Đổi mới hoạt động thông tin - thư viện tại Học viện Cảnh sát nhân dân

Thư viện nghiệp vụ Cảnh sát - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Học viện Cảnh sát nhân dân

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 17/NQ-ĐUCA ngày 28-10-2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân (CAND), trong những năm vừa qua, công tác giáo dục đào tạo tại Học viện Cảnh sát nhân dân (HVCSND) đã có những bước phát triển quan trọng cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của Ngành. Trong đó, hoạt động đào tạo được xây dựng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng tiêu chí cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an và của Quốc gia. Chương trình đào tạo liên tục được đổi mới thường xuyên cả về nội dung lẫn hình thức, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng CAND. Một trong những bước đột phá tạo nên thành công cho quá trình đổi mới công tác đào tạo tại HVCSND là việc triển khai hiệu quả hoạt động thông tin - thư viện phục vụ cho hoạt động học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên nhằm hướng tới mục tiêu phát triển HVCSND thành cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia.

1. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động thông tin - thư viện

Thư viện Nghiệp vụ Cảnh sát là một trong những trung tâm hàng đầu quản lý, cung cấp thông tin và tài liệu cho giảng viên và học viên, đáp ứng yêu cầu công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng, trang bị tri thức, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ngành Công an. Là một đơn vị chức năng trực thuộc HVCSND, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và định hướng đúng đắn của Đảng ủy, Ban Giám đốc HVCSND, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã tập trung xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống thư viện đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động thông tin - thư viện nhằm thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên và học viên trong toàn Học viện.

Về hệ thống học liệu

Tổng số tài liệu hiện có trong cơ sở dữ liệu để phục vụ tra cứu là: 40.621 tên tài liệu; 3.218 tên luận văn thạc sĩ; 655 tên luận án tiến sĩ; 873 tên đề tài nghiên cứu khoa học; 3.778 tên khóa luận tốt nghiệp; ngoài ra còn có gần 80 đầu báo, tạp chí phục vụ cho nghiên cứu, học tập và giải trí. Trong đó, chiếm phần lớn (70%) là nguồn tài liệu nội sinh được phát triển từ hệ thống giáo trình, tài liệu học tập và các công trình nghiên cứu khoa học của chính các cán bộ giảng viên và học viên của Học viện.

Không gian thư viện phục vụ bạn đọc

Hiện nay, diện tích sử dụng của Thư viện là hơn 5.000m², được bố trí mỗi tầng 1.000m², hệ thống phòng đọc và tra cứu được phân bổ thành khu vực thư viện truyền thống tại tầng 5, 6, 7 và khu vực thư viện điện tử tại tầng 9, 10 có thể phục vụ 960 chỗ ngồi dành cho bạn đọc. Hệ thống phòng đọc được thiết kế theo hướng thân thiện, tạo cảm giác dễ chịu, thư thái cho bạn đọc trong quá trình đọc và tra cứu tài liệu tại Thư viện và được chia thành nhiều không gian khác nhau tùy theo các loại tài liệu như: Phòng đọc không gian văn hóa Việt, phòng đọc Văn hóa Việt - Nga, phòng đọc Văn hóa Việt - Nhật, phòng đọc tài liệu nghiệp vụ, khu vực tra cứu thông tin, khu vực wifi zone…

Hệ thống thư viện điện tử

Năm 2014, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, HVCSND đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng thư viện điện tử tại Học viện Cảnh sát nhân dân” do tổ chức Koica (Hàn Quốc) tài trợ từ nguồn vốn ODA không hoàn lại trị giá 2,3 triệu USD. Hệ thống thư viện điện tử chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2016 đã cung cấp cho Thư viện Nghiệp vụ Cảnh sát nhân dân hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại gồm: 6 máy chủ DELL R730; 14 Switch cisco 2960; 2 thiết bị lưu trữ SAN 48 TB; 1 firewall Dell Sonic; 100 máy tính để bàn; các thiết bị cổng từ, đầu đọc mã vạch phục vụ công tác xử lý nghiệp vụ thư viện. Dự án cũng giúp tạo lập một hệ thống mạng nội bộ với gần 300 thiết bị phát sóng wifi, 1.000 nút mạng có dây kết nối đến các khu vực nhà hiệu bộ, giảng đường, ký túc xá, qua đó giúp cho cán bộ, giảng viên và học viên dù ngồi ở bất kỳ đâu đều có thể tra cứu và sử dụng những tiện ích của hệ thống thư viện thông qua hệ thống phần mềm quản trị thư viện Tulip.

Hệ thống số hóa tài liệu chuyên dụng

Sử dụng hệ thống máy số hóa tài liệu tự động chuyên dụng ScanRobot của hãng Treventus, Cộng hòa Áo, bao gồm thiết bị quét hiện đại sử dụng công nghệ quét quang qua lăng kính, góc mở sách chữ V, lật giở trang hoàn toàn tự động bằng khí cho phép quét tài liệu với tốc độ lên đến 2.500 trang/ giờ. Hệ thống còn được trang bị các phần mềm xử lý đồng bộ: Phần mềm xử lý hình ảnh. Phần mềm nhận dạng ký tự quang học OCR cho phép nhanh chóng tạo ra các tài liệu số chất lượng cao, dễ dàng đưa vào lưu trữ, khai thác và chia sẻ trên phần mềm quản lý thư viện số.

Hệ thống lưu thông mượn trả sách tự động

Được đặt tại phòng đọc tổng hợp của tòa nhà Thư viện Nghiệp vụ cảnh sát, hệ thống giúp cán bộ và học viên có thể trực tiếp mượn, trả tài liệu mà không cần sự can thiệp của cán bộ thư viện. Các trạm tự mượn/ trả vị trí thường đặt ở đầu các khu vực giá sách. Bạn đọc mượn tài liệu cần có thẻ ID - thẻ thư viện (bao gồm thông tin họ tên, khoa, lớp…) để đăng ký mượn. Các tài liệu phục vụ được gắn chíp thẻ RFID kết hợp công nghệ chỉ từ. Trạm sẽ tự động kiểm tra thông tin các tài liệu trên chip RFID và xác nhận cho mượn (check-out) với thông tin trên thẻ ID, đồng thời bỏ kích hoạt (de-activated) tính năng chống trộm. Sau khi hoàn thành, bạn đọc sẽ nhận được một biên lai ghi thông tin về việc mượn tài liệu và có thể mang tài liệu ra khỏi Thư viện.

Hệ thống trả sách 24/7 được đặt tại sảnh tầng 1 Thư viện Nghiệp vụ Cảnh sát giúp cán bộ, giáo viên có thể trả sách đã mượn bất cứ khi nào (24/7). Khi bạn đọc trả tài liệu tại đây, các thiết bị sẽ kiểm tra thông tin tài liệu. Sau khi nhận dạng đúng tài liệu, thông tin người mượn thì thiết bị sẽ nhận lại tài liệu (check-in) đồng thời kích hoạt tính năng chống trộm và thêm tài liệu vào danh sách tài liệu sẵn sàng cho mượn của Thư viện. Tài liệu sẽ được tự động phân loại theo các thùng và chờ cán bộ thư viện đưa vào xếp giá.

Hệ thống cổng an ninh

Hiện nay, Thư viện đang sử dụng hệ thống an ninh tự động hóa lưu thông sử dụng công nghệ Hybrid, kết hợp giữa hai công nghệ là công nghệ từ (EM) và công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến (RFID). Với giải pháp tích hợp hai công nghệ trong cùng một thiết bị giúp kết hợp những điểm mạnh của mỗi công nghệ đem lại cho hệ thống thiết bị khả năng vận hành tự động, an toàn và chính xác. Hiện nay, đây là công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực thiết bị an ninh thư viện.

Về nguồn nhân lực

Hiện tại, nhân sự trực tiếp phục vụ cho hoạt động thông tin - thư viện là 20 cán bộ, trong đó sĩ quan nghiệp vụ có 13 người (chiếm 65%), cán bộ hợp đồng có 7 cán bộ (chiếm 35%). Nhân sự được đào tạo về các chuyên ngành liên quan đến thư viện là 9 người (chiếm 45%), các chuyên ngành khác là 11 người (chiếm 55%). Đội ngũ nhân sự hiện tại tuy còn thiếu và gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn luôn đảm bảo thực hiện tốt các hoạt động bổ sung, biên mục, quản lý kho, phục vụ bạn đọc, quản lý tài liệu số và quản trị hệ thống.

2. Thực trạng về hoạt động cung cấp thông tin - thư viện tại HVCSND

Trong những năm vừa qua, HVCSND đặc biệt chú trọng đến việc phát triển và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại cùng hệ thống phần mềm tra cứu tiện ích, có khả năng truy cập, khai thác và phân phối thông tin trong toàn Học viện nhằm thỏa mãn được nhu cầu thông tin của bạn đọc ở các mức độ khác nhau. Hoạt động cung cấp thông tin - thư viện tập trung vào một số hoạt động nổi bật như sau:

Quản lý và cung cấp hệ thống phòng đọc theo nhu cầu của bạn đọc với khả năng có thể phục vụ cùng lúc 960 chỗ ngồi. Thời gian phục vụ là các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 và chia làm 3 ca/ ngày. Căn cứ vào nhu cầu nghiên cứu tài liệu của cá nhân, bạn đọc có thể tùy chọn phòng đọc phù hợp. Thông qua hệ thống phần mềm quản trị thư viện Tulip, bạn đọc cũng có thể đặt chỗ trước hoặc hủy chỗ đã đặt trên Thư viện căn cứ vào lịch phục vụ trong ngày. Với hệ thống phòng đọc đa dạng, không gian thân thiện, Thư viện luôn được coi là một điểm đến thu hút các bạn sinh viên trong quá trình thực hiện hoạt động tự học.

Trong thời gian gần đây, Trung tâm đã tập trung ưu tiên xây dựng, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên số hóa thông qua việc số hóa các tài liệu nội sinh, giáo trình của Học viện và các tài liệu quý hiếm; đảm bảo 100% giáo trình nằm trong chương trình đào tạo khung được số hóa và xử lý thành sách điện tử, tạo điều kiện cho giáo viên, học viên dễ dàng sử dụng giáo trình trên mạng nội bộ cho mục đích học tập và nghiên cứu khoa học.

Thư viện bước đầu tiến hành thử nghiệm các loại hình dịch vụ thông tin dựa trên nhu cầu thực tế của các học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu và làm luận văn, luận án. Các yêu cầu của học viên sau khi được gửi đến cán bộ của Trung tâm, sẽ được tập hợp, phân loại, xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu của học viên. Các dịch vụ phổ biến bao gồm: cung cấp thông tin thống kê danh mục luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ; các thông tin phục vụ cho xây dựng tổng quan về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước.

Biên tập và phát hành các sản phẩm thông tin - thư viện truyền thống và hiện đại như: Biên soạn thư mục thông báo sách mới; Xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục: Sách, báo, tạp chí, luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học; cơ sở dữ liệu toàn văn các văn bản pháp quy, luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, Thư viện cũng có một số tồn tại, hạn chế: Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác thư viện và lưu trữ chưa được chuẩn hóa, gây khó khăn trong việc bố trí sắp xếp nhân sự làm công tác thông tin - thư viện. Nguồn kinh phí dành cho công tác bổ sung vốn tài liệu không ổn định...

Các dịch vụ cung cấp thông tin còn hạn chế, chưa đa dạng nên chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và học tập ngày càng cao của bạn đọc. Việc tiếp nhận, xử lý, phân tích và sử dụng các số liệu thống kê liên quan đến hoạt động thông tin - thư viện chưa đầy đủ nên đã khiến công tác tham mưu, định hướng cho hoạt động nghiệp vụ và phục vụ gặp nhiều khó khăn...

3. Một số định hướng góp phần đổi mới hoạt động thông tin - thư viện tại HVCSND

Thứ nhất, tiếp tục bổ sung nguồn tài liệu, cơ sở dữ liệu nhằm đảm bảo tính phong phú, đa dạng về lĩnh vực, tính khoa học, cập nhật, tin cậy về mặt nội dung. Thư viện phấn đấu đến năm 2025 đạt 12 vạn đầu tài liệu các loại trong đó có khoảng 1 vạn đầu tài liệu ngoại văn. Trong đó, tỷ lệ bổ sung tài liệu truyền thống là 60%; tài liệu số hóa, sách điện tử, cơ sở dữ liệu toàn văn trực tuyến là 20%, số hóa tài liệu tại Thư viện là 20%.

Thứ hai, đa dạng hóa hơn nữa các loại hình dịch vụ cung cấp thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin. Các loại hình dịch vụ cần hướng đến tính chuyên sâu về mặt nội dung, sự chuyên biệt về các lĩnh vực và phải được đảm bảo xử lý trong thời gian ngắn nhất.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác lưu trữ và thư viện, đảm bảo thành thạo về mặt chuyên môn nghiệp vụ, có tư duy tổng hợp và nghiên cứu khoa học, có khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ và tin học nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của bạn đọc.

Thứ tư, tiếp tục mở rộng và quy hoạch lại hệ thống phòng đọc, hướng tới việc xây dựng các phòng đọc theo các chuyên đề, tạo không gian thư viện theo hướng phòng đọc mở, đảm bảo tốt hơn nhu cầu thư giãn, giải trí, ngày càng thân thiện hơn với bạn đọc như: khu vực e-book cafe, khu vực wifi zone, hiện đại hóa các phòng đọc đa phương tiện, các phòng thuyết trình.

Thứ năm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa và tăng cường tính tiện ích cho bạn đọc, đảm bảo bạn đọc có thể truy cập được vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin - thư viện ở bất kỳ đâu trong Học viện thông qua các thiết bị điện tử cầm tay thông minh, nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố bảo mật thông tin. Triển khai hệ thống mượn, trả sách tự động, hệ thống kiểm kê tự động nhằm tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin - thư viện.

Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với các khoa chuyên ngành, các giảng viên trong việc xây dựng hệ thống danh mục giáo trình, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo dành cho các hệ đào tạo đảm bảo tính khoa học, cập nhật và tin cậy. Đảm bảo cung cấp kịp thời tài liệu học tập cho học viên.

Thứ bảy, mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết hòa mạng WAN với hệ thống thư viện của Bộ Công an trong việc trao đổi tài liệu, kinh nghiệm tổ chức và quản lý thư viện hiện đại, đào tạo chuyên gia, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng từ nguồn tài trợ nước ngoài thông qua các dự án quốc tế.

Thứ tám, đẩy mạnh marketing hoạt động thư viện để tự quảng cáo hình ảnh, đưa ra các thông điệp marketing tới người dùng tin. Nội dung của thông điệp chính phải thể hiện được nhiệm vụ chiến lược của Thư viện. Bên cạnh đó, thông điệp cần dễ đọc, dễ nhớ, không dài và phải được truyền tải qua những kênh thông tin đa dạng nhằm tăng khả năng tiếp cận với bạn đọc (tờ rơi, poster, web thư viện, mạng xã hội như Facebook. Thông qua hoạt động maketing nhằm mở rộng và tạo quan hệ với bạn đọc và công chúng, tổ chức nhiều hoạt động như câu lạc bộ thư viện, các ngày hội thông tin kết hợp triển lãm các sản phẩm thông tin mới do các chuyên gia hay bạn đọc đóng góp, hoặc tổ chức triển lãm giới thiệu sách theo một chủ đề/ nhân vật và giao lưu với tác giả...

Việc xây dựng mô hình Thư viện Nghiệp vụ Cảnh sát theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu giảng dạy, học tập nghiên cứu của cán bộ giảng viên, học viên mang lại rất nhiều ý nghĩa. Một mặt góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Công an trong việc cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, mặt khác để hướng tới mục tiêu xây dựng Thư viện Nghiệp vụ Cảnh sát trở thành Trung tâm thông tin khoa học đầu ngành, là nơi khai thác, cung cấp tài nguyên thông tin chất lượng cao của lực lượng CAND. Thư viện có khả năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và đào tạo của lực lượng, từng bước trở thành đầu mối liên kết cung cấp thông tin cho các trường trong lực lượng CAND, góp phần vào việc mở rộng quan hệ hợp tác trao đổi thông tin với các trường trong và ngoài lực lượng CAND.

TS LÊ HỒNG HẢI - VŨ THỊ DIỆP - Ths LÊ ĐÌNH HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;