Mở đầu năm 2025, ngày 2-1 tại tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức chương trình “Quà tặng của nhân gian”, với sự tham gia trình diễn của nghệ nhân đến từ các tỉnh: Ninh Bình, Thái Bình, Huế, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk.
Chương trình nhằm giới thiệu tới công chúng những nghệ nhân là tinh hoa của các địa phương cùng những sáng tạo độc đáo của họ. Lần đầu tiên các nghệ nhân từ những nơi rất xa xôi hẻo lánh hội tụ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đang định hướng trở thành không gian sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu phát biểu tại chương trình
Chia sẻ tại sự kiện, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, chương trình “Quà tặng của nhân gian” là sự kiện mở đầu cho các hoạt động của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong năm 2025. Với mong muốn dần đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, trung tâm của các hoạt động văn hóa của TP Hà Nội, tại sự kiện này, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động cùng với 12 nghệ nhân đến từ 7 làng nghề truyền thống trong cả nước. Các nghệ nhân đến từ nhiều vùng đất xa xôi, hội tụ về đây và mang những tinh hoa của các làng nghề, giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc các vùng miền đến với công chúng. Chương trình “Quà tặng của nhân gian” cũng chính là một món quà tặng ý nghĩa đối với người dân Thủ đô và du khách tham quan khi đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày đầu năm 2025.
“Qua chương trình này, chúng tôi cũng mong muốn những hoạt động mang tính cộng đồng, vì cộng đồng sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tạo nên sự kết nối, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Đặc biệt là quảng bá những giá trị, những tinh hoa văn hóa của các làng nghề Việt Nam đến với khách tham quan, tạo nên một sinh khí mới cho đời sống văn hóa của các làng nghề cũng như là sinh khí cho các hoạt động văn hóa tại di tích”, ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.
Nghệ nhân Đỗ Văn Tấn (giữa) đang giới thiệu nghề đan cói
Đến với chương trình, du khách sẽ được trải nghiệm, xem các nghệ nhân trình diễn những kỹ thuật tinh xảo để làm nên những sản phẩm truyền thống của các làng nghề như:
Nghệ nhân Đỗ Văn Tấn đến từ làng cói Kim Sơn (Ninh Bình), đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm sinh động từ Cói. Làng cói Kim Sơn nổi tiếng với nghề trồng cói và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói, những người nghệ nhân nơi đây đã luôn sắt son bền bỉ theo đuổi cái nghề của cha ông để lại suốt hơn 200 năm nay.
Hiếm có vùng đất nào trên đất nước ta có nghề dệt đũi được bảo tồn, phát triển đến ngày nay như tại xã Nam Cao (Thái Bình). Nghề kéo đũi, dệt cửi tại đây có từ năm 1584. Trải qua hơn 400 năm từ khi hình thành, người dân làng Nam Cao vẫn kiên định gìn giữ tinh hoa đất nghề của cha ông để lại. Trong đó phải kể đến Đũi Đại Hòa, nghệ nhân Nguyễn Đình Đại, giờ đã hơn 70 tuổi vẫn theo nghề và đang truyền lại cho những thế hệ kế tiếp.
Chị Y Mửi người dân tộc Gia Rai với dệt thổ cẩm tại Sa Thầy (Kontum)
Bảo Lộc được công nhận là thành phố tơ lụa Việt Nam từ năm 1993. Hơn 30 năm “nuôi tằm ăn cơm đứng”, tơ lụa Bảo Lộc bây giờ xứng danh là thủ phủ tơ lụa Việt Nam. Vietnam Silk House với sự nỗ lực của nghệ nhân Huỳnh Tấn Phước đã tạo được liên kết chặt chẽ giữa các miền Bắc, Trung, Nam để đưa chất lượng tơ lụa Việt Nam ngang tầm thế giới.
Nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk có từ lâu đời, gắn bó với người phụ nữ và là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Kỹ thuật dệt quyết định giá trị của một tấm vải thổ cẩm đồng thời cũng là thước đo trình độ phát triển của mỗi một dân tộc. Nghệ nhân Bya Hoa đã mạnh dạn phục chế lại hoa văn cổ của các dân tộc thay đổi bằng sợi tơ tằm của Vietnam Silk House mang lại giá trị mới cho thổ cẩm Đắk Lắk.
Với dệt thổ cẩm tại Sa Thầy (Kontum), chị Y Mửi người dân tộc Gia Rai sẽ dệt nên những mảnh vải thổ cẩm với tâm hồn của một người con của đại ngàn Tây nguyên tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Nghệ nhân Ưu tú A Brol Vẽ (người cầm đàn)
Nghệ nhân Ưu tú A Brol Vẽ đến từ làng Đắk Răng (Kon Tum) là người có khả năng chế tác và sử dụng thành thạo 12 loại nhạc cụ của dân tộc Gié Triêng. Người mang âm thanh núi rừng vào âm nhạc Tây Nguyên, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Dệt Zèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại huyện vùng cao A Lưới, chủ yếu được tạo nên từ những hạt cườm dệt tỉ mỉ. Zèng A Lưới đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ nhân dệt Zèng Hồ Thị Hợp đã và đang tiếp tục truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp…
Nghệ nhân Hồ Thị Hợp trình dệt Zèng A Lưới tại sự kiện
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, vào lúc 20 giờ ngày 4-1-2025, tại sân Thái Học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn diễn ra buổi trình diễn thời trang với 10 bộ sưu tập áo dài và thời trang của các Nhà thiết kế Silky Vietnam, Viết Bảo, Minh Hạnh trên nền tơ lụa truyền thống và thổ cẩm các vùng miền. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 5-1-2024.
Các nghệ nhân trình diễn nghề truyền thống tại sự kiện
THANH DANH - Ảnh: THÚY NGA