Nhìn lại 30 năm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học ở Ninh Bình

Từ nhận thức sâu sắc về vai trò của các di tích khảo cổ trong việc nhận diện, làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất, những năm qua Ninh Bình đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nghiên cứu khảo cổ học. Đồng thời, chính quyền tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ, đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội ở địa phương.

Một số kết quả khảo cổ học quan trọng

Ninh Bình nằm ở vị trí giao thoa của nhiều vùng địa chất, khí hậu và văn hóa. TK X, nơi đây là kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở nước ta. Điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội đã cho Ninh Bình cơ hội sở hữu khối lượng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, bao gồm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể giá trị.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có gần 450 di sản văn hóa phi vật thể thuộc đủ các loại hình, trong đó có 1 di sản thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt. Trong số 1.821 di tích của tỉnh, có 388 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, 5 bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Đã có 68 di tích khảo cổ được phát hiện, cung cấp các dữ liệu khoa học lịch sử quan trọng về quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội của Ninh Bình từ thời tiền sơ sử, cách ngày nay hàng vạn năm, đến các giai đoạn cách mạng trong lịch sử hiện đại.

Gạch Đại Việt quốc dân thành chuyên, khai quật ở Hoa Lư - Ảnh: Sở VHTT Ninh Bình cung cấp

Chỉ riêng loại hình di tích khảo cổ cũng khá phong phú, đa dạng, như: di tích khảo cổ hang động cổ sinh, cổ nhân, di tích cư trú hang động, mái đá, mộ táng ngoài trời, dấu tích thành quách, cung điện của kinh đô Hoa Lư TK X... Các di tích khảo cổ ở Ninh Bình được phát hiện từ thập niên 60 của thế kỷ trước với nhiều cuộc thăm dò, khai quật quy mô nhỏ. Năm 1997-1998, các nhà khoa học của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh và Viện Khảo cổ học đã phát hiện dấu tích nền móng cung điện TK X, kết quả khai quật được trưng bày bên cạnh đền thờ vua Lê Đại Hành, khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, phục vụ nhân dân và du khách tham quan, học tập và nghiên cứu.

Năm 1998, di tích khảo cổ Mán Bạc được phát hiện (1) và liên tục tiến hành khai quật với quy mô lớn vào các năm 1999, 2001, 2004-2005, 2005 và 2007. Kết quả khai quật cho thấy, di tích chứa đựng khối lượng tư liệu đồ sộ về đồ đá, đồ gốm, di tích động, thực vật, đặc biệt là di tích mộ táng thuộc giai đoạn văn hóa cuối thời Phùng Nguyên, đầu thời kỳ Đồng Đậu, có niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay (2). Đó là minh chứng về việc cư dân cổ Mán Bạc có mối liên hệ tộc người với văn hóa Hoa Lộc, nhóm di tích Cồn Chân Tiên và có mối quan hệ chặt chẽ với cư dân văn hóa Phùng Nguyên; góp thêm tư liệu để phác thảo về diện mạo văn hóa vật chất và tinh thần, cũng như cơ bản khám phá đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Mán Bạc nói riêng, người Việt cổ nói chung thời kỳ tiền Đông Sơn. Nhờ kết quả khai quật này, chúng ta có thêm dữ liệu để khẳng định sự biến đổi của khí hậu, địa mạo, làm thay đổi cảnh quan, môi trường ở Mán Bạc, là tư liệu quan trọng để dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai ở tỉnh Ninh Bình và khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển Bắc Bộ nói chung.

Di tích khảo cổ Mán Bạc được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2017, kết quả khai quật được giới thiệu trong chương trình giáo dục phổ thông. Sau khi kết thúc quá trình khai quật (2007), di tích được lấp bảo quản, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng từ đó đến nay, chưa có điều kiện để xây dựng thành điểm tham quan, nghiên cứu, học tập. Hiện vật thu được từ các đợt khai quật được lưu giữ, trưng bày phục vụ công tác tham quan, giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Ninh Bình trong điều kiện bảo quản còn nhiều khó khăn.

Năm 2007, các cuộc nghiên cứu khảo cổ học tại Quần thể danh thắng Tràng An được khởi động thực hiện và kéo dài trong 8 năm, với sự phối hợp giữa các chuyên gia của Việt Nam và thế giới. Qua đó, đã phát hiện 30 địa điểm khảo cổ chứa đựng dấu tích cư trú của con người tiền sử; 3 địa điểm Hang Bói, Hang Trống và Hang Mòi đã được khai quật nghiên cứu, góp thêm nhiều tư liệu quý về sự xuất hiện và cư trú của con người thời tiền sử ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở đây là cơ sở để khẳng định Quần thể Danh thắng Tràng An “là một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Ðông Nam Á, trải qua hơn 30.000 năm phát triển, là nơi có giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người; là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Ðông Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác” (3). Kết quả trên cùng với nhiều giá trị về vẻ đẹp thẩm mỹ và lịch sử, văn hóa khác đã đủ điều kiện để Tràng An được UNESCO vinh danh là di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Việc Tràng An trở thành di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Ninh Bình, bởi nơi đây đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn đông đảo nhân dân và du khách trong nước, quốc tế, tác động không nhỏ tới chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế của Ninh Bình theo hướng gia tăng giá trị ngành Du lịch, dịch vụ.

Hiện vật trang trí Cá hóa rồng, khai quật ở cố đô Hoa Lư - Ảnh: Sở VHTT Ninh Bình cung cấp

Năm 2019-2020, trong khuôn khổ Đề tài Nghiên cứu, nhận diện Hành đô Sơn Lai thời kỳ đầu nhà nước Đại Cồ Việt, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành, đã tiến hành khai quật 200m2 tại di tích Đền Lăng, thôn Xuân Trì, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Kết quả đã phát hiện vết kiến trúc mờ nhạt và nhiều mảnh vỡ gạch, ngói và trang trí có niên đại thời Đường và thời Đinh - Tiền Lê.

Năm 2020 và 2021, sau cuộc khai quật khẩn cấp di tích mộ gạch tại trường tiểu học xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, nhận thấy đây là khu vực chứa đựng nhiều thông tin cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các chuyên gia của Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) thực hiện liên tiếp các nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ học: Nghiên cứu lịch sử vùng đất Gia Thủy từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt và Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến Cố đô Hoa Lư. Các nhóm nghiên cứu đã thực hiện 5 đợt khai quật di tích mộ gạch thuộc các xã Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường (huyện Nho Quan), Liên Sơn (huyện Gia Viễn) và khai quật nhiều vị trí khác nhau ở Cố đô Hoa Lư. Kết quả ghi nhận: vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên đã có những hoạt động sôi nổi và sớm trở thành một trong những trung tâm lịch sử - chính trị - văn hóa - xã hội có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử hình thành quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, trong đợt khai quật tháng 9- 2021 tại cánh đồng phía Nam đền thờ vua Lê Đại Hành, các nhà khoa học đã phát hiện tìm thấy và phân tách được những dấu tích của ba lớp kiến trúc cung điện thuộc hai thời kỳ Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau và một số di vật, hiện vật TK X, gợi mở nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ.

Nhiều kế hoạch phát triển cho tương lai

Những kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ ở Ninh Bình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và đông đảo công chúng, đóng góp thêm các dữ liệu lịch sử cho hoạt động giáo dục, làm sáng rõ quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội ở Ninh Bình. Những kết quả này đồng thời cũng tạo cơ hội để Ninh Bình xây dựng thêm các sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị, phục vụ đa dạng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của nhân dân và du khách. Từ nhận thức sâu sắc vấn đề này, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tham mưu, đề xuất triển khai nhiều chương trình, dự án mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ và đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ, đáp ứng yêu cầu vừa bảo toàn tính nguyên vẹn của các di tích khảo cổ để phục vụ việc nghiên cứu, học tập, vừa trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho nhân dân và du khách.

Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tiếp tục tổ chức nghiên cứu, điều tra, thăm dò khảo cổ học tại toàn bộ các di tích khảo cổ để quản lý, bảo vệ, triển khai lập quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh; thực hiện dự án nghiên cứu làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khảo cổ đạt được, đặc biệt là kết quả trong 2 năm vừa qua, hướng tới xây dựng Công viên Di sản khảo cổ - lịch sử - văn hóa tại khu vực này, đồng thời nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại để tái hiện kinh đô Hoa Lư xưa, phục vụ yêu cầu giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu du lịch, giải trí, tham quan, học hỏi của nhân dân và du khách trong nước, quốc tế. Sở cũng tiến hành xây dựng kế hoạch nghiên cứu, làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư, thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học tại xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tiến tới đưa các di tích này vào danh mục sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo cơ hội cho sự phát triển toàn diện, đồng đều về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng, miền trong tỉnh. Bên cạnh đó, cơ quan cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực quản lý di sản văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số về di sản văn hóa, chú trọng tổ chức trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc từ kết quả nghiên cứu khảo cổ nhằm giới thiệu cho du khách và cộng đồng về lịch sử, văn hóa Ninh Bình.

Với nỗ lực chung của tỉnh, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình quyết tâm “làm cho lòng đất nói lên tiếng nói của lịch sử” (4), đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong thời gian tới, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học nói riêng, di sản văn hóa nói chung ở Ninh Bình hứa hẹn gặt hái những kết quả đáng kể, góp phần thực hiện thành công Quyết định 1230/QĐ-TTg ngày 15-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

___________

1. Bùi Minh Trí, Nguyễn Cao Tấn, Di chỉ cư trú thời sơ sử lần đầu tiên được phát hiện ở Ninh Bình, Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr.224-225.

2. Lý lịch Di tích Mán Bạc - Sở VHTT Ninh Bình.

3. Lý lịch Di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, thuộc Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL.

4. Tống Quang Thìn, Bài phát biểu tại Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2020.

Ths VŨ THANh LỊCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;