Hệ thống thiết chế văn hóa thôn Tiến Thành (Triệu Sơn, Thanh Hóa)

Trong lịch sử của dân tộc, nông thôn Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, bên cạnh các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa là yếu tố quan trọng đảm bảo cho làng Việt có sức sống trường tồn (1). Thôn Tiến Thành, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, do con cháu thuộc dòng dõi Chúa Trịnh đến khai hoang lập nghiệp. Bài viết tập trung tìm hiểu thiết chế văn hóa nông thôn ở vùng đất này qua ba giai đoạn: trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ 1946 đến 1985 và từ 1986 đến nay.

1. Giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Di tích

Đình làng trong giai đoạn này là nơi thờ cúng Thành hoàng, đồng thời là trung tâm sinh hoạt cộng đồng làng xã. Đình nằm ở vị trí trung tâm của làng, là một tổng thể kiến trúc tương đối rộng rãi để thờ cúng, tế lễ, mở hội hằng năm. Trong giai đoạn này, dân làng dựng lên hai ngôi đình, một ngôi thờ thành hoàng, một ngôi thờ những vị có công khai canh, khai khẩn.

Đình của thôn Tiến Thành được xây dựng khang trang, bề thế trên đất công thổ với mô thức theo hình chữ Công, chữ Đinh hay chữ Nhị, gồm có nhà hậu cung, nhà tiền tế, tả gian, hữu gian và hành lang. Đình được xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, bốn bờ chái trang trí hình hoa lá cách điệu hoặc tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Đình làng có cấu trúc gồm 2 phần đó là hậu cung và tiền tế (đình ngoài), phần đình trong để thờ cúng, còn đình ngoài để hội họp. Phía trước nhà tiền tế là một khoảng sân rộng, nơi mở hội vào các dịp lễ Tết trong năm. Hai bên tả hữu có hai dãy nhà ngang dài từ 5-7 gian, là nơi sửa soạn, chuẩn bị cho ngày lễ tiết và hội hè của làng. Từ đường làng vào sân đình là cổng xây bằng hai hay bốn trụ cổng, độ rộng đủ để cho việc khiêng kiệu, rước đi lại ra vào dễ dàng, phần còn lại là tường bao (2).

Một trong những chức năng quan trọng của đình làng là nơi cúng lễ hằng năm, lễ hội quan trọng nhất của năm là ngày vào đám - vào hội. Đó là dịp vào mùa xuân hay kỵ nhật của Thành hoàng. Trong những ngày hội làng, người dân tiến hành các nghi lễ như rước thần từ nghè tới đình hay từ đình tới chùa hay đền. Đình làng ở giai đoạn này cũng là nơi diễn ra sự phân chia đẳng cấp rất cụ thể, trọng danh hơn trọng hoạn, trọng tuổi hơn trọng sắc, nó là biểu tượng của quyền lực làng xã, tạo nên một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn trở thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ ở thời kỳ bấy giờ.

Liên quan đến ngôi đình còn có nghè. Nghè tại thôn Tiến Thành thời bấy giờ ở gần đình, chỉ có ban thờ lộ thiên, người dân tin tưởng rằng, nghè mới chính là nơi thường trú của Thành hoàng, khi có lễ tiết, hội hè mới rước Thành hoàng ra đình hành lễ, kết thúc hội lại rước Thành hoàng trở lại nghè.

Thờ cúng tổ tiên trong gia đình và dòng tộc trong giai đoạn này cũng được chú trọng, do mang dấu ấn đậm nét của cư dân nông nghiệp Bắc Bộ, trong gia đình người dân thờ phụng nhiều vị thần, bên cạnh thờ tổ tiên, thờ Phật, còn thờ bà Cô, ông Mãnh (ông Hoàng) là những người thân thích chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. Ở một số gia đình, vị trí các bàn thờ được sắp xếp theo quy định, ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ bà Cô, ông Mãnh ở cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên… Việc bài trí bàn thờ gia tiên không hoàn toàn giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và điều kiện của các gia chủ. Nhìn chung, bàn thờ gia tiên nào cũng có những đồ thờ chủ yếu như bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm bồng đựng hoa quả. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ. Gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ đơn giản hơn.

Hoạt động

Hoạt động cưới xin trong thời kỳ này được chú trọng và quan tâm, người xưa quan niệm đây là một trong những việc hệ trọng nhất của đời người. Vì vậy, đám cưới mang một ý nghĩa thiêng liêng, là ngày kết duyên tơ hồng của đôi trai gái và cũng là ngày kết tình thông gia của gia đình hai họ. Do vậy, cách thức và quy trình chọn vợ gả chồng rất nghiêm ngặt, ông cha thường hay nói: “Lấy vợ xem tông - lấy chồng xem giống”. Xét cho cho đến cùng các hoạt động cỗ bàn trong giai đoạn này thực chất là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân.

Giai đoạn này hoạt động ma chay cũng được chú trọng và quan tâm, mỗi khi trong thôn xóm có người mất, mọi người trong làng đều tụ tập đông đủ để lễ viếng, lo hương khói. Mọi thành viên trong thôn, đặc biệt là thanh niên trai tráng được phân chia công việc rất cụ thể như làm nhà táng, kết vòng hoa, đào huyệt nghi thức an táng trọng về nội dung và hình thức. Làng xóm, người thân, đồng hương đến phúng viếng thể hiện sự tương trợ lẫn nhau, giúp đỡ gia đình người mất cả về vật chất lẫn tinh thần, qua đó thể hiện tính cố kết cộng đồng của người Việt xưa.

Nói đến các hình thức sinh hoạt cộng đồng không thể không nhắc tới lễ hội làng. Hội được mở chủ yếu vào mùa xuân và mùa thu, đó là mốc thời gian cho một chu kỳ sản xuất và đời sống của cư dân nông nghiệp. Làng mở hội để cầu mong sự may mắn và thành công cho mùa màng, gia súc cho năng suất cao và con người có nhiều sức khỏe. Bên cạnh đó, nhân dịp này dân làng cầu sự bảo trợ, giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên đối với đời sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Tất cả người dân đều chung tay với việc làng, ý thức rõ ràng về công việc mình làm có liên quan đến cả cộng đồng, nếu tốt thì được thánh ban phúc, nếu xấu thì tai vạ sẽ đến với cả làng. Niềm tin này là một sợi dây liên kết, tác động đến sự đoàn kết, nhất trí của cả cộng đồng, cho dù bất kể ai ở cương vị nào, dù làm một mình hay có mặt nhiều người thì đòi hỏi trách nhiệm và tinh thần tự giác rất cao (3).

Các tổ chức tự nguyện

Trong thời kỳ này, trong thôn tồn tại hoạt động của các tổ chức xã hội mang tính chất tự nguyện do cộng đồng thành lập, không mang tính lợi nhuận, có mục đích cụ thể. Các tổ chức tự nguyện thời gian này chủ yếu mang tính chất hỗ trợ về tình cảm như họ hàng dòng họ, Hội kèn trống, Hội lính… và một số mang tính chất nghề nghiệp như hội về trồng rau, buôn bán, chăn nuôi, Hội cấy thuê… Đặc biệt, trong thôn xuất hiện các hội mang tính chất bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như Hội thơ ca (thơ Đường), Hội chọi gà…

Vấn đề hưởng thụ văn hóa

Nhiều hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân, Tết Thanh minh hay những hội chơi cờ tướng, cờ người… đã thể hiện những giá trị đặc sắc trong hưởng thụ văn hóa thời bấy giờ. Tất cả điều này đã làm cho thôn Tiến Thành nói riêng và làng ở nông thôn Việt Nam nói chung hàng nghìn năm nay vẫn tồn tại và phát triển bền vững.

2. Thôn Tiến Thành giai đoạn 1946-1985

Đây là giai đoạn rất đặc thù, đất nước ta đang phải gồng mình đấu tranh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm, chống đế quốc Mỹ hơn 20 năm. Bên cạnh đó, hoạt động mô hình hợp tác xã giai đoạn này cũng tồn tại và chứa đựng nhiều bất cập, hạn chế. Tất cả các lý do trên dẫn tới thiết chế văn hóa ở thôn Tiến Thành giai đoạn này đã bị phá bỏ rất nghiêm trọng.

Di tích

Nếu như ở giai đoạn trước 1945, đình, chùa, nhà thờ phát triển và là nơi để tụ họp xóm làng, dòng họ, thì đến giai đoạn này, đình, chùa dần bị phá bỏ, đình biến thành sân kho cho hợp tác xã sử dụng làm nơi phơi thóc, chứa lương thực, thực phẩm và các vật tư thiết bị. Có nhiều đình lớn còn bị phá bỏ để làm chợ và trường học. Chùa Di Linh, chùa Bái Mai ở thôn Tiến Thành trong giai đoạn này đã bị phá bỏ hoàn toàn. Nhà văn hóa thôn, câu lạc bộ, thư viện hợp tác xã được thay thế, tuy nhiên, tất cả hoạt động chỉ mang tính chất cầm chừng, không mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút người dân, hoặc nếu có tổ chức thì một năm sinh hoạt hai đến ba lần, một số hoạt động không được tổ chức do không có kinh phí hoặc do người dân chưa tham gia tích cực và nhiệt tình.

Hoạt động

Lễ hội làng gần như đã bỏ hẳn hoặc nếu có cũng chỉ hoạt động rất ít và tổ chức vài năm một lần, thưa đi rất nhiều so với trước kia. Hoạt động cưới hỏi về hình thức vẫn còn, song nó đã thay đổi và biến tướng đi rất nhiều. Nếu như trước kia đám cưới được tổ chức theo phạm vi hai họ gia đình, thì đến thời điểm này hình thức tổ chức tập thể lại phổ biến và chiếm lĩnh ưu thế. Lúc này vai trò quyết định không phải là đôi bên hai họ hay của các cặp vợ chồng nữa mà Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ hay các tổ chức đoàn thể khác đứng ra tổ chức. Hoạt động ma chay trong giai đoạn này cũng được tổ chức đơn giản hơn, nhiều nghi thức không được thực hiện. Hoạt động giỗ tổ họ cũng dần thưa vắng, nhiều dòng họ không còn kinh phí để tổ chức. Chiến tranh tàn phá, cảnh nước mất nhà tan đã khiến cho mọi người phải dốc hết nhân lực và tiền của để phục vụ cho kháng chiến, cho tự do. Điều đó làm cho hoạt động giỗ tổ ngày càng suy giảm và thưa vắng đi rất nhiều so với giai đoạn trước 1945.

Các tổ chức tự nguyện

Trong thời kỳ này, nổi bật lên là hệ thống tổ chức lãnh đạo, cụ thể là Đảng (chi bộ thôn, xã), bên cạnh đó còn có chính quyền nhân dân, các đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đội Thiếu niên tiền phong…). Thiết chế xã hội của các tổ chức phi quan phương (của nhà nước) và khái niệm giáp không còn nữa, các tổ chức khác như hội, phe, phường cũng mất theo.

Vấn đề hưởng thụ văn hóa

Các giá trị văn hóa tín ngưỡng và tinh thần ngày càng thu hẹp lại trong giai đoạn này, thay vào đó là các phương tiện truyền thông mới như radio (đài), báo chí, song không nhiều. Dường như người dân thiếu hụt những giá trị tinh thần rất lớn, khi các thiết chế văn hóa như đền, chùa bị phá bỏ.

3. Thôn Tiến Thành giai đoạn từ 1986 đến nay

Di tích

Từ sau Đổi mới đến nay, nhiều di tích lịch sử được người dân và các cấp chính quyền tiến hành xây dựng lại. Sau nhiều năm bị phá hủy, các hệ giá trị đó vẫn không bị mất đi mà luôn tồn tại âm ỉ và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Những năm gần đây, chùa Di Linh được phục dựng lại, đây vốn dĩ là nơi để cộng đồng xóm làng tập trung tiến hành tổ chức các lễ hội lớn trong năm. Trong giai đoạn này, với chủ trương của Đảng và Chính phủ, được sự hỗ trợ của nhà nước, các nhà văn hóa đã xuất hiện trong khắp các thôn làng. Ngoài việc phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhà văn hóa còn đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân, là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng, địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu văn hóa, thể thao... Đây cũng là nơi phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, các sinh hoạt chính trị như bầu cử, tiếp xúc cử tri… Hiện các nhà văn hóa đang làm khá tốt nhiệm vụ là nơi tiến hành các cuộc họp, các cuộc gặp gỡ của cư dân trong làng xã, nơi giao tiếp xã hội, thực sự là ngôi nhà chung, là không gian sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn Việt Nam (4).

Ở giai đoạn này, việc xây dựng các nhà thờ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Những cuộc họp mặt của dòng họ và con cháu trong nhà thường diễn ra tại một địa điểm thiêng liêng là nhà thờ họ. Các dòng họ mong muốn xây dựng một ngôi nhà thờ họ, để gặp gỡ nhau bàn bạc, đóng góp cho công việc chung trong điều kiện kinh tế đã khá hơn trước. Do đó, nở rộ một phong trào xây dựng nhà thờ họ - viết lại lịch sử dòng họ, vẽ lại cái cây phả họ để lưu lại cho con cháu. Các hoạt động, mô hình khuyến học, khuyến tài được thành lập ở một số dòng họ nhằm khuyến khích con cháu trong dòng tộc cố gắng phát huy học tập, lao động. Khi có con cháu đỗ đạt và có chức danh, chức sắc, học hàm, học vị trong dòng tộc sẽ được ghi tên trong danh sách vàng.

Hoạt động

Các hoạt động văn hóa, lễ hội (bao gồm cả lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội hiện đại) ở giai đoạn này có sức mạnh tập hợp đông đảo nhất. Các sinh hoạt văn hóa quy mô lớn có xu hướng tăng lên với các nghi thức, nghi lễ hiện đại, mang tính xã hội hóa cao. Hằng năm, lễ hội vẫn luôn được cư dân trong thôn tổ chức công phu với đầy đủ phần lễ và phần hội, là cơ sở để người dân cầu mong một năm mới an nhiên. Hoạt động sinh hoạt văn hóa này còn là dịp để dân làng gửi gắm những khát vọng bình yên, ước mong một năm mùa màng bội thu để an tâm làm kinh tế. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, hoạt động lễ hội trong 2 năm nay không diễn ra theo đúng lịch. Thực hiện chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của tỉnh, mọi hoạt động lễ hội trong đó có lễ hội tại thôn Tiến Thành không được tổ chức nhằm hạn chế đối đa việc tụ tập nơi đông người, thích ứng với sự thay đổi mới do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Các tổ chức tự nguyện

Từ sau thời kỳ Đổi mới 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước đã thực hiện đưa đất nước đi lên phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ hoàn toàn những tàn dư của hình thức bao cấp tập trung, thay vào đó là sự tăng cường vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể trong quản lý và lãnh đạo. Nhiều tổ chức đoàn thể lần lượt được thành lập và ra đời nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong… thậm chí là Hội Đồng hương, Hội Sinh vật cảnh, Hội Chơi chim, Hội Cờ tướng… cũng ra đời để giúp đỡ nhau về mặt vật chất cũng như củng cố tình đoàn kết xóm làng. Các tổ chức xã hội tự nguyện tại thôn Tiến Thành giai đoạn này thường hoạt động dựa trên cơ sở của hệ thống mạng lưới những người uy tín, có trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm, có quan hệ xã hội, chuyên môn và nghiệp vụ ở mức độ nhất định. Hầu hết các tổ chức xã hội tự nguyện đều có hoạt động hỗ trợ từ thiện, nhân đạo và giảm nghèo, chỉ khác nhau ở mức độ, quy mô bởi các hoạt động này tùy thuộc vào mục đích, tính chất và nguồn lực của từng tổ chức cụ thể (5). Có thể dễ dàng nhận thấy một số tổ chức xã hội tự nguyện ở cộng đồng nông thôn hiện nay đang duy trì những hoạt động trên lĩnh vực hỗ trợ từ thiện, nhân đạo và giảm nghèo như: Hội Chữ thập đỏ, Hũ gạo tình thương… Mạng lưới này được xem là hạt nhân nòng cốt trong việc tổ chức và thực hiện có hiệu quả các hoạt động của tổ chức tự nguyện trong giai đoạn hiện nay.

Vấn đề hưởng thụ văn hóa

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân ngày càng tăng lên, nhiều hoạt động được mở rộng và khai thác tối đa nhằm phục vụ cho người dân trên cả phương diện giá trị vật chất và tinh thần. Đặc biệt, với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế xã hội, nhiều vấn đề tồn tại nảy sinh, áp lực và sức ép công việc đã làm nhiều người muốn tìm những nơi yên tĩnh để củng cố tinh thần, tạo ra tâm lý thoải mái, thì lúc này đình, chùa và các điểm du lịch tâm linh chính là những nơi thích hợp để con người tìm đến để giải tỏa tinh thần. Chính vì vậy, các yếu tố của thiết chế văn hóa truyền thống không những không bị mất đi mà nó còn tồn tại và ngày càng phát triển trong xã hội đương đại.

Xã hội ngày nay đang biến đổi theo xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, những giá trị của thiết chế văn hóa cổ truyền vẫn luôn được củng cố và phát huy hơn nữa. Đồng thời, nó còn giúp người dân nêu cao ý thức xã hội, tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện để cộng đồng tiếp tục phát triển. Qua hệ thống thiết chế văn hóa thôn Tiến Thành, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ở ba giai đoạn, chúng ta có thể thấy rằng, thiết chế văn hóa cổ truyền giữ vai trò quan trọng, đảm bảo cho làng xã Việt Nam mãi mãi trường tồn trong hàng nghìn năm lịch sử dân tộc.

________________

1.Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa, Tên làng xã Thanh Hóa, tập II, Nxb Thanh Hóa, 2001.

2, 3. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.686.

4. ĐTT, Sự biến đổi không gian văn hóa làng quê Việt Nam từ thiết chế đình làng sang thiết chế nhà văn hóa, thinhvuongvietnam.com, 22-9-2021.

5. Dương Chí Thiện, Vai trò và những đóng góp chủ yếu của các tổ chức xã hội tự nguyện trong xây dựng nông thôn Việt Nam hiện nay, Tạp chí Xã hội học, số 2 (118), 2012, tr.14-22.

TS ĐOÀN VĂN TRƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;