Phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Bên cạnh những thành tựu to lớn về nông nghiệp đã đạt được, tình trạng khai thác tự nhiên gia tăng và sự thiếu ý thức bảo vệ đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Vấn đề bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, cải thiện môi trường đang được đặt ra rất cấp thiết ở ĐBSCL nói riêng, ở Việt Nam nói chung. Làm thế nào để có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp bền vững với bảo vệ môi trường và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là bài toán cần có thêm lời giải về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Bài viết phân tích thực trạng vấn đề mối quan hệ phát triển nông nghiệp bền vững với bảo vệ môi trường và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu trên.

ĐBSCL là một châu thổ rộng và phì nhiêu, được hình thành cách đây khoảng 7.000 năm do sự bồi lắng của phù sa từ sông Mê Kông và dòng bùn cát ven biển tạo nên với tổng diện tích là 40.557km2. ĐBSCL có vị trí liền kề với vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc và Tây Bắc giáp Campuchia, Tây Ninh, TP.HCM, phía Tây và Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, phía Đông và Đông Nam giáp với Biển Đông. ĐBSCL có một thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ và 12 tỉnh, với 134 quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh, trong đó 15 thành phố trực thuộc tỉnh, 5 quận, 12 thị xã, 102 huyện; 212 phường, 120 thị trấn, 1.292 xã (1).

ĐBSCL chiếm 12% diện tích cả nước, với 21,49 triệu dân, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2020 có 9.898,9 nghìn người (2). Cơ cấu lực lượng lao động phân theo khu vực thành thị và nông thôn có sự chênh lệch lớn, tỷ lệ thất nghiệp nông thôn năm 2020 là 2,53%, thấp hơn so với năm 2019, khu vực nông thôn 2,60 % (3), khu vực thành thị năm 2020 3,73 % thấp hơn so với năm 2019, khu vực thành thị 3,86% (4), khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn có xu hướng ngày càng gia tăng. ĐBSCL giải quyết việc làm ổn định cho hơn hai triệu người lao động, chiếm 18,9%. ĐBSCL có vị trí quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội cả nước, hằng năm sản xuất 50% sản lượng lương thực, đóng góp hơn 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản, xuất khẩu và đóng góp 20% GDP cả nước, là địa bàn giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế cả nước, là vùng trọng điểm sản xuất lúa, gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Công tác giám sát, quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm quản lý chất thải, đánh giá tác động môi trường được quan tâm duy trì thực hiện. Công tác xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được triển khai quyết liệt hơn. Công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chủ động tổ chức thực hiện một cách bài bản và hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường luôn được đề cao. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL được đẩy mạnh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vùng ĐBSCL đã và đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhìn chung còn hạn chế, bất cập, chưa thật sự khơi dậy được những tiềm năng để trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả vùng. ĐBSCL đang phải hứng chịu biến đổi khí hậu: lũ gây ngập lụt từ 1,4 đến 1,9 triệu ha, mùa khô mặn xâm nhập sâu trên khoảng 1,2 triệu đến 1,6 triệu ha vùng ven biển; nhiễm phèn trên khoảng 1,2 đến 1,4 triệu ha ở những vùng trũng thấp, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho khoảng 2,1 triệu ha. Theo thống kê năm 2010, ĐBSCL chỉ có 99 điểm xói lở và sạt lở; đến năm 2019 con số này đã lên đến 564 điểm sạt lở, tăng gấp 5 lần, với tổng chiều dài 830km, mỗi năm 13 tỉnh, thành trong vùng mất từ 300-500 ha đất (5). Sông ngòi bị ô nhiễm không chỉ dẫn đến sự bức tử các vùng đất canh tác nông nghiệp mà còn hủy hoại cả vùng nuôi trồng thủy sản. Hàng nghìn hộ dân rơi vào hoàn cảnh mất nhà, đất, tài sản do bị sạt lở, đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là tình trạng hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL đã khiến cho 6 tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và Cà Mau, phải công bố thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn mặn gây ra tình trạng thiếu nước ngọt đối với người dân ở ĐBSCL, đe dọa trật tự an ninh xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững của cả khu vực, là vấn đề rất đáng báo động. Thực trạng này đã phần nào gây những khó khăn, cản trở phát triển nông nghiệp, nông thôn, là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều loại nông sản có sức cạnh tranh thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, tình hình dịch COVID-19 hoành hành, ĐBSCL cũng phải đối diện với nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; an ninh trật tự ở một số địa phương chưa tốt, hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn kịp thời và còn diễn biến phức tạp, tình hình trật tự biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, an ninh diễn biến khó lường, gây trở ngại cho việc thu hút đầu tư khu vực biên giới. Dịch bệnh còn tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực và gây ra những hệ lụy nặng đề đối với tăng trưởng thương mại và dịch vụ.

Cũng chính vì tư tưởng quá chú trọng tăng trưởng kinh tế bất chấp những hệ lụy xấu về môi trường, biến đổi khí hậu cùng với đó là tình trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác và sử dụng lãng phí, thiếu bền vững đã làm cho ĐBSCL trở thành những vũng đất ngập mặn với 1,8 triệu ha diện tích đất bị nhiễm mặn (6), nhiễm phèn, bị sa mạc hóa, sụt lún (hơn 10 năm gần đây cho thấy, tốc độ sụt lún đất trung bình là 0,96 cm/năm, trong khi nước biển dâng chỉ 0,35 cm/năm, tốc độ sụt lún đất nhanh hơn gấp ba lần so với mực nước biển dâng) (7), sạt lở (theo thống kê, toàn vùng có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786km, trong đó có 42 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài gần 150km), nạn ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát, vấn đề ô nhiễm môi trường đất do hóa chất được sử dụng không hợp lý, dư lượng lớn trong đất và tình trạng quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 1.790 tấn thuốc diệt ốc, 210 tấn thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn thuốc trừ sâu và 4.245 tấn thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL (8). Thực trạng hiện nay ở ĐBSCL là những bài học đắt giá rất đáng phải xem xét và suy ngẫm.

Quy trình sản xuất nông nghiệp ĐBSCL nhìn chung còn ở tình trạng lạc hậu, nên dẫn tới lượng khí thải nhà kính chiếm tỷ lệ cao. Việc phổ biến và chuyển giao kỹ thuật trong nông nghiệp còn yếu, người dân chưa có hiểu biết nhiều về nghề vườn. Đặc biệt, quan điểm phát triển nông nghiệp bền vững chưa được nhận thức thật sự sâu sắc.

Thực trạng mối quan hệ phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL cho thấy: mâu thuẫn giữa quan điểm, thể chế, chính sách đã lạc hậu, chậm đổi mới với những yêu cầu của thực tiễn biến đổi từng ngày. Điều này đã tạo ra những lỗ hổng trong quản lý, dẫn đến những hiện tượng tiêu cực, chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá lợi dụng tàn phá tự nhiên, hủy hoại môi trường, phá hoại sự cân bằng, hài hòa giữa con người với tự nhiên, cản trở sự phát triển bền vững.

Trong bước chuyển từ một vùng nông nghiệp truyền thống sang một vùng nông nghiệp thông minh đã nảy sinh mâu thuẫn giữa trình độ, năng lực của con người trong việc nhận thức và cải tạo các quy luật của tự nhiên và xã hội, giữa phương thức sản xuất và công nghệ lạc hậu với những yêu cầu bảo vệ tự nhiên, môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng trên mọi phương diện, phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới.

Trước hết, cần hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần tập trung vào điều chỉnh một cách đồng bộ, thống nhất các yêu cầu bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi năm 2020, tuy nhiên, để luật này thực sự được thực thi có hiệu quả trong điều kiện ngày càng phức tạp như hiện nay, cần được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hơn nữa. Cần hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật và ban hành những văn bản pháp quy cụ thể như quy định về quản lý chất thải, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, quy định về tội phạm môi trường… Giải quyết mối quan hệ giữa Luật Bảo vệ môi trường và các Luật chuyên ngành trong điều chỉnh pháp luật về môi trường. Phát huy đồng bộ sức mạnh của các biện pháp pháp luật hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Đặc biệt là các biện pháp kinh tế để đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển nông nghiệp và yêu cầu bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện trên các mặt phát triển nông nghiệp bền vững. Các văn bản pháp luật về môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững phải đồng bộ, sát hợp với tình hình thực tiễn, tránh mâu thuẫn, chồng chéo và điều quan trọng là phải được bảo đảm nghiêm chỉnh thi hành trong cuộc sống, đủ sức ngăn chặn các hành vi sai trái, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng xã hội và sự hài hòa, ổn định của tự nhiên.

Thứ hai, phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp; hệ thống quản lý và bảo vệ tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, giống cây trồng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác sử dụng trong nông nghiệp; các phương pháp canh tác tiên tiến và vấn đề bảo vệ môi trường nông nghiệp; quy hoạch tạo sự phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, làm cho đời sống vật chất ở ĐBSCL ngày càng đầy đủ tiện nghi và đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng văn minh, tiến bộ.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng để nâng cao hiệu quả, thực chất, theo hướng thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước, đất và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện thực tiễn của ĐBSCL, tăng cường quản lý rủi ro do thiên tai là ưu tiên, cho dù có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay không.

Thứ ba, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi ruộng đất, xây dựng và thực hiện những chương trình nâng cao năng suất đất đai, sử dụng hợp lý nguồn nước ở các địa phương vùng ĐBSCL; áp dụng những hệ thống sản xuất kết hợp nông-lâm, nông-lâm-ngư nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm sử dụng tổng hợp và có hiệu quả các loại tài nguyên đất, nước và khí hậu.

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước và có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, hai lĩnh vực này chịu tác động mạnh nhất khi quá trình xâm nhập mặn làm thay đổi môi trường đất và nguồn nước. Chính vì thế, thích ứng trong nông nghiệp phải được ưu tiên, cần đa dạng hóa cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đa dạng hóa cây trồng sẽ giảm thiểu được rủi ro thị trường, đồng thời xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp, phù hợp với đặc trưng và điều kiện của vùng. Phát triển nhanh, bền vững ĐBSCL là thay đổi từ tư duy nông nghiệp thuần túy sang “tư duy kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế nông nghiệp thông minh”, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng, nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu. Một trong những nhân tố quan trọng cho việc hiện thực hóa quan điểm đó chính là đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học từ các viện, trường cùng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi. Xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội; chọn mô hình thích ứng với tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập lợ, ngập mặn… Thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành một nhiệm vụ bức thiết, sống còn, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển kinh tế bền vững của ĐBSCL.

 Thứ tư, mở rộng sản xuất và thị trường nông nghiệp sạch, chú trọng khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, giống cây trồng, đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường do các ngành nghề này gây ra; đa dạng hóa cơ cấu sản xuất kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, phân công lại lao động, tạo điều kiện cho việc định cư ổn định, giảm bớt sức ép di dân từ nông thôn ra thành thị; giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân và vườn cây ở những vùng dân cư nghèo.

Cũng cần sự chung tay, sự vào cuộc của các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL tạo cú hích để thúc đẩy liên kết vùng. Tăng cường liên kết, hợp tác một cách thực chất với các địa phương khác để phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của vùng. Trong thời gian tới, các tỉnh ở vùng ĐBSCL đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Chính quyền địa phương và người dân vùng ĐBSCL cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có nhiều mô hình, sáng kiến của các địa phương, người dân trong suốt thời gian tới, vượt qua hạn mặn, sạt lở để từng bước thích ứng. Tuy nhiên, trước những thách thức đang đặt ra, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để Nghị quyết 120/NQ-CP (2017) là kim chỉ nam phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và mang tính đột phá trong thời gian tới, cần quan tâm đến việc tìm đường ra các thị trường lớn cho sản phẩm nông sản của vùng, phải có tuyến vận tải hàng hóa kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế. Về đường biển, Cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ có công suất tiếp nhận tàu 20.000 tấn, tuy nhiên không có hàng hóa ra vào vì luồng sông Hậu phương án đầu tư chưa hoàn chỉnh, đây là điểm nghẽn rất lớn của vùng ĐBSCL.

Thứ năm, về kỹ thuật và công nghệ: nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học; phát triển sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho việc phát triển nền nông nghiệp sinh thái; mở rộng việc áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hiện phổ cập quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM); bảo tồn nguồn gen giống cây trồng của địa phương; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để bảo quản, chế biến nông sản.

Phải tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng với tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Các thách thức trên không phải dự báo mà là hiện hữu. Phải giữ được đất, giữ được nước, đặc biệt giữ được người thì mới gọi là thích ứng thành công với thiên nhiên. Chuyển phương châm sống chung với lũ sang chủ động sống với mặn, khô hạn, tiết kiệm sử dụng nước ngọt, đảm bảo sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng cũng như liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiểu vùng sông Mekong.

Tóm lại, với những tác động nghiêm trọng và thảm họa nặng nề của biến đổi khí hậu, để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thịnh vượng, ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng, thích ứng biến đổi khí hậu cần được đặt là trọng tâm, thay đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ một vùng nông nghiệp truyền thống sang một vùng nông nghiệp thông minh, chọn mô hình tăng trưởng xanh, thân thiện, áp dụng công nghệ mới “sản xuất sạch”, năng lượng tái tạo, hợp tác, phối hợp, liên kết tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm giữa các địa phương trong vùng phát triển nông nghiệp xanh, thông minh... và có những chủ trương, chính sách phù hợp để thích ứng có hiệu quả không chỉ trước mắt mà lâu dài, bền vững.

______________

1, 2, 3, 4. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020, tr.40, 145, 164, 164.

5. Nguyễn Bá, Thúy An, Lời giải nào chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long? Bài 1: Nỗi lo sạt lở bủa vây, thiennhien.net, 25-10-2019.

6. HQ, Những nguy cơ Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt do biến đổi khí hậu, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 1-10-2021.

7. Ứng phó sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, tongcucthuyloi.gov.vn, 16-3-2022.

8. Đăng Khoa, Xuân Lan, Báo động về an ninh nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, kỳ 1, congan.com.vn, 16-11-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, 17-11-2017.

Ths PHAN THỊ MINH HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;