Giáo dục nghệ thuật cho khán giả trẻ - Trường hợp nghệ thuật điện ảnh

Bài viết nghiên cứu vai trò của giáo dục nghệ thuật thông qua điện ảnh, với trọng tâm là khán giả Gen Z - thế hệ sinh ra trong thời đại công nghệ số và có cách tiếp cận nghệ thuật khác biệt. Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát trực tuyến với 243 sinh viên thuộc thế hệ Gen Z, thu thập ý kiến về tần suất xem phim, mức độ yêu thích và các yếu tố ảnh hưởng đến thói quen tiếp nhận phim chiến tranh. Từ đó, bài viết đề xuất các phương pháp tiếp cận mới thông qua nền tảng kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả giáo dục nghệ thuật và lịch sử cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa thông qua điện ảnh.

Khán giả trẻ hào hứng đi xem Đào, Phở và Piano - Ảnh: vietnamnet.vn

Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục nghệ thuật đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc nuôi dưỡng thẩm mỹ và cảm thụ văn hóa mà còn là phương tiện hiệu quả để truyền tải các giá trị xã hội, lịch sử và lòng tự hào dân tộc. Điện ảnh, với tư cách là nghệ thuật thứ bảy, kết hợp hình ảnh, âm thanh và câu chuyện để tác động mạnh mẽ đến cảm xúc và nhận thức của khán giả. Đặc biệt, đối với Gen Z, giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại như điện ảnh ngày càng trở nên quan trọng. Gen Z, tiếp cận nhanh chóng với thông tin và văn hóa đa dạng, cần những phương pháp giáo dục phù hợp để thu hút và phát triển tư duy nghệ thuật.

Phim điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh là một kho tàng giá trị, không chỉ phản ánh lịch sử đau thương, nhưng hào hùng của dân tộc mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường. Đối với Gen Z, thế hệ sinh sau chiến tranh và không có trải nghiệm trực tiếp, việc tiếp cận lịch sử qua điện ảnh là cách mạnh mẽ để khơi dậy ý thức lịch sử và lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, giáo dục nghệ thuật qua phim chiến tranh đối với khán giả trẻ cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại với sự đa dạng về thị hiếu và công nghệ tiêu thụ nội dung.

Nghiên cứu này tập trung vào đối tượng khán giả Gen Z, những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010, đã tiếp cận công nghệ và phương tiện truyền thông từ nhỏ. Phạm vi nghiên cứu tập trung vào bộ phim Cánh đồng hoang, một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam về chiến tranh. Bài viết tập trung nghiên cứu tác động của bộ phim này đến khán giả Gen Z trong bối cảnh hiện đại, đặc biệt trong vai trò phim như một phương tiện giáo dục nghệ thuật và lịch sử cho thế hệ trẻ.

1. Cơ sở lý thuyết

Khái niệm giáo dục nghệ thuật

Giáo dục nghệ thuật là một thành phần quan trọng trong hệ thống giáo dục toàn diện, đóng vai trò không chỉ trong việc cung cấp kiến thức về nghệ thuật mà còn giúp phát triển tư duy thẩm mỹ, sáng tạo và khả năng nhận thức xã hội.

Theo Tổ chức Americans for the Arts, giáo dục nghệ thuật là sự truyền dạy và thiết kế các chương trình trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Giáo dục nghệ thuật bao gồm: giáo dục về nghệ thuật giáo dục thông qua nghệ thuật. Giáo dục nghệ thuật là những cách thức và biện pháp khác nhau giúp cho người học nhận thức đúng giá trị của các loại hình nghệ thuật để thưởng thức, thẩm nhận và phát triển nó lên những tầm cao mới.

Nghệ thuật điện ảnh và sự phát triển của thế hệ Gen Z

Nghệ thuật điện ảnh, một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để truyền tải tri thức và giá trị thẩm mỹ. Theo nhiều nghiên cứu, điện ảnh không chỉ là một phương tiện giải trí mà còn đóng vai trò như một phương tiện giáo dục thông qua việc xây dựng hình ảnh, âm thanh và câu chuyện giúp khán giả tiếp cận với các ý tưởng phức tạp một cách dễ hiểu và gần gũi hơn. Trong quá trình tiếp cận điện ảnh, khán giả không chỉ thưởng thức mà còn hình thành và phát triển khả năng phê phán, phân tích nghệ thuật. Do đó, giáo dục nghệ thuật thông qua điện ảnh, đặc biệt là các tác phẩm phim truyện, không chỉ nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật mà còn giúp phát triển tư duy phản biện và khả năng giải mã các ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tác phẩm. Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, vai trò của điện ảnh ngày càng trở nên rõ rệt, đặc biệt khi khán giả trẻ thuộc thế hệ Gen Z có xu hướng tiếp thu kiến thức và cảm hứng qua các phương tiện truyền thông số.

Thế hệ Gen Z, bao gồm những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010, có những đặc điểm độc đáo trong việc tiếp nhận và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Đây là thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên kỹ thuật số, tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm và có xu hướng tiếp cận thông tin qua các phương tiện số như internet, mạng xã hội và các nền tảng xem phim trực tuyến. Đối với Gen Z, thông tin và nội dung văn hóa, nghệ thuật được tiêu thụ nhanh chóng, đa dạng và có xu hướng trực quan hơn so với các thế hệ trước.

Tóm lại, giáo dục nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật điện ảnh, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy sáng tạo và khả năng phản biện của khán giả trẻ, cụ thể là thế hệ Gen Z. Việc tiếp cận với các tác phẩm điện ảnh không chỉ giúp họ nâng cao nhận thức thẩm mỹ mà còn phát triển các kỹ năng cần thiết để đối phó với những thách thức trong thế giới hiện đại.

2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Để đánh giá mức độ tiếp nhận và cảm thụ của khán giả trẻ thuộc thế hệ Gen Z đối với các bộ phim điện ảnh về đề tài chiến tranh Việt Nam, nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát trực tuyến. Khảo sát được tiến hành trên một nhóm mẫu gồm 243 người trẻ thuộc thế hệ Gen Z, cụ thể là sinh viên năm Nhất (Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang), sinh viên năm Hai (Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM). Dữ liệu từ khảo sát được phân tích bằng các phương pháp thống kê để đưa ra những kết luận rõ ràng về mức độ tiếp nhận của Gen Z đối với điện ảnh chiến tranh Việt Nam, đề xuất những phương pháp tiếp cận hiệu quả hơn trong việc giáo dục nghệ thuật và lịch sử qua điện ảnh.

Các kênh tiếp cận phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh

Theo kết quả khảo sát 243 sinh viên (tháng 3-2024), cho thấy: Internet là kênh phổ biến nhất với 92,2%, phản ánh tầm quan trọng của các nền tảng trực tuyến như YouTube và Netflix đối với thế hệ Gen Z; Truyền hình xếp thứ hai với 50,6%, cho thấy phương tiện truyền thống vẫn có sức ảnh hưởng nhưng đã giảm so với internet; Giới thiệu từ bạn bè, người thân chiếm 47,7%, khẳng định vai trò của mạng lưới cá nhân trong việc quảng bá phim; Quảng cáo trên báo và tạp chí là 25,1%, thể hiện sự giảm sút của truyền thông truyền thống; Banner, poster, tờ rơi quảng cáo chỉ thu hút 16,5%, phản ánh xu hướng giảm của quảng cáo trực quan; Kênh khác chiếm 7%, có thể bao gồm các nguồn thông tin không nằm trong các loại hình truyền thông phổ biến đã nêu, chẳng hạn như sự kiện phim, liên hoan phim hoặc các hoạt động ngoại khóa tại trường học...

Như vậy, kết quả khảo sát cho thấy internet là kênh tiếp cận phim chiến tranh Việt Nam quan trọng nhất đối với sinh viên, vượt trội hơn hẳn so với các kênh truyền thông truyền thống như truyền hình và báo chí. Điều này phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu thụ nội dung của thế hệ trẻ, với xu hướng ưu tiên các kênh trực tuyến do tính tiện lợi và khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ ra các hình thức quảng cáo truyền thống như truyền hình hay báo chí vẫn có mức độ ảnh hưởng nhất định, dù bị lu mờ so với internet. Bạn bè và người thân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và tạo ra sự quan tâm đối với các bộ phim có chủ đề chiến tranh. Ngoài ra, kết quả này còn cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà sản xuất phim và nhà quảng bá khi lựa chọn các kênh truyền thông để tiếp cận đối tượng khán giả trẻ, đồng thời, đề xuất sự tập trung lớn hơn vào các nền tảng kỹ thuật số để tăng cường hiệu quả quảng bá.

Tần suất xem phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh

Kết quả khảo sát 243 sinh viên cho thấy: Phổ biến nhất có 61,3% sinh viên xem phim 1-2 lần/ năm, cho thấy họ xem phim này khá ít, có thể chỉ khi có sự kiện đặc biệt; Xem thường xuyên hơn là 21,8% xem 1-2 lần/ tháng, phản ánh nhóm sinh viên quan tâm hơn đến các chủ đề lịch sử và văn hóa; Xem rất thường xuyên chỉ có 4,9% xem 1-2 lần/ tuần, là nhóm sinh viên có đam mê đặc biệt với thể loại này; Không xem là 8,6%, cho thấy một số người hoàn toàn không hứng thú với thể loại này; Lựa chọn khác là 6,6% chọn các tần suất khác không nằm trong các danh mục chính.

Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy, trong bối cảnh hiện đại, các phim về đề tài chiến tranh Việt Nam chưa phải là lựa chọn ưu tiên thường xuyên của sinh viên và cần có thêm các chiến lược để tăng cường sự thu hút khán giả đối với thể loại này trong tương lai. Kết quả này cũng mở ra cơ hội để ngành Điện ảnh và các nhà giáo dục có thể cải thiện cách thức giới thiệu phim chiến tranh Việt Nam đến sinh viên. Việc tích hợp phim vào các chương trình học tập, hoặc tổ chức các sự kiện chiếu phim kèm thảo luận, có thể là cách tiếp cận hiệu quả để khuyến khích sự quan tâm nhiều hơn từ thế hệ trẻ.

Sự quan tâm của thế hệ Gen Z đối với phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh

Kết quả khảo sát 243 sinh viên cho thấy: có 70,8% sinh viên cho biết họ thích phim chiến tranh Việt Nam, chứng tỏ phần lớn khán giả trẻ vẫn hứng thú với thể loại này, dù nó mang tính nghiêm túc và lịch sử; 23,5% sinh viên rất thích, cho thấy một nhóm nhỏ nhưng đáng kể có sự đam mê sâu sắc với các giá trị nhân văn và lịch sử của phim; Không thích là 5,8% sinh viên, cho thấy một số ít khán giả không quan tâm.

Kết quả trên cho thấy phần lớn khán giả thế hệ Gen Z có sự quan tâm tích cực đến phim truyện điện ảnh Việt Nam với đề tài chiến tranh. Tổng cộng, 94,3% (bao gồm cả những người “Thích” và “Rất thích”) thể hiện một mức độ yêu thích đối với thể loại này. Điều này chứng minh rằng các câu chuyện chiến tranh của Việt Nam, với những thông điệp về sự hy sinh, tình yêu quê hương và bài học lịch sử, vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ với khán giả trẻ, dù họ sống trong thời đại hiện đại và tiếp xúc nhiều với các loại hình giải trí mới. Đồng thời, kết quả tích cực này mở ra cơ hội lớn cho ngành Điện ảnh Việt Nam trong việc khai thác sâu hơn các bộ phim có nội dung chiến tranh để tiếp cận và thu hút khán giả trẻ. Tuy nhiên, sự quan tâm của nhóm “Không thích” (5,8%) cũng cho thấy cần có những thay đổi và điều chỉnh để đáp ứng đa dạng hơn thị hiếu của khán giả, bao gồm cách thể hiện mới mẻ và sáng tạo hơn trong việc tái hiện lại các câu chuyện chiến tranh.

Khảo sát về yếu tố tác động đến việc thích xem phim truyện Việt Nam về đề tài chiến tranh

Kết quả khảo sát 243 sinh viên cho thấy: Nội dung kịch bản là yếu tố quan trọng nhất với 83,5% sinh viên cho rằng, nó ảnh hưởng đến việc họ thích xem phim. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của câu chuyện và thông điệp trong việc thu hút khán giả trẻ; Chất lượng kỹ thuật (âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo) có 56,4% sinh viên đánh giá cao, cho thấy khán giả trẻ kỳ vọng phim có chất lượng cao về mặt thẩm mỹ và trải nghiệm; Chất lượng diễn viên quan trọng đối với 43,6% sinh viên, khi diễn xuất giúp truyền tải cảm xúc và kết nối với khán giả; Đạo diễn chiếm 17,3% sinh viên quan tâm, cho thấy đạo diễn có ảnh hưởng nhất định, nhưng không lớn bằng các yếu tố khác; Yếu tố khác chiếm 14%, bao gồm âm nhạc, thông điệp chính trị, hoặc cảm xúc cá nhân.

Kết quả khảo sát này cho thấy, các yếu tố quyết định đến việc khán giả trẻ thích xem phim chiến tranh Việt Nam bao gồm nội dung kịch bản, chất lượng kỹ thuật và diễn xuất của diễn viên. Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam có thể học hỏi từ điều này để đầu tư vào việc phát triển các câu chuyện hấp dẫn, nâng cao chất lượng kỹ thuật và chọn lựa diễn viên phù hợp nhằm thu hút khán giả trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của các loại hình giải trí kỹ thuật số ngày nay.

Khảo sát về cảm nhận hoặc điều ấn tượng nhất các tác phẩm phim truyện Việt Nam về đề tài chiến tranh mang lại

Kết quả khảo sát 243 sinh viên cho thấy: Hiểu biết về lịch sử có 91,8% sinh viên cho rằng phim chiến tranh giúp họ hiểu sâu hơn về lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh giá trị giáo dục của phim đối với thế hệ trẻ; Quý trọng hòa bình có 90,5% sinh viên cảm thấy phim giúp họ hiểu và trân trọng hơn nền hòa bình hiện tại, tạo nên lòng biết ơn với các thế hệ trước; Giải trí chiếm 35% sinh viên cho rằng phim chiến tranh mang lại giây phút giải trí, dù thể loại này chủ yếu mang tính giáo dục; Yếu tố khác chỉ có 10,7% sinh viên có cảm nhận riêng, bao gồm xúc động về giá trị nhân văn hoặc sự kết nối cá nhân.

Kết quả trên cho thấy, phim truyện Việt Nam về đề tài chiến tranh có tác động sâu sắc đến khán giả trẻ, đặc biệt là trong việc giáo dục lịch sử và tăng cường nhận thức về giá trị của hòa bình. Các bộ phim này không chỉ giúp khán giả hiểu rõ hơn về quá khứ, mà còn khơi dậy lòng biết ơn và trân trọng đối với những gì họ đang có trong hiện tại. Điều này cho thấy, tiềm năng lớn của điện ảnh chiến tranh trong việc tiếp tục đóng góp vào giáo dục lịch sử và xã hội cho thế hệ trẻ.

Khảo sát về cảm nhận của khán giả Gen Z sau khi xem phim Cánh đồng hoang

Kết quả khảo sát 216/ 243 sinh viên cho thấy: Xuất sắc chiếm 59,7%, đây là tỷ lệ cao nhất, cho thấy phần lớn khán giả rất hài lòng với phim, đặc biệt là về nội dung, diễn xuất và kỹ thuật; Khá chiếm 37%, một phần lớn khán giả đánh giá cao phim, nhưng vẫn thấy có một số điểm cần cải thiện, có thể về kỹ thuật hoặc cốt truyện; Trung bình chiếm 2,8%, rất ít khán giả cảm thấy phim chưa đạt kỳ vọng; Không có đánh giá yếu, cho thấy, phim đã đáp ứng được kỳ vọng tối thiểu của tất cả người xem.

Có thể nói, Cánh đồng hoang là một bộ phim được đánh giá rất cao về chất lượng, với đa số khán giả đánh giá phim ở mức xuất sắc và khá. Cánh đồng hoang là một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng về đề tài chiến tranh, do xí nghiệp phim Tổng hợp sản xuất dưới dạng phim đen trắng vào năm 1979. Nội dung bộ phim kể về cuộc sống của những người dân nghèo khó ở vùng quê Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Hình ảnh là một căn lều đơn sơ được dựng lên giữa đồng nước vùng đất Đồng Tháp Mười. Gia đình chiến sĩ giao liên Ba Đô chốt trụ tại đây. Cuộc sống âm thầm của gia đình nhỏ này bỗng trở nên sôi động đặc biệt, khi cường độ hành quân của bộ đội tăng lên, cùng với việc trực thăng Mỹ tăng cường dò tìm, phát hiện những dấu tích đáng ngờ trên cánh đồng hoang… Cuộc chiến lệch sức giữa vợ chồng Ba Đô với trực thăng Mỹ diễn ra ngày càng khốc liệt giữa một vùng đồng không mông quạnh. Trong cuộc chiến quyết liệt chống trực thăng, Ba Đô đã dũng cảm hy sinh và người vợ, bằng khẩu súng trường của chồng, đã bắn hạ chiếc trực thăng gây tội ác, trả thù cho chồng… Bộ phim đã thành công trong việc tạo ra sức hút đối với khán giả, đặc biệt là trong việc thể hiện các khía cạnh cảm xúc và giá trị lịch sử. Điều này khẳng định bộ phim như một tác phẩm điện ảnh có giá trị trong dòng phim chiến tranh Việt Nam.

Khảo sát về ý nghĩa tích cực nhất mà phim Cánh đồng hoang mang đến cho người xem

Kết quả khảo sát 216/ 243 sinh viên cho thấy: Giáo dục lịch sử có 91,7% khán giả đánh giá cao khả năng cung cấp thông tin và giáo dục lịch sử của phim, đặc biệt trong việc giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam; Góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế chiếm 57,9%; Giải trí và nâng cao đời sống văn hóa có 43,1% khán giả nhận thấy phim đáp ứng nhu cầu giải trí và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, dù nội dung phim nghiêm túc.

Kết quả khảo sát cho thấy, phim Cánh đồng hoang được đánh giá rất cao về giá trị giáo dục lịch sử và tinh thần hòa bình, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu giải trí và nâng cao đời sống tinh thần của khán giả. Phim đã thành công trong việc truyền tải những thông điệp quan trọng về lịch sử, hàn gắn và đoàn kết, mang lại những trải nghiệm tinh thần ý nghĩa cho người xem.

3. Kết luận

Các kết quả từ việc nghiên cứu phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh từ góc nhìn của thế hệ Gen Z là một bước tiến quan trọng để hiểu sâu hơn về sở thích và mong muốn của đối tượng khán giả trẻ trong xã hội hiện đại. Thông qua kết quả khảo sát, chúng ta đã nhận thấy rằng phim chiến tranh vẫn giữ vững sức hấp dẫn và ý nghĩa đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Việc tận dụng internet và mạng xã hội làm công cụ tiếp thị là một cách hiệu quả để tiếp cận và quảng bá phim tới khán giả trẻ. Các nhà làm phim cần chú trọng vào việc phát triển nội dung đa dạng, cũng như tăng cường chất lượng kỹ thuật để tạo ra những trải nghiệm điện ảnh đặc sắc và hấp dẫn.

Kết quả của nghiên cứu đã cung cấp cái nhìn đa chiều về cách mà thế hệ Gen Z đón nhận và đánh giá phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh, cũng như làm nổi bật vai trò quan trọng của nghệ thuật trong việc giáo dục, hòa giải và tạo ra sự hiểu biết, đồng cảm trong xã hội. Đồng thời, việc hiểu sâu hơn về cách mà thế hệ Gen Z tiếp nhận và đánh giá phim truyện điện ảnh về chiến tranh sẽ giúp những người làm phim không chỉ cải thiện chất lượng của các tác phẩm điện ảnh mà còn làm phong phú thêm diễn biến của bức tranh văn hóa xã hội.

____________________

Tài liệu tham khảo

1. Cục Điện ảnh, Lịch sử điện ảnh Việt Nam, tập 1, 2003.

2. Trần Luân Kim, Phương pháp phê bình điện ảnh, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2019.

3. Trần Thị Thu Thủy, Nghiêm Thị Thanh Nhã, Lương Đức Thắng, Giáo trình giáo dục nghệ thuật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

4. Ngô Hồng Vân, Đề tài chiến tranh và hậu chiến trong dòng chảy của điện ảnh Việt Nam, vanhoanghethuat.vn, 26-4-2023.

5. Trần Luân Kim, Cánh đồng hoang - Khúc tình ca bất khuất, thegioidienanh.vn, 7-10-2012.

6. Thái Thái, Trần Mặc, Gen Z ấn tượng vì phim kinh điển Việt “hay đến ám ảnh”, tuoitre.vn, 12-4-2023.

TS VŨ THỊ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;