Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Bách Thuận (Thái Bình)

Làng vườn Bách Thuận hướng đến mô hình du lịch xanh - Ảnh: nhandan.vn

1. Tiềm năng du lịch cộng đồng xã Bách Thuận

Làng vườn Bách Thuận ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có một vị trí đặc biệt, được hình thành từ một vùng đất bãi bồi ven sông Hồng từ cuối TK XVII bắt đầu từ những cuộc di dân do thiên nhiên biến đổi bởi dòng nước từ ngã ba Tuần Vường chảy xoáy vào vùng Vị Xuyên - địa phận Phủ Thiên Trường tỉnh Nam Định. Chảy đến đây, sông Hồng đổi hướng và lăn dòng tạo ra “bên lở - bên bồi”, hình thành một vùng đất màu mỡ phì nhiêu. Đây chính là điều kiện để cư dân nhiều dòng họ đến nơi này quần cư, lập nghiệp, mở mang khai khẩn, và cái tên làng Thận Vi - Nam Định xưa, nay đã trở thành làng Thuận Vi, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là làng quê mang nhiều nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ như cổng làng, đường làng, gốc đa, nếp nhà cổ và các công trình tôn giáo như: đình, chùa. Sự gắn bó giữa người dân trong làng quê không chỉ ở quan hệ sở hữu đất đai, những di sản kiến trúc chung của làng, mà còn là sự gắn kết cộng đồng trong đời sống tâm linh, duy trì nếp sống cùng các chuẩn mực xã hội.

Nằm tiếp giáp với cầu Tân Đệ - cửa ngõ của tỉnh Thái Bình, Bách Thuận có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng khi hội tụ điều kiện về giao thông, tài nguyên làng vườn, di sản văn hóa, nếp sống, phong tục truyền thống….

Về giao thông: với vị trí địa lý nằm ngay bên quốc lộ 10, cùng với địa thế nằm sát bến phà Tân Đệ cũ và các bến đò Trung Hòa, Bách Tính nối sang tỉnh Nam Định, làng vườn Bách Thuận rất thuận lợi cho giao thoa phát triển văn hóa, kinh tế, du lịch. Du khách có thể đến Bách Thuận bằng đường bộ, đường sông. Xã Bách Thuận vốn được hình thành từ 4 làng bao gồm: Thượng Xuân, Bách Tính, Thuận Vi, Thuận Nghiệp và có vị trí địa lý nằm ven sông Hồng với 3 bến đò ngang đối diện bên bờ Nam phía bên kia của dòng sông Hồng. Đồng thời, với địa thế nằm dọc theo triền đê cùng với các làng bãi ven sông, các xóm chài bên bờ tả ngạn, Bách Thuận có một vị thế địa lý thuận lợi cho phát triển tuyến du lịch với các điểm nhấn, điểm dừng chân tham quan cho khách du lịch nằm dọc theo các triền đê và du lịch trên sông nối các vùng phụ cận nội tỉnh cũng như liên tỉnh.

Tuyến đường sông thứ nhất: xuất phát từ bến đò Bách Tính xuôi theo dòng sông Hồng đến chùa Keo Duy Nhất (Thái Bình)/ có thể sang chùa Keo Hành Thiện (Nam Định)/ chùa Cổ Lễ (Nam Định). Tuyến đường này áp dụng cho đối tượng khách tìm hiểu các di tích lịch sử.

Tuyến đường sông thứ hai: xuất phát từ bến đò ngang Bách Tính vượt ngang sông tham quan vùng cây cảnh Nam Điền, Nam Trực. Tuyến đường này áp dụng cho du lịch, giao thương và phát triển nghề cây cảnh truyền thống.

Tuyến đường sông thứ ba: xuất phát từ bến đò Trung Hòa đi ngược dòng sông lên vườn hoa cải Hồng Lý, đi tiếp đến đầm Dạ Trạch - nơi thờ Tiên Dung, Chử Đồng Tử tại Hưng Yên, tiếp nữa là làng gốm Bát Tràng và Thăng Long Hà Nội.

Về tài nguyên làng vườn, cây cảnh: Bách Thuận sở hữu diện tích chuyên canh trồng hoa lớn của huyện Vũ Thư với 40ha và trên 300 hộ trồng hoa (1), bao gồm cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, cây cảnh. Nhà ở xen canh, đất đai màu mỡ nên thuận lợi phát triển kinh tế vườn. Các loại cây trồng của địa phương phong phú, đa dạng. Cây ăn quả có nhiều loại như táo, bưởi, ổi, thanh long, xoài, nhãn... Hoa cũng đa dạng với các loại lan, cúc, hồng, thược dược... là nơi cung cấp hoa tươi lớn nhất của tỉnh Thái Bình và cây cảnh nhiều năm tuổi, cây dược liệu. Do có nhiều cây xanh nên cảnh quan của xã đẹp, thoáng mát, không khí trong lành. Vào mùa thu hoạch hoa hòe, du khách có thể tận tay thu hái, phơi, sao và thưởng thức trà hoa hòe tại chỗ. Đặc biệt, người dân nơi đây có làng nghề cây cảnh nổi tiếng. Với sự dẫn dắt phong trào của Hội Sinh vật cảnh Bách Thuận và Câu lạc bộ cây cảnh Bách Thuận cùng với sự chủ động cải tạo, xóa bỏ vườn tạp và nâng cấp tạo thành các mô hình Nhà vườn cây cảnh, Ao nuôi thả cá của các hộ gia đình trong xã, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa là điểm đến hấp dẫn du khách. Du khách đến với Bách Thuận ngoài việc được hưởng không khí trong lành, yên bình, còn có thể trải nghiệm nghề làm vườn, nghệ thuật cây cảnh và cách trang trí, xây dựng nhà vườn…

Về di sản: Bách Thuận là làng quê cổ, tiêu biểu cho các làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ truyền thống mang đậm nét văn hóa cư dân đồng bằng Bắc Bộ với nhiều vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, tiêu biểu cho thời kỳ phong kiến như: thau đồng, mâm đồng, lư... Điển hình như nhà cổ của gia đình ông Vương ở thôn Bách Tính. Ngôi nhà có tuổi đời 100 năm với 3 thế hệ cùng sinh sống, còn lưu giữ nhiều hoa văn, họa tiết, hoành phi, câu đối, cột kèo, và các lớp ngói mũi hài... Ngôi nhà mang nhiều nét đặc trưng về nghệ thuật điêu khắc kiến trúc nhà cổ Việt, phản ánh những nét văn hóa truyền thống của người dân quê lúa Thái Bình. Bên cạnh đó, Bách Thuận có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Trên địa bàn xã hiện có 2 khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia là chùa Từ Vân và chùa Bách Tính; 2 di tích lịch sử văn hóa là từ đường họ Phạm Văn và Trịnh Văn. Toàn xã có 13 nhà có lối kiến trúc đặc sắc, trong đó, 7 nhà có niên đại trên 100 năm (2) được các gia đình sử dụng, giữ gìn và bảo tồn. Bên cạnh đó, Bách Thuận còn có nhiều biệt thự, nhà vườn đẹp, diện tích rộng với không gian 4 mặt thoáng mát.

Nói đến Bách Thuận không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực với những đặc sản từ lúa gạo nổi tiếng khắp vùng. Chợ Thuận Vi có rất nhiều loại bánh, những món ăn như nem nắm, giò, chả... được chế biến bởi sự khéo léo của người dân nơi đây, khiến mỗi món ăn dường như có hương vị đặc trưng riêng.

Do có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nên từ năm 2022, Bách Thuận đã được UBND tỉnh Thái Bình công nhận là khu du lịch nhà vườn. Tuy nhiên, hiện nay tiềm năng du lịch cộng đồng của xã Bách Thuận chưa được triển khai do không có sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, chưa liên kết được các hộ gia đình. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa sẵn sàng với sự thay đổi sinh kế từ thuần nông sang làm dịch vụ, bởi họ cho rằng, làng nghề mà nhiều du khách tham quan, trải nghiệm sẽ không còn giữ được bí mật làng nghề nữa. Do đó, việc khai thác tiềm năng du lịch tại Bách Thuận còn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ và chưa có sự đồng bộ, thiếu sản phẩm đặc trưng. Các công trình phục vụ kinh doanh du lịch như bãi đỗ xe, điểm nghỉ chân, nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn... còn thiếu. Các khu trải nghiệm như trồng hoa, cây cảnh, vui chơi giải trí, ngủ nghỉ cũng chưa hoàn thiện.

2. Một số giải pháp phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Bách Thuận

Để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Bách Thuận, năm 2018, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng (2018-2025). Đề án được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện đưa du lịch cộng đồng làng vườn Bách Thuận trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần và tiềm năng du lịch địa phương. Từ việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Bách Thuận sẽ giám sát hiệu quả và tác động của du lịch cộng đồng tới môi trường, văn hóa, xã hội đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, để làm được điều này một cách tích cực và hiệu quả, cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ từ cả phía chính quyền, người dân, doanh nghiệp lữ hành.

Một là, về quy hoạch, đầu tư. Việc quy hoạch là cần thiết để phân vùng và đầu tư một cách có trọng điểm. Hiện tại, có thể quy hoạch xã Bách Thuận theo tour thăm vườn cảnh, vườn hoa, vườn cây ăn quả, ẩm thực chợ quê, trải nghiệm thu hái sản phẩm nông nghiệp (hái, sao cây dược liệu). Như vậy, sẽ tránh được kiểu đi tour cưỡi ngựa xem hoa, vừa không đọng lại gì cho du khách, vừa lãng phí nguồn lực văn hóa. Chính quyền địa phương cũng có kế hoạch bố trí quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, những sản phẩm hàng hóa mang tính đặc thù của làng vườn Bách Thuận. Xã dự định khôi phục những món ẩm thực cổ và các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, đồng thời quy hoạch khu văn hóa tâm linh. Hiện nay, đề án của tỉnh đang tập trung khai theo các tour:

 Tour xe đạp quanh làng vườn: Tân Đệ - chùa Từ Vân - đền Ả Lữ Phương Dung - vườn đầm Bình Minh - nhà cổ Thuận Vi - đền Đông Vọng - chợ Thuận Vi - nhà cổ Chiến Thắng - đình làng Thuận Vi - bến Trung Hòa - bãi sa bồi - đê bao ngăn lũ - vườn hoa Liên Hồng - nhà cổ Liên Hồng - vườn cây ăn quả, cây cảnh Bách Tính - nhà cổ Bách Tính - đình làng Bách Tính - bến đò; Nhà thờ họ giáo Thuận Nghiệp - đình làng Thuận Nghiệp…

Tuyến du lịch đường sông: Tuyến này dành cho cho đối tượng khách thích khám phá về sinh thái, văn hóa, tâm linh, làng nghề.

Khu du lịch sinh thái làng vườn: tham quan các quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia đình làng Bách Tính, chùa Từ Vân, các đền miếu, một số từ đường của các dòng họ có công đầu tiên xây dựng từ thuở di dân lập làng, các nếp nhà cổ truyền thống, vùng đê bao ngăn lũ, một số nghề truyền thống của làng…

Để phát triển mạnh những tuyến du lịch này, rất cần sự cam kết từ chính quyền khi kêu gọi các doanh nghiệp và người dân địa phương bằng những thủ tục thuận lợi, nhanh chóng, có chính sách ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy tài nguyên tại chỗ.

Hai là, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nguồn lực. Hiện nay, đường sá tại Bách Thuận tương đối đẹp khi đã hầu như được trải bê tông toàn bộ. Tuy vậy, một số nơi đường còn khá nhỏ hẹp và lầy lội do địa hình trũng dẫn đến khó khăn không nhỏ trong việc đi lại. Do đó, cần đầu tư hạ tầng giao thông tốt, nhất là khi Bách Thuận đang triển khai tour xe đạp vòng quanh xã, thì lại càng cần có hạ tầng đồng bộ giữa các điểm đến để tăng trải nghiệm thú vị cho du khách.

Muốn làm du lịch cộng đồng tốt, chủ thể đóng vai trò quyết định chính là người dân. Người dân phải trở thành chủ thể, được đảm bảo lợi ích. Do đó, cần nâng cao ý thức người dân trong việc làm du lịch cộng đồng, hướng dẫn bà con thực hiện từng bước, trước tiên là điều kiện ăn, nghỉ, ngon, sạch, hợp vệ sinh. Sau đó, cần xây dựng không gian xung quanh làng xã làm chỗ trải nghiệm cho khách, tập huấn kỹ năng giao tiếp, chế biến món ăn, nghiệp vụ quản lý vận hành điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng. Cần có các chương trình giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm tại một số mô hình làm du lịch cộng đồng thành công để người dân thay đổi tư duy, nhận thức và kỹ năng về làm du lịch, tự hào về vốn văn hóa địa phương và khai thác vào việc phát triển kinh tế, xã hội.

Ba là, xúc tiến, quảng bá về du lịch cộng đồng tại Bách Thuận thông qua các chương trình quảng cáo có tính chất chuyên nghiệp bằng hình ảnh, các video. Cần đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền một cách thường xuyên. Tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch… xây dựng chuyên mục du lịch trên đài truyền hình địa phương, đài truyền hình quốc gia. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư, các tổ chức và người dân tích cực tham gia công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các hình thức như sổ tay, cẩm nang, bản đồ. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Bốn là, liên kết, kết nối phát triển du lịch cộng đồng. Việc làm du lịch manh mún, nhỏ lẻ, tự phát tất yếu sẽ không bền vững và không mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi hoạt động du lịch là một chuỗi của sự liên kết giữa các yếu tố khác nhau từ điểm du lịch đến các nhà cung cấp dịch vụ du lịch để tạo thành sản phẩm du lịch hoàn thiện. Do đó, để hệ thống các điểm du lịch cộng đồng được khai thác, phát triển hiệu quả, việc tổ chức liên kết với các hình thức và mức độ khác nhau rất quan trọng. Hoạt động liên kết cần có sự tham gia của các thành phần như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp dịch vụ, người dân và cơ quan truyền thông... Để phát triển được du lịch cộng đồng, ngoài sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo của các hãng lữ hành, rất cần sự bắt tay liên kết giữa 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và cơ quan truyền thông. Trong đó, nhà nước (chính quyền địa phương) đóng vai trò “đầu tàu” tạo cơ chế để mở cửa và đưa ra những định hướng, chiến lược phát triển du lịch. Doanh nghiệp là khâu tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, sao cho bảo đảm các yếu tố: giá thành hợp lý, sản phẩm chất lượng, đặc trưng, an toàn, thân thiện với môi trường. Các cơ quan thông tấn báo chí đồng hành trong việc quảng bá hình ảnh tỉnh nhà, các địa danh, địa chỉ lưu trú, góp phần xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, người dân địa phương chính là “đại sứ văn hóa”. Các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện cho các địa phương mở lớp tập huấn, tuyên truyền giúp không chỉ các hộ làm du lịch, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, ứng xử để mỗi người dân có thể là một hướng dẫn viên không chuyên ngay tại điểm đến.

_________________

1. Lý Đinh, Bách Thuận (Thái Bình): Phát triển nghề làm vườn truyền thống, langngheviet.com,vn, 12-3-2023.

2. Hoàng Lanh, Bách Thuận: Tiềm năng du lịch cộng đồng, baothaibinh.com.vn, 15-3-2023.

Tài liệu tham khảo

1. Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. UBND tỉnh Thái Bình, Báo cáo Thực hiện nhiêm vụ trong triển khai lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. HĐND tỉnh Thái Bình, số 25/2017/NQ-HĐND, Nghị quyết phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

TS ĐẶNG THỊ TUYẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;