí quan trọng trong giao tiếp ứng xử của người dân. Lối ứng xử theo kiểu đèn nhà ai nhà nấy rạng, ít giao du láng giềng đã dần xuất hiện… Ngay cả ở môi trường mở hơn như đi du lịch hoặc tham gia lễ hội thì tính chất giao tiếp ứng xử của người dân nông thôn ngày nay cũng không mở rộng như trong xã hội nông thôn cổ truyền.

Ở khu vực ven biển, các làng chài không còn nữa, thay vào đó là khu du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng mọc lên san sát, khiến cho văn hóa làng chài ven biển cũng mờ dần. Không còn những câu chuyện “Người dân không kể sớm khuya, mùa đông giá rét, mùa hè thiêu đốt, với “vòng tre” (áo tơi) quanh người, mảnh vải che thân, đi thụt lùi, ngày ngày, tháng tháng, năm năm, với mảnh lưới thô, với thúng chai, ghe lưới quét, bám biển, bám bờ, vào lộng ra khơi, đánh từng con cá nhỏ, nuôi sống gia đình, phát triển dòng họ” (3).

Trong xã hội nông thôn cổ truyền, nghề nông tương đối thuần nhất và làm theo mùa vụ, nên người nông dân có nhiều thời gian rỗi, tạo điều kiện giao tiếp ứng xử thuận lợi hơn. Trong khi đó, người dân nông thôn ở những khu vực, địa điểm có hoạt động du lịch phải chịu sức ép khi tham gia vào lực lượng lao động trong ngành dịch vụ này. Họ làm việc theo ca, mang tác phong công nghiệp, nên đã xuất hiện nhu cầu giao tiếp mới. Người dân có xu hướng tìm cho mình phương thức giao tiếp gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông internet, mạng xã hội… Người dân ít có thời gian rỗi dành cho giao tiếp tại cộng đồng sinh sống. Kể cả khi có thời gian, họ cũng ít ra khỏi nhà hoặc ít rời khỏi nhóm nhỏ (bạn bè, đồng nghiệp) để tham gia vào những hình thức giao tiếp ứng xử trực tiếp rộng lớn hơn. Họ dành phần lớn thời gian rỗi để làm thêm, giải trí, thăm hỏi họ hàng, bạn bè thân quen, thi thoảng mới tham dự lễ hội, đi du lịch và tham gia các hình thức sinh hoạt ngoài trời khác. Như vậy, bước đầu có thể thấy, giao tiếp ứng xử văn hóa mang tính gián tiếp, phân tán, không thuần nhất, đa dạng và phức tạp. Ngày trước, cả xã, cả thôn có chung một niềm vui: lễ hội cả làng tham dự; ngày Tết vui quanh đình làng. Niềm vui, nỗi buồn, sự lo xưa kia là đồng nhất. Còn đối với người dân nông thôn hiện nay, họ có quá nhiều dịch vụ để làm theo các khung thời gian khác nhau nên cũng chi phối sở thích và sự quan tâm.

Ở khu vực đô thị, điều kiện sống được cải thiện, nhất là điều kiện nhà ở tốt hơn, một số nhà có phòng khách riêng, vì thế có thể thoải mái tiếp bạn bè, đồng nghiệp, nhưng không vì thế mà người ta thường xuyên mời bạn bè, đồng nghiệp đến nhà chơi. Dường như mức độ thăm viếng nhau giữa những người bạn, giữa đồng nghiệp thưa vắng hơn trước. Các quan hệ tình cảm bạn bè, đồng nghiệp được giải quyết trong các buổi cà phê sáng, buổi “tiệc nhậu” chiều, các câu lạc bộ thể dục thể thao, hội đồng hương… diễn ra tại các điểm dịch vụ du lịch.

3. Biến đổi cung cách ứng xử với môi trường

 Với sự mở mang về nhận thức, sự thay đổi tư duy nên nhiều thói quen trong ứng xử văn hóa nông thôn đã dần mất đi. Điển hình là thói quen ứng xử của con người với môi trường. Ngày nay, người dân đã biết và quen dần với phương thức thu gom rác thải, dùng nước sạch. Những đổi thay tích cực của đời sống hiện đại, hình thành các thói quen tốt dẫn đến cung cách ứng xử của người dân đối với môi trường ngày một tốt hơn. Hiếm có một thành phố nào ở Việt Nam mà có một sự kiện du lịch quốc tế như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng: Hàng chục nghìn du khách đến thưởng lãm pháo hoa tập trung khu vực khán đài, nhưng chỉ sau 2 tiếng pháo hoa kết thúc, môi trường tại khu vực khán đài đã được trả lại sạch đẹp nguyên vẹn. Hàng trăm học sinh, sinh viên, lực lượng tình nguyện viên đã ra quân đồng loạt cùng với Công ty Môi trường đô thị thu gom rác thải, vệ sinh sạch sẽ toàn bộ địa bàn các phường có du khách đến xem pháo hoa. Công việc này cứ thường xuyên lặp lại như thế qua mỗi mùa pháo hoa, làm nên nét đẹp trong lối sống của cư dân Đà Nẵng trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.

 4. Biến đổi cung cách ứng xử với lễ hội

 Hoạt động lễ hội tín ngưỡng tôn giáo vừa thể hiện được sự kế thừa, tiếp nối, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Nói cách khác, trên cơ sở nhận thức, trình độ khoa học, năng lực cảm thụ, quan điểm thẩm mỹ hiện đại, người dân Đà Nẵng đã làm sống dậy một cách sinh động, phong phú, tươi mới các lễ hội văn hóa cổ truyền. Tuyệt nhiên không xảy ra tình trạng hoặc là coi trọng truyền thống một cách thái quá dẫn đến nệ cổ, phục cổ thiếu suy xét, gạn lọc, hoặc là nhân danh hiện đại một cách máy móc rồi sáng tạo truyền thống trở nên kệch cỡm, hay thậm chí buôn thần bán thánh, phỉ báng thần linh, biến thần linh thành đối tượng cầu cạnh, van xin và biến lễ hội tín ngưỡng tôn giáo thành nơi tranh đoạt sự may mắn, như đã xuất hiện không ít trên đất nước ta trong mấy thập niên qua, gây bức xúc, lo lắng đối với toàn xã hội. Hầu như mọi lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo như lễ hội đình làng, cầu ngư, đặc biệt là lễ hội Quán Thế Âm đều toát lên sự trang trọng, trật tự và thanh khiết.

5. Một số giải pháp giữ gìn và phát huy văn hóa ứng xử của cư dân Đà Nẵng trong bối cảnh phát triển du lịch

Biến đổi phương thức ứng xử của cư dân Đà Nẵng trong bối cảnh phát triển du lịch và hội nhập quốc tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa diễn ra toàn diện theo cách thức bảo tồn, kết hợp với cải tiến và tiếp nhận cái mới; xu hướng, phạm vi và mức độ lan tỏa diễn ra ở cả khu vực nội thị, các đô thị vệ tinh ngoại ô, ven biển và vùng nông thôn Hòa Vang. Vì vậy, cần phải quan tâm đến các giải pháp giữ gìn và phát huy văn hóa ứng xử của cư dân Đà Nẵng để duy trì những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, tránh tác động tiêu cực trước những trào lưu thiếu lành mạnh do quá trình phát triển du lịch, hội nhập quốc tế.

Giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Quảng trong quá trình đẩy mạnh phát triển du lịch

Giao lưu, tiếp biến văn hóa là một trong những quy luật của phát triển văn hóa. Ở đâu du lịch càng phát triển, ở đó mức độ hội nhập càng sâu, rộng, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa càng diễn ra mạnh mẽ. Văn hóa ứng xử của người dân Đà Nẵng được hình thành từ một vùng đất đóng vai trò là cửa ngõ vào xứ Quảng và là cánh cửa kết nối với thế giới. Từ TK XIX, Đà Nẵng là cảng biển phòng thủ quan trọng nhất của nhà Nguyễn, là nơi bị thực dân nổ tiếng súng đầu tiên trong cuộc xâm lược Việt Nam. Có thể nói, đây là vùng đất đã trải qua tiến trình hội nhập rất sớm trong lịch sử.

Quá trình mở rộng không gian đô thị để phát triển du lịch phải chú ý đến tính thống nhất văn hóa Đà Nẵng. Mặt khác, quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa đã và đang đa dạng hóa các hình thức giao lưu, tiếp biến văn hóa đô thị của nhân loại trên địa bàn thành phố. Thực tế, một số dạng thức sinh hoạt văn hóa mang tính toàn cầu hóa đã xuất hiện ở Đà Nẵng, xu hướng này sẽ ngày càng diễn ra sâu rộng trong thời gian tới.

Thúc đẩy biến đổi văn hóa Đà Nẵng ngày nay chính là thúc đẩy sự giao lưu, tiếp biến văn hóa cả trong và ngoài nước trên cơ sở kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện đặc trưng văn hóa xứ Quảng, văn hóa ứng xử với con người, với cộng đồng, với thiên nhiên sẽ là sản phẩm du lịch mà du khách muốn quan tâm, tìm hiểu và khám phá. Sự biến đổi trong cung cách ứng xử chính là để bảo đảm cách thức biến đổi văn hóa theo hướng tiếp nhận cái mới, nhưng không làm lỏng lẻo và rời rạc văn hóa truyền thống.

Trong ứng xử với môi trường, thiên nhiên, Đà Nẵng cần có một êkíp kiến trúc sư quyết định về quy hoạch, quản lý quy hoạch và kiến trúc của thành phố, tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với di sản, di tích mà ông, cha để lại (thực ra các thế hệ sau này đã phá bỏ rất nhiều di tích, trong đó có các nhà kiểu Pháp ở các đường Bạch Đằng, Quang Trung, Nhà hát Trưng Vương…) và giữa con người với con người (nhiều phố mới đã và đang hình thành do khai thác triệt để quỹ đất, hình thành hệ thống nhà ống, không có không gian sinh hoạt công cộng; Đà Nẵng chưa phải là thành phố đông dân cư, nhưng do tình trạng tập trung phát triển xây dựng ở khu trung tâm, nên gây ùn tắc... đang là những vấn đề bức xúc đối với nhân dân). Rõ ràng, để Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống” cần giải quyết nhiều vấn đề về quy hoạch và quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Các di tích nhà cổ, cảnh quan, môi trường tự nhiên (những thứ đặc hữu của Đà Nẵng như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Vân, Bà Nà - núi Chúa, núi Phước Tường, các bãi tắm biển...) cần được bảo vệ và phát huy trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố.

Thúc đẩy phát triển văn hóa ứng xử đô thị từ cơ sở, gắn với nền tảng là xây dựng văn hóa gia đình; xây dựng cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học văn hóa

Biến đổi văn hóa ứng xử trước tiên là biến đổi ngay từ cơ sở. Cho đến nay, khái niệm cơ sở được quy về cấp quản lý hành chính thấp nhất là phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhất là ở vùng nông thôn, làng mới là thực thể văn hóa tổng hợp: từ văn hóa, nghệ thuật (tuồng, dân ca, hò khoan...) đến văn hóa tâm linh (thờ tổ tiên, thờ mẫu, thờ thành hoàng…) và luật tục (phong tục tập quán, hương ước). Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa làng vừa phải “gồng lên” gìn giữ, phát huy bản sắc vừa phải “mở lũy tre làng” để đón nhận những dạng thức văn hóa mới văn minh, hội nhập (4). Cho nên, quá trình biến đổi cung cách ứng xử trong gia đình, tộc họ, cộng đồng, trong quan hệ xã hội... trong quá trình phát triển du lịch theo hướng đô thị luôn chịu sự khúc xạ của văn hóa làng.

Các cộng đồng dân cư khác của thành phố (tổ dân phố, khu chung cư) và các cơ quan, đơn vị không phải là một thực thể lịch sử văn hóa, nhưng hiện nay, các cộng đồng văn hóa đã xây dựng được tính tự quản khá cao, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy biến đổi cung cách ứng xử cư dân tại chỗ theo chiều hướng tích cực và bền vững.

Biến đổi cung cách ứng xử theo hướng văn minh, tiến bộ từ cơ sở là xây dựng các mô hình văn hóa theo 3 khu vực: gia đình văn hóa, cộng đồng dân cư văn hóa, đơn vị văn hóa. Thông qua các mô hình văn hóa này, có thể điều chỉnh xu hướng biến đổi lối sống, văn hóa đô thị, nhằm định hình ngày càng phổ biến hơn các giá trị văn minh, hiện đại, tinh thần thượng tôn pháp luật, nhân văn và có bản sắc riêng.

Bồi dưỡng văn hóa ứng xử của người dân đô thị

Cần hình thành, bồi dưỡng được những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam nói chung, trong đó có cả cái đẹp, bản sắc riêng của người Đà Nẵng; đó là những con người có tri thức và năng lực sáng tạo, năng động, thích ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; có nếp sống văn minh, giàu bản sắc văn hóa xứ Quảng. Những phẩm chất này cơ bản được thể hiện ở văn hóa ứng xử của người dân Đà Nẵng (5).

Quá trình bồi dưỡng văn hóa, ứng xử người Đà Nẵng được bắt đầu từ công tác tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh đô thị thông qua gương người tốt, việc tốt, thông qua các phong trào thi đua, thông qua việc xây dựng các chuẩn mực văn hóa mới. Đồng thời, xây dựng hệ thống chuẩn mực giá trị của người Đà Nẵng cần bắt đầu từ việc xây dựng các quy tắc giao tiếp, ứng xử chuẩn mực trong tất cả các môi trường, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

________________

1. Nguyễn Thị Thu Bích, Ứng xử của người dân quận Thanh Khê trong việc tổ chức tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, Kỷ yếu hội thảo Xây dựng lối sống Đà Nẵng văn minh, hiện đại, nhân văn, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, 2017, tr.159-166.

2. Ban chủ nhiệm đề tài Lối sống Đà Nẵng, Báo cáo kết quả điều tra xã hội học, 2017.

3. Ngô Văn Minh (chủ biên), Lịch sử Đà Nẵng (1858 - 1945), Nxb Đà Nẵng, 2007, tr.158-159.

4. Lưu Anh Rô, Đà Nẵng: chuyện phố chuyện làng, Nxb Đà Nẵng, 2011, tr.48.

5. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị - Hành trình lâu dài, Tạp chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng, số 10, 4-2011.

Ths NGUYỄN THU PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;