Phim độc lập - bước thử nghiệm cách làm phim mới

Điện ảnh Việt Nam đã trải qua những chặng đường phát triển, chúng ta đã tự hào vì có nhiều tác phẩm điện ảnh xứng đáng với lòng mong mỏi của khán giả trong nước, đạt doanh thu lớn, nội dung nghệ thuật phim làm rung động hàng triệu con tim của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, không thể bằng lòng với những gì đã đạt được, muốn tồn tại trong cạnh tranh để duy trì và phát triển nền điện ảnh dân tộc, đặt ra vấn đề làm mới phim. Trong sự phát triển chung của điện ảnh Việt Nam thời gian gần đây, có sự đóng góp không nhỏ của những nhà làm phim độc lập. Ở đó, nỗ lực của họ đang thực sự tạo được dấu ấn. Dù chẳng được nhắc đến theo cách quá rình rang, nhiều nhà làm phim độc lập trẻ đã âm thầm lập nên những thành tích đáng ngưỡng mộ, thực tế nhiều năm nay, chỉ có phim độc lập đem chuông đi đánh xứ người mang vinh quang quốc tế về cho điện ảnh Việt Nam.

Từ những năm đầu TK XX, lịch sử điện ảnh thế giới đã ghi nhận đóng góp của các bộ phim theo xu hướng độc lập. Các bộ phim thuộc xu hướng này được coi là bứt phá, cách tân điện ảnh. Điểm khác biệt của dòng phim này là cách kể chuyện mới lạ, những khuôn hình giàu mỹ cảm, sáng tạo, những số phận nhân vật gần gũi, giản dị, đời thường, những thể nghiệm nghệ thuật độc đáo… dường như là con đường độc đạo duy nhất đậm dấu ấn cá nhân. Làm phim độc lập thực ra cũng giống như tất cả mọi loại phim khác, chỉ khác là đạo diễn sẽ xoay sở từ A đến Z nên không có nhiều kinh phí, khi phát hành thì rất khó. Đổi lại, làm phim độc lập sẽ có sự tự do và sáng tạo, vừa làm, vừa thử nghiệm, khai thác ý tưởng xã hội mà các phim thương mại chưa chắc dám lao vào. Như vậy, có thể nói rằng những nhà làm phim độc lập chính là những người tìm cách cởi trói cho chính mình trong sáng tạo, tìm ra lối đi mới đối đầu với mọi khuôn mẫu cũ kỹ, không bị chi phối về kinh tế, cho dù dòng phim này không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng nó chính là một phần không thể thiếu của một nền điện ảnh. Điều này đã được chứng minh bởi các nhà làm phim khi họ tạo nên làn sóng điện ảnh độc lập lan rộng khắp thế giới như: Pháp, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc...

 Phim độc lập tuy xuất hiện đã lâu trên bản đồ điện ảnh thế giới, nhưng ở Việt Nam nó vẫn còn là một khái niệm khá mới. Nó được được hiểu là những bộ phim không sản xuất bằng kinh phí đầu tư của nhà nước, có lối làm phim độc đáo, có một số sáng tạo mới. Theo Thuật ngữ điện ảnh - truyền hình: phim độc lập còn gọi là phim vị nghệ thuật (art film), do một người hoặc một nhóm người tự sản xuất không vì lợi nhuận, không có công ty chủ quản, với chi phí thấp, công nghệ đơn giản. Trước đây, người ta gọi là phim tác giả, nhưng từ này rất khó hình dung bởi không có phim nào là khuyết danh. Gần đây người ta gọi là phim độc lập là tương đối sát nghĩa, bởi tính độc lập về nội dung, tư tưởng, độc lập về tiêu chí nghệ thuật, độc lập về tài chính. Cũng có thể gọi đó là phim vị nghệ thuật (art film) bởi đạo diễn có thể tự do hoàn toàn trong sáng tạo để bộc lộ quan điểm thuần khiết của mình đối với nghệ thuật (1); hay trong Từ vựng điện ảnh: phim độc lập được định nghĩa là những bộ phim có kinh phí thấp, không do các hãng phim lớn sản xuất.

Phim độc lập tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay, nhưng lại liên tục gặt hái được nhiều giải thưởng quốc tế như: giải thưởng phim đầu tay xuất sắc và quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Stockholm - Thụy Điển cho phim Bi, đừng sợ; giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Fribourg lần thứ 29 diễn ra ở Thụy Sĩ với phim Đập cánh giữa không trung; gần đây nhất, đầu năm 2017 dự án phim Cu Li không bao giờ khóc được lựa chọn vào tham dự giải thưởng L’Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation thuộc Liên hoan phim Quốc tế Cannes… Dòng phim độc lập đã góp phần quan trọng giúp cho điện ảnh Việt Nam khẳng định được tên tuổi trên phim trường quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là phim độc lập thường xuyên vắng bóng tại giải thưởng Cánh diều vàng, bên cạnh đó, rất khó để phát hành và dường như không có thị phần ở thị trường điện ảnh trong nước, không có nguồn kinh phí hỗ trợ… vì vậy nhiều người cho rằng, làm phim độc lập ở Việt Nam là con đường gian truân và đơn độc vì không có sự hỗ trợ của nhà nước và bất kỳ một tổ chức, nguồn quỹ nào.

Hiện nay, tại Việt Nam, các bộ phim độc lập đều có chung một phương thức thực hiện: dự án phim được tác giả hoặc nhà sản xuất gửi đến các liên hoan phim hay các chợ dự án. Sau khi dự án được chọn, ban tổ chức sẽ tìm và giới thiệu các nhà đầu tư hoặc các quỹ hỗ trợ điện ảnh để đưa dự án vào sản xuất. Sau khi hoàn thành, phim bắt đầu tham dự các liên hoan phim quốc tế và có một số giải thưởng nhất định mới phát hành trong nước. Việc các nhà làm phim Việt mang dự án phim đổ bộ vào các liên hoan phim quốc tế gần đây đã không còn là điều lạ lẫm. Dù còn ít về số lượng và gặp nhiều khó khăn khi thực hiện, những bộ phim điện ảnh Việt trong dòng phim độc lập đã đến với các liên hoan phim quốc tế và gặt hái ít nhiều thành công, tạo được sự chú ý nhất định với bạn bè quốc tế. Những sự công nhận này dù ở bất cứ khía cạnh nào cũng vô cùng đáng quý, bởi tương lai điện ảnh Việt Nam trông chờ và rất cần tiếng nói tươi mới từ nhiều bộ phim như vậy, chứ không đơn thuần là những cuốn phim thị trường, giải trí hay phim nhà nước ngốn hàng chục tỷ đồng mà nội dung, hoặc rất cũ, hoặc rời rạc, đứt mạch...

Mặc dù xu hướng làm phim độc lập tại Việt Nam đã xuất hiện cách đây nhiều năm, song những tên tuổi đạo diễn để lại nhiều dấu ấn cũng hạn chế, phim độc lập hiện mới dừng lại ở việc khẳng định dấu ấn cá nhân, mang tính phát hiện những gương mặt mới như Phan Huyền Thư, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Vũ Thị Thắm… mà chưa chảy thành dòng. Và như vậy, chặng đường đi của phim độc lập ở Việt Nam là vô cùng gian nan. Để đưa được câu chuyện lên màn ảnh, các nhà làm phim độc lập phải đương đầu với nhiều khó khăn. Nỗi lo về kinh phí sản xuất, kinh phí phát hành, rạp chiếu, rồi nỗi lo khán giả không mặn mà… là những thử thách không dễ vượt qua.

Khó khăn đầu tiên đó là nguồn kinh phí để làm phim. Chính tên gọi độc lập đã hàm chứa rất nhiều khó khăn cho những người theo đuổi dòng phim này. Các đạo diễn phim phải vất vả xoay sở tìm kinh phí để thực hiện tác phẩm của mình. Ở Việt Nam, những nhà làm phim độc lập đều còn rất trẻ, hầu hết đều chưa có tiếng tăm nên rất khó để thuyết phục các nhà tài trợ. Hơn nữa, với tính chất của phim độc lập, nhà tài trợ không được phép can thiệp vào phần nội dung, vì thế việc tìm nhà tài trợ cho các dự án phim càng trở nên khó khăn. Vì phải làm với kinh phí ít ỏi nên diễn viên thường là nghiệp dư, thậm chí là bạn bè có khả năng diễn xuất, nên khả năng thành công cũng giảm đi ít nhiều. Ngoài ra, khi làm phim độc lập sẽ không có nhà sản xuất để hỗ trợ đạo diễn trong những việc ngoài chuyên môn, điều này ít nhiều ảnh hưởng tới công việc chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn… Vì vậy, để tiết kiệm hết mức tối đa kinh phí sản xuất, các nhà làm phim thường tập trung triệt để vào đường dây câu chuyện, va chạm, đối thoại của các nhân vật, sáng tạo những góc quay mới, làm bật lên chủ đề của phim.

Thực ra, cách đây 10 năm, luật Điện ảnh đã quy định thành lập quỹ điện ảnh mà một trong những mục tiêu là hỗ trợ cho các nhà làm phim độc lập, các tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim tác giả, phim nghệ thuật. Nhưng từ khi có luật cho đến nay, quỹ này vẫn chưa được thành lập. Thêm vào đó, năm 2013, Cục Điện ảnh đã từng trình lên Chính phủ đề án thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh Việt Nam, dự kiến kinh phí hoạt động 50 tỷ đồng, quỹ sẽ dành sự hỗ trợ thiết thực cho phim độc lập, phim tác giả, phim nghệ thuật. Tuy nhiên, cho đến nay cơ chế đầu tư kinh phí của nhà nước chưa bao giờ ưu ái phim độc lập. Thật mâu thuẫn, trong khi chúng ta đặt mục tiêu xây dựng một nền điện ảnh tiên tiến và hội nhập, mà lại không có chính sách ưu đãi phát triển cho dòng phim độc lập, suốt thời gian dài nhà nước đang phó thác các tài năng trẻ điện ảnh cho các quỹ hỗ trợ nước ngoài. Trông chờ vào nhà nước hẳn không phải là việc nên làm, nó cũng từng là nguyên nhân khiến một vài thế hệ điện ảnh Việt rơi vào thế thụ động và mất đi cơ hội vươn ra thế giới. Đứng trước những khó khăn, không vì thế mà làm phim độc lập đi xuống, thực tế đã chứng minh trong những năm qua xu hướng làm phim độc lập vẫn phát triển mạnh mẽ, nhiều bộ phim độc lập có sức hút khán giả, được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá cao, giành được nhiều giải thưởng uy tín. Trong thành công bước đầu này, một điều đáng ghi nhận là không ai trong số các nhà làm phim trẻ trông chờ hay đổ lỗi cho cơ chế, họ lặng lẽ làm phim bằng tinh thần tự thân vận động.

Bên cạnh những khó khăn về nguồn vốn, thì vấn đề phát hành của phim độc lập cũng gặp không ít khó khăn. Trong thời hiện đại, tất cả những phim nghệ thuật, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới đều gặp khó khăn khi ra rạp. Bởi, tác phẩm nghệ thuật chủ yếu hướng đến việc tìm tòi những khía cạnh mới trong sáng tạo, ngôn ngữ mới, những thứ đòi hỏi người xem nói chung phải có sự chia sẻ và có kiến thức nhất định để đồng cảm hoặc có thể tiếp nhận, vì vậy đó không phải là việc dành cho tất cả mọi người mà dành cho số ít khán giả. Và đương nhiên, không phải nhà sản xuất hay rạp chiếu nào cũng mặn mà với thể loại phim đặc biệt này. Với dòng phim độc lập, ngay từ đầu, nhà đầu tư đã không hào hứng vì cho rằng dòng phim này kén khán giả và khó phát hành nên khả năng thu hồi vốn khó. Phim độc lập phổ cập tới công chúng không dễ. Ở những nước có công tác giáo dục điện ảnh tốt thì phim độc lập còn có vị trí quan trọng. Như ở châu Âu, phim độc lập vẫn sống tốt vì khán giả có một nền tảng về điện ảnh. Còn ở Việt Nam, hầu như mọi người chưa có một nền tảng về điện ảnh nhất định, nên khi xem phim họ sẽ không hiểu và một khi không hiểu, họ sẽ không xem. Đây chính là nghịch lý mà vì sao dù được đánh giá cao, nhận được giải thưởng quốc tế nhưng hầu hết phim độc lập đều rất chật vật mới tìm được nhà phát hành ở trong nước gật đầu cho ra rạp. Ví như phim Đập cánh giữa không trung sau rất nhiều nỗ lực của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mới được CGV nhận phát hành trong hệ thống Art House với số lượng phòng chiếu hạn chế và dĩ nhiên lượng khán giả cũng khiêm tốn. Đối với phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng không khá hơn là mấy. Trong khi Cha cõng con được mời chiếu tại các liên hoan phim nước ngoài và được đề nghị phát hành tại châu Âu, thì các nhà phát hành trong nước lại kết luận phim không thể hút khách do thiếu những yếu tố bạo lực, cảnh nóng, kinh dị nên họ quay lưng, cuối cùng, Lotte Cinema cũng nhận lời phát hành phim, nhưng số rạp chiếu rải rác và vào những khung giờ không thuận tiện với khán giả.

Hiện nay, muốn tác phẩm được khán giả biết đến nhà làm phim độc lập phải tiếp thị, quảng bá, nhưng họ lại không có kinh phí nên đành phải chia sẻ những bộ phim này qua mạng. Bên cạnh đó, việc chiếu phim ở rạp cũng không phải đơn giản, vì nước ta chưa có rạp nào dành cho chiếu phim ngắn. Do vậy, phim chỉ dành chiếu cho bạn bè hay trông chờ vào những buổi chiếu phim do các trung tâm văn hóa tổ chức.

Phim độc lập với những giá trị sáng tạo thực sự là nơi dẫn dắt, bồi đắp mỹ cảm, cảm xúc nghệ thuật cho khán giả, phim độc lập cũng là dòng chảy chứa đựng trong nó rất nhiều tài năng của những nhà làm phim trẻ, quay phim, diễn viên… ngoài ra, đây cũng là dòng phim đã và đang ghi danh tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế và trên hết đây chính là xu hướng mới của điện ảnh thế giới. Vậy để hội nhập không có lý do gì chúng ta lại không đầu tư cho một dòng phim triển vọng như vậy.

_______________

1. Vũ Xuân Quang, Trần Thanh Tùng (biên soạn), Thuật ngữ điện ảnh - truyền hình, Hội Điện ảnh Việt Nam, 2009.

Tác giả : Tuệ Sam

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018

 

;