Những đóng góp về lý luận văn hóa, văn học, nghệ thuật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế

Sinh thời, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, GS, TS Nguyễn Phú Trọng (1944-2024) là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh và trí tuệ của thế hệ lãnh đạo cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới, ngọn cờ lý luận tiên phong của Đảng ta, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt đời vì dân, vì nước, nhà văn hóa lớn của dân tộc trong thời đại ngày nay. Bài viết đề cập đến những đóng góp về lý luận văn hóa, văn học, nghệ thuật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở học tập, kế thừa, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hệ thống quan điểm lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng qua các giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam, trên các cương vị công tác quan trọng trong các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước ta, với hệ thống điểm nhìn uyên bác, khoa học, biện chứng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến nhiều công trình khoa học lý luận chính trị, sách, bài nghiên cứu, bài phát biểu, kết luận hội nghị, thư từ, điện tín… Trong những năm gần đây, trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu, phân tích lý luận công phu, khái quát, tổng kết thực tiễn sinh động, đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, gợi mở và đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp căn cơ, then chốt, có tính đột phá để xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật, phát triển văn hóa, con người, tích cực góp phần chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người nước ta là nguồn sức mạnh nội sinh đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

1. Phát triển nhận thức lý luận về khái niệm văn hóa

Ngay từ năm 1943, trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã nêu lên nhận thức lý luận khoa học về nội hàm khái niệm văn hóa: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả. Đảng ta chủ trương cần phát triển văn hóa theo ba nguyên tắc của cuộc vận động lớn là “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”. Trải qua lịch sử đấu tranh cách mạng, các thế hệ lãnh tụ của Đảng và các nhà lý luận mác xít nước ta tiếp tục làm rõ nội hàm khái niệm văn hóa và vấn đề xây dựng, phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, xuất phát từ hệ thống quan điểm lý luận hiện đại về văn hóa và thực tiễn sinh động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn nội hàm khái niệm văn hóa từ góc nhìn đương đại: “…Theo nghĩa rộng, văn hóa là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định (thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, văn hóa Đông Sơn, văn hóa lúa nước...). Nghĩa hẹp, văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người...). Văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa, những sản phẩm văn hóa: kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ...) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương...).

Văn hóa chúng ta bàn ở đây chủ yếu là theo nghĩa hẹp. Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” (1).

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tổ chức tại Thủ đô Hà Nội ngày 24-11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày, luận giải, bình luận, cắt nghĩa khái niệm văn hóa trên đây với hình thức diễn đạt ngôn từ hết sức mộc mạc, giản dị, gần gũi, dễ hiểu, giúp cho các nhà văn hóa, các nhà quản lý, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và quảng đại quần chúng nhân dân có một cách tiếp cận khái niệm văn hóa một cách hợp lý nhất. Theo Tổng Bí thư, nói một cách giản dị và sâu sắc thì văn hóa là những giá trị tốt đẹp nhất của con người, mà dân tộc nào, thời đại nào cũng khát khao vươn tới. Ở đây, khái niệm văn hóa đã được nhận thức ở góc nhìn “nhân học văn hóa” và “xã hội học văn hóa”: văn hóa chính là “giá trị người” cao quý, cao cả, tốt đẹp của con người trong xã hội. Từ nội hàm ý nghĩa này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: văn hóa chính là giá trị tinh hoa, tốt đẹp của con người, của gia đình, của dân tộc trong tầm quan sát, thừa nhận, tôn vinh và ngưỡng mộ của quảng đại quần chúng nhân dân, theo đó là lối sống, nếp sống, cách ứng xử phải đạt chuẩn mực giá trị ấy: “một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...”.

Quan niệm về văn hóa mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày đã có ý nghĩa định hướng rõ ràng về giá trị cốt lõi quan trọng của văn hóa, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, muôn người như một, với tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, để quyết tâm chấn hưng, xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Về nhiệm vụ phát huy vai trò to lớn của văn hóa đối với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc và đất nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” (2). Trên cơ sở tổng hợp, phân tích thấu đáo về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc qua trường kỳ lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn” (3). Văn hóa là giá trị lõi trong hệ giá trị của một dân tộc. Văn hóa là nét riêng, thể hiện bản sắc của dân tộc, là tiêu chí để phân biệt dân tộc này so với dân tộc khác. Trong giao lưu, hội nhập quốc tế, nếu không giữ được văn hóa, không giữ được bản sắc dân tộc thì dân tộc chỉ là cái bóng mờ của dân tộc khác. Và vì vậy, “Văn hóa còn thì Dân tộc còn”.

Từ cái nhìn thực tiễn cập nhật, Tổng Bí thư đã nghiêm khắc phê phán một số hiện tượng bàng quan, thiếu trách nhiệm trong quá trình bảo tồn văn hóa dân tộc, giáo điều, máy móc, lai căng khi học tập văn hóa nước ngoài ở nước ta thời gian qua: “Tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế, chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa)” (4). Chính vì vậy, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở, chúng ta phải đặc biệt chú trọng tôn vinh, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc - chính là giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bởi lẽ “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc”. Từ logic này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải coi văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “là động lực phát triển” và văn hóa phải hoàn thành sứ mệnh quan trọng là “soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh (5).

3. Về sự nghiệp xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới, “quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, làm rạng danh “dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”

Kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, quan điểm đường lối của Đảng về văn hóa qua các giai đoạn cách mạng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản số 18, tháng 9-1998, với nhan đề Nắm vững các quan điểm cơ bản của Đảng chỉ đạo sự nghiệp văn hóa nước ta. Bài viết đã đi sâu phân tích làm sáng tỏ 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và nêu ra những luận điểm khoa học mới, rất đáng chú ý trong thời điểm lúc bấy giờ, đặc biệt là vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội: “Kinh tế là cơ sở vật chất của xã hội, là nhân tố quyết định tạo ra sự giàu có của xã hội, do đó nó cũng là tiền đề để phát triển văn hóa. Song đến lượt mình, văn hóa lại là động lực của phát triển kinh tế. Bởi vì văn hóa bắt nguồn từ yếu tố nguồn lực con người. Con người là chủ thể, là linh hồn của sự sáng tạo, là nhân tố hàng đầu của văn hóa. Với phẩm chất đạo đức, tài năng, trí tuệ của mình, con người làm nên tất cả, làm ra vốn liếng, kỹ thuật, làm chủ khoa học - công nghệ, khai thác tài nguyên thiên nhiên… tạo nên sự giàu có về vật chất và tinh thần cho xã hội” (6).

Trong nhiều công trình bài viết sau này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục phân tích sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa, phê phán quan điểm “duy kinh tế”, chỉ nhấn mạnh một chiều vai trò của kinh tế trong phát triển, coi “văn hóa thuộc loại phi sản xuất, là lĩnh vực thứ yếu”, xem nhẹ văn hóa, coi văn hóa “là cái đuôi của kinh tế”.

Tổng Bí thư đã cập nhật tư duy mới của nhân loại đương đại về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Đó là quan điểm của UNESCO: “Sự sáng tạo văn hóa là động lực tiến bộ của loài người; sự đa dạng của văn hóa là kho tàng quý báu nhất của nhân loại và là yếu tố quý báu nhất của nhân loại và là một yếu tố cần thiết của phát triển (…). Phân tích đến cùng, sự phát triển của xã hội chính là sự phát triển của văn hóa; và sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển” (7). Chính vì vậy, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu hết sức tâm huyết với chủ đề Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là: “… khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng ta khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cũng xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa. Như vậy, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Đây là tiền đề rất cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tế” (8).

Với nhãn quan của một nhà lý luận tài năng xuất chúng, bằng tư duy khoa học, biện chứng và tầm nhìn xa trông rộng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất những hệ giá trị cốt lõi mà chúng ta cần hướng đến là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” (9).

Vận dụng tư duy nghiên cứu hiện đại của TK XXI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn đạt nội hàm ý nghĩa của hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam, về giá trị của gia đình Việt Nam và giá trị quốc gia - dân tộc bằng hệ thống “từ khóa” chắt lọc, tinh hoa, cô đọng, tổng hợp, khái quát, ngắn gọn, hàm súc. Đồng thời, Tổng Bí thư còn phân tích và làm rõ mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ theo logic tầng bậc của các hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người, giá trị của gia đình và giá trị của quốc gia - dân tộc. Các hệ giá trị nêu trên sinh tồn, tương tác, chi phối, qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau và nằm trong hệ thống tổng thể hệ giá trị sinh thái quốc gia - dân tộc. Đây là những nghiên cứu lý luận văn hóa có tính mới của Tổng Bí thư, đóng góp quan trọng vào hệ thống quan điểm lý luận của Đảng ta về xây dựng và phát triển các hệ giá trị của đất nước trong thời kỳ mới.

4. Về nhiệm vụ phát huy vai trò quan trọng, sứ mệnh vinh quang, cao cả của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và sức mạnh của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong xây dựng, phát triển nhanh và bền vững đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến vấn về phát huy vai trò, sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ với truyền thống đấu tranh anh dũng từ Hội Văn hóa cứu quốc (1943) đến nay. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước ta đã tích cực tham gia cách mạng trong “tư cách nghệ sĩ - chiến sĩ, chiến sĩ - nghệ sĩ, đóng vai trò nòng cốt xây đắp nên một nền văn học, nghệ thuật mới kháng chiến và cách mạng” và “…nhiều văn nghệ sĩ ra mặt trận, vừa cầm bút, vừa cầm súng, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ, người anh hùng” (10).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh và khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh chiến đấu của văn học, nghệ thuật và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong đấu tranh cách mạng bằng lập luận thuyết phục: “Bác Hồ đã dạy: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm”. Điều đó có nghĩa là, đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống lại cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào…” (11).

Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật và vai trò to lớn đội ngũ văn nghệ sĩ: “Văn học, nghệ thuật vốn có chức năng cao quý là khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực sinh động hấp dẫn hiện thực cuộc sống - hiện thực vĩ đại của dân tộc; phản ánh hiện thực có chiều sâu, từ trong bản chất của nó. “Nhà văn là kỹ sư tâm hồn”, “là người thư ký của thời đại” (Balzac). Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của họ phản ánh chân thực cuộc sống, làm sao cho mỗi người đọc gấp sách lại đều cảm thấy “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da” (Kalinin)” (12).

Trên cơ sở khái quát, tổng hợp quan điểm lý luận, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất quan điểm lý luận mới về phát triển văn học, nghệ thuật phải “xứng tầm” với công cuộc đổi mới trên đất nước - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở, thực hiện chuyển đổi số: xây dựng quốc gia số, xã hội số, kinh tế số, văn hóa số và công dân số… đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu rất mới cho sự phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà. Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2018), ngày 25-7-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu với các đại biểu của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước với tiêu đề cũng là nhiệm vụ cấp bách hiện nay: Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật xứng tầm với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới (13).

Theo Tổng Bí thư, để văn học, nghệ thuật nước ta “xứng tầm” với sự nghiệp đổi mới, cần chú trọng thực hiện quan điểm khoa học đúng đắn của Đảng ta về đảm bảo tự do dân chủ trong sáng tác cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Điều quan trọng là anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ cần nâng cao nhận thức toàn diện, đúng đắn và đầy đủ về tự do dân chủ trong sáng tác văn học, nghệ thuật. Trên cơ sở đó mới có thể phát triển tài năng, phong cách, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị, đồng thời rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, kiên quyết đấu tranh, phản bác, ngăn chặn quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn đã và đang cố tình bóp méo, xuyên tạc vấn đề tự do sáng tác ở nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc về luận điểm này, tạo ra tiền đề nhận thức quan trọng cho trí thức, văn nghệ sĩ: “Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển…” (14). Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức tích cực đóng góp vào sự phát triển văn hóa dân tộc, làm cho quốc gia hưng thịnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Các nhà khoa học là “nguyên khí quốc gia” những người làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ cho dân tộc và vẻ vang cho giống nòi” (15). Đồng thời, Tổng Bí thư còn gợi dẫn, động viên, tâm tình, chia sẻ kinh nghiệm với văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa trên cương vị người đứng đầu Đảng ta cả trong tư cách của người đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí là công chúng, bạn đọc hết sức bình dị: “Người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật của chúng ta mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng” (16).

Bàn về mục đích sáng tác chân chính và phương pháp sáng tác khoa học, đúng đắn để tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, Tổng Bí thư khẳng định: “Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai” (17). Sứ mệnh thiêng liêng của văn học, nghệ thuật, vai trò cao cả của văn nghệ sĩ đã được Tổng Bí thư diễn đạt bằng những hình ảnh vô cùng sinh động, giản dị, dễ hiểu: “Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, cũng nâng cao con người chứ không phải là nơi chỉ giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường mình dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, vững vàng hơn” (18). Với tâm huyết tha thiết của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, rất gần gũi, mộc mạc, giản dị và sâu sắc, Tổng Bí thư đã tâm sự với văn nghệ sĩ, trí thức về những bài học sâu sắc trong sáng tác văn học, nghệ thuật: “Bài học đó phải chăng vẫn là: khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường…” (19). Trên thực tế, đây chính là quy luật khách quan trong sáng tạo văn học, nghệ thuật của dân tộc ta và nhân loại trên toàn thế giới, đã từng diễn ra trong hàng ngàn năm lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết bài học kinh nghiệm về sáng tạo văn học, nghệ thuật hướng tới những tác phẩm có giá trị, còn mãi với thời gian: “Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được” (20).

Với phong cách giản dị, dân chủ, gần gũi và tâm huyết, Tổng Bí thư kêu gọi sự đoàn kết của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, tạo ra sức mạnh của tập thể, cùng suy nghĩ, đồng hành tư duy, cố gắng tìm biện pháp giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bức xúc đang đặt ra trong hoạt động sáng tác cũng như trong hoạt động lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật, để cùng quyết chí, đồng lòng, quyết tâm chấn hưng, phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn gửi các văn nghệ sĩ, trí thức với những lời lẽ tâm tình: “Tôi đề nghị các anh, các chị, các đồng chí bàn bạc, trao đổi thẳng thắn với tinh thần phê bình và tự phê bình sâu sắc nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém nảy sinh trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây như: Có hay không biểu hiện xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí; hạ thấp chức năng giáo dục nhận thức, nặng về tô đậm mặt tiêu cực đen tối của cuộc sống thậm chí xuyên tạc bóp méo lịch sử; tiếp thu thiếu chọn lọc sáng tác lý luận văn nghệ nước ngoài dẫn đến biểu hiện lai căng chuộng ngoại bắt chước chạy theo thời thượng? Có phải những hạn chế đó đã dẫn tới tình trạng số lượng tác phẩm tác giả thì nhiều nhưng còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, làm suy giảm sức hấp dẫn và sự ham say của quần chúng đối với văn học nghệ thuật? Cần có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế yếu kém đó?” (21).

Qua nhận định thẳng thắn và chân thành nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ thực trạng bức xúc, những thách thức, khó khăn phức tạp đang đặt ra trong thực tiễn sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta thời gian qua, đồng thời phân tích, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến một số biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, những thiếu sót, khuyết điểm ở lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư đưa ra những yêu cầu mới cho các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ phải nhanh chóng có giải pháp tổng thể, toàn diện để xử lý kịp thời, thấu đáo, hợp lý, hợp tình, hướng tới chấn chỉnh, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đất nước trên những tầm cao mới, tích cực góp phần chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Muốn đạt kết quả như vậy, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cần nhận thức nhanh nhạy, kịp thời nhu cầu đích thực của quảng đại quần chúng: Nhân dân cần những tác phẩm văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Phát biểu tại lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”, bài đăng trên Báo Hà Nội mới, ngày 11-10-1998) (22); Cuộc sống đang cần những vở diễn mang tầm vóc của dân tộc và thời đại (Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ V, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam ngày 22-12-1999) (23); Văn nghệ sĩ Thủ đô phát huy vai trò cao quý của người nghệ sĩ và trách nhiệm công dân, góp phần xây dựng văn hóa, con người Hà Nội phát triển lành mạnh, tốt đẹp (Phát biểu tại Đại hội lần thứ IX, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Báo Hà Nội mới, ngày 9-1-2001) (24).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ niềm tin sâu sắc của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tâm huyết, tài năng hiện nay trong sự phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà: “Tôi tin tưởng rằng, nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ được rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới đất nước với truyền thống vẻ vang của dân tộc phát huy những thành tựu, những thành quả của văn học, nghệ thuật 70 năm qua nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức để có thêm nhiều tác phẩm xứng đáng với con người và Tổ quốc Việt Nam đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân” (25).

Để chấn hưng, phát triển văn học, nghệ thuật “xứng tầm” với thành tựu to lớn của thời kỳ đổi mới hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ giải pháp then chốt là cần: “Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân, tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa” (26). Đây là giải pháp quan trọng cấp thiết, có tính đột phá, mang tính khả thi và có tác dụng thiết thực xây dựng, chấn hưng, phát triển văn học, nghệ thuật nước ta. Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định cụ thể, trực tiếp của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong thực tiễn sáng tác cũng như trong nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tổng Bí thư nhấn mạnh niềm tin mãnh liệt về sự trưởng thành của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hiện nay sẽ tiếp tục đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng văn hóa dân tộc: “Chúng ta tin tưởng rằng, giới văn học, nghệ thuật nước nhà mang trong mình truyền thống và hào khí dân tộc, ý thức được vinh dự và trách nhiệm trước thời đại, sẽ nỗ lực hoạt động, say mê sáng tạo để ngày càng có nhiều tác phẩm mới tương xứng với tầm vóc của đất nước và của dân tộc, đáp ứng được sự mong mỏi của Nhân dân, góp phần làm cho Tổ quốc ta, dân tộc ta mãi mãi rạng danh là một quốc gia văn hiến, một dân tộc văn hóa” (27).

5. Kết luận

Hệ thống các công trình nghiên cứu, bài viết tạp chí, bài báo, bài phát biểu, kết luận hội nghị trong mấy chục năm qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lý luận văn hóa và đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng chính là sự phát triển sâu sắc, trên tầm cao mới về lý luận, đi sâu tổng kết thực tiễn, gợi dẫn và dự báo những triển vọng mới về sự nghiệp “quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu các phương diện lý luận văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà, bàn luận rất kỹ về vai trò, sứ mệnh vinh quang, cao cả của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, về giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính, về yêu cầu phát triển nền văn hóa, phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà “xứng tầm” với sự nghiệp đổi mới… Tất cả những thành quả nghiên cứu đó đã thể hiện sự phát triển đặc biệt sáng tạo tư duy lý luận về văn hóa, văn học, nghệ thuật của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới. Đây chính là cơ sở nền tảng lý luận văn hóa, văn học, nghệ thuật quan trọng, có ý nghĩa định hướng với tầm nhìn thời đại để tiếp tục “chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó phải xây dựng cho được nền văn học, nghệ thuật nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng bằng được hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới, để văn hóa, con người Việt Nam luôn luôn là nguồn sức mạnh nội sinh phát triển nhanh và bền vững đất nước.

_________________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 12, 15, 22, 23, 24, 27. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.31, 38, 29, 41, 29, 74, 74, 39, 45, 258, 187, 224, 228, 234, 93.

10, 11, 13, 14, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 25, 26. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.317, 320, 315, 322, 322-323, 324, 323, 323, 323-324, 321-322, 322, 171.

PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;