Những xu hướng phát triển du lịch mới: Cơ hội và thách thức cho việc làm du lịch Việt Nam giai đoạn 2025-2030

Sự biến đổi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và trong nước; sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại; tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu... đã, đang và sẽ có những tác động nhất định đến sự phát triển của ngành Du lịch, từ đó xuất hiện những xu hướng du lịch mới. Mỗi xu hướng phát triển mới mở ra cơ hội và thách thức to lớn cho việc làm du lịch. Nắm bắt những xu hướng phát triển du lịch mới để có những giải pháp kịp thời cho việc làm bền vững là vấn đề nghiên cứu chính được đề cập trong bài viết này.

Mô hình du lịch xanh gắn với trách nhiệm cộng đồng đang được các doanh nghiệp Quảng Nam tích cực chuyển đổi - Ảnh: moitruongdulich.vn

1. Những xu hướng phát triển du lịch mới

Du lịch công nghệ cao (High-technical tourism)

Du lịch công nghệ cao là loại hình du lịch ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra sản phẩm và dịch vụ du lịch công nghệ phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm của khách du lịch. Đôi khi nó được gọi là du lịch thông minh (smart tourism), du lịch ảo (virtual reality tourism), du lịch điện tử (electronic tourism), du lịch kỹ thuật (technical tour), du lịch 3D, 3600… Dù sử dụng thuật ngữ nào, bản chất cốt lõi của nó là du lịch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ.

Loại hình du lịch này đã xuất hiện trên thế giới từ lâu, nhưng với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, các công nghệ mới ra đời ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch công nghệ cao. Bằng việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như: thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), công nghệ 3D, 3600, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến (RFID), mạng cảm biến không dây và các công nghệ định vị GIS, GPS, LBS... đã tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đa dạng phục vụ khách tham quan. Một số sản phẩm, dịch vụ điển hình như: khám phá các tour du lịch thực tế ảo bằng công nghệ tương tác 3D, VR-360o; trình chiếu và biểu diễn nghệ thuật bằng công nghệ ánh sáng, laser, âm thanh, nhạc nước; nghệ thuật trình diễn “drone light”; công nghệ mô hình điện tử, 3D Mapping...

Du lịch gắn với các trung tâm giải trí lớn, công viên chủ đề (Theme Parks)

Ở Việt Nam, hiện nay đã xuất hiện một số công viên giải trí, công viên chủ đề lớn, trở thành trung tâm thu hút khách và là điểm đến quan trọng cho du lịch ở nhiều địa phương như: Công viên Ấn tượng Hội An (Quảng Nam); Công viên văn hóa Đầm Sen (TP.HCM); Công viên nước Hồ Tây, Vinpearl Land Times City (Hà Nội); Sun World Bà Nà Hills, Sun World Danang Wonders (Đà Nẵng); Sun World Fansipan Legend SaPa (Lào Cai); Sun World Ha Long Complex (Quảng Ninh); Sun World Hon Thom Nature Park - Phú Quốc, Vinpearl Land Phú Quốc (Kiên Giang); Vinpearl Land Nha Trang (Khánh Hòa)... Tuy nhiên, đây vẫn là loại hình du lịch khá mới ở Việt Nam, có dư địa phát triển rất lớn trong tương lai.

Du lịch công nghiệp (Industrial tourism)

Du lịch công nghiệp rất phổ biến ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam loại hình du lịch này chưa được phát triển mạnh. Du lịch công nghiệp là loại hình du lịch tham quan các cơ sở sản xuất công nghiệp, di sản công nghiệp, phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp... nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm của khách du lịch.

Điểm đến của loại hình du lịch này là các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động hoặc đã dừng hoạt động (di sản công nghiệp) nhưng vẫn có giá trị tham quan trải nghiệm. Mục đích của khách du lịch là tham quan, tìm hiểu các quy trình sản xuất, dây chuyền sản xuất, công nghệ sản xuất, tìm hiểu sản phẩm, tìm hiểu lịch sử hình thành và hoạt động của cơ sở công nghiệp, trải nghiệm thực hành sản xuất. Du lịch công nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan: với khách du lịch là hiểu biết và giá trị trải nghiệm; với doanh nghiệp lữ hành là doanh thu; với nhà máy, xí nghiệp là sự quảng bá thương hiệu, hình ảnh và sản phẩm của công ty...

Du lịch xanh dựa vào cộng đồng (Green tourism based on community)

Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ ngày càng đẩy mạnh phát triển du lịch xanh dựa vào cộng đồng. Đây là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng để khai thác các giá trị tài nguyên phát triển du lịch trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Hiểu ngắn gọn, đây là loại hình du lịch dựa vào giá trị cốt lõi, nguyên bản của tự nhiên, xã hội và nhân văn. Với những giá trị và lợi ích to lớn của nó, du lịch xanh dựa vào cộng đồng sẽ có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Một số hình thức tiêu biểu: du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống; du lịch cộng đồng gắn với các khu di tích, di sản thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc vùng cao...

Du lịch trải nghiệm (Tourism experience)

Du lịch trải nghiệm không phải là loại hình du lịch mới mẻ, nhưng thực tế sự phát triển của loại hình du lịch này ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, chủ yếu là đóng vai trò “kép phụ”, được lồng ghép với các tour, các chương trình du lịch khác. Tuy nhiên, xu hướng phát triển du lịch trong tương lai, nhu cầu của khách du lịch sẽ có sự thay đổi lớn. Theo đó, khách du lịch không chỉ dừng lại ở việc quan sát (tham quan) mà sẽ có nhu cầu được tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, là nhân vật trung tâm của các hoạt động du lịch; mong muốn được trải nghiệm để khám phá, tìm hiểu, tận hưởng sâu sắc hơn các giá trị du lịch; được thể hiện bản thân, phát huy khả năng của bản thân... Vì thế, du lịch trải nghiệm sẽ có cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới.

Các loại hình du lịch trải nghiệm rất đa dạng, có thể là trải nghiệm sản xuất nông nghiệp (làm ruộng, thu hoạch vụ mùa, trải nghiệm cuộc sống/ lao động của người nông dân), công nghiệp, thủ công nghiệp (thực hành sản xuất các sản phẩm công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm); trải nghiệm thể thao: tham gia các trò chơi, các môn thể thao có hướng dẫn viên, thể thao mạo hiểm, thể thao quần chúng (chạy việt dã); trải nghiệm khám phá tự nhiên: lặn biển khám phá đáy đại dương, khám phá hang động, hầm mỏ, rừng nguyên sinh; trải nghiệm văn hóa: văn hóa ẩm thực (thực hành nấu các món ăn truyền thống), văn nghệ (thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của người dân địa phương), tham gia các trò chơi, trò diễn dân gian, mặc trang phục truyền thống...

Ngoài những xu hướng du lịch trên, một số loại hình du lịch khác cũng được nhìn nhận có khả năng phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới như: du lịch chữa bệnh (chữa lành); du lịch thể thao nhà nghề gắn với các giải đấu chuyên nghiệp (đua xe công thức 1, golf); du lịch MICE, SAVE Tourism... những loại hình du lịch này phát triển cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho xã hội, cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp; lao động toàn thời gian và lao động bán thời gian; lao động chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo và lao động phổ thông chưa qua đào tạo...

2. Nhu cầu lao động ngành Du lịch cả nước giai đoạn 2025-2030

Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2011-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng bình quân 14,5%/năm, đạt mức cao nhất 15,5 triệu lượt khách năm 2018; khách nội địa tăng bình quân 15%/năm đạt mức cao nhất 80 triệu lượt khách năm 2018; tổng thu từ khách du lịch tăng trưởng bình quân 25%/năm, đạt mức cao nhất 620.000 tỷ đồng (tương đương 27 tỷ USD) năm 2018; đóng góp khoảng 8,1% vào GDP của nền kinh tế (1).

Sự phát triển nhanh của ngành Du lịch kéo theo nhu cầu về lao động du lịch ngày càng cao. Năm 2017, tổng số lao động ngành Du lịch khoảng hơn 2,5 triệu người, trong đó có khoảng 750.000 lao động trực tiếp. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (năm 2017): đến năm 2025, nhu cầu lao động của ngành du lịch khoảng 5,5-6 triệu người, trong đó có khoảng hơn 2 triệu lao động trực tiếp (tăng 2,66 lần so với năm 2017); đến năm 2030 cần khoảng 8,5 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 3 triệu lao động trực tiếp (2).

Năm 2020, ngành Du lịch chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19, lao động ngành Du lịch biến động mạnh, giảm cả về số lượng và chất lượng do phần lớn lao động chất lượng được đào tạo về du lịch, có kinh nghiệm lâu năm rời bỏ ngành, các doanh nghiệp phải tuyển dụng bổ sung lao động chưa qua đào tạo, lao động ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành Du lịch đang có tín hiệu phục hồi tích cực. Theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, kết thúc năm 2023, cả nước đã đón được hơn 12,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 678 nghìn tỷ đồng. Nếu với đà phục hồi này, đến năm 2025 các chỉ tiêu du lịch đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được hoàn thành như kỳ vọng, thì giai đoạn 2026-2030 nhu cầu lao động của ngành Du lịch tăng thêm khoảng hơn 3 triệu người, trong đó có khoảng hơn 1 triệu lao động trực tiếp.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển mới, với nhiều loại hình và xu hướng du lịch mới xuất hiện cũng như trước tác động của khoa học và công nghệ hiện đại, yêu cầu về chất lượng lao động du lịch cũng có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là đội ngũ lao động làm việc ở những lĩnh vực chuyên sâu, lĩnh vực hẹp hay lĩnh vực mới như: du lịch xanh, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch thể thao nhà nghề, du lịch công nghệ, du lịch chữa lành, du lịch thiện nguyện, du lịch mạo hiểm...

Như vậy, nhu cầu lao động cho ngành Du lịch Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 là rất lớn. Du lịch phát triển tạo cơ hội việc làm cho xã hội, dự báo nhu cầu lao động du lịch là gợi ý quan trọng định hướng việc làm cho xã hội, đặc biệt là tầng lớp trẻ trong việc xác định và lựa chọn ngành học, nghề học; đồng thời, gợi ý cho các cơ sở đào tạo du lịch có những định hướng, kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, xu hướng phát triển du lịch mới. Ngoài ra, đây cũng là căn cứ, tham vấn cho các cơ quan, tổ chức du lịch có phương án, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong ngắn hạn và dài hạn.

3. Những cơ hội và thách thức tạo việc làm du lịch ở Việt Nam

Những cơ hội

Mỗi xu hướng phát triển du lịch mới tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, cả việc làm trực tiếp và việc làm có liên quan

Ngành Du lịch không chỉ tạo việc làm trực tiếp ở các lĩnh vực lưu trú - khách sạn, lữ hành - hướng dẫn du lịch, vận chuyển khách du lịch, quản lý - quản trị du lịch... mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động gián tiếp, lao động thời vụ, lao động kiêm nhiệm. Ví dụ như: xu hướng du lịch công nghệ cao tạo thêm việc làm cho lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch tại các trung tâm giải trí công nghệ, công viên giải trí, công viên chủ đề, đồng thời tạo nhiều việc làm cho các ngành, lĩnh vực có liên quan như: công nghệ thông tin, công nghệ điện - điện tử, công nghệ truyền thông, công nghệ tự động hóa, công nghệ chế tạo máy... Đây là những việc làm cung cấp sản phẩm, dịch vụ, linh kiện, thiết bị phụ trợ cho lĩnh vực giải trí công nghệ.

Xu hướng phát triển du lịch mới làm thay đổi tính chất công việc, tạo thêm việc làm mới cho người lao động bên cạnh những công việc chính của họ

Xu hướng du lịch công nghiệp tạo thêm việc làm mới cho công nhân, quản đốc, nhà quản lý doanh nghiệp; bên cạnh công việc chính là sản xuất, quản trị doanh nghiệp, nay họ có thêm công việc là hướng dẫn viên, kỹ thuật viên trình diễn sản phẩm, nhân viên hỗ trợ trải nghiệm cho khách du lịch. Du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn tạo thêm việc làm mới cho người nông dân; bên cạnh công việc chính là sản xuất nông nghiệp, nay họ có thêm công việc hướng dẫn viên, kinh doanh homestay, phục vụ ăn uống và các dịch vụ khác...

Sự phát triển của ngành Du lịch tạo cơ hội việc làm bền vững cho xã hội, ổn định vị trí làm hiện tại, đồng thời mở ra cơ hội việc làm trong tương lai

Du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng và du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đang từng bước tạo việc làm ổn định và sinh kế bền vững cho cộng đồng ở địa phương. Từ du lịch và thông qua du lịch, người dân có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa cao, do đó, du lịch phát triển tạo độc lực, thúc đẩy lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác, qua đó tạo thêm việc làm lan tỏa trong xã hội.

Những xu hướng phát triển du lịch mới và sự phát triển ổn định của ngành Du lịch tạo cơ hội phát triển nguồn nhân lực “mở”

Nguồn nhân lực “mở” bao gồm những người lao động không chuyên về du lịch, không làm việc trong cơ quan hay tổ chức du lịch, nhưng tính chất công việc có liên quan đến du lịch. Đối tượng của nguồn nhân lực “mở” rất rộng, có thể là người dân địa phương, nông dân, công nhân, kỹ sư, thậm chí cả lao động tự do (xe ôm, người khuôn vác hành lý cho khách du lịch...).

Bằng việc tạo ra việc làm mới và việc làm bền vững, sự phát triển của ngành Du lịch đang trực tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đất nước, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững quốc gia (mục tiêu thứ 8 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc).

Những thách thức

Những xu hướng phát triển du lịch mới tạo ra thách thức, đe dọa một số vị trí việc làm vốn được coi là truyền thống khó có thể thay thế trong ngành Du lịch

Hướng dẫn viên du lịch và nhân viên lễ tân khách sạn được coi là những vị trí việc làm chính trong ngành Du lịch. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển du lịch công nghệ cao, nhiều công nghệ hiện đại ra đời đã đe dọa trực tiếp đến hai vị trí việc làm này. Ứng dụng “Hướng dẫn viên ảo” trên các thiết bị thông minh, robot hướng dẫn viên, phần mềm thuyết minh tự động, robot lễ tân, máy check-in tự động, ChatGPT... nếu được triển khai áp dụng rộng rãi tại các khách sạn và điểm đến du lịch thì nguy cơ giảm cơ hội việc làm của hướng dẫn viên và lễ tân khách sạn là rất cao.

Những xu hướng phát triển du lịch mới đặt ra thách thức lớn đối với chất lượng lao động

Chất lượng lao động được đánh giá tổng thể ở nhiều yếu tố: trình độ chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, đạo đức, thái độ làm việc, khả năng ngoại ngữ, tin học, am hiểu công nghệ thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0... Những xu hướng du lịch công nghệ cao đòi hỏi lực lượng lao động cũng phải có trình độ cao, nhất là cập nhật trình độ công nghệ của xu thế phát triển. Những xu hướng du lịch khác tạo việc làm cho cộng đồng dân cư và lao động không chuyên về du lịch cũng đặt ra yêu cầu lực lượng lao động này phải nâng cao kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ, kinh nghiệm làm du lịch. Những xu hướng du lịch thu hút khách quốc tế thì yêu cầu thêm kỹ năng ngoại ngữ.

Thách thức về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, tỷ lệ lao động ngành Du lịch hiện nay được đào tạo và bồi dưỡng về du lịch chiếm khoảng 42%/tổng số lao động toàn ngành, trong đó chỉ có 10% lao động có trình độ đại học. Chất lượng nguồn nhân lực được quyết định rất lớn ở quá trình đào tạo du lịch. Những khó khăn lớn nhất của các cơ sở đào tạo du lịch ở Việt Nam hiện nay là: cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu các thiết bị dạy và học hiện đại; cán bộ giảng dạy vừa thiếu, vừa yếu, nhiều cơ sở đào tạo giảng viên ít được kinh qua thực tế, thiếu giảng viên có trình độ cao; chương trình đào tạo thiếu thống nhất, nặng về lý thuyết, ít thực hành; khả năng kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế... Những khó khăn này đặt ra thách thức to lớn trong hoạt động đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch trong tương lai.

Thách thức về thu hút nhân tài, giữ chân người lao động

Du lịch mặc dù được coi là ngành “hot” hiện nay, nhưng không phải vì thế mà vấn đề thu hút nhân tài, giữ chân người lao động được đảm bảo. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan mang lại, sự “thờ ơ” của lực lượng lao động chất lượng cao và vấn đề “chảy máu chất xám” vẫn diễn ra trong ngành Du lịch. Vì thế, phát triển du lịch bền vững không những tạo ra nhiều việc làm cho xã hội mà còn phải đảm bảo duy trì lực lượng lao động hiện tại và thu hút nhân tài bổ sung cho ngành Du lịch trong tương lai của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là một trong những thách thức lớn mà ngành Du lịch phải vượt qua.

4. Giải pháp phát triển du lịch gắn với tạo việc làm bền vững giai đoạn 2025-2030 ở Việt Nam

Phát triển du lịch gắn với tạo việc làm bền vững là một trong những mục tiêu và định hướng chiến lược quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam giai đoạn 2025-2030. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Những giải pháp chung

Chủ động nắm bắt kịp thời các xu hướng phát triển du lịch mới, đánh giá tác động, cơ hội, thách thức của những loại hình du lịch mới này đối với sự phát triển của ngành Du lịch. Sớm có phương án, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho lĩnh vực du lịch mới, đảm bảo hài hòa giữa phát triển loại hình du lịch mới với tạo lập việc làm cho người lao động.

Có cơ chế, chính sách thích hợp, khuyến khích khu vực tư, đặc biệt là khối doanh nghiệp kinh doanh du lịch đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, nắm bắt kịp thời nhu cầu mới của thị trường để phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo (đào tạo tại chỗ) nhân lực làm việc cho những vị trí việc làm mới do những xu hướng du lịch mới tạo ra.

Chính quyền và cơ quan quản lý du lịch các cấp có phương án hỗ trợ chuyên gia và hỗ trợ kinh phí cho những địa phương, doanh nghiệp có tiềm năng, điều kiện phát triển các loại hình du lịch mới; hỗ trợ phát triển sản phẩm; hỗ trợ công tác quảng bá; hỗ trợ tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực và các điều kiện khác để địa phương, doanh nghiệp phát triển bền vững các loại hình du lịch mới.

Phát triển các loại hình du lịch mới phải đảm bảo tuân thủ mục tiêu và định hướng chiến lược của ngành và của quốc gia. Đối với những loại hình du lịch mới có tiềm năng phát triển cần khai thác mạnh mẽ. Đối với những loại hình du lịch mới chưa thực sự phù hợp, chưa đủ điều kiện để phát triển thì cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh vội vã triển khai dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Đồng thời, phát triển những loại hình du lịch mới cần đảm bảo tạo việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là cộng đồng, người dân địa phương.

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về vị trí việc làm cho những loại hình du lịch mới và cho toàn ngành Du lịch. Có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng người tài, ổn định việc làm, giữ chân người lao động.

 Những giải pháp cụ thể

Thứ nhất, đối với loại hình du lịch công nghệ cao: Cần định hướng phát triển các công viên giải trí, công viên chủ đề, các trung tâm giải trí công nghệ cao một cách hợp lý, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, vừa đảm bảo vấn đề an ninh, môi trường và tạo việc làm bền vững. Sự phân bố vị trí, quy mô của các công viên và trung tâm giải trí công nghệ là rất quan trọng. Nếu quy hoạch thiếu hợp lý, đầu tư đại trà sẽ dẫn đến khả năng phát triển mất cân đối, gây lãng phí tài nguyên và không đảm bảo việc làm bền vững (sự thừa - thiếu lao động theo lượng khách). Giải pháp được đề xuất là nên đầu tư phát triển thí điểm ở một số thành phố lớn, khu du lịch có lượng khách đông và ổn định (không lệ thuộc theo mùa du lịch).

Thứ hai, đối với loại hình du lịch công nghiệp: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế, tìm hiểu nhu cầu và đối tượng khách du lịch để có phương án phát triển hợp lý. Khai thác một số cơ sở sản xuất công nghiệp truyền thống của Việt Nam, các làng nghề thủ công truyền thống, đồng thời, phối hợp với một số công ty, tập đoàn nổi tiếng thế giới đang hoạt động tại Việt Nam như Samsung, Honda, Toyota, Cocacola, Canon... để phát triển thí điểm loại hình du lịch công nghiệp. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, chương trình, nội dung, hoạt động trải nghiệm và công tác quảng bá để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Thứ ba, đối với loại hình du lịch xanh dựa vào cộng đồng: Đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh gắn với cộng đồng. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những chương trình du lịch xanh, du lịch cộng đồng. Có phương án hỗ trợ tích cực cộng đồng phát triển du lịch; tạo điều kiện cho người dân bản địa tham gia làm du lịch; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng; hỗ trợ công tác quảng bá xúc tiến du lịch.

Thứ tư, đối với các loại hình du lịch trải nghiệm: Nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm theo chiều sâu, tăng sức hấp dẫn, sự phong phú, đa dạng của các hoạt động trải nghiệm. Phát huy thế mạnh về tài nguyên và tiềm năng du lịch trải nghiệm ở từng địa phương, vùng, miền, tập trung phát triển một số loại hình trải nghiệm độc đáo, có sức cạnh tranh, có khả năng thu hút khách du lịch lớn. Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn, phục vụ hoạt động trải nghiệm của khách du lịch. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch đối với một số loại hình trải nghiệm mang tính mạo hiểm.

____________________

1. Tổng cục Du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Nxb Thanh Niên, 2020.

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, số 147/QĐ-TTg, Hà Nội, 2020.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, số 08-NQ/TW, Hà Nội, 2017.

2. Chính phủ, Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023.

3. Lê Quang Đăng, Phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam, Tạp chí Du lịch, số 1+2-2019.

4. Azam M. and Sarker T., Green tourism in the context of climate change towards sustainable economic development in the South Asian Region (Du lịch xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hướng tới phát triển kinh tế bền vững ở khu vực Đông Nam Á), Journal of Environmental Management and Tourism, Volume II Issue 1(3), 2011.

5. Gretzel U., Sigala M., Xiang, Koo, Smart tourism: foundations and developments (Du lịch thông minh, nền tảng và sự phát triển), Electronic Markets - Springer, Volume 25, Issue 3, 2015, tr.179-188, .

6. Lisa Hiwasaki, Community-based tourism: A pathway to sustainability for Japan’s protected areas (Du lịch dựa vào cộng đồng: Con đường hướng tới sự bền vững cho các khu bảo tồn của Nhật Bản), Journal Society & Natural Resources, Volume 19, 2006 - Issue 8, 2007, tr.675-692.

7. Quốc hội, Luật Du lịch, số 09/2017/QH14, Hà Nội, 2017.

8. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững thời gian tới, 28-2-2024.

PGS, TS NGUYỄN VĂN THANH - TS LÊ QUANG ĐĂNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;